Đức tin không chỉ liên quan đến trí óc và tâm hồn nhưng là tất cả cuộc sống.


Đức tin không chỉ liên quan đến trí óc và tâm hồn nhưng là tất cả cuộc sống.


Đức tin không chỉ liên quan đến trí óc và tâm hồn nhưng là tất cả cuộc sống.
Trong bài giáo lý thứ hai của năm 2013 trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 9-1-2013, Đức cha đã giải thích bài giáo lý mới về thời gian giáng sinh. Ngài nhấn mạnh về mầu nhiệm của Thiên Chúa “Đấng đã từ Trời xuống nhập thể trong thân xác của chúng ta. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã tự nhập thể, đã trở nên người như chúng ta và để mở ra cho chúng ta con đường về Trời, hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn với Ngài.
Trong những ngày này, chúng ta được nhắc lại rất nhiều lần thuật ngữ “nhập thể” của Thiên Chúa,  nhằm diễn tả sự thực điều chúng ta cử hành trong ngày Giáng Sinh : Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người, như chúng ta đọc trong kinh tin kính. Nhưng ý nghĩa của lời trọng tâm này đối với đức tin của người kitô hữu là gì? Bắt nguồn từ tiếng latinh “incarnatio”. Thánh Inhaxio thành Antiôkia, và đặc biệt là thánh Irene đã dùng thuật ngữ này suy tư về lời mở đầu của Phúc âm theo thánh Gioan, cách đặc biệt về thành ngữ : “Ngôi lời đã hóa thành nhục thể” (Gioan 1,14). Lời “nhập thể” ở đây “ý nói đến con người trong toàn bộ con người đó″, ở ngay “dưới các khía cạnh chóng qua và tạm thời, sự khó nghèo và hữu hạn của nó. Điều này muốn nói cho chúng ta biết rằng ơn cứu độ từ Thiên Chúa trở nên nhục thể nơi Đức Giêsu Nazaret, và trong mọi hoàn cảnh chúng ta đụng chạm vào con người thực tế cụ thể của Ngài. Thiên Chúa đã chấp nhận thân phận con người để chữa lành những gì ngăn cách chúng ta với Ngài, để nơi Con Một Ngài, chúng ta được kêu lên “Abba”, “Cha ơi” và để ta thực sự làm con Thiên Chúa. Thánh Irênê đã nói : “Đây là lý do tại sao Ngôi Lời đã nhập thể làm người, vừa là Con Thiên Chúa và là Con của loài người : là để cho con người, khi kết hiệp với Ngôi Lời và lãnh nhận tử hệ thần linh, được trở nên con cái Thiên Chúa” (Adversus haereses, 3,19,1: PG 7,939; x. GLGHCG, 460)”.
“Ngôi lời hóa thành nhục thể” đã trở thành một thực tại quen thuộc, làm cho chúng ta không còn ý thức được sự cao cả mà nó diễn tả nữa. Quả thực trong mùa giáng sinh, người ta thường chú ý nhiều đến những khía cạnh ngoại tại, đến “sắc màu” của ngày lễ, hơn là đến trọng tâm của tính mới mẽ lớn lao Kitô giáo mà chúng ta cử hành : Những điều hoàn toàn không thể thực hiện được, mà chỉ Thiên Chúa có thể làm được, và chúng ta chỉ có thể thông dự vào bằng đức tin. Ngôi Lời [Logos], hướng về Thiên Chúa, là Thiên Chúa, (x. Gioan 1,1), nhờ Ngôi Lời mọi vật được tạo thành, Người đã đồng hành với “con người trong lịch sử với ánh sáng của Người” (x. Ga 1,4-5; 1,9), trở thành nhục thể và “cư ngụ giữa chúng ta, trở nên một như chúng ta” (x. Ga 1,14). Công đồng chung Vatican II đã khẳng định : “Con Thiên Chúa… đã lao động với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Đức Trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (x.Gaudium et spes, 22). Điều quan trọng là lấy lại được sự kinh ngạc trước mầu nhiệm, để chúng ta được bao bọc bởi sự lớn lao của biến cố này : “Thiên Chúa đã đi trên mọi nẻo đường như con người chúng ta, đi vào trong thời gian của nhân loại để kết hiệp chúng ta với chính cuộc sống của Ngài (x. 1 Gioan 1, 1-4). Và Người đã không hành động với vẽ huy hoàng của một quốc vương, thống trị thế giới bằng uy quyền của mình, nhưng với sự khiêm tốn của một trẻ thơ.
Khía cạnh thứ hai ĐTC muốn nói đến đó là : “Thông thường trong dịp lễ Giáng Sinh, người ta trao tặng quà cho những người thân cận. Có thể đây là một cử chỉ được thực hiện theo quy ước, nhưng cách chung là thể hiện tình cảm, là dấu chỉ của tình yêu và sự quý mến. Trong lời nguyện trên lễ vật của Thánh lễ rạng đông Giáng Sinh, chúng ta đã đọc : “Lạy Cha, xin thương nhận của lễ chúng con cùng dâng tiến trong đêm Ánh Sáng này, để nhờ cuộc trao đổi ơn sủng mầu nhiệm này, biến đổi chúng con trong Đức Kitô Con Cha, Đấng đã nâng con người lên đến gần Cha trong vinh quang”. “Bởi vậy, ý tưởng của sự trao ban là trung tâm phụng vụ và nhắc nhở chúng ta ý thức về nguồn gốc của quà tặng Giáng Sinh : Trong đêm cực thánh, Thiên Chúa trở thành nhục thể, Ngài đã muốn tự trở nên quà tặng cho con người, đã trao ban chính Người cho chúng ta; Thiên Chúa đã đón nhận nhân tính để trao ban cho chúng ta Thần tính của Người. Đây là quà tặng vĩ đại. Cũng vậy, khi chúng ta trao tặng điều quan trọng không phải là món quà đó mắc hay rẻ; vì ai không có khả năng trong việc cho đi một ít chính mình, thì luôn luôn cho ít. Bởi vậy, đôi khi người ta cố gắng thay thế tấm lòng và sự dấn thân cho đi chính mình bằng tiền hay vật chất. Mầu Nhiệm Nhập Thể chỉ ra rằng Thiên Chúa không hành động như vậy : Ngài đã không trao ban điều gì khác cho bằng trao ban chính Con Một của Ngài. Chúng ta tìm thấy ở đây mẫu mực của sự trao tặng, vì các mối tương quan của chúng ta, đặc biệt là những người thật quan trọng, họ được hướng dẫn bởi lòng vô vị lợi và tình yêu.”
Suy tư thứ ba của Đức Thánh Cha là :”Hành động Nhập Thể của Thiên Chúa, Đấng tự làm người như chúng ta, tỏ cho chúng ta thấy thực tế chưa từng có của tình yêu Thiên Chúa. Bởi thế, hành động của Thiên Chúa không tự giới hạn ở lời nói, trái lại chúng ta có thể nói rằng Ngài không bằng lòng với lời, mà tự biến mình vào trong lịch sử của chúng ta và thâu tóm nơi chính mình sự khó nhọc và nặng nề của kiếp sống nhân loại. Con Thiên Chúa đã hóa nên con người thật sự, được sinh ra từ Đức Trinh nữ Maria, trong thời gian và không gian hữu định, tại Bêlem trong suốt triều đại của hoàng đế Augustô, dưới thời tổng trấn Quirinô (x.Lc 2,1-2); đã lớn lên trong một gia đình, có bạn bè, đã hình thành một nhóm các môn đệ, đã đào tạo các tông đồ để tiếp tục sứ mạng của mình, đã kết thúc hành trình của cuộc đời trần thế trên thập giá. Cách hành động này của Thiên Chúa là một động lực mạnh mẽ để chúng ta đặt câu hỏi về đức tin hiện tại của chúng ta, một đức tin không bị giới hạn trong phạm vi tâm tư, tình cảm, nhưng phải hòa nhập cụ thể vào trong cuộc sống chúng ta, tức là phải đụng chạm đến cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, cũng như hướng dẫn đời sống cách thiết thực. Thiên Chúa đã không dừng lại nơi lời nói, nhưng Người đã chỉ cho chúng ta phải sống thế nào, Ngài chia sẻ chính kinh nghiệm của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Giáo lý của thánh Giáo hoàng Pio X hỏi rằng : “Để sống theo Ý Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì?”. Câu hỏi này được trả lời : “Để sống theo ý Thiên chúa, chúng ta phải tin rằng chân lý được Thiên Chúa mạc khải và phải tuân giữ các giới răn của Ngài với sự trợ giúp của ân sủng, mà ta lãnh nhận được nhờ bởi các bí tích và kinh nguyện”. Đức tin có một khía cạnh nền tảng không chỉ tác động nơi trí óc và tâm hồn, mà là tất cả cuộc sống của chúng ta.
Điểm suy tư cuối cùng trong bài giáo lý liên quan tới lời khẳng định của Thánh Gioan. “Thánh Gioan nói rằng Ngôi Lời, [logos] từ nguyên thủy đã hướng về Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời mà muôn vật được tạo thành và không có Người chẳng có chi hiện hữu (x. Ga1,1-3). Thánh sử ám chỉ một cách rõ ràng về trình thuật sáng tạo được tìm thấy trong chương đầu của sách Sáng thế, và đọc lại nó dưới ánh sáng của Đức Kitô. Đây là một qui tắc căn bản trong việc đọc kinh thánh: Cựu ước và Tân ước luôn được đọc chung và khởi đi từ Tân ước hé mở cho thấy ý nghĩa sâu xa của Cựu ước. Chính Ngôi Lời, Đấng hiện có luôn hướng về Thiên Chúa, Người là Thiên Chúa, nhờ bởi chính Người mà muôn vật trong đó được tạo thành (x. Col 1,16-17)đã làm người: Thiên Chúa vĩnh hằng đã tự dìm mình vào trong cái hữu hạn của nhân loại, trong thụ tạo của mình, để tái dẫn đưa con người và toàn thể thụ tạo về với Người. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo đã nói : ”Việc tạo dựng thứ nhất tìm thấy ý nghĩa của nó và tột đỉnh của nó trong việc tạo dựng mới nơi Chúa Kitô, nơi đó ánh quang vượt quá ánh quang của việc tạo dựng đầu tiên” (s. 349). Các giáo phụ đã để Đức Giêsu và Adam cạnh nhau, đến nỗi định nghĩa Người là “Ađam mới” hay là Ađam cuối cùng, hình ảnh toàn hảo của Thiên Chúa. Với việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, xảy đến một sự tạo dựng mới, đem lại một câu trả lời hoàn toàn cho câu hỏi “Con người là ai?” Chỉ nơi Đức Giêsu chương trình của Thiên Chúa đối với con người được tỏ lộ hoàn toàn : Người là con người vĩnh viễn theo ý Thiên Chúa. Công đồng chung Vatican II đã tái xác nhận mạnh mẽ rằng : “Thực vậy, mầu nhiệm về con người được nhìn thấy tỏ tường chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể… Đức Kitô, Ađam mới, mới bày tỏ con người cho con người cách trọn vẹn và vén mở cho con người ơn gọi cao cả của mình” (GS 22; GLGHCG, 359). Nơi hài nhi, Con Thiên Chúa được chiêm ngắm trong lễ Giáng Sinh, chúng ta có thể nhận ra không chỉ gương mặt thật của Thiên Chúa mà còn là của chúng ta; chỉ khi nào chúng ta mở lòng mình ra cho hành động của ơn thánh Chúa và mỗi ngày tìm theo Người chúng ta mới thực hiện được chương trình của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Anh chị em thân mến, trong lúc này chúng ta suy niệm đến sự cao cả và sự phong phú tuyệt vời của mầu nhiệm Nhập Thể, hãy để cho Thiên Chúa soi dẫn chúng ta, luôn biến đổi chúng ta thêm nữa để nên như hình ảnh Con của Ngài đã làm người vì chúng ta.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Mới hơn Cũ hơn