Lịch Sử Cứu Độ (3) phần I - Đất hứa và vương quốc Israel


CHƯƠNG III
ĐẤT HỨA VÀ VƯƠNG QUỐC ISRAEL
Giuse Võ Tá Hoàng

 (Ảnh từ wikimedia.org)
Miền đất Thiên Chúa hứa cho dân Israel nằm hai bên bờ sông Gio-đan. Cho đến cuối đời, Mô-sê mới chỉ chiếm được phần đất phía Đông (Ds 13). 40 năm đã trôi qua, kể từ lễ vượt qua đầu tiên, hầu hết những người Israel lớn tuổi ra đi từ Ai-cập đều đã bỏ mình trong sa mạc. Ông Mô-sê cũng cùng chung một số phận ấy với dân chúng. Sau khi được Thiên Chúa đưa lên một ngọn núi cao để nhìn thấy miền đất Ngài sắp ban cho dân, ông đã qua đời trong sa mạc (Đnl 34).
Ông Giô-suê con ông Nun, thuộc chi tộc Ep-ra-im (Ds 13,8.16) một vị phụ tá của Mô-sê (Đnl 31,1-7) được Thiên Chúa trao trọng trách đưa dân Israel vào đất hứa.

I. Chinh phục đất hứa
Bước đầu tiên trong cuộc chinh phục là vượt qua sông Gio-đan, biên giới phía đông của xứ Ca-na-an. Tại đây đã xảy ra một sự kiện tương tự như cuộc vượt qua biển đỏ thời Mô-sê. Khi hòm bia được đưa đến sông thì nước sông ngừng chảy, để cho toàn thể dân chúng đi qua và bước vào đất hứa. Kể từ đó, Man-na không còn rơi nữa, và dân chúng sống bằng thổ sản địa phương. Lên bờ phía Tây thuộc lãnh thổ Ca-na-an, lễ vượt qua được cử hành và hòm bia[1] được đặt tại Gilgal và ở lại đó khoảng 5 năm.
Vài hình ảnh để so sánh

Mô-sê
Gio-suê
Giavê Ngăn Nước Biển
Xh 14,5-31
Giavê ngăn nước sông Gio-đan Gs 3,7-4,17
Cột lửa, mây hướng dẫn
Xh 13,21-22
Hòm bia điều khiển
Gs 3,6-17; 4,1-10
Sau việc, dân tin Mô-Sê
Xh 14,31
Do đó ông Gio-suê thêm uy thế Gs 3,7; 4,14
Do thái đã được cắt bì
Gio-suê cắt bì cho dân Gs 5,29
Ma-na là đồ ăn trong hoang địa Xh 16
Man-na thôi không rơi nữa   Gs 5,12
Ăn lễ vượt qua trước khi qua Xh 12-13
Ăn lễ vượt qua sau khi qua  Gs 5,10
Tiếp đến là cuộc giáp mặt đầu tiên với dân Ca-na-an xảy ra tại Giê-ri-khô, gần chỗ vượt sông. Dưới sự chỉ huy lãnh đạo của ông Gio-suê, chống lại các dân định cư tại Ca-na-an, các chi tộc đã chiếm cách tương đối dễ dàng miền Nam, rồi miền Bắc Palestine[2].
Sau khi chiếm được vùng đất bên kia sông Gio-đan, Gio-suê đã chia cho các chi tộc Ru-ben, Gát và một nửa ma-nas-sê. Sau khi chiếm trọn xứ Ca-na-an, ông tiếp tục phân chia cho các chi tộc khác. Chi tộc Lê-vi không được chia lãnh thổ vì họ được tách biệt ra để lo việc tế tự và họ sống nhờ các của dâng cúng. Dù vậy, các chi tộc kia cũng nhường cho họ một số thành.
1. Đại hội Si-khem[3]
Biến cố cuối cùng vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa tôn giáo trong thời kỳ chinh phục đất hứa là đại hội Si-khem do Giô-suê triệu tập sau khi đã phân chia lãnh thổ cho các chi tộc xong. Người Israel đã có kinh nghiệm về mối nguy cơ ngẫu tượng giáo do việc chung đụng với dân bản xứ Ca-na-an, nên cần có một sự chọn lựa dứt khoát. Giô-suê hỏi và toàn dân đã thề hứa phụng thờ một vị Thiên Chúa duy nhất và tuân phục các giới răn của Người. Đây là một nghi thức rất xúc động nhắc lại lời giao ước.
Sau khi dựng một tảng đá làm chứng cho những lời cam kết, ông Giô-suê đã giải tán đại hội và mỗi người trở về phần đất của mình. Dân Israel muốn trung thành với Thiên Chúa là Đấng duy nhất cai trị họ, nhưng họ thường bất trung và phải liên tục trở về với Thiên Chúa bằng sự hoán cải con tim, như suốt lịch sử Israel sẽ chứng minh.
Tóm tắt bố cục chương 24:
-      Giô-suê triệu tập các kỳ hào trong dân trước mặt Thiên Chúa.
-      Giô-suê kể lại công ơn Thiên Chúa đã làm cho dân (2-13) với các tổ phụ (2-4), tại Ai-cập (5-7), từ Ai-cập đến đất hứa (7b-13). Sau cùng qua các cuộc đối thoại Giô-suê đề nghị dân chọn Thiên Chúa. Toàn dân đồng thanh nói lên lời cam đoan phụng thờ Thiên Chúa (14-24). Kể từ ngày đó, Giô-suê nhân danh Thiên Chúa thay mặt dân ký kết Giao ước, ông đưa ra qui luật và điều luật ở Si-khem (25).
-      Giô-suê cho giải tán dân, ai nấy trở về nhà mình (28)
2. Ý nghĩa sách Giô-suê
Đọc Giô-suê gợi lại cho ta bản thiên hùng ca về cuộc đào thoát Ai-cập được tiếp diễn qua cuộc chiếm lĩnh đất hứa với sự can thiệp nhiệm lạ của Thiên Chúa nhằm yểm trợ dân Người. Những hình ảnh đó được hoạ lại như một bức tranh thật đơn giản: tất cả các giai đoạn đều qui tụ chung quanh khuôn mặt kỳ vĩ của Giô-suê là người chỉ đạo các cuộc chiến đấu của nhà Giuse (Gs 1-12) và được xem như tác giả một cuộc phân cấp đất đai, việc phân cấp này không do chính ông thể hiện và cũng không được thực hiện nội trong một lần (Gs 13-21)
Đất Ca-na-an, trong cái nhìn Cựu Ước, quả là đề tài đích thực được viết trong sách Gio-suê: Dân Israel đã tìm gặp được Thiên Chúa của họ trong hoang địa, giờ đây nhận lãnh đất đai của họ. Đó là vì chính Thiên Chúa là kẻ đã chiến đấu cho Israel (Gs 23,3-10 24,11-12) và đã ban cấp để làm gia nghiệp cho họ đất xứ Người từng đoan hứa cho các tổ phụ của họ (Gs 23,5-14).
Vai trò của Giô-suê điển hình cho đường lối thông thường của Thiên Chúa trong mỗi giai đoạn của lịch sử. Thiên Chúa luôn luôn chọn một nhân vật tiêu biểu để gánh vác trách nhiệm thực hiện kế hoạch của Ngài. Nơi ông gồm tóm tất cả dân Israel được Chúa đưa vào gia tài. Ông nêu cho người đời gương mẫu vâng lời, và vì thế ông luôn được Chúa trợ giúp.
Nơi ông Gio-suê, các giáo phụ nhận ra một tiền ảnh của Đức Giêsu, bởi lẽ tên “Giô-suê” của ông cũng có nghĩa là “cứu tinh” như tôn danh của Đức Giêsu vậy, mà cuộc vượt qua mở đường cho dân Israel cùng ông tiến vào đất hứa là tiêu biểu cho phép rửa trong Đức Giêsu, dẫn lối cho con người theo Đức Giêsu đến cùng Thiên Chúa, cũng như sự chiếm đoạt và phân cấp đất đai đã hoá nên hình bóng các chiến thắng và sự bành trướng của Giáo Hội.

II. Thời kỳ các thẩm phán
Sau khi Giô-suê qua đời, đất hứa vẫn chưa chinh phục hết. Tại Si-khem, Israel vẫn trung thành với Thiên Chúa, mặt khác họ phải chiến đấu để bảo vệ cho nền độc lập, chính trị và tôn giáo. “Thời đó Israel không có vua, ai muốn làm gì thì làm” (Tl 17,6; 18,1;19,1; 21;25), nên các chi tộc lại sống độc lập trong khu vực mình.
Ngay trong chính địa phận của Israel, dân ca-na-an vẫn chưa bị tiêu diệt hẳn. Cuộc sống chung đụng với nhau, dần dần dẫn Israel đi lạc đường “Con cái Israel đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, và đã làm tôi các thần Ba-an (…) họ đã đi theo các thần ngoại lai trong số các thần của các dân chung quanh. Họ sụp lạy các thần ấy và chọc giận Đức Chúa. Họ đã lìa bỏ Đức Chúa để làm tôi thần Ba-an và các nữ thần At-tô-ret. Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ Người đã trao họ vào tay kẻ thù chung quanh, nên họ không thể đương đầu nổi với kẻ thù. Cứ mỗi lần họ xuất trận là tay Đức Chúa giáng hoạ trên họ, như Đức Chúa đã phán và thề với họ” (Tl 2,11-15).
Nhưng một khi dân chúng nhận ra tội lỗi của mình và quay trở về với Thiên Chúa, “kêu cầu lên Chúa”, thì Ngài lại cho xuất hiện một vị cứu tinh, đó là các quan xét hay thẩm phán. Các thẩm phán có nhiệm vụ cứu dân khỏi tay thù địch và giúp dân trung thành với Giao ước. Các thẩm phán là những nhà lãnh đạo quân sự thiên phú, không nhất thiết phải là người thánh thiện. Kinh thánh đã kể tên 13 vị thủ lãnh và một số câu chuyện về những chiến công của họ chẳng khác nào những bản anh hùng ca.
1. Bảng tóm lượt tên và vai trò các thẩm phán[4]

Tên thẩm phán
Xét xử
Vị cứu tinh
Cứu dân
Bộ lạc, vùng
Otniel (3,7-11)
3,10
3,9
3,9
Caleb
Êhut (3,11-30)

3,15

Benzamin
Đêbôra và Barag (4-5)
4,4


Ephrahim
Ghê-đê-ôn và
Abimôlek (6-9)



Manasê
Gip-tê (10,6-12,7)
12,7


Galat
Samson (13,16)
15,20; 16,31


Đan
Shamgar (3,31)


3,31
Mephtali
Tôla (10,1-2)
10,2

10,1
Issaka
Da-ia (10,3-5)
10,3


Galerat
Ip – Xan (12,8-10)
12,8-9


Zơ-bu-lun
Ê-lôm (12,11-12)
12,11


Zơ-va-lun
Ab-đôn(12,13-15)
12,13-14


Epraim
Các thẩm phán lớn là những anh hùng giải phóng. Tuy khác nhau về gốc gác, tính tình và hành động, nhưng tất cả đều có nét chung: họ đã lãnh nhận một ơn riêng, được chọn cách đặc biệt với sứ mạng giải thoát dân.
Các thẩm phán nhỏ xuất phát từ một truyền thống khác. Không thấy các thẩm phán nhỏ này có hành động giải phóng nào. Một cách sơ sài Kinh thánh chỉ cho biết gốc gác họ, về gia đình, nơi chôn cất cũng như nơi họ đã làm thẩm phán trên Israel trong một số năm nhất định.
Ngoài 12 thẩm phán trên, Thánh Kinh đã đặc biệt nhấn mạnh đến Sa-mu-en, được coi như vị thẩm phán cuối cùng và vĩ đại nhất, đồng thời cũng là vị ngôn sứ.
2. Ơn gọi và sứ mạng của Sa-mu-en
Sa-mu-en sinh vào khoảng 1060 trước Chúa Giêsu. Mẹ của ông là bà An-na, được gọi là người đàn bà son sẻ: bởi Sa-mu-en là đứa con cầu tự của bà. Theo lời khấn, bà đã dâng Sa-mu-en cho Thiên Chúa để phục vụ bên cạnh khám giao ước (1Sm 1,11), dưới sự bảo trợ của thầy Thượng tế Ê-li. Nhưng Ê-li lại là một con người nhu nhược không dạy được hai đứa con xấc láo của ông, đến độ Thiên Chúa gọi đích danh Sa-mu-en để báo cho ông biết trước tai hoạ khủng khiếp sẽ giáng xuống trên đầu Israel, lúc bấy giờ
Sa-mu-en còn nhỏ (1Sm 3,10-14).
Từ khi Ê-li chết, Sa-mu-en đã trở thành nhân vật lãnh đạo quốc gia. Ông thực sự là một thẩm phán tài ba, đứng ra giải quyết các vụ việc cho đồng bào. Hơn nữa, ông còn là một ngôn sứ truyền đạt thánh ý Thiên Chúa cho dân và dâng lời cầu nguyện của dân lên Thiên Chúa.
Kinh thánh trình bày Sa-mu-en như vừa là tư tế, quan toà, ngôn sứ và tướng quân. Điểm đặc biệt nơi Sa-mu-en là ông sẵn sàng và nhiệt tình với Thiên Chúa cho dù ông chưa biết Ngài: nghĩa là ông chưa biết Thiên Chúa siêu việt có thể đến gần với con người và thì thầm trong trái tim con người (3,4); dù trong bản tính tự nhiên ông không hoàn toàn đồng ý với điều Thiên Chúa dạy (8,10). Sa-mu-en là mẫu ngôn sứ nhờ đó Thiên Chúa có thể tự do hành động khi Ngài muốn làm lịch sử. Vai trò đích thực của ông là bảo đảm sự trường tồn của tôn giáo chân chính và việc thành lập nền quân chủ theo lòng Thiên Chúa qua việc chọn các vua cho dân.
3. Sa-mu-en với chúng ta
Mẫu người của Sa-mu-en gợi lại cho chúng ta thấy hình ảnh của Chúa Giêsu khi còn ở Na-da-ret, càng lớn tuổi càng tràn đầy ân sủng và khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa (Lc 2,52), chăm lo phụng sự Thiên Chúa và tuân giữ Lời Ngài (3,19), ngay thẳng thành thật (3,18), luôn tỉnh thức và mau mắn lắng nghe cùng thi hành lời Chúa phán. Ê-li với Sa-mu-en như một vị linh hướng, giúp Sa-mu-en thấy được ý muốn Thiên Chúa để thi hành (3,8). Trước tiếng gọi của Thiên Chúa, Sa-mu-en phản ứng tự nhiên, đơn sơ, mau mắn như các tông đồ (Mc 1,16; 2,13). Lời Chúa nói với Sa-mu-en quả là kinh khủng (3,11-12) như Giê-rê-mi-a và sau này là Gioan tẩy giả, Sa-mu-en sẽ là sứ ngôn của thời kỳ khủng hoảng. Trên đôi vai gầy yếu của cậu, Thiên Chúa đặt một gánh nặng và từ lúc này, như số phận của các sứ ngôn, hố cô đơn bắt đầu được đào sâu quanh người thuộc về Thiên Chúa. Thức dậy, Sa-mu-en không còn biết phải có thái độ nào đối với “cha già Êli” mà cậu hằng kính yêu. Quá khứ như vừa bị cắt đứt. Cho đến hôm nay, người tôi tớ trẻ tuổi của đền Silô ấy thu nhận từ truyền thống những quy tắc sống. Từ nay, cậu mang trong tâm hồn mầm mống của sự canh tân.
Ngoài việc kết án tình trạng quá khứ, Thiên Chúa không mạc khải gì về thái độ phải có trong tương lai. Sa-mu-en như không có lối thoát, như sống trong tăm tối. Điều chắc chắn duy nhất mà  Sa-mu-en tựa vào là “Thiên Chúa ở với cậu và không để một lời nào đã sói mòn rơi xuống đất” (3,9), cậu sẽ phải tin rằng Thiên Chúa vẫn còn ở với cậu. Nhưng Sa-mu-en cũng kinh nghiệm rằng Lời Chúa như mã tấu lột trần sự ác, như ánh sáng chói chan soi tỏ sự xấu. Làm chứng cho chân lý quả là phải chấp nhận thí mạng, để hạt giống gieo xuống đất mục nát và sinh hoa kết trái dồi dào.
Tóm kết thời kỳ các thẩm phán
Thẩm phán cho ta thấy Israel trong thời kỳ chập chững tập xử dụng cái “tự do của mình”, phải chọn lựa giữa những đòi hỏi khắt khe của Thiên Chúa và các khuynh hướng dễ dãi trong lối sống. Sự trung thành với minh ước nhiều khi gặp khó khăn vì bản năng đòi hỏi đi ngược lại, và vì không có quyền bính, tổ chức bên ngoài giúp đỡ, do đó Israel nhiều khi đã sa ngã.
Nhưng Chúa vẫn trung thành: tác giả bộ sử thứ luật nêu rõ tính cách giáo dục của các tai hoạ: nhằm đưa Israel đến chỗ hối cải và vì thế được Chúa sai Thẩm phán đến cứu. Trong việc này, ta nhận thấy một cách xử sự thường xuyên của Chúa: Ngài thường dùng những dụng cụ bất toàn và xem ra không thích hợp. Đê-bô-ra và Gia-en là những phụ nữ yếu ớt; Ghê-đê-ôn thì nhà nghèo, lại là con út (6,15); Giep-tê là một đứa con hoang đứng đầu bọn du đãng (11,1-3), Sam-son nhu nhược dễ bị đàn bà chi phối…nhưng khi được Thần Linh của Thiên Chúa ngự xuống (3,10; 6,34;11,29; 15,14) họ đã có sức làm những việc phi thường, điều đó để người ta biết rằng không phải là họ nhưng chính là Thiên Chúa đã làm.
Tuy còn nhiều khuyết điểm, nhưng họ vẫn trung tín với Thiên Chúa và nhờ lòng tin đó, họ đã làm nên những điều vĩ đại để đời cho con cháu. Lịch sử giải thoát mà họ là dụng cụ, là một chặng đường và một hình bóng của sự cứu rỗi mà Chúa Kitô mang đến: giải thoát khỏi tội lỗi do lòng trung thành và nhân hậu của Thiên Chúa.




[1] Hòm bia được tạo ra do lệnh truyền của Thiên Chúa. Hòm bia vừa như dấu chỉ của giao ước; vừa là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Hòm bia có kích thước 125x75x75, được dát vàng ròng cả trong lẫn ngoài, hai bên có 2 Kêrubim đứng chầu. Hòm bia để trong lều thánh, là nơi thánh lưu động đi theo Israel từ núi Xi-nai cho đến khi Salomon xây đền thờ và đặt trong đó (1V. 8)
[2] Có nhiều đoạn trong sách Gio-suê cho thấy cuộc chinh phục đất Ca-na-an là một công trình khá chậm chạp (13,1-6; 14,13; 15,15-17; 17,12). Cho đến khi ông Gio-suê đã già, vẫn còn nhiều phần đất còn nằm dưới quyền kiểm soát của dân địa phương (Gs 13,1-7). Đất Ca-na-an chỉ hoàn toàn thuộc về Israel dưới triều đại của Đavít vào thế kỷ thứ 10 trước công nguyên.
[3] Si-khem, nơi tổ phụ lão thành đã dừng chân khi vào đất hứa. Đó là một nơi Thánh, có liên quan đến lịch sử các tổ phụ: Ap-ra-ham (St 12,6-7), Gia-cóp (St 33,18-20). Vì ở miền Trung nên Si-khem trở thành nơi các chi tộc dễ dàng tụ họp.
·       Si-khem nằm giữa núi Ê-van và phía Bắc và núi Gơ-ri-dim phía Nam (20,7), ngày nay hoàn toàn được tái thiết. Dân cư tại đây lan rộng từ Đông Sang Tây dọc theo đường lộ và vì thiếu cho, dân phải tản cư lên đồi. Thành phố hầu như hoàn toàn bị phá huỷ bởi trận động đất ngày 11/7/1927, ngày nay là một trong những thành đầu tiên của miền Xit-gióc-đa-ni. Phía Đông, thành bao che cho hai cổ tích đặc biệt thời danh: Giếng gia-cop và cổ thành Sikhem ( Nguyễn Chí Thiết, Lời và Đất Hứa, trang 365)
[4] Trong bảng này, 6 vị hàng đầu là thẩm phán lớn, những vị sau là những thẩm phán nhỏ.
Mới hơn Cũ hơn