Tiếng Latinh của Đức cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn tại CĐ Vatican II - Giáo Phận Qui Nhơn

Tiếng Latinh của Đức cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn tại CĐ Vatican II - Giáo Phận Qui Nhơn

Những ngày họp Công Đồng, vào lúc 8g mỗi sáng, các chuyến xe chạy ngang qua nơi ở của các nghị phụ để đón các ngài đến Đền thờ Thánh Phêrô và đưa các ngài về vào lúc 13g30 hoặc 14g. Sau đây là những gì diễn ra trong một phiên họp mà Đức cha Mazé thuật lại trong nhật ký:


Các diễn giả đọc bản văn tiếng Latinh của mình trước micro. Mọi người nghe rất rõ nhưng hiểu ít hay nhiều thì còn tùy cách đọc, cách nhấn trọng âm, tốc độ nói của diễn giả. Đức Hồng Y Spellman nói thì hầu như chẳng ai hiểu gì. Các giám mục Pháp thì nói nhấn giọng theo kiểu tiếng Pháp. Các vị người Ý thì … nhấn trọng âm quá mạnh… Các vị người Tây Ban Nha thì nói quá nhanh. Đại khái, các giám mục Phi châu, Đức, Ba Lan và Trung âu nói rất rõ ràng. Thường có thể đoán được quốc tịch của diễn giả khi họ phát biểu. (Nhật ký, tr. 5)

Tôi thán phục sự sử dụng lưu loát tiếng Latinh của nhiều giám mục. Quả đúng là Cicéron! Một vài vị không cần đọc bản văn chẳng hạn như một giám mục Việt Nam mà tôi đã quen biết nhiều khi còn ở Bắc Kỳ, Đức cha Đoàn. Đúng là một yến tiệc khi chuyện trò với vài vị giám mục Tây Ban Nha. Tôi thầm nhủ: không, tiếng Latinh không phải là tử ngữ như từ điển kết luận. Ngồi gần tôi trong Đền thờ Thánh Phêrô là giám mục giáo phận Valencia, ở Tây Ban Nha, ngài chỉ biết tiếng Tây Ban Nha và tiếng Latinh. Nhưng ngài nói tiếng Latinh lưu loát đến độ tôi ước ao thèm muốn, tôi vừa lắng nghe vừa tìm kiếm câu để trả lời ngài. (Nhật ký, tr. 6)

Phiên họp thường kéo dài đến 12g20. Nhưng mọi người có thể lẫn ra và đến quầy ăn nhẹ, ở đó có phục vụ các thức uống nóng, cà phê sữa gọi là “cappuccino” do màu sậm của nó, nước cam, nước khoáng. Có các quầy ăn nhẹ ở hai phía đền thờ, quầy “Jona” và quầy “Abbas”.

Khoảng 12g15, Đức Hồng Y chủ tọa chỉ định diễn giả và người kế tiếp, rồi loan báo “et ultimus”, “Đó là người cuối cùng!”. Tội nghiệp vị diễn giả cuối cùng này, ông phải nói trước đám người điếc vì ai nấy đều mệt mỏi! Hiếm có ai lôi kéo được sự chú ý của đám thính giả. (Nhật ký, tr. 6) 
Mới hơn Cũ hơn