Huấn từ của Đức Thánh Cha khi viếng thăm cộng đồng Varginha ở Rio de Janeiro,

Biết bao là vui mừng, thương mến và xúc động trong suốt cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha ở xóm nghèo của Varginha.  Đức Thánh Cha đã được đón tiếp với sự nồng nhiệt và phấn khởi : Ngài đã ôm hôn và ban phép lành cho người lớn cũng như trẻ nhỏ. Nhiều dòng nước mắt chảy dài trên các khuôn mặt. Đức Thánh Cha bước vào ngôi thánh đường nhỏ mang tước hiệu thánh Girolamo Emiliani, hoa trái truyền giáo của các Cha thừa sai dòng Somaschi và các sơ dòng Thừa Sai Bác Ái, trước sự hiện diện của một số người thuộc cộng đoàn giáo xứ. Sau ít phút cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã làm phép bàn thờ mới và đã trao tặng một chén thánh cho cộng đoàn. Sau đó ngài đi bộ đến sân bóng đá để gặp gỡ cộng đoàn : Suốt chặng đường đi ngài đã vào nhà một gia đình để viếng thăm họ : môt căn nhà nhỏ chật hẹp, chừng 20 mét vuông. Trình diện cho ĐTC có hơn 20 người cả thảy trong ngôi nhà này, từ người già đến trẻ em.  ĐTC đã đùa vui với một vài người trong số họ và ngài đã ôm hôn từng đứa trẻ. Ngài chúc lành cho họ và đã đứng để chụp hình kỷ niệm với một vài người trong gia đình họ. Cuối cùng, mọi người cùng đọc một kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Sau cùng ngài đến sân bóng đá dưới sự đón tiếp nồng nhiệt của mọi người : ở đây một cặp vợ chồng đã đọc lời chào mừng ĐTC.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng của ngài bằng giọng mạnh mẽ : “Thật tuyệt vời khi tôi ở đây với anh chị em! Tuyệt lắm! Ngay từ đầu trong chương trình viếng thăm Brazil, mong ước của tôi là có thể thăm hết tất cả các phố phường của quốc gia này. Tôi muốn gõ trên mỗi cánh cửa và nói lời chào “một ngày mới”, xin một ly nước lạnh, dùng một tách cà phê, không thì một ly cachaca.. nói chuyện như những người bạn trong gia đình, lắng nghe tâm sự của mỗi người, của cha mẹ, con cái, ông bà nội ngoại.. Nhưng Brazil rộng lớn quá! Tôi không thể gõ hết được tất cả các cửa! Vì thế tôi chọn đến đây, viếng thăm cộng đồng của anh chị em xem như đại diện cho tất cả các phố phường của Brazil. Rất tuyệt vời khi tôi được đón tiếp với tình yêu, lòng quảng đại và niềm vui! Chỉ cần nhìn thấy cách anh chị em đã trang hoàng cho những con đường của cộng đoàn như thế nào thì đã đủ; đây cũng là dấu chỉ của tình thương mến, phát sinh từ tâm hồn của anh chị em, từ tâm hồn của những người Brazil. Tôi cám ơn anh chị em rất nhiều vì sự đón tiếp tuyệt vời này! Cám ơn đôi vợ chồng Rangler và Joana vì những lời tiếp đón nồng hậu.

Ngay từ giây phút đầu tiên khi chạm chân trên đất Brazil và cũng như ở đây ở giữa anh chị em, tôi cảm nhận được sự đón tiếp. Điều quan trọng là biết đón nhận; là điều còn đẹp hơn tất cả mọi thứ trang điểm và trang trí nào. Tôi nói điều này bởi vì khi chúng ta quảng đại trong việc đón nhận một người và chúng ta chia sẻ vài thứ cho họ - một chút lương thực, một chỗ trong nhà của chúng ta, thời giờ của chúng ta – chúng ta không phải không nghèo hơn mà làm cho chúng ta nên giàu có hơn. Tôi biết rõ rằng khi có người cần ăn uống đến gõ cửa nhà của anh chị em, anh chị em hãy luôn tìm cách chia sẻ lương thực; như câu tục ngữ nói :  người ta có thể “thêm nước vào đậu”! Vâng, luôn có thể “thêm nước vào đậu”? Anh chị em hãy làm điều đó với tình yêu, tỏ bày sự phong phú đích thực không phải nơi vật chất mà nơi tâm hồn!””

“Dân tộc Brazil đặc biệt là những người đơn sơ nhất, có thể trao tặng thế giới một bài học quý giá của tình đoàn kết. Tình đoàn kết, một từ thường bị quên lãng hay không được nói tới, bởi vì nó gây ra phiền toái. Tôi muốn kêu gọi những người sở hữu nhiều tài nguyên hơn, các cơ quan hữu tránh và tất cả những người thiện chí dấn thân cho xã hội công bằng; anh chị em đừng mệt mỏi làm việc để thế giới công bằng và liên kết hơn.! Không ai có thể vô cảm trước những bất công đang còn tồn tại trên thế giới. Mỗi một người, theo khả năng và trách nhiệm của mình, biết đóng góp phần mình để làm chấm dứt mọi bất công xã hội. Không phải nền văn hóa ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, thường chi phối xã hội chúng ta, là điều xây dựng và đưa tới một thế giới dễ sống hơn, không phải vậy, nhưng là nền văn hóa liên đới, nền văn hóa đoàn kết; nhìn thấy nơi người khác không phải là một đấu thủ, một con số, nhưng là người anh em… tất cả chúng ta là anh em với nhau…

Đức thánh cha đã khích lệ thêm rằng : “Những nổ lực mà người Brazil đang làm là để kết nối mọi thành phần trên thân thể của đất nước này, cho cả những người đau và nghèo túng nhất, qua cuộc đấu tranh chống lại đói khát và nghèo nàn. Không có nổ lực “yên bình” nào sẽ được bền vững, không có sự hòa hiệp và hạnh phúc dành cho một xã hội lờ lững, gạt ra bên ngoài xã hội và bỏ rơi một phần của chính mình bên lề. Một xã hội như vậy sẽ làm cho chính mình nghèo nàn, nhất là làm mất đi những gì là thiết yếu của chính mình.  Chúng ta đừng để thâm nhập vào trong tâm hồn nền văn hóa loại trừ! Đừng để thâm nhập vào trong tâm hồn chúng ta nền văn hóa loại trừ! Bởi vì chúng ta là anh em với nhau, không ai trong chúng ta có thể bị loại bỏ! Anh chị em luôn nhớ điều đó : chỉ khi nào chúng ta có khả năng chia sẻ thì chúng ta mới thực sự nên giàu có; tất cả những gì được chia sẻ sẽ được tăng thêm gấp bội! Chúng ta hãy nghĩ việc hóa bánh ra nhiều của Chúa Giêsu. Mức độ cao cả của một xã hội tùy theo cách mà nó đối xử với những người nghèo nhất, những người không có gì khác ngoài sự nghèo nàn của họ”

Đối với Giáo hội cũng vậy, ĐTC nói về việc : “bên vực công lý và bảo vệ những người nghèo chống lại những bất công xã hội và nền kinh tế không thể chấp nhận được, nó đang kêu thấu tới trời (Văn kiện Aparecia, 395), Giáo hội muốn cộng tác vào mọi sáng kiến có thể đem đến sự phát triển đích thực cho tất cả mọi người. Anh chị em thân mến,  tất nhiên là cần trao tặng cơm bánh cho người đói; đó là một hành vi công bằng. Nhưng cũng có người đói sâu hơn, đói sự hạnh phúc mà chỉ Thiên Chúa có thể làm thỏa mãn. Đói nhân phẩm. Không có sự thăng tiến công ích đích thực, không có sự phát triển đích thực của con người khi người ta phớt lờ những cột trụ căn bản chống đỡ cho một quốc gia, những cái phi vật thể tốt đẹp của nó là : cuộc sống, là hồng ân của Thiên Chúa, giá trị luôn được bảo vệ và thăng tiến; gia đình, là nền tảng của sự sống chung và là phương thuốc chống lại sự băng hoại xã hội; giáo dục toàn diện, không bị thu hẹp vào một sự truyền đạt những kiến thức đơn giản với mục đích đem lại lợi lộc; sức khỏe, phải tìm kiếm hạnh phúc toàn diện cho con người, cho cả chiều kích tâm linh, là điều thiết yếu cho sự cân bằng con người và cho cuộc sống chung lành mạnh; an ninh, trong cuộc sống chung chỉ có thể chiến thắng được bạo lực khi khởi đi từ sự thay đổi tâm hồn con người.  

Cuối cùng ĐTC nói  thêm : “Ở nơi đây, cũng như toàn thể đất nước Brazil, có rất nhiều người trẻ. Các con thân mến, cách đặc biệt các con có nhạy cảm chống lại sự bất công, nhưng thường thì các con thất vọng từ những sự kiện liên quan đến tham nhũng, từ những người, thay vì tìm công ích chung thì họ lại đi tìm tư lợi. Các con cũng vậy Cha muốn nhắc lại : các con đừng bao giờ nản lòng, đừng để mất niềm tin, đừng để niềm hy vọng bị  dập tắt. Thực tại có thể thay đổi, con người có thể thay đổi. Các con hãy tìm kiếm để là những người đầu tiên đem lại điều thiện, không quen với sự ác, nhưng hãy chiến thắng nó bằng điều thiện. Giáo hội luôn đồng hành với các con, đem đến cho các con di sản quý giá là đức tin của Chúa Giêsu Kitô, Đấng “đã đến để cho chúng ta được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10)

Kết thúc bài diễn văn ĐTC nói : “mỗi một người trong chúng ta, đặc biệt các cư dân của cộng đồng Varginha này : anh chị em không đơn côi, Giáo hội luôn ở với anh chị em, Giáo hoàng ở với anh chị em. Tôi mang mỗi một người trong tim tôi và tôi thực hiện những ý nguyện mà anh chị em có trong đáy lòng tôi : Những lời tạ ơn vì những niềm vui, những lời cầu xin nâng đỡ trong lúc khó khăn, khao khát được an ủi trong những khoảnh khắc đau khổ và buồn sầu. Tôi phó thác tất cả nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Aparecida, Mẹ của mọi người nghèo ở Brazil, với tình thương bao la tôi ban phép lành của tôi cho anh chị em.”

Kết thúc bài giảng, hai em nhỏ đã đến tặng quà cho ĐTC, kết thúc cuộc viếng thăm xóm nghèo bằng phúc lành, giữa những tràng pháo tay nồng nhiệt của cộng đồng Varginha.
Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn