Hãy sống Tin mừng bằng sự khiêm nhường và can đảm!

“Hãy sống Tin mừng bằng sự khiêm nhường và can đảm! làm chứng cho sự mới mẻ, hy vọng, niềm vui mà Thiên Chúa đem đến cho cuộc sống. Hãy cảm nhận nơi mình “sự ngọt ngào và niềm vui an lạc của việc rao giảng”. Đó là những lời huấn từ trong loạt bài giáo lý về Kinh Tin Kính của Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư ngày 22/05/2013.

Anh chị em thân mến

Trong Kinh Tin Kính, ngay sau khi tuyên xưng đức tin vào Chúa Thánh Thần, chúng ta nói “Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Thật thế, có một mối tương quan sâu xa giữa hai thực tại của đức tin này đó là Chúa Thánh Thần, Đấng đã trao ban sự sống cho Giáo hội, hướng dẫn từng bước chân của Giáo hội. Không có sự hiện diện và hành động liên lỉ của Chúa Thánh Thần Giáo hội không thể sống và không thể thực nhiệm vụ Chúa Giêsu Phục sinh đã trao phó ra là ra đi và làm cho muôn dân thành các môn đệ (x. Mt 28,18). Rao giảng Tin mừng là sứ mạng của Giáo hội, không chỉ của một ai đó, mà là của tôi, của bạn, là sứ mạng của chúng ta. Thánh tông đồ Phaolô đã phải kêu lên rằng : “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng!” (1Cor 9,16). Mỗi người chúng ta phải là người rao giảng, nhất là bằng cuộc sống! Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nhấn mạnh rằng “Rao giảng Tin mừng… là một ơn và là ơn gọi của chính Giáo hội, căn tính sâu xa của Giáo hội. Giáo hội hiện hữu để rao giảng Tin mừng” (Esort. ap. Evangelii nuntiandi, 14).


“Ai là động lực đích thực của việc rao giảng trong Giáo hội và trong cuộc sống của chúng ta? ĐTC Phaolô VI đã viết rất rõ : “Là chính Chúa Thánh Thần, hôm nay như lúc khởi đầu của Giáo hội, Ngài hoạt động trong mỗi người rao giảng, họ để Ngài chiếm hữu và hướng dẫn. Ngài gợi lên những lời mà một mình họ không thể tìm ra, đồng thời chuẩn bị tâm hồn của người lắng nghe để họ mở lòng đón nhận Tin Mừng và Vương Quốc đã được loan báo” (ibid., 75). Như vậy, để rao giảng Tin mừng một lần nữa cần phải mở ra cho viễn tượng của Thần Khí Chúa, không hề sợ những điều Ngài đòi hỏi và nơi Ngài dẫn chúng ta tới. Chúng ta hãy tín thác vào Ngài, Ngài sẽ đem lại cho chúng ta khả năng sống và làm chứng cho đức tin của chúng ta, sẽ soi chiếu vào trong tâm hồn của những người chúng ta gặp gỡ. Đây là kinh nghiệm của lễ Hiện Xuống : Các tông đồ đang họp nhau cùng với mẹ Maria trong phòng tiệc ly, “Xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2,3-4). Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ, làm cho các ông thoát ra khỏi căn phòng đang bị đóng kín vì sợ sệt, làm cho các ông ra khỏi chính mình, và biến đổi các ông thành những người loan tin và là những chứng nhân cho “những kỳ công của Thiên Chúa” (x.2,11). Sự biến đổi này là hoạt động bởi Chúa Thánh Thần tác động trên đoàn người đang kéo đến và xuất phát “từ mọi dân tộc dưới bầu trời” (x.2,5), bởi vì trong số họ nghe được lời của các Tông đồ như là tiếng bản xứ của họ (x. 2,6). Hiệu quả quan trọng đầu tiên của hành động Thánh Thần, Đấng hướng dẫn và linh hoạt việc rao giảng Tin mừng : đó là sự hiệp nhất và hiệp thông. Tháp Babel, theo trình thuật kinh thánh, là khởi đầu của sự phân tán các dân tộc và xáo trộn ngôn ngữ, thành quả của một thứ kiêu ngạo và kiêu hãnh mà con người đã muốn xây dựng, bằng sức mạnh của riêng mình, không có Thiên Chúa,“một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời” (St 11,4). Hiện xuống đã khắc phục những chia rẽ này. Không còn kiêu ngạo đối với Thiên Chúa nữa, cũng không còn sự  khép kín các mối hiệp nhất đối với tha nhân, nhưng là rộng mở cho Thiên Chúa, ra đi để loan báo Lời Chúa : bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu mà Chúa Thánh Thần đã đổ trào trong mọi con tim (x. Rm 5,5); một ngôn ngữ mà tất cả đều có thể hiểu được, chấp nhận được, có thể trình bày trong mọi cuộc sống và trong mọi văn hóa. Ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, ngôn ngữ của Tin Mừng là ngôn ngữ của sự hiệp thông, đòi hỏi ta vượt qua sự khép kín và khác biệt, chia rẽ và đối kháng.

Tất cả chúng ta phải tự hỏi : tôi để Chúa Thánh Thần hướng dẫn như thế nào để cho cuộc sống và chứng tá đức tin của tôi là chứng tá của sự hiệp nhất và hiệp thông? Tôi đem lời của hòa giải và yêu thương là Tin mừng vào trong môi trường sống như thế nào? Ngày nay đôi khi người ta lặp lại điều đã xảy ra tại Babel : sự chia rẽ, không thể hiểu nhau, đố kỵ, ghen tỵ, ích kỷ. Tôi đang làm gì với cuộc sống của tôi? Tôi có tạo nên sự hiệp nhất xung quanh tôi chưa? Hay tôi chia rẽ, bằng những tin đồn nhảm, những lời phê phán, những đố kỵ? Tôi sẽ làm gì? Chúng ta hãy nghĩ về điều này. Đem Tin mừng, loan báo và sống Tin mừng trước hết bằng sự hòa giải, tha thứ, bình an, hiệp nhất và yêu thương mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta. Chúng ta hãy nhớ những lời của Chúa Giêsu : “Do bởi điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ thầy : là các con yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

Yếu tố thứ hai : là vào ngày lễ Ngũ Tuần, được Thánh Thần thúc đẩy, Thánh Phêrô đứng “cùng với 11 môn đệ” “lớn tiếng” (Cv 2,14) và “mạnh dạn” (x. 2,29) loan báo tin vui về Chúa Giêsu, Đấng đã trao ban sự sống mình để cứu độ chúng ta và là Đấng mà Thiên Chúa đã làm chỗi dậy từ cõi chết. Đây là một tác động khác của Chúa Thánh Thần : là sự can đảm loan báo sự mới mẻ của Tin mừng Chúa Giêsu cho mọi người, với sự mạnh dạn, lớn tiếng trong mọi nơi và mọi lúc. Đây cũng là điều đang xảy ra hôm nay cho Giáo hội và cho mỗi người chúng ta : từ lửa của ngày Hiện Xuống, từ hành động của Chúa Thánh Thần, luôn phát ra những năng lực truyền giáo mới, những con đường mới loan báo sứ điệp cứu độ, can đảm mới để rao giảng Tin mừng. Chúng ta đừng bao giờ đóng kín đối với hành động này! Hãy sống Tin mừng bằng sự khiêm nhường và can đảm! làm chứng cho sự mới mẻ, hy vọng, niềm vui mà Thiên Chúa đem đến cho cuộc sống. Hãy cảm nhận nơi mình “sự ngọt ngào và niềm vui an lạc của việc rao giảng”  (Paolo VI, Esort. ap. Evangelii nuntiandi, 80). Bởi vì rao giảng Tin mừng, loan báo Chúa Giêsu, đem lại cho chúng ta niềm vui; ích kỷ sẽ đem lại cho chúng ta sự cay đắng, buồn phiền, làm chúng ta xuống dốc; ngược lại rao giảng Tin mừng nâng chúng ta lên.

Yếu tố thứ ba đặc biệt quan trọng : việc rao giảng mới, một Giáo Hội rao giảng phải luôn luôn khởi đi từ sự cầu nguyện, từ việc cầu xin lửa của Chúa Thánh Thần như các Tông đồ trong phòng Tiệc ly. Chỉ mối tương quan trung thành và sâu đậm với Thiên Chúa mới cho phép thoát ra khỏi chính sự khép kín và mạnh dạn loan báo Tin mừng. Không cầu nguyện hoạt động của chúng ta trở nên trống rỗng và việc loan báo của chúng ta không có hồn, không được linh hoạt bởi Thần Khí.

Anh chị em thân mến, như Đức Benêđictô XVI đã khẳng định, Giáo hội ngày nay “cảm thấy luồng gió của Thánh Thần trợ giúp chúng ta, chỉ cho chúng ta nẻo đường chính trực; và như vậy, với lòng nhiệt huyết mới, chúng ta bước đi và chúng ta tạ ơn Thiên Chúa  (Diễn văn tại Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 27-10-2012). Chúng ta hãy canh tân sự tín thác vào hành động của Chúa Thánh Thần mỗi ngày, Đấng đem lại cho chúng ta niềm vui. Hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta là những con người cầu nguyện, là những chứng nhân Tin mừng với lòng can đảm, trở thành những khí cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông với Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta.

Cám ơn chị em.
Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ 
Nguồn tin: www.news.va
Mới hơn Cũ hơn