Hôm qua Chúa nhật 19/05, tại quảng trường thánh Phêrô Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Có 70 Hồng y và Giám mục, khoảng 400 linh mục cùng đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ này. Cùng với sự tham dự động đảo của hàng trăm nghìn tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới, các thành viên các phong trào, hội đoàn và các hiệp hội chật kín cả quảng trường. Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Ngày hôm nay chúng ta cùng chiêm ngắm và sống lại trong phụng vụ sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần của Đức Kitô Phục sinh trên Giáo hội của Người; một biến cố của ân sủng đã tràn ngập phòng tiệc ly ở Giêrusalem để lan rộng ra cho toàn thể thế giới.
Anh chị em thân mến
Ngày hôm nay chúng ta cùng chiêm ngắm và sống lại trong phụng vụ sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần của Đức Kitô Phục sinh trên Giáo hội của Người; một biến cố của ân sủng đã tràn ngập phòng tiệc ly ở Giêrusalem để lan rộng ra cho toàn thể thế giới.
Điều gì xảy ra trong ngày xa xưa đó, nhưng lại rất gần vì đạt được sự mật thiết trong tâm hồn chúng ta? Thánh Luca cho chúng ta câu trả lời trong đoạn sách Tông Đồ Công Vụ mà chúng ta đã nghe (Cv 2,1-11). Thánh sử đã dẫn chúng ta về Giêrusalem, ở tầng trên của căn nhà nơi các Tông đồ họp nhau. Yếu tố đầu tiên lôi cuốn sự chú ý của chúng ta là tiếng động bất ngờ đến từ trời, như một “tiếng gió mạnh thổi tới” và tràn ngập căn nhà; tiếp đến “có những lưỡi như lửa” phân ra và đậu trên từng môn đệ. Tiếng động và những lưỡi lửa là những dấu chỉ rõ ràng và cụ thể động chạm đến các môn đệ, không chỉ bề ngoài mà còn bên trong nội tâm họ : trong tâm trí và trong trái tim. Hậu quả là “tất cả được đầy tràn Thánh Thần”, mà qua đó sự linh động của Ngài phát ra không thể chống cự nổi, với kết quả không tưởng được : “họ bắt đầu nói được các thứ tiếng khác nhau trên thế giới tùy theo Thánh Thần ban cho khả năng để họ trình bày”. Như thế nó mở ra cho chúng ta một bức tranh ngoài mong đợi : một đám đông lớn tụ họp lại và tràn đầy kinh ngạc, bởi vì họ nghe được các Tông đồ nói bằng ngôn ngữ của họ. Tất cả sống một kinh nghiệm mới, chưa từng xảy ra trước kia : “chúng tôi đều nghe họ nói thứ tiếng của chúng tôi”. Và họ đang nói đều gì? Họ nói về công trình vĩ đại của Thiên Chúa.
Dưới ánh sáng của đoạn sách Công Vụ, tôi muốn suy tư trên ba từ liên hệ tới hành động của Thánh Thần : tính mới lạ, sự hòa hợp và sứ mạng truyền giáo.
1. Tính mới lạ luôn làm cho chúng ta sợ hãi một chút, bởi vì chúng ta cảm thấy chắc chắn hơn nếu chúng ta có tất cả dưới sự kiểm soát, nếu chúng ta xây dựng một chương trình, một dự án cho cuộc sống mình theo các sơ đồ, sự an toàn, những sở thích của chúng ta. Điều này cũng xảy ra với Thiên Chúa. Thường chúng ta theo Ngài, đón nhận Ngài, nhưng chỉ một phần; thật khó từ bỏ mình để đến với Ngài với trọn niềm tín thác, bằng cách để cho Chúa Thánh Thần là linh hồn hướng dẫn cuộc sống chúng ta, trong tất cả mọi lựa chọn; Chúng ta sợ rằng Thiên Chúa làm cho chúng ta đi trên con đường mới, làm cho chúng ta thoát ra khỏi tầm nhìn thường bị giới hạn của chúng ta, là khép kín, ích kỷ nhằm mở ra cho chúng ta những viễn tượng của Ngài. Nhưng trong toàn bộ lịch sử cứu độ, khi Thiên Chúa tự mạc khải, Người đều mang đến sự mới lạ – Thiên Chúa luôn mang đến sự mới lạ – làm thay đổi và đòi hỏi chúng ta niềm tin cậy vào Ngài cách trọn vẹn : Như Nòe đóng nên một con tàu bị mọi người chế nhạo nhưng được cứu độ; Abraham bỏ lại quê hương mình với chỉ một lời hứa trong tay; Môisê đối phó với sức mạnh của pharaon và hướng dẫn dân tộc đến tự do; Các Tông đồ, sợ hãi và khép kín trong phòng tiệc ly, họ đã ra đi với lòng can đảm để loan báo Tin Mừng. Không phải là mới lạ để mà mới lạ, tìm kiếm điều mới để vượt qua sự buồn chán, như vẫn thường xảy ra trong thời đại của chúng ta. Tính mới lạ mà Thiên Chúa mang đến trong cuộc sống chúng ta đó là điều Ngài thực hiện cho chúng ta thực sự, điều mà Ngài ban cho chúng ta là niềm vui đích thực, bình an đích thực, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài chỉ muốn điều lành cho chúng ta. Hôm nay chúng ta tự hỏi : chúng ta đã mở lòng ra cho những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa chưa? Hay chúng ta đang đóng lại với nỗi sợ hãi, đối với sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần? Chúng ta có can đảm để ra đi theo những con đường mới mà sự mới mẻ của Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta hay chúng ta đang tự vệ, khép kín trong những cơ cấu nhất thời làm mất đi khả năng đón nhận? Sẽ làm cho chúng ta tốt hơn khi thực hiện những câu hỏi này suốt từng ngày.
2. Tư tưởng thứ hai : nhìn bề ngoài, dường như Chúa Thánh Thần tạo ra sự xáo trộn trong Giáo hội, bởi vì Ngài đem lại sự khác biệt các đặc sủng, các ơn sủng; Tuy vậy nhưng tất cả đều dưới hành động của Ngài, là một sự phong phú lớn lao, bởi vì Chúa Thánh Thần là Thần Khí của sự hiệp nhất, không có nghĩa là đồng nhất, nhưng dẫn đưa tất cả đến sự hòa hợp. Chúa Thánh Thần làm nên sự hòa hợp trong Giáo hội. Tôi rất thích sự diễn đạt của một trong những Giáo phụ của Giáo hội gọi : Chúa Thánh Thần là “ipse harmonia est”. Thánh Thần chính là sự hòa hợp. Chỉ có Ngài mới có thể sinh ra sự khác biệt, đa dạng, vô số và làm nên hợp nhất. Cũng như ở đây, khi chúng ta muốn làm nên sự khác biệt thì chúng ta tự đóng kín trong những điều riêng tư nhất, trong những cái độc quyền nhất của mình, là chúng ta đem lại sự chia rẽ; và khi chúng ta muốn tạo sự hiệp nhất theo những dự tính nhân loại của mình, chúng ta kết thúc bằng việc đem lại sự đồng nhất, đồng nhất hóa. Bởi thế nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì sự phong phú, đa dạng, khác biệt không bao giờ trở nên đối chọi nhau, bởi vì Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta sống tính đa dạng trong sự hiệp thông với Giáo hội. Đồng hành với Giáo hội, được hướng dẫn bởi các Mục tử, những người có đặc sủng và sứ vụ đặc biệt, là dấu chỉ hành động của Chúa Thánh Thần; Giáo hội tính là một đặc tính nền tảng đối với mỗi Kitô hữu, mỗi cộng đoàn và mỗi phong trào. Giáo hội đưa Đức Kitô đến cho tôi và đưa tôi đến với Đức Kitô; những con đường song song rất nguy hiểm! khi chúng ta liều lĩnh đi vượt quá (proagon) giáo huấn và tính cộng đoàn, Giáo hội không ở trong chúng ta thì chúng ta không hiệp nhất với Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô (x. 2Ga 1,9 ) Chúng ta thử tự hỏi: chúng ta đã mở lòng cho Chúa Thánh Thần, vượt qua mọi cái riêng tư nhất chưa? Có để cho Ngài hướng dẫn mình sống trong Giáo hội và với Giáo hội không?
3. Điểm cuối cùng: Các thần học gia thời xưa nói : linh hồn là một loại thuyền buồm, Chúa Thánh Thần là gió thổi vào cánh buồm để làm cho nó tiến về phía trước, sự đẩy và lực đẩy của gió là các ơn của Thánh Thần. Nếu không có lực đẩy của Ngài, không có ơn của Ngài, chúng ta không thể tiến về phía trước được. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta đi vào trong mầu nhiệm của Thiên chúa hằng sống và cứu chúng ta khỏi hiểm nguy của một Giáo hội vô ngộ và tự quy chiếu về chính mình, đóng kín trong tường rào của mình; Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đến việc mở ra những cánh cửa để ra đi, loan báo và làm chứng cho cuộc sống tốt đẹp của Tin Mừng, loan báo niềm vui của đức tin, của sự gặp gỡ Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mạng truyền giáo. Bao nhiêu điều đã xảy ra ở Giêrusalem hơn 2000 năm qua không phải là một sự kiện ở xa chúng ta, nhưng là một sự kiện chúng ta đạt được, làm tăng thêm kinh nghiệm sống động trong từng người chúng ta. Lễ Hiện Xuống trong phòng tiệc ly của Giêrusalem là khởi đầu, một sự khởi đầu được nối dài. Chúa Thánh Thần là tặng phẩm tuyệt diệu của Đức Kitô Phục sinh ban cho các Môn đệ của Người, nhưng Người muốn hướng đến tất cả mọi người. Chúa Giêsu, như chúng ta đã lắng nghe trong Tin mừng, nói rằng : “Người sẽ xin Thiên Chúa Cha ban Đấng Phù trợ để Người ở cùng các môn đệ luôn mãi (Ga 14,16). Là Thần Khí phù trợ, “Đấng An Ủi”, trao ban sự can đảm để mang Tin mừng đi trên mọi nẻo đường thế gian! Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta thấy những tầm nhìn và thúc đẩy chúng ta đến mọi thôn quê cuộc sống để loan báo sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy tự hỏi, chúng ta có khuynh hướng tự khép mình, trong nhóm của mình, hay chúng ta để cho Chúa Thánh Thần mở ra cho chúng ta đến sứ mạng truyền giáo?. Chúng ta hãy nhớ ba lời này : Tính mới lạ, hòa hợp và sứ mạng truyền giáo.
Phụng vụ hôm nay là một lời cầu nguyện lớn lao của Giáo hội cùng với Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, để người canh tân đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần. Nhiều người trong chúng ta, mỗi nhóm, mỗi phong trào, hướng lòng lên Chúa Cha để cầu xin ơn này trong sự hòa hợp với Giáo hội. Ngay cả hôm nay, như lúc khởi đầu, cùng với Đức Maria Giáo hội cầu khẩn : “Veni Sancte Spiritus” “lạy Thánh Thần xin hãy đến, đổ đầy tâm hồn các tín hữu Chúa và xin thắp lên lửa yêu mến trong lòng họ” Amen.
© Copyright 2013 – Libreria Editrice Vaticana
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ