Sau một vài chứng từ khác, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Tôi cám ơn anh chị em đã đến đây thật đông! Cám ơn vì sự đón tiếp vui vẻ : hôm nay là ngày lễ của anh chị em, ngày lễ của chúng ta. Tôi cám ơn Đức TGM Vincenzo Paglia và tất cả những người đã chuẩn bị cho ngày lễ này. Cách đặc biệt tôi cám ơn Giáo hoàng đáng kính Bênêđictô XVI. Nhiều lần tôi đã nói rằng tôi rất vui vì ngài đã sống ở Vatican này, vì ngài giống như là người ông nội khôn ngoan trong nhà. Cám ơn”.
Sau đó ngài nói tiếp : “Tôi đã nghe các chứng từ trong anh chị em, trình bày kinh nghiệm chung đối với những người cao tuổi. Nhưng có sự khác nhau : là những anh em đến từ Kara Qosh, đã trốn thoát khỏi sự bắt bớ bạo hành. Chúng ta hãy cùng nhau nói lời “cám ơn” họ cách đặt biệt. Rất tuyệt vời khi anh chị em đến đây hôm nay : đây là quà tặng dành cho Giáo hội. Chúng tôi gửi đến anh chị em tình thân của chúng tôi, lời cầu nguyện của chúng tôi và sự nâng đỡ cụ thể. Bạo hành người lớn tuổi là vô nhân đạo, giống như bạo hành các trẻ em. Nhưng Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi anh chị em, Ngài ở cùng anh chị em! Bằng sự nâng đỡ của Ngài anh chị em sẽ tiếp tục là ký ức cho dân tộc mình; cũng như cho chúng tôi, cho gia đình rộng lớn của Giáo hội. Cám ơn! Những người anh em này chứng tỏ cho chúng ta thấy trong những thử thách khó khăn nhất, những người già có đức tin như các cây cổ thụ vẫn tiếp tục đem lại hoa trái. Điều này cũng có giá trị trong những hoàn cảnh tầm thường hơn, trong đó có thể là những cám dỗ khác, những hình thức khác của sự kỳ thị, như chúng ta đã nghe trong một số chứng từ khác”.
“Cách đặc biệt, tuổi già là thời điểm hồng ân, trong đó Thiên Chúa lặp lại lời kêu gọi chúng ta: Ngài kêu gọi chúng ta gìn giữ và thông truyền đức tin, kêu gọi chúng ta cầu nguyện, đặc biệt là xin ơn; kêu gọi chúng ta sống gần gũi với những người túng thiếu… những người cao tuổi, các cụ ông cụ bà có thể hiểu được những hoàn cảnh khó khăn nhất: một khả năng lớn lao! Bao lần họ cầu nguyện cho những hoàn cảnh này, lời cầu nguyện của họ rất mạnh mẽ và uy lực!”.
“Đối với các ông bà nội ngoại, những người đã nhận lãnh phúc lành nhìn thấy đông con nhiều cháu (x.Sal 128,6) được trao phó trách nhiệm lớn lao : là thông truyền kinh nghiệm sống, câu chuyện gia đình, cộng đoàn, dân tộc; chia sẻ khôn ngoan và cùng một đức tin : một gia tài quý giá nhất! Phúc cho những gia đình còn có ông bà nội ngoại gần gũi! Cụ ông là cha hai lần và cụ bà là mẹ hai lần. Và ở các quốc gia những nơi mà tôn giáo bị bách hại cách tàn bạo – tôi nghĩ, chẳng hạn như ở Albani, đất nước tôi đến Chúa nhật trước – nơi các quốc gia mà các ông bà nội ngoại đã đem những đứa cháu đi rửa tội cách lén lút, để trao ban đức tin cho chúng. Anh chị em tài giỏi lắm! Trong những quốc gia đó anh chị em đã cứu vãn đức tin trong sự bách hại".
"Nhưng không phải lúc nào ông bà nội ngoại cũng có gia đình đón nhận họ. Vì thế cần có những ngôi dành cho những người già.. miễn chúng là những ngôi nhà thực sự, không phải nhà tù! Chúng dành cho người già: chúng dành cho những người già chứ không phải dành cho các lợi ích của một số người! Chúng không phải là viện dưỡng lão, nơi mà những người già sống bị lãng quên, giống như ẩn dật và bị bỏ rơi. Tôi cảm thấy gần gũi những người cao tuổi đang sống trong các viện dưỡng lão này, tôi biết ơn những người đã đến đó để thăm viếng và chăm sóc cho họ. Những ngôi nhà dành cho người già phải như là những “lá phổi” của nhân loại trong một đất nước, trong khu khố và trong giáo xứ; phải là “những ngôi đền” của nhân loại nơi người già và yếu đau được chữa lành và bảo vệ như một thiếu niên hoặc thiếu nữ trưởng thành. Tốt biết bao khi tìm đến với người cao niên! Anh chị em nhìn xem, có những người trẻ đôi lần chúng ta thấy chúng uể oải và buồn bực, chúng tìm đến người lớn và sau đó trở nên vui vẻ hơn".
"Tuy nhiên, thực tế việc bỏ rơi những người già vẫn còn: biết bao lần người già bị gạt bỏ bằng thái độ bỏ rơi đúng hơn là để họ chết cách êm ái! Đó là hậu quả của nền văn hóa chối bỏ, gây ra rất nhiều tổn hại cho thế giới của chúng ta. Trẻ em bị loại bỏ, người trẻ bị loại bỏ vì không có việc làm, người già bị chối bỏ bằng yêu sách duy trì một hệ thống kinh tế “cân bằng”, trung tâm của yêu sách đó không phải là con người nhưng là tiền bạc. Tất cả chúng ta được mời gọi đấu tranh với nền văn hóa chối bỏ độc hại này".
"Chúng ta những người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi xây dựng một xã hội khác bằng sự nhẫn nại, ấm cúng hơn, con người hơn, hiểu biết hơn, một xã hội không cần phải chối bỏ người yếu đau thể xác, tâm thần, nhất là một xã hội mà các biện pháp của nó “bước qua” trên những người này.
Như những người tín hữu, và như những người công dân, chúng ta được mời gọi hình dung, bằng sức tưởng tượng và khôn ngoan, những con đường để đối diện với thử thách này. Một dân tộc không biết gìn giữ những người già và không làm điều tốt cho họ là một dân tộc không có tương lai! Tại sao không có tương lai?. Bởi vì ký ức bị đánh mất, bị bứng khỏi các căn cội của nó. Phải chú ý : anh chị em có trách nhiệm giữ vững các căn cội này trong chính cuộc sống của mình! Bằng lời cầu nguyện, đọc Tin mừng, những việc làm của lòng thương xót. Như thế anh chị em duy trì nó giống như những cây sống động, ngay cả lúc già nua không đem lại hoa trái. Một trong những cái đẹp nhất của đời sống gia đình, của cuộc sống gia đình nhân loại đó là âu yếm trẻ thơ và hãy để cho ông bà nội ngoại âu yếm chúng".
Sau bài huấn từ Đức Thánh Cha gặp gỡ, bắt tay vị tiền nhiệm của mình và chào thăm những người già trước khi cử hành thánh lễ. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có rất nhiều linh mục cao tuổi đến từ khắp nơi.
Bài giàng trong thánh lễ của Đức Thánh Cha :
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, hôm nay chúng ta đón nhận như là Tin mừng gặp gỡ giữa những người trẻ và cao niên : một cuộc gặp gỡ đầy tràn niềm vui, đầy tràn đức tin và hy vọng. Đức Maria là người trẻ, rất trẻ. Elisabeth là người già, nhưng trong bà lòng thương xót của Chúa được biểu lộ, và từ sáu tháng nay, cùng với chồng là Zacaria, bà đang trông chờ một đứa con. Đức Maria, cũng trong trường hợp này, trình bày cho chúng ta một con đường : là đi gặp người chị họ già, ở với người đó, tất nhiên là để giúp đỡ, và nhất là cũng để học nơi bà, người cao tuổi, sự khôn ngoan của cuộc sống.
Bài đọc thứ nhất, với những kiểu diễn tả khác nhau, làm vang vọng giới răn thứ tư: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12). Không có tương lai cho một dân tộc mà không có sự gặp gỡ giữa các thế hệ, không có những người con đón nhận chứng từ cuộc sống từ đôi tay cha mẹ với lòng biết ơn. Bên trong lòng biết ơn dành cho người đã cho bạn cuộc sống, cũng là lòng biết ơn dành cho người Cha ở trên trời.
Có rất nhiều thế hệ trẻ, đôi khi vì những lý do lịch sử và văn hóa phức tạp, họ sống và thấy có nhu cầu tự lập với cha mẹ cách mạnh mẽ, hầu như “tự giải thoát mình” khỏi di sản của thế hệ trước. Đó là giai đoạn nổi loạn thời niên thiếu. Nhưng, nếu sau đó không được phục hồi bằng gặp gỡ, không tìm lại được sự quân bình mới mẻ, phong phú giữa các thế hệ, làm trệch đường là làm cho một dân tộc suy yếu trầm trọng, và tự do thống trị trong xã hội là thứ tự do giả tạo, hầu như luôn bị biến đổi trong chế độ độc tài.
Cũng chính sứ điệp ấy, từ lời khích lệ của thánh Phaolô tông đồ gửi cho Timôtê, qua ông, gửi đến cộng đoàn kitô hữu. Chúa Giêsu không bãi bỏ lề luật của gia đình và sự chuyển giao giữa các thế hệ, nhưng Người đã kiện toàn nó. Thiên Chúa đã tạo nên một gia đình mới, trong đó liên hệ với Người và thực hành ý muốn của Chúa Cha vượt trên cả các mối dây liên hệ máu mủ. Nhưng tình yêu dành cho Chúa Giêsu và Chúa Cha dẫn tới kiện toàn tình yêu dành cho cha mẹ, cho anh chị em, cho ông bà nội ngoại, đổi mới các mối dây liên kết gia đình với huyết mạch của Tin mừng và của Thần Khí. Vì thế, thánh Phaolô khuyên Timôtê, là người Mục tử và cũng là người cha của cộng đoàn, phải biết kính trọng những người cao niên và những thành viên trong gia đình, và thúc dục ông hãy làm điều đó với tâm tình hiếu thảo : hãy coi cụ ông “giống như cha của ngươi”, và “những cụ bà như mẹ của ngươi” (x. 1 Tm 5,1). Người đứng đầu cộng đoàn không được miễn trừ khỏi ý muốn này của Thiên Chúa, trái lại, lòng mến Chúa Kitô thúc đẩy thực hành việc đó bằng tình yêu lớn hơn. Giống như Đức Trinh nữ Maria, dù đang làm Mẹ của Đấng Mêsia, Mẹ thấy mình được tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy, Đấng đang nhập thể trong Mẹ, để chạy đến với người chị họ già.
Chúng ta hãy trở lại “bức ảnh” đầy niềm vui và hy vọng, đầy đức tin và đức ái này. Chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Trinh Nữ Maria đang ở trong nhà của Elisabeth, đã nghe người chị họ và ông chồng là Zacaria cầu nguyện bằng những lời Thánh vịnh đáp ca hôm nay : “Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân. Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn. Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc, lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con, để con tường thuật quyền năng của Chúa cho thế hệ này được rõ, và dũng lực của Ngài cho thế hệ mai sau. (Tv 71,5.9.18). Thiếu nữ Maria đã lắng nghe và cất giữ tất cả những điều đó trong lòng mình. Sự khôn ngoan của Elisabeth và Zacaria đã làm phong phú cho linh hồn trẻ trung; họ không phải là người thành thạo việc làm cha làm mẹ, bởi vì đối với họ đây là lần mang thai đầu tiên, nhưng họ là những chuyên viên về đức tin, về Thiên Chúa về niềm hy vọng đến từ Thiên Chúa : đó là điều mà thế giới trong mọi thời đại cần đến. Đức Maria đã biết lắng nghe các cha mẹ già và đầy lòng kinh ngạc, cái đã làm nên như kho tàng khôn ngoan của họ, và đó là kho tàng quý giá đối với Mẹ, trong bước đường của người nữ, người chồng, người mẹ.
Đức Trinh Nữ Maria trình bày chúng ta con đường : đó là con đường của sự gặp gỡ giữa những người trẻ và những người cao niên. Tương lai của một dân tộc cần thiết phải đặt trên cuộc gặp gỡ này : những người trẻ cho đi sức mạnh để dân tộc bước đi và những người cao niên làm tăng cường sức mạnh ấy bằng ký ức và sự khôn ngoan bình dân.
G. Võ Tá Hoàng