CHÚA NHẬT V PHỤC SINH A
CÁC CON HÃY TIN VÀO THẦY : VÌ THẦY Ở TRONG CHA VÀ CHA Ở TRONG THẦY
Gioan 14,1-12
Thánh Phanxicô d’Assisi khi tìm hiểu về ơn gọi, vì muốn biết Thiên Chúa muốn điều gì nơi mình, thánh nhân đã vào nhà thờ nhỏ của thánh Damiano và đắm mình cầu nguyện trước tượng chuộc tội. Với tất cả tấm lòng ngài muốn biết đâu là ý muốn của Thiên Chúa nơi mình, và kỳ lạ thay, Chúa Giêsu đã nói với ngài : “Phanxicô, con hãy đi, và hãy sửa lại ngôi nhà của ta, như con đang thấy đó, một ngôi nhà đang đổ nát” (FF 1334 ). Thánh Phanxicô nghĩ rằng đó là sự đổ nát của các bức tường của ngôi nhà thờ, và với thiện chí tốt đẹp ngài đã bắt đầu khôi phục lại lại ngôi nhà thờ đó. Sau đó ngài hoàn tất việc phục hồi hai ngôi nhà thờ khác, đó là nhà thờ Porziuncola và nhà thờ thánh Phêrô, gần Assisi. Tiếp theo sau, thánh Phanxicô đã hiểu được các sứ mạng sâu xa khác mà Thiên Chúa ủy thác cho ngài : đó là xây dựng lại Giáo hội mà nơi đó những người kitô hữu là những viên đá sống động. Do đó ngài đã bắt đầu công cuộc rao giảng cho các thành thị, làng mạc bằng một linh đạo mới, trở nên nghèo khó cho mọi người; song song với những hoạt động tông đồ, ngài còn rút vào nơi thanh vắng để cầu nguyện cho sứ mạng của ngài với Giáo hội. Bằng cách này thánh Phanxicô đem nhiều người đến với Chúa Kitô, đánh thức nơi những người khác lòng nhiệt thành hầu như đã bị dập tắt. Tắt một lời, thánh nhân đã đưa ra một gương mặt kitô hữu nơi một xã hội đang xa dần Thiên Chúa.
Câu chuyện trên minh họa cho lời Chúa dưới ánh sáng của bài đọc thứ hai. Thánh Phêrô đã khẳng định một cách rõ ràng rằng : “Anh em là những viên đá sống động, được xây nên tòa nhà thiêng liêng” (1Pr 2,5). Chúa Giêsu là viên “đá góc” (1Pr 2,7), nghĩa là viên đá nền tảng để đem lại sự vững chắc cho toàn bộ tòa nhà. Viên đá bị những người thợ xây loại ra và giờ đây đã trở nên “viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã” (1Pr 2,8) cho tất cả những người đang từ chối Tin mừng. Để được dùng cho việc xây nên tòa nhà này, các viên đá phải được làm cho vuông vức. Công việc này được bắt đầu với bí tích rửa tội, qua đó chúng ta trở nên những viên đá sống động, và phải tiếp tục sống trong suốt cuộc đời của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta phải đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải trở nên giống Người hơn nữa. Mỗi viên đá không đáp ứng được những đòi hỏi này sẽ bị loại ra ngoài.
Đón nhận lời Chúa và thực hành lời Chúa, làm cho chúng ta trở nên hoàn thiện hơn và sinh thêm nhiều khả năng phù hợp để sử dụng trong việc xây dựng này. Cần phải rao giảng; vì thế, trong Giáo hội thời sơ khai, đã thiết lập các phó tế, là những người được chọn để dấn thân phục vụ cho việc bác ái, như vậy mới đem lại cơ hội cho các tông đồ để cống hiến trọn vẹn cho việc phục vụ Lời Chúa, cho việc rao giảng và cầu nguyện. Họ đã chọn ra bảy phó tế. Các tông đồ với số lượng công việc khổng lồ đang đè nặng trên vai mình, bởi đó họ đã nói với cộng đoàn : “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa” (Cv 6:1-7 ). Thật không đúng tí nào khi Giáo hội phải chịu hy sinh việc cầu nguyện và rao giảng, là những điều quan trọng nhất, để dành cho một hoạt động có nguy cơ trở thành “hành động trống rỗng vô ích”. Những lời mà chúng ta vừa nghe là những lời đặc biệt có giá trị cho chúng ta hôm nay, trong đó giá trị của đời sống nội tâm không được biết nhiều và không thực hành thường xuyên, mà chỉ đánh giá nơi hoạt động xã hội. Nếu không có việc cầu nguyện, hoạt động bác ái bị biến thành một hoạt động chỉ để tìm tư lợi con người.
Nơi Giáo hội, việc rao giảng phải có một mục tiêu chính : đó là để cho thế giới biết rằng Chúa Kitô là con đường duy nhất dẫn đến Thiên Chúa Cha, là chân lý duy nhất để tuân giữ và là sự sống duy nhất của linh hồn chúng ta. Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó rất rõ ràng, Người nói với các tông đồ : “Thầy là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Bước theo những mẫu mực đó chúng ta sẽ không thể sai đường lạc lối, nhưng chúng ta sẽ đến được nơi mà Đấng cứu độ chúng ta, đã chuẩn bị cho chúng ta, theo như những gì Người đã nói với chúng ta trong Tin Mừng : “Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,3). Đời sống luân lý Kitô giáo bao gồm việc bước theo dấu chân của Chúa Giêsu, trong việc bắt chước Người, trong việc đối xử tốt với nhau như Người đã cư xử với chúng ta. Tuân giữ luật luân lý Kitô giáo, được chỉ dạy một cách bất khả ngộ từ Giáo hội, chắc chắn chúng ta đạt đến được sự sống đời đời. Thiên Chúa sẽ đến để đưa chúng ta đi theo lời Người đã hứa, và dẫn đưa chúng ta đến nơi trú ngụ vĩnh viễn của chúng ta.
Ngoài ra, Chúa Giêsu là sự thật duy nhất, nơi Người chúng ta tin tưởng. Chúa Giêsu nói với từng người trong chúng ta và cho tất cả mọi người trên thế gian này : “Hãy tin vào Thầy, Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11). Để là những người Kitô hữu đối xử tốt với nhau không đủ, cần phải tin vào tất cả những gì mà Giáo hội dạy cho chúng ta trong Huấn quyền.
Vì thế, tuân giữ giới luật Tin mừng và tin vào các chân lý đức tin, chúng ta sẽ thi hành những lời mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ của mình : “Ai tin vào thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha” (Ga 14,12). Xem ra là chuyện khó tin, nhưng Chúa Giêsu nói rõ rằng chúng ta sẽ làm những việc còn lớn hơn những gì mà Ngài đã thực hiện trên thế gian này. Điều đó giải thích cho sự kiện là Chúa Giêsu đã về cùng Cha, đã được vinh danh và còn hoạt động giữa các tín hữu với quyền năng cao cả của Người. Điều đó có nghĩa là với việc lên trời, Chúa Giêsu đã không giảm bớt quyền năng hoạt động trên thế gian, nhưng còn thêm nhiều hơn nữa.
Trước khi lên trời, khi còn ở thế gian, hoạt động của Chúa Giêsu bị giới hạn nơi một dân tộc, dân Do thái; giờ đây Người ở giữa Giáo hội, và ôm lấy trọn vẹn Giáo hội, trọn vẹn con người. Người làm cho Giáo hội tham dự vào những quyền năng của Người, tiếp tục làm các phép lạ và hơn thế nữa, tiếp tục hoán cải những tâm hồn, làm những người tôi tớ của các tôi tớ trong thừa tác vụ của mình.
Chúng ta càng giống như Chúa Giêsu bao nhiêu, thì hãy thực hiện những lời mà chúng ta vừa nghe trong Tin mừng bấy nhiêu : “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Chúa Giêsu là một với Chúa Cha, đồng bàn thể với Cha, là Ngôi Hai của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh Chúa, chúng ta sẽ được phản chiếu ánh sáng của Người nơi thước đo của lòng tốt chúng ta.
Một vị khánh hành hương khi đến họ Ars và biết vị cha xứ ở đó là thánh Gioan Maria Vianney, sau khi gặp gỡ và nói chuyện với ngài ông ta thốt lên rằng : “Tôi đã gặp thấy Thiên Chúa nơi con người này”. Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta cũng có thể thốt lên điều đó. Nếu chúng ta có những trái tim tốt lành, chúng ta sẽ không là những người xoàng xỉnh tầm thường, nhưng là những Kitô hữu thánh thiện, chúng ta sẽ thực hiện được công việc tuyệt vời và quan trọng : qua đó chúng ta sẽ giới thiệu Thiên Chúa đến cho mọi người trên thế gian.
Giuse Võ Tá Hoàng