PHẦN I
CỰU ƯỚC CHUẨN BỊ ƠN CỨU ĐỘ
CHƯƠNG I
CỰU ƯỚC CHUẨN BỊ ƠN CỨU ĐỘ
CHƯƠNG I
KHỞI NGUYÊN LỊCH SỬ CỨU ĐỘ
Giuse Võ Tá Hoàng
Những biến cố trước ơn gọi Ap-ra-ham được coi như những biến
cố khởi đầu của lịch sử cứu độ phổ quát. Chúng có một tầm quan trọng đặc biệt
đến độ Công Đồng Vat II trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã muốn nhắc lại cho
mọi người thời nay để hiểu rõ hơn nền tảng đích thực của phẩm giá con người.
Những biến cố ấy đã được Thiên Chúa mạc khải cho Mô-sê, các
ngôn sứ và được ghi chép ở những đoạn đầu sách Sáng Thế. Chúng soi sáng cho
chúng ta về nguồn gốc vạn vật và chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với
tất cả mọi người, về sự sa ngã đầu tiên dẫn đến lời hứa Đấng Cứu Thế, về giao
ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với Nôe con cháu ông.
Thế nhưng, câu chuyện kể lại những chương ấy có thực không?
Câu trả lời cho vấn nạn này sẽ dẫn đến vấn đề sự thật trong văn chương, một vấn
đề không đơn giản như người ta tưởng.
Ý niệm về sự thật có một ý nghĩa khác đi phần nào tuỳ theo
loại văn chương mà nó được áp dụng. Quyển sách lịch sử hiện đại là thật nếu
những sự kiện ghi trong đó chính xác, nếu những dữ kiện liên quan đến con
người, thời gian và không gian trong đó là thật. Nhưng về các sách thi ca thì
sao? Sự thật có chứa đựng trong đó chăng? Và về các dụ ngôn cũng thế, tất nhiên
chúng cũng có sự thật riêng của chúng. Một dụ ngôn là thật, nếu điều nó dạy ta
là thật. Một sự thật có thể được trình bày qua nhiều hình thức văn chương khác
nhau. Điều đó chúng ta sẽ thấy trong sách Sáng Thế cũng như các sách khác của
Cựu Ước.
1. Vũ trụ có một khởi đầu.
Những người không biết mạc khải khi nghiên cứu vũ trụ và
thời gian đã cho rằng vũ trụ vật chất là vĩnh cửu và luôn tiến hoá. Thời gian
được quan niệm như một vòng tròn, không có khởi đầu và kết thúc. Thế nhưng,
dưới ánh sáng mạc khải, chúng ta biết rằng: vũ trụ vật chất không vĩnh cửu, chỉ
có Thiên Chúa mới vĩnh cửu, còn thời gian khởi đầu và kết thúc trong lịch sử
cũng là lịch sử thánh.
2. Công trình tạo dựng vũ trụ
Vũ trụ có một khởi đầu và kết thúc. Chúng ta chỉ có thể biết
được điều đó nhờ mạc khải mầu nhiệm của Thiên Chúa. Bởi không ai có thể chứng
kiến giây phút huyền nhiệm phát xuất từ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.
Đọc sách Sáng thế ở những chương đầu chúng ta sẽ dễ dàng
nhận ra ở đây có hai trình thuật tạo dựng. Trình thuật thứ nhất: St 1,1-2,4a
được viết vào thế kỷ V, trình thuật 2 được viết vào thế kỷ IX trước Chúa Giêsu.
Các trình thuật này cho chúng ta thấy lời sáng tạo của Thiên Chúa toàn năng.
Thiên Chúa tạo dựng vạn vật tất cả từ hư vô.
Chương đầu sách Sáng thế cho ta thấy Thiên Chúa dựng nên thế
giới trong 6 ngày. Trước hết, Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi tối tăm. Kế đó
Người tách nước phía dưới ra khỏi nước phía trên bằng một bầu trời, khoảng giữa
là không khí. Sang ngày thứ ba, Thiên Chúa tách đất ra khỏi nước dưới vòm trời.
Ngày thứ tư, Thiên Chúa tạo dựng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Mặt trời,
mặt trăng và các ngôi sao đều có liên quan tới ánh sáng. Vậy ngày thứ tư phải
có liên quan đến ngày thứ nhất. Đến ngày thứ năm xuất hiện chim trên trời và cá
dưới biển, điều này liên hệ đến ngày thứ hai. Và cùng một cách như thế, công
việc của ngày thứ sáu có liên quan đến ngày thứ ba: ngày thứ sáu Thiên Chúa tạo
dựng thú vật và con người sống trên mặt đất.
Thuật trình sáng tạo như thế cho thấy tác giả đã sử dụng một
lối diễn tả rất nghệ thuật: 3 ngày đầu nói về sự phân tách, 3 ngày sau nói về
sự trang trí hay cư trú. Lối hành văn cân đối như thế khiến ta phải nghĩ rằng
đó là một lối nói bóng bẩy bằng văn vần, chứ không phải là một câu chuyện lịch
sử bằng văn xuôi.
Những yếu tố có tính cách văn vần khác cũng khá rõ ràng.
Những câu nói tương tự làm cho chúng ta càng có lý để khẳng định rằng đó là một
bản văn có tính cách thi ca hơn là một bài viết có tính khoa học.
Một yếu tố quan trọng khác cần chú ý: chính tác giả không
phải là nhà khoa học thực nghiệm đứng ra ghi chép sự kiện lịch sử. Điều mà tác
giả quan tâm không phải là khoa học, nhưng là thần học. Tác giả không nhằm mô
tả cách cấu tạo hữu hình của vũ trụ, nhưng nhằm mô tả bản thể và quyền năng của
Thiên Chúa, sự cao quý của con người. Khi nói về thế giới, tác giả không dùng
thứ ngôn ngữ khoa học, nhưng là ngôn ngữ của những biểu hiện.
Hiểu như vậy, ta có kết luận những chân lý sách Sáng Thế đã
diễn tả như sau:
- Chỉ có một Thiên Chúa và tất cả các vật khác đều do Ngài tạo nên.
- Thiên Chúa là một ngôi vị chứ không phải là một mãnh lực thiên nhiên.
- Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới từ hư vô.
- Thiên Chúa là Chúa của trật tự, và con người được dựng nên trỗi vượt hơn tất cả vạn vật.
- Hôn nhân là một định chế do Thiên Chúa tác tạo và chúc lành.
- Con người phải dành riêng ít là một ngày cho Thiên Chúa.
- Thế giới vạn vật được Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành.
3. Tạo dựng con người
Việc tạo dựng được hai trình thuật trình bày khác nhau, nhưng
bổ túc cho nhau.
Trong trình thuật 1, con người được gọi vào hiện hữu sau tất
cả loài vật. Họ được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có nam có nữ, và được
giao nhiệm vụ cai trị muôn loài.
Trong trình thuật 2, tác giả trình bày Thiên Chúa như một
ông thợ gốm , nặn con người bằng đất sét rồi thổi sinh khí[1]
vào biến nó thành người sống. Sau đó Chúa đặt A-đam, con người đầu tiên ấy vào
vườn hạnh phúc. Ông là người đặt tên cho muôn thú[2].
Nhưng ông không tìm ra nơi đó một người trợ lực xứng với mình. Do đó, trong một
giấc hôn mê[3],
Thiên Chúa đã lấy một xương sườn của ông tạo ra người phụ nữ[4]
và dẫn đến với ông. A-đam vui mừng nhận ra: đây chính là xương, thịt mình.
4. Trao ban sự sống thần linh
Ngay khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã đồng thời nâng
con người lên tình trạng ân sủng siêu nhiên. Có thể nói, con người chưa bao giờ
sống trong tình trạng tự nhiên thuần tuý như lúc bấy giờ. Ngay từ đầu, con
người được đưa vào sự hiệp thông với Thiên Chúa, một cuộc hiệp thông đầy hạnh
phúc.
Khi đặt con người vào vườn địa đàng[5],
Thiên Chúa chấp nhận con người vào gia đình của Người, cho họ sống cuộc sống
của người và trò chuyện thân tình với họ.
A-đam và E-va sống trong an bình với nhau, và với muôn loài,
được hưởng các ân huệ đặc biệt là đời sống ân sủng, không phải đau khổ và không
phải chết… với điều kiện con người không đụng đến cây biết lành và dữ…
Như thế, ngay từ đầu, con người đã được mời gọi đến một định
mệnh siêu nhiên. Đó chính là định mệnh mà Thiên Chúa dành cho con người và sau
đó tất cả lịch sử nhân loại được đặt trong viễn tượng đó.
Thế nhưng ngay từ đầu, lịch sử nhân loại là một thảm kịch
giữa ân sủng và tội lỗi.
5. Cám dỗ và sa ngã.
Từ chương 3, tác giả (J) đã khởi đầu bức hoạ vĩ đại, mô tả
việc tội lỗi xâm nhập và vô số các thảm hoạ mà nó đã gây nên. Một nhân vật mới
xuất hiện: tên cám dỗ, dưới hình dạng con rắn[6]
được Thánh Kinh nhận ra là Satan, thiên thần phản nghịch. Nó thay mặt, tượng
trưng cho một kẻ rất độc ác và khôn khéo, muốn tìm cách phá hoại hạnh phúc con
người và làm cho người ta mất mối thân thiện với Thiên Chúa.
Satan cám dỗ E-va nghi ngờ lòng tốt của Thiên Chúa, làm cho
bà bớt lòng vâng phục, và phán đoán về Thiên Chúa: biết đâu Ngài chẳng cấm vì
sợ con người sẽ bằng mình?
Sau nhiều lần đối thoại, rắn không nhấn mạnh gì thêm, nhưng
để cho cám dỗ yên lặng tác động trong người nữ: từ giác quan vào khí khôn và
lòng muốn. Người nữ ngắm nghía trái cây thấy ăn ngon, mát mắt và đáng thèm khát
để được khôn ngoan, được thông minh như Thiên Chúa. Bà đã hái, đã ăn và đem cho
chồng. Người nữ bị dụ dỗ trở thành người dụ dỗ. Con người đã nhẹ dạ tin vào lời
phỉnh phờ của ma quỷ và ăn trái cây biết lành và dữ. Mắt họ đã mở ra, họ biết
mình trần truồng[7].
a. Tội phạm là tội nào
Chắc hẳn không phải là tội tham ăn trái “bom” mà là một tội kiêu
ngạo. Con người được đặt trước một sự lựa chọn phải xác định thái độ sống.
Có chân nhận Thiên Chúa như một thực tại, mục đích để sống, hay chọn Chúa theo
sở thích và đặt mình làm mẫu mực tối cao cho hành động, và như thể phủ nhận
thân phận thụ tạo, gần như muốn chiếm đoạt địa vị Thiên Chúa. Giữa hai cách
sống, con người đã chọn cách thứ hai.
b. Hậu quả hình phạt
Hậu quả tội ác đã đến ngay lập tức. Việc con người thách đố
Thiên Chúa đã tạo nên sự hổ thẹn sâu xa, cùng với một số hậu quả như:
- Sự trần truồng đã trở nên một yếu tố rất khó chịu nơi thân thể con người. Phái tính mà Thiên Chúa đã ban để thông phần tạo dựng với Người có phần rối loạn.
- Đối với người phụ nữ bị phạt trong vai trò thiết yếu là làm mẹ và làm vợ.
- Quyền cai trị của con người trên mặt đất và địa vị của họ trong vũ trụ có đổi thay. Vật chất có thái độ khác với con người, gần như chống lại con người, vật chất làm cho con người phải vất vả vì nó.
- Sự thân mật giữa con người và Thiên Chúa trở nên rối loạn: thay vì trở nên thần thánh, con người cảm thấy trơ trụi với bản tính nhân loại thuần tuý, yếu đuối, lại thêm mất những đặc ân Thiên Chúa đã ban.
- Sự chết đã thâm nhập vào trần gian. Cái chết như tột đỉnh của thân phận đoạ đày con người, với tất cả các đau khổ, khắc khoải kèm theo là hậu quả của tội lỗi, của sự đoạn giao với Thiên Chúa.
6. Lời hứa cứu độ
Trình thuật vườn địa đàng và sa ngã nói lên rằng hiện trạng
của con người không phù hợp với chương trình của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa
luôn là niềm hy vọng cho con người. Tai hoạ không bao giờ là lời cuối cùng của
Thiên Chúa: Ngài luôn điều chỉnh kế hoạch cứu độ theo tình trạng mới do tội gây
nên; hơn nữa, nhiều khi nhờ đó Người lại còn thực hiện kế hoạch cứu độ trên một
bình diện cao hơn vì : “ở đâu tội lỗi tràn đầy thì ở đó ân sủng càng chứa
chan gấp bội”(Rm 5,20).
Lời hứa cứu độ đeo đuổi Thiên Chúa trong suốt hành trình của
lịch sử. Đặc biệt là trong lúc này đây, sau khi tuyên án, Thiên Chúa tuyên bố
lời hứa ban Đấng Cứu Thế; xảy ra một cuộc giao tranh giữa miêu duệ người nữ và
Satan, người nữ sẽ đạp nát đầu Satan. Trong cuộc giao tranh ấy, phía dòng giống[8]
người nữ sẽ chiếm ưu thế thượng phong.
7. Lòng thương xót của Thiên Chúa.
Tình trạng của nhân loại trong tội lỗi và hình phạt thật là
đen tối, nhưng không phải là tuyệt vọng. Trên trần gian, lời cuối cùng của
Thiên Chúa không phải là lời thịnh nộ, nhưng là lời thương xót cứu chuộc, và
mỗi lần Người có phạt thì cũng là nhằm để cứu rỗi.
Ta thấy ngay trong án phạt nguyên tổ, đã chứa đựng hy vọng
cứu thoát, và sau đó Thiên Chúa còn săn sóc ông bà và nhân loại. Đối với Ca-in
cũng thế, tuy bị nguyền rủa và bị đuổi ra khỏi vùng đất màu mỡ, Ca-in vẫn được
Thiên Chúa che chở không cho ai giết (St 4,11-15). Trong các tổ phụ trước hồng
thuỷ, ta thấy có ông Hênok đạo đức được Thiên Chúa thương đặc biệt.
Hồng thuỷ đã tiêu diệt nhân loại, nhưng Thiên Chúa còn dành
lại một phần dư tồn, đó là Nô-e và gia đình ông, để bắt đầu lại. Mặc dầu con
người vẫn còn hư xấu, Thiên Chúa vẫn cam kết không phạt nhân loại như thế nữa,
chứng tỏ lòng thương bằng cách bảo đảm cho trật tự tự nhiên thường tồn. Người
còn lập với Nôe và muôn loài một minh ước; sẽ không bao giờ dùng hồng thuỷ để
tiêu diệt (St 9,1-17).
Nhưng chuyện tháp Ba-bel kết thúc mà không thấy nói đến
Thiên Chúa can thiệp. Phải chăng lòng thương xót của Ngài đã cạn và mọi liên
lạc đã bị gián đoạn? Lịch sử nguyên thuỷ không trả lời, nhưng câu trả lời sẽ
được đưa ra khi Ngài chọn Ap-ra-ham là trung tâm mới để quy tụ các dân mà tội
lỗi đã làm chia rẽ: nơi ông mọi họ hàng trên đất sẽ được chúc phúc. Ap-ra-ham
chính là trục nối kết lịch sử nguyên thuỷ và lịch sử cứu độ. Trong lịch sử nhân
loại cũng như trong cuộc đời của mỗi người, luôn có sự hiện diện của tội lỗi,
nhưng Thiên Chúa sẽ không bao giờ nhường bước cho sự ác lộng hành.
Phúc lành của Ap-ra-ham tiên báo ơn cứu độ trong Chúa Kitô.
Ngài cũng đại diện và mang tất cả nhân loại trong chính mình, và trong Ngài,
muôn dân được ơn tha thứ và cứu chuộc.
[1] Sinh khí (nishmat
hayyim) là hơi thở của sự sống. Sự sống biểu lộ bằng việc hô hấp: ai thở là còn
sống. Ai trút hơi thở là chết. Vì thế, Israel đồng hoá sự sống với hơi thở. Để
diễn tả quan niệm đó và nhấn mạnh rằng con người đặc biệt nhận được sự sống
trực tiếp do Thiên Chúa. Khởi nguyên mô tả Thiên Chúa nặn con người: A-đam bằng
đất và thổi sinh khí vào mũi. Những chi tiết đó không nhằm nói con người đã
được dựng nên cách nào cho bằng dạy bản tính con người là gì.
[2] Con người đầu tiên
đặt tên cho tất cả các thú vật, có nghĩa là con người được Thiên Chúa trao
quyền làm chủ muôn loài.
[3] Giấc hôn mê ở đây
không có tác dụng như một liều thuốc mê trước khi giải phẩu, nhưng có nghĩa là
con người không thể chứng kiến được hành động tạo dựng của Thiên Chúa, nhất là
hôn nhân lại là mầu nhiệm cao siêu nhất của cuộc sống.
[4] Người nữ được Thiên
Chúa tạo ra từ xương sườn của người nam. Điều này muốn nói con người không thể
sống một mình, bởi con người có xã hội tính, để bổ túc cho nhau. Người nữ, E-va
là người đồng xương, thịt với A-đam, bình đẳng với ông về phẩm giá. Từ đây,
người nữ chiếm vị trí đặc biệt trong trái tim của ông đến nỗi “người đàn ông
phải bỏ cha mẹ mình mà luyến ái với vợ mình và cả hai trở thành một huyết
nhục”.
[5] Tác giả muốn mô tả
vườn địa đàng như một khu vườn cấm, mát mẻ, phì nhiêu, tốt đẹp lạ thường, trong
đó con người sống, làm việc, gần gũi với Thiên Chúa, hoà hợp với vạn vật với hy
vọng trường sinh. Qua việc Thiên Chúa đem con người vào khu vườn đó, tác giả
muốn nói lên tình trạng ưu đãi mà Thiên Chúa đã dành cho họ. Con người được
tham dự vào một bản tính, một thế giới cao hơn, thế giới siêu nhiên.
[6] Trong các loài vật,
rắn là loài đặc biệt do hình thù, cách chuyển vận và tính cách khôn khéo, nguy
hiểm, vì thế người ta thường sợ và gớm ghét. Trong nhiều tôn giáo, rắn được coi
là thần và có vai trò trong việc ma thuật phù phép hay phì nhiêu sinh sản.
[7] Tất nhiên, trước khi
phạm tội họ vẫn biết mình trần truồng, nhưng coi là tự nhiên và không biết
ngượng. Bây giờ sự vô tội đã mất, xấu hổ là ý thức của tội lỗi. Tội đã gây
trong chốn thâm sâu của con người một sự đổ vỡ, thế quân bình và hoà hợp giữa
thể xác và tinh thần đã mất, người ta không làm chủ được mình nữa, và vì thế
cảm thấy xấu hổ trước mặt nhau. Sự hổ thẹn gắn liền với phạm vi tính dục là dấu
chứng tỏ con người đã mất lòng vô tội, khả năng tình ái đã bị một vết thương.
Dục tình đã bắt đầu nổi lên lộn xộn và giữa đôi bạn có bóng đen lẽn vào. (x. P.
Grelot, le couple humain dans L’Ecriture, trang 45)
[8] Dòng giống có thể
hiểu theo nghĩa cá nhân hay tập thể. Theo bản dịch 70, là một người trong dòng
giống. Theo bản Vulgata, là người đàn bà.