TƯỞNG RẰNG CHÚNG SẼ NỂ CON TA
Is 5,1-7; Pl
4,6-9; Mt 21,33-43
Trong bài đọc I, tiên tri Isaia đã ca ngợi tình yêu và
lòng trung thành của Thiên Chúa, bằng cách dùng hình ảnh tốt tươi của vườn nho,
nhằm diễn tả sự quan tâm, săn sóc rất tuyệt vời mà Thiên Chúa luôn dành cho dân
riêng của Ngài. Thiên Chúa đã khai hoang vườn nho của mình, đã dọn sạch đá sỏi,
rác rưởi dơ bẩn và trồng vào đó những cây nho tốt tươi, chờ đợi ngày cây đơm
hoa kết trái. Nhưng tiếc thay, có nhiều cây nho tuy được Thiên Chúa săn sóc nhưng
không đem lại kết quả. Vì thế, Chúa nói: “Vậy
bây giờ tôi cho các người biết tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi: hàng giậu
thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo.
Tôi sẽ biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc
um tùm; sẽ truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống”. (Is 5,5-6).
Cũng vậy, Tin mừng dùng hình ảnh vườn nho, qua đó cho
chúng ta những giáo huấn rất sâu sắc. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu nói rằng ông chủ
đã trao phó vườn nho cho các tá điền và ông trẩy đi phương xa. Khi ông quay lại
vào đúng thời điểm thu gặt mùa màng. Ông đã sai các đầy tớ đi, nhưng họ bị các
tá điền đánh đòn, bị giết hoặc bị ném đá. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Các
tá điền, những người được trao cho việc canh giữ vườn nho là các thủ lãnh của
Israel, là những người phải chăm sóc các lợi ích của Thiên Chúa chứ không phải
cho cá nhân mình. Những người đầy tớ được sai đi thu hoạch là các ngôn sứ, họ bị
ngược đãi và bị giết chết.
Cuối cùng, ông chủ đã sai đứa con duy nhất của mình vì
ông nghĩ rằng : “chúng sẽ nể con ta” (Mt 21,37). Nhưng kể cả người con này cũng
bị giết. Người con đó chính là Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa Cha sai đến cho
dân tộc Israel, để qua Người làm cho mạc khải được hoàn tất. Thế nhưng Chúa
Giêsu, như các tiên tri, mà còn hơn thế nữa, đã bị lên án cho đến chết trên thập
giá.
Đối với câu hỏi của Chúa Giêsu về việc “ông chủ sẽ làm gì đối với bọn tá điền kia”,
các thượng tế và những người Pharisiêu trả lời “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt
bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp
hoa lợi cho ông." (Mt 21,41). Không cần biết thế nào, nhưng họ đã có câu trả lời
đúng. Vì vậy Chúa Giêsu nói : “Bởi đó,
tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các
ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43).
Và đây Giáo hội được thay thế cho hội đường và ơn cứu
độ được mở rộng ra cho tất cả mọi dân tộc. Ngôn sứ Isaia đã nói về sự hủy diệt
vườn nho; trái lại Chúa Giêsu loan báo vườn nho sẽ được trao cho một dân tộc
khác, và đó là Giáo hội.
Lời của Chúa Giêsu và của ngôn sứ Isaia không chỉ được
nói về dân tộc Israel, mà còn cho cả Giáo hội. Nếu cuộc sống của Giáo hội, của
chúng ta không đem lại hoa trái như mong đợi, đến lượt chúng ta cũng sẽ bị loại
ra ngoài. Tất nhiên, Giáo hội sẽ kéo dài cho đến ngày tận thế, như Chúa Giêsu
đã hứa, nhưng lịch sử cho chúng ra thấy rằng, những giáo hội địa phương khác
nhau bị biến mất hoàn toàn hay hầu như bị rơi rụng. Nếu một cộng đoàn kitô hữu
luôn biết sống trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu và vâng theo đường lối
chân truyền chắc chắn cộng đoàn đó sẽ tồn tại mãi.
Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay, với những
lời khuyên chân thành, ngài đã giúp chúng ta hiểu được những khía cạnh rất quan
trọng của đời sống người tín hữu, đó là cầu nguyện và sống gương lành. Nhất là thánh
Phaolô khích lệ chúng ta luôn hướng về Thiên Chúa, dâng lên Ngài những lời khẩn
nguyện và van xin của chúng ta (x. Phil 4,6). Lời cầu nguyện phải chiếm vị trí
đầu tiên trong cuộc sống của người tín hữu, đến nỗi trở thành hơi thở của linh
hồn. Điểm thứ hai, vị thánh Tông đồ dân ngoại thúc dục các độc giả của mình hãy
thực hành tất cả những gì mà họ đã học, đã đón nhận, lắng nghe và đã thấy nơi
ngài (x. Phil 4,9). Đó là mẫu gương tốt giúp cho việc làm tông đồ trong cuộc sống
được sinh hoa kết trái thơm lành.
Cũng vậy, dựa vào mẫu gương của thánh Phaolô, chúng ta
có thể dẫn đưa mọi người xung quanh đến với Chúa Giêsu Kitô, nếu chúng ta biết
xây dựng tình huynh đệ và cuộc sống thường ngày bằng những hành vi mẫu mực, và
nếu chúng ta biết dấn thân sống Tin mừng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Chúng
ta sẽ rao giảng Nước Chúa cho thế gian ngay cả bằng các tư tưởng của mình, nếu
chúng luôn là những tư tưởng trong sáng và luôn quy chiếu về Thiên Chúa. Vì thế
thánh Phaolô khích lệ chúng ta: “thưa anh
em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì
là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen,
thì xin anh em hãy để ý” (Phip 4,8).
Vườn nho cũng là biểu tượng cho mỗi người chúng ta.
Chúng ta được kêu mời đem lại hoa trái phong phú trong mọi hành động tốt đẹp. Nhưng
để làm được điều này, chúng ta phải duy trì sự kết hiệp với Chúa Giêsu, giống
như cành nho kết hiệp với thân nho. Không có Chúa chúng ta không thể hoàn thành
mọi công việc của mình, cũng như hoàn thành những công việc của Cha trên trời
trao phó cho chúng ta. Chúa Giêsu cũng giúp cho chúng ta hiểu được chân lý này
khi nói: “Thầy là cây nho, anh em là
cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều
hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Duy trì sự hiệp nhất với Chúa Giêsu bằng đức tin, cầu
nguyện và bằng việc tham dự các bí tích. Khi kết hiệp với Chúa như thế, nhựa sống
của ân sủng luôn chảy trào trong linh hồn chúng ta và nhờ đó chúng ta có thể
đem lại hoa trái tốt tươi cho cuộc sống vĩnh cửu.
G. Võ Tá Hoàng