LỄ MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ
Đnl 8,2-3.14b-16a; 1 Cr 10,16-17; Ga 6,51-58.
Bí tích Thánh Thể làm cho chúng ta nên một trong Chúa Kitô
Chúa nhật hôm nay chúng ta cử hành Mầu nhiệm cao cả nhất của đức tin, đó là Bí tích Thánh Thể, tức là mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, được ban cho chúng ta như của ăn và của uống nuôi linh hồn. Bí tích Thánh Thể có liên hệ chặt chẽ với những bài đọc mà chúng ta vừa nghe. Bài đọc I, nói về “mana” là thứ lương thực mà Thiên Chúa đã nuôi dân Israel trong hoang địa. Manna rơi xuống từ trời là hình ảnh báo trước về Thánh Thể. Như dân tộc Israel trong hành trình tiến về miền đất hứa, cũng vậy chúng ta là lữ khách trần gian đang tiến về quê hương vĩnh cửu trên trời, và mỗi ngày chúng ta được bánh bởi trời nuôi dưỡng trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể, khi rước lễ.
Trong suốt cuộc hành trình sa mạc, dân tộc Israel đã gặp không ít những cạm bẫy, nhưng ai giữ lòng trung thành, để cho “manna, thức ăn mà họ chưa từng biết” nuôi dưỡng (Đnl 8,16), họ sẽ đạt được mục đích mà họ ước mong. Cũng vậy, cuộc hành trình dương thế này của chúng ta cũng không kém gian nan, sa mạc của thế gian thường có nhiều cạm bẫy, nhưng khi để cho lương thực thần thiêng này nuôi dưỡng, chúng ta cũng sẽ tìm được sức mạnh để tiến lên cách vững chắc, cho dù ma quỷ, thế gian và xác thịt đang tấn công chúng ta ngày đêm.
Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đã xác quyết rất rõ: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh này sẽ sống đời đời, và bánh tôi cho là thịt tôi để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Đó là những lời đẹp nhất và đầy an ủi của toàn bộ Tin mừng. Chúa Giêsu muốn trở nên lương thực cho chúng ta, nâng đỡ và đong đầy cuộc sống của chúng ta bằng ơn sủng và niềm vui. Với khẳng định này, Chúa Giêsu cho biết rằng manna nuôi dân Israel trong hoang địa chỉ là một hình bóng so với thực tại. Bánh đích thực chính là Người, là Thiên Chúa. Chỉ có lương thực Người ban cho chúng ta mới có được sự sống đời đời. Sau đó Chúa Giêsu nói tiếp : “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” (Ga 6,53-55).
Thật vậy, Bí tích Thánh Thể được định nghĩa như là Bí tích của tình yêu. Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta bằng chứng cao cả nhất về tình yêu của Người, một tình yêu tự trao hiến cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể dưới hình bánh rượu bé nhỏ trên bàn thờ. Thánh Thể là chính Chúa Giêsu hằng sống, trong trọn vẹn Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính. Sự biến đổi bản thể xảy ra trong suốt thánh lễ, khi linh mục kêu cầu Chúa Thánh Thần xuống trên bánh và rượu, và khi đọc lời truyền phép “Này là mình Ta….. này là máu Ta”. Trong giây phút đó mầu nhiệm cao cả nhất xảy ra : bánh và rượu trở thành Thịt Máu Chúa Giêsu Kitô. Đó là Chúa Giêsu trọn vẹn, đang hiện diện trong mỗi hình bánh rượu đã được truyền phép.
Vào năm 750, thế kỷ thứ 8, tại thành phố Lanciano, thuộc vùng Abruzzo nước Ý, trong đan viện thánh Legonziano, có một linh mục luôn sống trong nghi ngờ về sự biến đổi bản thể thực sự : từ bánh rượu trở thành Mình và Máu Chúa. Một hôm, trong khi dâng lễ, sau khi đọc lời truyền phép, cha bối rối, bàng hoàng vì phép lạ tỏ tường ngay trước mặt: bánh trở thành Thịt và rượu trở thành Máu. Thiên Chúa đã muốn thực hiện một phép lạ tỏ tường và xác thực về chân lý đức tin này bằng cách biến đổi một cách hữu hình bánh trở thành Thịt và rượu thành Máu Người. Điều làm ngạc nhiên nhất đó là khoảng cách thời gian hơn nghìn năm, người ta vẫn còn có thể nhìn thấy Thịt và Máu này chứa đựng đầy đủ những đặc tính của một con người đang sống. Phép lạ Thánh Thể này vẫn còn đang được gìn giữ cẩn thận tại Lanciano, và luôn là điểm đến cho rất đông khách hành hương muốn tận tường phép lạ đã xảy ra.
Thánh Thể được ban cho chúng ta là chính Chúa Giêsu. Khi rước lễ, chính Chúa Giêsu đã đến ngự trong tâm hồn chúng ta, đó là giây phút tuyệt vời và quý giá nhất của đời sống chúng ta. Khi ấy, như thánh Gioan Vianey đã nói : Chúng ta và Chúa Giêsu giống như hai cây đèn tan chảy và tiêu hao để nuôi dưỡng một ngọn lửa duy nhất. Trong lúc ấy, lời cầu nguyện của chúng ta được kết hiệp với điều mà Chúa Giêsu dâng về Cha cho chúng ta một cách không ngưng nghỉ, và như thế chúng ta có thể đạt được những ơn lành cao trọng nhất.
Mặt khác, Bí tích Thánh thể làm cho mỗi người trong chúng ta trở nên một thân thể. Điều này được soi chiếu qua khẳng định của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay : “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cor 10,17). Nếu tôi được nên một với Chúa Giêsu, cũng như bạn nên một với Người, thì kết quả là, trong Người tất cả chúng ta trở nên một thân thể. Vì thế, các kitô hữu, ngay cả những người lần đầu tiên gặp gỡ nhau, họ đều cảm nhận được sự liên kết từ mối tương quan đức ái, như thể họ đã biết nhau từ rất lâu. Bí Tích Thánh Thể xóa bỏ mọi khoảng cách: được nên một với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ trở nên một linh hồn và một thân thể.
Có biết bao cảnh tượng đáng buồn của rất nhiều Kitô hữu, khi họ không thể chịu đựng được nhau và trái lại đi nói xấu nhau! Bằng cách này, trong thực tế, họ chối bỏ đức tin của họ. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi thực hiện nghiêm túc một cuộc tra vấn lương tâm về những điều liên quan đến đức ái của chúng ta. Nếu chúng ta yêu Thánh Thể, là Thân Thể Chúa Kitô, chúng ta không thể không yêu anh em mình, là những người làm nên Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô. Mỗi khi chúng ta rước Chúa Giêsu, mỗi khi chúng ta ở cạnh Người, hiện diện trong Nhà Tạm, sẽ làm cho chúng ta trở nên gần gũi hơn với tất cả các anh chị em mình.
Cuối cùng, kể từ thánh lễ kính trọng thể Mình và Máu Chúa hôm nay, ước gì mỗi người chúng ta luôn có tâm hồn khao khát được rước lễ thường xuyên. Và để sống trong ơn sủng của Thiên Chúa luôn mãi, xứng đáng với mầu nhiệm cao cả đã để lại cho chúng ta, hãy thanh tẩy tâm hồn bằng cách đi xưng tội. Hãy tìm đến với linh mục nếu trong tâm hồn chúng ta còn mắc phải nhiều tội trọng. Xưng tội và rước lễ thường xuyên là một ơn tuyệt vời nhất trang điểm cho linh hồn chúng ta và đó là niềm vui lớn lao nhất mà chúng ta có thể dâng lên cho Trái tim Chúa Giêsu. Amen.
G. Võ Tá Hoàng