Giáo lý viên là người nuôi dưỡng và làm thức tỉnh nơi người khác “ký ức về Thiên Chúa”. Đây là một trong những điểm được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong bài giảng của thánh lễ sáng Chúa nhật 29/09/2013 tại quãng trường thánh Phêrô, đánh dấu ngày Quốc Tế Giáo Lý Viên do Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ vũ truyền Giảng Tin mừng tổ chức, trong bối cảnh của Năm Đức Tin.
1. "Khốn cho các ngươi là những kẻ vô tâm ở Sion, và những kẻ tự cho mình an toàn,….. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà” (Am 6,1.4), các ngươi ăn, uống, ca hát, vui chơi và không để ý đến những vấn đề của người khác.
Những lời thật nghiêm khắc của tiên tri Amos, cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm mà tất cả chúng ta đang gặp phải. Vị sứ giả của Thiên Chúa muốn tố cáo điều gì, ông đặt trước mắt những người đương thời và cho cả chúng ta hôm nay điều gì.? Đó là Nguy cơ sống thoải mái, tiện nghi, xa hoa trong cuộc sống và trong tâm hồn, coi của cải như là trung tâm hạnh phúc của mình. Đó cũng chính là kinh nghiệm của người giàu có trong Tin mừng, ăn mặc xa hoa và mỗi ngày dự tiệc linh đình; điều này thật quan trọng đối với anh ta. Còn người nghèo khổ đang ở trước cửa nhà anh, không có đủ để ăn thì sao? Đó không phải là chuyện của anh ta, nên anh ta đã không quan tâm đến người nghèo kia. Nếu như vật chất, tiền bạc, xa hoa thành trung tâm của cuộc sống, nó nắm được chúng ta, chiếm hữu chúng ta và chúng ta sẽ làm mất đi chính căn tính con người của mình. Anh chị em hãy nhìn cho rõ : Người giàu trong Tin mừng không có tên, đơn giản chỉ là “một người giàu”. Mọi thứ mà anh ta sở hữu là gương mặt của mình, không có gương mặt những người khác. Nhưng chúng ta thử hỏi : Tại sao lại xảy ra điều này? Tại sao con người, có lẽ cả chúng ta nữa, sa vào mối nguy khép kín chính mình, mối nguy đặt sự an toàn của mình vào nơi vật chất, những thứ mà cuối cùng đánh cắp khuôn mặt, khuôn mặt nhân loại của chúng ta? Điều đó sẽ xảy ra khi chúng ta đánh mất ký ức về Thiên Chúa. “Khốn cho các người vô tâm của Sion”, vị ngôn sứ đã nói như thế. Nếu thiếu ký ức về Thiên Chúa, tất cả bị thu lại trên cái tôi, trên hạnh phúc của tôi. Cuộc sống, thế gian, tha nhân, mất đi sự vững chắc, không còn gì nữa, tất cả bị biến thành một chiều : đó là của cải. Nếu chúng ta mất đi ký ức về Thiên Chúa, chính chúng ta cũng mất đi sự vững chắc, nó cũng làm cho chúng ta trống rỗng, chúng ta mất đi gương mặt của mình như người giàu có trong Tin mừng! Một tiên tri vĩ đại khác là Giêrêmia đã nói : Người chạy theo cái hư ảo thì chính họ sẽ trở thành hư ảo (x. Gr 2,5). Chúng ta được tạo nên giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, chứ không phải giống đồ vật, không phải giống các ngẫu tượng.
2. Vậy, khi nhìn anh chị em, tôi tự hỏi : Giáo lý viên là ai? Là những ngưởi bảo vệ và nuôi dưỡng ký ức về Thiên Chúa; bảo vệ ký ức đó nơi chính mình và biết làm thức tỉnh nó nơi người khác. Điều này rất hay : nhớ về Thiên Chúa, như Đức Trinh Nữ Maria, đứng trước hành động phi thường của Thiên Chúa trong cuộc sống mình, Mẹ không nghĩ đến vinh dự, danh giá, giàu sang, không đóng kín chính mình. Trái lại, sau khi đón nhận lời Sứ thần truyền và mang thai Con Thiên Chúa, Mẹ đã làm gì? Mẹ ra đi, đến với người chị họ Elisabét đã cao niên, cũng đang mang thai, để giúp đỡ chị; và trong cuộc gặp gỡ với người chị họ hành vi đầu tiên của Mẹ là nhớ đến hành động của Thiên Chúa, đến lòng trung tín của Thiên Chúa trong cuộc sống Mẹ, trong lịch sử của dân Người, trong lịch sử của chúng ta : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…. Vì phận nữ tỳ hèn mọn, Người đã thương nhìn tới… Lòng thương xót của Người từ đời nọ đến đời kia” (Lc1, 46.48.50)
Bài thánh ca này của Đức Maria cũng có ký ức đến câu chuyện cá nhân Mẹ, câu chuyện của Thiên Chúa với Mẹ, với chính kinh nghiệm đức tin của Mẹ. Đối với mỗi người chúng ta cũng thế, ký ức về cuộc gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng chuyển động đầu tiên, tạo dựng và cứu chuộc, biến đổi chúng ta; Tin là nhớ đến Lời của Người đang hâm nóng con tim, nhớ đến những hành động cứu chuộc nhờ đó đem lại cho chúng ta sự sống, thanh tẩy chúng ta, chữa lành và nuôi dưỡng chúng ta. Giáo lý viên thực sự là một kitô hữu biết đem ký ức này để phục vụ cho việc loan báo; không phải để phô trương, không phải để nói về mình, nhưng để nói về Thiên Chúa, về tình yêu, về lòng trung tín của Người (…) Thánh Phaolô đã khuyên nhủ các môn đệ của mình và nhất là người cộng tác Timôtê một điều : Anh hãy nhớ đến Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã sống lại từ cõi chết, như tôi vẫn loan báo và vì nó mà tôi chịu khổ (x. 2 Tm 2,8-9). Vị tông đồ có thể nói điều đó bởi vì trước tiên ngài đã nhắc nhớ về Đức Kitô, Đấng đã kêu gọi ngài khi còn là người bách hại các kitô hữu, Đấng đã đụng chạm và thay đổi ngài bằng Ơn sủng của Người.
Bởi thế, Giáo lý viên là người kitô hữu mang nơi mình ký ức về Thiên Chúa, để cho mình được ký ức về Thiên Chúa hướng dẫn trong tất cả cuộc sống của mình, và biết làm thức tỉnh nó trong tâm hồn tha nhân. Hãy cố gắng cho điều đó! Dấn thân trọn đời! Chính cuốn sách Giáo lý là gì nếu không phải là nhớ về Thiên Chúa, nhớ về hành động của Người trong lịch sử, nhớ đến sự kiện người ở cạnh chúng ta nơi Đức Kitô, hiện diện trong Lời của Người, trong các bí tích, trong Giáo hội và trong tình yêu của Người.? Anh chị em giáo lý viên thân mến, tôi hỏi anh chị em : có phải chúng ta là ký ức của Thiên Chúa không? Chúng ta có thực sự như những người lính gác làm thức tỉnh người khác ký ức về Thiên Chúa, hâm nóng tâm hồn?
3. “khốn cho những người vô tâm của Sion”, vị tiên tri đã nói như vậy. Đâu là con đường đi để không phải là những người “vô tâm”, đặt sự an toàn vào chính mình và nơi vật chất, nhưng những người nam nữ của ký ức về Thiên Chúa? Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô viết cho Timôtê, ngài đã đưa ra một vài chỉ dẫn cũng có thể đánh dấu cho hành trình của người giáo lý viên, cho hành trình của chúng ta : hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. (x. 1 Tm 6,11). Giáo lý viên là người của ký ức về Thiên Chúa nếu có kiên trì, có tương quan sinh tử với Thiên Chúa và tha nhân; nếu là người của đức tin, thì hãy tin cậy thực sự vào Thiên Chúa và đặt sự an toàn của mình nơi Thiên Chúa; Nếu là người của đức ái, và đức mến, thì hãy nhìn tất cả mọi người như anh em mình; nếu là người của “hypômné”, của nhẫn nại, bền lòng, thì hãy biết đương đầu với những khó khăn, thử thách, thất bại, với sự thanh thản và hy vọng vào Thiên Chúa; nếu là người hiền lành, thì có khả năng cảm thông và thương xót.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa để tất cả chúng ta là người nam nữ, bảo vệ và nuôi dưỡng ký ức về Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, và biết làm thức tỉnh nó trong tâm hồn của người khác.
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ