Bài giáo lý nói về Giáo hội của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quãng trường thánh Phêrô sáng thứ tư ngày 25/06/2014.
Anh chị em thân mến
Anh chị em thân mến
Hôm nay có một nhóm những khách hành hương khác tham gia
với chúng ta trong hội trường Phaolô VI, họ là những bệnh nhân. Vì trong thời
gian này, giữa tiết trời nóng và có thể là mưa, cẩn thận hơn hết là để họ ở lại
nơi đó. Nhưng họ được nối kết với chúng ta qua màn hình rất lớn. Vậy nên chúng
ta cùng hiệp nhất với nhau trong buổi tiếp kiến này. Và tất cả chúng ta hãy cầu
nguyện cách đặc biệt cho họ, cho những bệnh tật của họ. Xin cám ơn.
Trong bài giáo lý về Giáo hội, thứ tư tuần trước, chúng
ta khởi đi từ sáng kiến của Thiên Chúa, Đấng muốn thiết lập một dân tộc, mang ơn
lành của Ngài cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất. Bắt đầu với Abraham và sau
đó, với nhiều nhẫn nại - Thiên Chúa biết bao nhẫn nại - chuẩn bị cho dân tộc
này trong Cựu ước, cho đến khi thiết lập giao ước, trong Chúa Giêsu Kitô, như một
dấu chỉ và công cụ của sự hiệp nhất nhân loại với Thiên Chúa và giữa họ với
nhau (Lumen gentium, 1). Hôm nay chúng ta muốn dừng lại nơi tầm quan trọng của
việc thuộc về dân tộc này, đối với người tín hữu. Chúng ta sẽ nói về sự thuộc về
Giáo hội.
1. Chúng ta không bị tách biệt và không phải là những
kitô hữu mang tước hiệu riêng, mỗi một người riêng biệt, không, căn tính kitô hữu
chúng ta là sự thuộc về. Chúng ta là những kitô hữu bởi vì chúng ta thuộc về
Giáo hội. Giống như họ tên : nếu tên là "tôi là kitô hữu" thì họ của
nó là "tôi thuộc về Giáo hội". Rất tuyệt khi nhận ra sự thuộc về này như
được biểu lộ ngay cả trong cái tên mà Thiên Chúa đã tự gán cho chính mình. Quả
vậy, bằng cách trả lời cho Môse, trong sự kiện "bụi gai rực cháy" đầy
kinh ngạc (x. Xh 3,15), Ngài đã tự định nghĩa như là Thiên Chúa của các tổ phụ.
Thiên Chúa không nói : Ta là Đấng Toàn Năng... không, Ngài nói : Ta là Thiên
Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Bằng cách này Ngài đã tự biểu lộ mình như là
Thiên Chúa, Đấng đã ký kết giao ước với các tổ phụ và luôn trung thành với giao
ước của mình, và Ngài mời gọi chúng ta bước vào trong mối tương quan này, mối
tương quan đi trước chúng ta. Mối tương quan của Thiên Chúa với dân Người đi
trước tất cả chúng ta, đến từ thời điểm đó.
2. Theo nghĩa này, với lòng biết ơn, tôi nghĩ đến trước hết
những người đi trước chúng ta và đã đón nhận chúng ta vào trong Giáo hội. Không
ai tự mình trở thành Kitô hữu! Đã rõ chưa? Không ai tự mình trở thành kitô hữu.
Người ta không làm ra các kitô hữu từ phòng thí nghiệm. Người kitô hữu là thành
phần của dân tộc đến từ xa. Người kitô hữu thuộc về một dân tộc được gọi là
Giáo hội và Giáo hội này làm nên người kitô hữu, trong ngày được Rửa tội, và
sau đó là trong lộ trình giáo lý, và cứ như thế. Nhưng không một ai, không một
ai tự mình trở thành kitô hữu. Nếu chúng ta tin, nếu chúng ta biết cầu nguyện,
nếu chúng ta nhận biết Thiên Chúa và chúng ta có thể lắng nghe Lời Người, nếu
chúng ta cảm thấy Ngài gần gũi và chúng ra nhận ra Ngài trong các anh em, bởi vì
người khác, trước chúng ta, họ đã sống đức tin và sau đó đã truyền lại đức tin
đó. Đức tin chúng ta đã nhận lãnh từ cha ông, tổ tiên của chúng ta, và họ đã dạy
đức tin cho chúng ta. Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ, biết đâu có nhiều gương mặt thân
thiết đang trôi qua trước mắt chúng ta, trong giây phút này : có thể là gương mặt
của cha mẹ chúng ta, những người đã xin Bí tích rửa tội cho chúng ta; có thể là
gương mặt của ông bà nội ngoại chúng ta hay một vài người thân thuộc đã dạy cho
chúng ta làm dấu thánh giá và đọc những lời kinh đầu tiên. Tôi luôn nhớ đến
gương mặt của một nữ tu, người đã dạy giáo lý cho tôi, chị luôn ở trong tâm trí
tôi - chắc chắn chị đang ở trên trời, vì chị là một người nữ thánh thiện - tôi
luôn nhớ đến chị và tạ ơn Thiên Chúa cho chị. Hoặc là gương mặt của cha xứ, của
một linh mục khác, hay của một nữ tu, một giáo lý viên, là người đã truyền lại
cho chúng ta nội dung đức tin và làm cho chúng ta trưởng thành như những người
kitô hữu... Đúng vậy, đó là Giáo hội : một gia đình rộng lớn, nơi đó ta được
đón nhận và được học để sống là những người tín hữu và những môn đệ của Chúa
Giêsu.
3. Bằng cách này chúng ta có thể sống không chỉ nhờ người
khác nhưng cùng với những người khác. Trong Giáo Hội không có chuyện "tự
mình làm", không có những người "giao bóng tự do". Nhiều lần Đức
Thánh Cha Bênêđictô đã mô tả Giáo hội như "chúng tôi" giáo hội.! Đôi khi
ta có thể nghe ai đó nói rằng : "Tôi tin vào Thiên Chúa, Tin Chúa Giêsu,
nhưng Giáo hội thì tôi không thích". Anh chị em đã nghe như vậy bao nhiêu
lần rồi? Điều đó không được. Có người nghĩ rằng có thể có một mối tương quan cá
nhân, trực tiếp, tức thì với Chúa Giêsu Kitô bên ngoài sự hiệp thông và trung
gian của Giáo hội. Đó là những cám dỗ nguy hiểm và có hại. Như đức Phaolô VI đã
nói chúng như là những phân đôi vô lý. Quả vậy cùng bước đi với nhau là một đòi
hỏi, và đôi khi hậu quả có thể là khó khăn : có thể xảy ra là một số anh chị em
gây ra vấn đề cho chúng ta, gây gương mù gương xấu cho chúng ta... Nhưng Thiên
Chúa đã ủy thác sứ điệp cứu độ của Ngài cho con người, cho tất cả chúng ta, cho
các nhân chứng; và trong anh chị em chúng ta, với các ơn và những giới hạn của
họ, Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta và làm cho chúng ta nhận ra nhau. Đó là ý
nghĩa thuộc về Giáo hội. Anh chị em hãy nhớ rõ : Kitô hữu nghĩa là thuộc về
Giáo hội. Tên là "kitô hữu", họ là "thuộc về Giáo hội".
Anh chị em thân mến, chúng ta nài xin Thiên Chúa, nhờ lời
bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội, cho chúng ta ơn không bao giờ rơi
vào cám dỗ nghĩ rằng có thể làm không cần tha nhân, có thể làm không cần Giáo hội,
cám dỗ có thể tự cứu mình, là những người kitô hữu của phòng thí nghiệm. Trái lại,
người ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến anh em mình, không thể
yêu mến Thiên Chúa ngoài Giáo hội; không thể sống trong sự hiệp thông với Thiên
Chúa mà không sống hiệp thông với Giáo hội, chúng ta không thể là những người
kitô hữu tốt nếu không ta không cùng với tất cả mọi người cố gắng theo đuổi
Chúa Giêsu, như một dân tộc duy nhất, một thân thể duy nhất và đó là Giáo hội.
Cám ơn.
G, Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
News.va