Trong buổi tiếp kiến đầu tiên của năm 2012, tại hội trường thánh Phaolô VI, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã phác hoạ bài giáo lý về nguồn gốc của Đức Giêsu và về chân lý của đức tin nảy sinh từ mầu nhiệm nhập thể. Kèm theo bài giáo lý này Ngài mời gọi mỗi người : hãy tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, ngay cả những lúc khó khăn hay khi chúng ta cảm thấy yếu đuối, bởi vì Thiên Chúa luôn hành động cách kỳ diệu trong chính sự yếu đuối.
Sau đây là bài giáo lý của Ngài.
Anh chị em thân mến
Việc Giáng Sinh của Thiên Chúa lần nữa soi chiếu ánh sáng của Ngài vào bóng đêm vẫn thường bao phủ thế giới và tâm hồn của chúng ta, bằng việc mang theo hy vọng và niềm vui. Ánh sáng này đến từ đâu? Từ máng cỏ Bêlem, nơi các mục đồng tìm thấy "Đức Maria, thánh Giuse và hai nhi, đặt nằm trong máng cỏ" (lc 2,16). Khi đối diện với gia đình thánh này làm nảy sinh một câu hỏi sâu xa khác : làm thế nào Con trẻ yếu ớt và nhỏ bé kia đã mang một điều mới lạ triệt để như vậy vào trong thế giới để thay đổi dòng chảy của lịch sử? Có lẽ có một cái gì đó mầu nhiệm trong nguồn gốc của Ngài vượt ra ngoài máng cỏ chăng?
Câu hỏi về nguồn gốc của Đức Giêsu luôn luôn mới mẻ, đây cũng chính là câu hỏi đặt ra cho quan tổng trấn Philatô trong khi xử án :"Ông từ đâu đến?" (Ga 19,29). Thật ra, đây có một nguồn gốc rất rõ ràng. Theo Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu khẳng định :"Tôi là bánh từ trời xuống", những người Do thái phản ứng xì xào :"Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống?" (Ga 6,42). Và không lâu sau đó, các cư dân thành Giêrusalem chống đối lại một cách mạnh mẽ trước sự quả quyết mang tính Thiên sai của Đức Giêsu, họ khẳng định rằng "chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả" (Ga 7,27). Chính Chúa Giêsu ghi nhận yêu sách của họ biết nguồn gốc của Người là không thích hợp, và cho họ một định hướng giúp họ biết Người từ đâu mà đến :"Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người (Ga 7,28). Tất nhiên, Đức Giêsu bắt nguồn từ Nazareth, sinh ra ở Bêlem, nhưng có ai biết được gì về nguồn gốc thật sự của Người?
Trong bốn sách Tin mừng xuất hiện câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi Đức Giêsu "đến từ đâu" : Nguồn gốc thật sự của Ngài là Thiên Chúa Cha, Ngài đến từ Thiên Chúa Cha, nhưng trong một cáchm khác với bất cứ ngôn sứ hay người được Thiên Chúa sai đi trước Người. Nguồn gốc này đến từ mầu nhiệm của Thiên Chúa "không ai biết được", chứa đựng trong trình thuật thời thơ ấu của hai sách phúc âm Matthêu và Luca mà chúng ta đã đọc trong suốt mùa giáng sinh này. Sứ thần Gabriel loan báo: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1,35). Chúng ta lặp lại những lời này mỗi khi chúng ta đọc kinh Tin kính, tuyên xưng đức tin : "et incarnatus est de Spiritu Sancto, ex Maria Virgine"-"Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria". Đọc đến câu này chúng ta cúi đầu bởi vì bức màn che dấu Thiên Chúa được mở ra và chúng ta đụng chạm đến mầu nhiệm khôn dò và khó hiểu của Ngài. Thiên Chúa trở thành Emmanuel "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Khi chúng ta lắng nghe những bộ lễ được các bậc thầy vĩ đại về thánh nhạc sáng tác, ví dụ về bộ lễ của Mozart, chúng ta nhận ra ngay người ta đã dừng lại một cách đặc biệt ở đoạn này, như muốn tìm cách diễn tả với ngôn ngữ phổ thông của âm nhạc, điều mà các lời nói không thể diễn tả được: mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa, đã nhập thể và đã làm người.
Nếu chúng ta xem xét cách cẩn thận câu "Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria", chúng ta sẽ thấy đoạn trên bao gồm bốn chủ thể hành động. Trong cách thức được nhắc đến một cách rõ ràng là Chúa Thánh Thần và Đức Maria nhưng được hiểu ngầm là "Người", nghĩa là Người Con đã nhập thể trong cung lòng Đức Nữ Trinh. Trong kinh tin kính, Đức Đức Giêsu được định nghĩa với nhiều tên gọi khác nhau :"Chúa... Đức Kitô, con duy nhất của Thiên Chúa, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, đồng bản thể với Đức Chúa Cha(Kinh Tin Kính niceno-costantinopolitano). Khi đó chúng ta thấy rằng "Người", quy chiếu vào một nhân vị khác, đó là Thiên Chúa Cha. Vậy chủ thể đầu tiên của câu này là Thiên Chúa Cha, cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa duy nhất.
Sự khẳng định này của kinh Tin Kính không liên quan tới Thiên Chúa vĩnh cửu, nhưng nói về một hành động có sự thông dự của Ba Ngôi Thiên Chúa, được thực hiện qua Đức Nữ Trinh «ex Maria Virgine». Không có Mẹ thì việc Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân lại có lẽ không đạt tới cùng đích và không xảy ra điều gọi là trung tâm của việc tuyên xưng đức tin của chúng ta: Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa ở với chúng ta. Như vậy, Đức Maria thuộc đức tin của chúng ta vào nơi Thiên Chúa, là Đấng hành động và đi vào trong lịch sử. Mẹ đã chuẩn bị tất cả nơi mình, chấp nhận trở thành nơi cho Thiên Chúa ngự.
Một lần nữa, ngay cả trong hành trình của đời sống đức tin, có thể chúng ta cảm thấy được sự nghèo hèn của chúng ta, sự không xứng đáng trước chứng tá cống hiến cho thế giới. Nhưng Thiên Chúa đã chọn đích danh một người nữ khiêm hạ, trong một làng không ai biết đến, trong một tỉnh xa xôi của đế quốc Rôma. Ngay cả giữa những khó khăn nhất cần phải đương đầu, chúng ta phải phó thác nơi Thiên Chúa, canh tân đức tin trong sự hiện diện và hành động của Ngài trong lịch sử, giống như Đức Maria. Không gì là không thể đối với Thiên Chúa! Với Ngài cuộc sống của chúng ta bước đi trên trái đất luôn được vững chắc và mở ra cho tương lai niềm hy vọng vững vàng.
Trong khi tuyên xưng đức tin :"Bởi Phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria", chúng ta khẳng định rằng Chúa Thánh Thần, như là sức mạnh của Thiên Chúa tối cao, đã hoạt động cách nhiệm mầu nơi Đức Trinh Nữ Maria cho việc thụ thai Con Thiên Chúa. Thánh sử Luca đã trích dẫn lời của Sứ thần Gabriel:"Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà"(Lc 1,35). Có hai điều hiển nhiên: Trước hết là trong giây phút tạo dựng. Khởi đầu sách Sáng thế nói rằng "Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước (St 1,2); đó là Thánh Thần Sáng tạo, Đấng đã trao ban sự sống cho tất cả mọi loài và con người. Điều xảy ra nơi Đức Maria, nhờ bởi hành động của chính Thần Khí Thiên Chúa, là một sự tạo dựng mới: Thiên Chúa Đấng đã gọi sự sống từ hư không, với việc Nhập thể trao ban sự sống, khởi đầu mới của nhân loại.
Các Giáo phụ nhiều lần đã nói về Đức Kitô như là Adam mới, để nhấn mạnh sự khởi đầu của một cuộc tạo dựng mới từ việc sinh ra của Con Thiên Chúa trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Điều này làm cho chúng ta suy nghĩ tại sao đức tin cũng đưa vào trong chúng ta một sự mới mẽ như vậy tới độ làm sinh ra một lần thứ hai. Quả vậy, khởi đầu của đời sống Kitô hữu có bí tích Rửa tội, điều đó làm cho chúng ta tái sinh làm con Thiên Chúa, làm cho chúng ta tham dự vào mối tương quan là con mà Đức Giêsu có nơi Thiên Chúa Cha. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta lãnh nhận cách thụ động, bởi vì không ai có khả năng tự mình trở thành con của Thiên Chúa: đó là một ân ban một cách nhưng không. Thánh Phaolô nhắc tới chức làm nghĩa tử của người tín hữu trong đoạn trích thư gởi tín hữu Rôma như sau :"Tất cả những ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: "Ápba! Cha ơi!" Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Ðức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người(Rm 8,14-16). Chỉ khi chúng ta mở lòng mình ra cho hoạt động Thiên Chúa, như Đức Maria; chỉ khi chúng ta tín thác cuộc sống của chúng ta vào Thiên Chúa như một người bạn mà chúng ta hoàn toàn tin tưởng, thì tất cả thay đổi, cuộc sống của chúng ta có được một ý nghĩa mới và một gương mặt mới : gương mặt của những người con của Thiên Chúa Cha, Đấng yêu thương và không bao giờ rời bỏ chúng ta.
Sau cùng tôi muốn nói đến một yêu tố khác trong lời sứ thần truyền tin. Sứ Thần nói với Đức Maria :"Quyền năng của Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà". Điều này gợi đến đám mây thánh, trong hành trình sa mạc, đám mây đã dừng lại trên Lều Hội Ngộ, trên Hòm bia giao ước, mà dân tộc Isarel luôn mang theo với họ, điều đó ám chỉ đến sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Xh 40,40,34-38). Đức Maria luôn là lều thánh mới, hòm bia giao ước mới : với tiếng "xin vâng" của Mẹ, Thiên Chúa đón nhận một nơi ở cho thế giới này, Đấng mà cả vũ trụ không thể chứa nổi, lại ở trong cung lòng một trinh nữ...
Trở lại với vấn nạn ban đầu, về nguồn gốc của Đức Giêsu, được tổng hợp từ câu hỏi của Philatô :"Ông từ đâu đến?", mở ra cho chúng ta những suy nghĩ rõ ràng ngay từ đầu các sách Tin mừng, về nguồn gốc thực sự của Đức Giêsu: Ngài là Con duy nhất của Thiên Chúa Cha, đến từ Thiên Chúa. Đứng trước mầu nhiệm cao cả và sửng sốt mà chúng ta cử hành trong mùa Giáng sinh này: Người là Con của Thiên Chúa, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria. Lời loan báo vang vọng này luôn luôn mới mẻ và mang theo nó niềm hy vọng và niềm vui cho tâm hồn chúng ta, bởi vì nó cho chúng ta biết chắc chắn rằng, ngay cả lúc chúng ta cảm thấy mình yếu đuối, nghèo hèn, thiếu khả năng trước những khó khăn và xấu xa của thế giới, thì quyền năng của Thiên Chúa luôn hoạt động và hành động một cách kỳ diệu trong chính sự yếu đuối. Ơn của Người là sức mạnh của chúng ta. (xem 2 Cor 12,9-10)
Giuseppe Võ Tá Hoàng chuyển ngữ