Trong buổi tiếp kiến chung đầu tiên vào sáng thứ tư ngày 27/03/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi Kitô hữu hãy ra khỏi chính mình, khỏi kiểu sống đức tin mệt mỏi và thủ cựu, khỏi sự cám dỗ tự khép kín, để gặp gỡ người khác, nhất là những người xa cách, những người bị quên lãng, những người rất cần đến sự cảm thông, an ủi, nâng đỡ.
Anh chị em thân mến
Tôi vui mừng đón tiếp anh chị em trong
buổi tiếp kiến đầu tiên này. Với lòng biết ơn và kính trọng sâu xa, tôi thu
lượm “chứng tá” từ đôi tay của vị tiền nhiệm kính mến của tôi, Đức Bênêđictô XVI. Sau lễ Phục sinh chúng ta
sẽ tiếp tục những bài giáo lý của Năm Đức Tin. Hôm nay tôi muốn dừng lại một
chút về Tuần Thánh. Với Chúa nhật Lễ lá chúng ta đã bắt đầu Tuần Thánh – trung
tâm điểm của tất cả Năm Phụng Vụ - Tuần này chúng ta cùng tháp tùng Đức Giêsu
trong sự Thương khó, sự chết và Phục sinh của Người.
Nhưng sống Tuần Thánh muốn nói cho
chúng ta điều gì? Ý nghĩa của việc theo Đức Giêsu trong hành trình lên đồi Can-vê
hướng đến Thập giá và Phục sinh là gì? Trong sứ vụ trần thế của Đức Giêsu,
Người đã rảo trên khắp nẻo đường của Đất Thánh; Người đã kêu gọi 12 môn đệ đơn
sơ để họ ở với Người, chia sẻ lộ trình với Người và tiếp tục sứ mạng của Người;
Người đã chọn họ giữa dân tộc đầy lòng tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Người đã
nói với tất cả mọi người, không phân biệt, người lớn và thấp bé, với người thanh niên giàu có với người góa
phụ, với những người uy quyền và những người yếu đuối; Người đã đem đến lòng
thương xót và tha thứ của Thiên Chúa; Người đã chữa lành, an ủi, cảm thông, trao
ban niềm hy vọng; Người đã đem đến cho mọi người sự hiện diện của Thiên Chúa,
Đấng quan tâm đến từng người nam nữ, như thể một người cha nhân ái, người mẹ
hiền dịu hướng về những đứa con của mình. Thiên Chúa đã không chờ đợi để chúng
ta đến với Người, nhưng Người đã đến với chúng ta, không so đo, không tính toán.
Thiên Chúa là như vậy : Ngài luôn đi bước trước, luôn hướng về chúng ta. Đức
Giêsu đã sống những thực tại hằng ngày của con người: Người đã xúc động trước
đám đông như đàn chiên không người chăn dắt; Người đã khóc thương trước nỗi đau
của Matta và Maria vì cái chết của em mình là Lazarô; Người đã gọi một người
thu thuế làm môn đệ; Người đã chịu sự phản bội của một người bạn. Nơi Người,
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự xác tín rằng Chúa ở cùng chúng ta, ở giữa
chúng ta. Đức Giêsu đã nói “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người
không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Đức Giêsu không có nhà bởi vì nhà của Người là
con người, là chúng ta, sứ mạng của Người mở ra cho tất cả chúng ta những cánh
cửa của Thiên Chúa, đó là sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa.
Trong Tuần Thánh chúng ta sống đỉnh cao
của hành trình này, của chương trình yêu thương diễn ra khắp tất cả dòng lịch
sử của sự tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đức Giêsu vào thành
Giêrusalem để hoàn tất giai đoạn cuối cùng, qua đó tóm lại tất cả cuộc sống của
Người : Tự hiến cách trọn vẹn, không giữ điều gì cho mình, ngay cả mạng sống.
Trong bữa ăn cuối cùng với các bạn hữu mình, Người bẻ bánh và trao ly rượu “cho
chúng ta”. Con Thiên Chúa tự hiến cho chúng ta, trao nộp trong đôi tay chúng ta
Mình và Máu của Người để ở với chúng ta, để sống giữa chúng ta luôn mãi. Và
trong vườn cây dầu, cũng như trong phiên xử trước quan Philatô, Người không
kháng cự, nhưng tự hiến; là người Tôi tớ đau khổ đã được ngôn sứ Isaia tiên
báo, Đấng đã cởi bỏ chính mình cho đến chết (x. Is 53,12)
Đức Giêsu không sống thụ động tình yêu
này mà dẫn đến việc tự hiến, hoặc như một định mệnh tiền định; tất nhiên không che
giấu sự xao xuyến nhân loại sâu xa của Người trước cái chết bạo lực, nhưng
Người phó thác với tất cả sự tin tưởng vào Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu tự nguyện trao
nộp cho cái chết để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa Cha, trong sự hiệp nhất
trọn vẹn với Thánh ý Cha, để chứng tỏ tình yêu của Người cho chúng ta. Trên
Thập Giá Đức Giêsu “đã yêu mến tôi và đã
trao nộp chính mình vì tôi” (Gal 2,20). Nhiều người trong chúng ta có thể nói :
Người đã yêu mến tôi, và đã trao nộp chính mình vì tôi. Chúng ta có thể nói
điều này “vì tôi”..
Tất cả những
điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Nghĩa là điều đó là của tôi, cũng như của
bạn, là con đường của chúng ta. Sống Tuần Thánh bước theo Chúa Giêsu không chỉ
là cảm xúc của tâm hồn; Sống Tuần Thánh bước theo Đức Giêsu là học để thoát ra
khỏi chính mình – như tôi đã nói trong Chúa nhật trước – để ra đi gặp gỡ những
người khác, hướng đến mọi nẻo đường của cuộc sống, những điều trước tiên là đến
với anh chị em mình, nhất là những người xa cách, những người bị quên lãng, những
người rất cần đến sự cảm thông, an ủi, nâng đỡ. Có biết bao nhu cầu mang niềm
hy vọng sống động của Đức Giêsu từ bi và giàu lòng yêu thương!
Sống Tuần Thánh
là ngày càng đi vào trong sự hợp lý của Thiên Chúa, trong sự hợp lý của Thập
giá, trước hết không phải là của đau khổ và sự chết, nhưng là của tình yêu và
của sự tự hiến chính mình để đem lại sự sống. Đó là đi vào trong sự hợp lý của
Tin mừng. Bước theo, tháp tùng với Đức Kitô, lưu lại với Người đòi hỏi việc “ra
khỏi”, thoát ra. Ra khỏi chính mình, khỏi kiểu sống đức tin mệt mỏi và thủ cựu,
khỏi sự cám dỗ tự khép kín trong những dự án của mình để rồi đóng lại triển
vọng của hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ra khỏi chính mình để
đến ở giữa chúng ta, Người đã cắm lều của Người giữa chúng ta để đem lại cho
chúng ta lòng thương xót của Người, Đấng cứu độ và trao ban niềm hy vọng. Cả
chúng ta nữa, nếu chúng ta muốn đi theo Người và lưu lại cùng Người, chúng ta không
được hài lòng ở lại trong ràng của 99 con chiên, nhưng chúng ta phải “thoát
ra”, cùng với Người tìm kiếm con chiên lạc, chiên xa cách. Anh chị em hãy nhớ:
Hãy ra khỏi chính mình, như Đức Giêsu, Như Thiên Chúa đã ra khỏi chính mình nơi
Đức Giêsu và Đức Giêsu đã ra khỏi chính mình vì tất cả chúng ta.
Nhiều người nói với tôi rằng : “Thưa
cha, con không có thời gian”, “Có nhiều
việc con phải làm”, “thật là khó”, “Con có thể làm gì được với sức lực ít ỏi
của con, cũng như với tội lỗi của con, với bao nhiều điều khác? Chúng ta thường
thỏa mãn bằng vài lời kinh nguyện, bằng thánh lễ Chúa nhật chia trí, không tập
trung, vài cử chỉ bác ái, nhưng chúng ta không có sự can đảm “ra khỏi” để mang
Đức Kitô. Chúng ta có đôi phần giống như thánh Phêrô. Ngay khi Đức Giêsu nói về
sự thương khó, cái chết và phục sinh, về sự tự hiến, về tình yêu hướng về nhân
loại, thánh Tông Đồ kéo Chúa sang một bên và trách mắng Chúa. Vì điều mà Đức
Giêsu nói làm đảo lộn các dự tính của ông, có vẻ không thể chấp nhận được, dẫn
đến sự cản trở những điều chắc chắn mà ông đã xây dựng, là ý tưởng của ông về
Đấng Messia. Đức Giêsu nhìn các môn đệ và hướng về thánh Phêrô bằng một trong
những lời rất cứng rắn của các Tin Mừng : “Satan hãy lui đằng sau Ta! Bởi vì tư
tưởng của ngươi không phải là của Thiên Chúa, nhưng là của con người” (Mc
8,33). Thiên Chúa luôn suy nghĩ với lòng từ bi : anh chị em đừng quên điều này.
Thiên Chúa luôn nghĩ với lòng từ bi : là người Cha từ bi! Thiên Chúa suy nghĩ như
người Cha, đang đợi sự trở về của đứa con và chạy ra gặp nó, khi thấy con đang đến từ đằng xa… Điều này có
nghĩa gì? Nghĩa là mỗi ngày ông đã đi ra để gặp thấy đứa con nếu nó quay về nhà
: Đây là lòng thương xót của Cha chúng ta. Đó là dấu chỉ mà với tấm lòng người
cha đã chờ đợi con trên sân thượng của nhà mình. Thiên Chúa suy nghĩ như người Samaritano,
không đi gần để thương hại người bất hạnh, hoặc nhìn sang phía khác, nhưng cứu
giúp người ấy, không đòi hỏi một sự trao đổi nào; không hỏi xem đó là dân
ngoại, người Do thái, hay Samariatano, người giầu có hay nghèo khó : ông không hỏi
điều gì. Không hỏi những điều này, không hỏi gì. Ông đã ra đi với sự giúp đỡ
của ông : Thiên Chúa là như vậy. Thiên Chúa như người mục tử hiến dâng mạng
sống để bảo vệ và cứu đàn chiên.
Tuần Thánh là thời gian của ân sủng mà
Thiên Chúa ban cho chúng ta để mở những cánh cửa của tâm hồn chúng ta, của cuộc
sống, của xứ đạo chúng ta, của những phong trào, những hiệp hội, và “đi ra” gặp
gỡ người khác, làm cho chúng ta gần nhau để đem đến ánh sáng và niềm vui đức
tin của chúng ta. Luôn ra khỏi! thoát ra với tình yêu với sự dịu dàng của Thiên
Chúa, trong sự kính trọng, kiên nhẫn, nhận biết rằng chúng ta cùng đặt đôi tay
của chúng ta, đôi chân của chúng ta, tâm hồn của chúng ta, nhưng chính Thiên
Chúa Đấng hướng dẫn và mang lại sự phong phú cho từng hành động của chúng ta.
Chúc cho mọi
người sống trọn những ngày theo Chúa này với sự can đảm, mang nơi mình sự can
đảm của tình yêu Thiên Chúa cho những người chúng ta gặp gỡ.
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ