Gần hai vạn tín hữu đã đến quảng trường
thánh Phêrô để tiếp kiến ĐTC vào sáng thứ tư ngày 17/12. Đây cũng là
buổi tiếp kiến cuối cùng của năm 2014. Hôm nay cũng là ngày sinh nhật
lần thứ 78 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Bởi thế, khi ĐTC xuất hiện, mọi
người đã vỗ tay và hát bài ca chúc mừng sinh nhật bằng nhiều ngôn ngữ
khác nhau. Năm 2015 tới đây Giáo hội khai triển chủ đề “Ơn gọi và sứ
mạng của gia đình trong Giáo hội và thế giới”. Nhân dịp này ĐTC cũng
trình bày loạt bài giáo lý của ngài dựa trên chủ đề gia đình.
Anh chị em thân mến
Thượng Hội Đồng các Giám Mục về gia
đình, vừa được tổ chức, là chặng đầu tiên của một lộ trình, sẽ kết thúc
vào tháng 10 tới với việc tổ chức một Hội nghị khác về đề tài “Ơn gọi và
sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới”. Việc cầu nguyện
và suy tư phải đi kèm với lộ trình này, chúng liên quan với toàn thể
Dân Thiên Chúa. Tôi cũng muốn những bài suy niệm của những buổi tiếp
kiến ngày thứ tư được lồng vào trong lộ trình chung này. Vì vậy, tôi đã
quyết định suy tư với anh chị em, trong năm nay, về đề tài gia đình, dựa
trên ơn sủng tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho thế gian từ ngàn xưa,
khi trao cho Adam và Eva sứ mạng sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất (x. St
1,28). Đó là ơn sủng mà Chúa Giêsu đã khẳng định và ghi dấu trong tin
mừng của Người.
Giáng sinh gần kề thắp lên cho mầu nhiệm
này một ánh sáng tuyệt vời. Việc nhập thể của Con Thiên Chúa mở ra một
khởi đầu mới trong lịch sử phổ quát của con người. Sự khởi đầu mới này
xảy ra bên trong một gia đình, ở Nazaret. Chúa Giêsu đã sinh ra trong
một gia đình. Người đã có thể đến một cách ấn tượng, như một quân nhân,
hoặc như một hoàng đế… Không! Người đến như một người con trong một gia
đình. Điều đó rất quan trọng: hãy nhìn vào máng cỏ xem khung cảnh này
rất đẹp.
Thiên Chúa đã chọn sinh ra trong một gia
đình nhân loại, do chính Người tạo nên. Người đã lớn trên trong một
vùng quê hẻo lánh ngoài Đế quốc Rôma. Không ở Roma, thủ đô của đế quốc,
không ở trong thành phố rộng lớn, nhưng ở ngoại ô gần như vô danh, thậm
chí là tai tiếng. Các sách Tin mừng cũng đã nhắc đến nơi ấy : “Nào có gì
hay đến từ Nazareth đâu?” (Ga 1,46). Có lẽ, đối với nhiều nơi trên thế
giới, chính chúng ta vẫn nói như vậy, khi chúng ta nghe thấy tên tuổi
của một vài nơi chốn bên ngoài thành phố lớn. Thế mà, từ nơi đó, từ vùng
quê của một đế quốc rộng lớn, đã bắt đầu lịch sử thánh thiện và tốt đẹp
nhất, lịch sử của Chúa Giêsu giữa con người! Và từ đó ta tìm thấy gia
đình này.
Chúa Giêsu đã sống ở miền quê suốt 30
năm. Thánh sử Luca đã tóm tắt giai đoạn này như sau: “Chúa Giêsu hằng
vâng phục các Ngài [tức là Đức Maria và thánh Giuse]. Và ta có thể nói:
“nhưng vị Thiên Chúa này đến để cứu chúng ta, Người phải mất đến 30 năm,
ở miền quê tai tiếng vậy sao?” Người đã mất hết 30 năm! Người muốn điều
này. Lộ trình của Chúa Giêsu là ở trong một gia đình. “Riêng mẹ Người
thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày
càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa
và người ta” (2,51-52). Người ta không kể tới các phép lạ hay chữa lành,
không nói tới việc rao giảng – vì Người không làm các việc ấy cho ai
trong thời gian đó – không nói đến đám đông chạy theo người; ở Nazaret
dường như mọi sự xảy ra thật “bình thường”, theo những tập tục của một
gia đình Israel đạo đức và nhiệt thành: cùng làm việc, người mẹ thì nấu
nướng, làm tất cả mọi việc trong nhà, đan vá áo… tất cả mọi sự được làm
từ người mẹ. Người cha, làm mộc, lao động, dạy con biết làm việc. 30
năm. “Cha ơi thật lãng phí!”. Những nẻo đường của Thiên Chúa quá huyền
nhiệm. Nhưng điều quan trọng là gia đình! Điều đó không có gì là lãng
phí! Họ là những vị thánh vĩ đại: Đức Maria, người phụ nữ thánh thiện
nhất, vô nhiễm, và Thánh Giuse, người công chính nhất… tất cả là gia
đình.
Chắc chắn chúng ta sẽ mủi lòng bởi câu
chuyện về Chúa Giêsu thời niên thiếu đã phải đối mặt với những cuộc gặp
của cộng đồng tôn giáo và những bổn phận về đời sống xã hội; khi biết
Người, chẳng hạn, làm việc với thánh Giuse, như người thợ trẻ; và tiếp
theo là cách người tham dự vào việc lắng nghe Kinh thánh, cầu nguyện
bằng thánh vịnh và nhiều thói quen khác trong cuộc sống hằng ngày. Các
sách Tin mừng, trong chừng mực của nó, không thuật lại bất cứ điều gì
vào thời niên thiếu của Chúa Giêsu và để lại nhiệm vụ này cho việc suy
niệm của chúng ta. Nghệ thuật, văn chương, âm nhạc đã đi qua con đường
của trí tưởng tượng này. Tất nhiên, không khó để tưởng tượng ra biết bao
nhiêu người mẹ có thể noi gương ân cần của Đức Maria dành cho con mình.
Và có biết bao người cha có thể rút ra được từ mẫu gương của thánh
Giuse, người công chính, đã hy sinh cuộc sống mình để giúp đỡ và bảo vệ
vợ con – gia đình của mình – trong những lúc khó khăn. Đó là chưa nói
đến bao nhiêu bạn trẻ đã được khích lệ bởi Chúa Giêsu thời niên thiếu
hiểu được cái cần thiết và đẹp đẽ của việc vun trồng ơn gọi sâu xa nhất
của họ và vun trồng những ước mơ lớn!. Chúa Giêsu đã vun trồng ơn gọi
của mình trong 30 năm vì vậy mà Chúa Cha đã sai phái Người xuống. Và lúc
ấy, Chúa Giêsu không bao giờ nản lòng, nhưng lớn lên trong sự can đảm
để tiến bước với sứ mạng của mình.
Mỗi gia đình kitô hữu – như thánh Giuse
và Đức Maria đã làm – có thể đón nhận Chúa Giêsu, lắng nghe Người, nói
chuyện với Người, bảo vệ, gìn giữ Người, lớn lên với Người; như vậy thế
giới sẽ nên tốt hơn. Hãy để cho Chúa Giêsu khoảng trống trong tâm hồn và
mọi ngày của chúng ta. Như thánh Giuse và Đức Maria đã làm, thật không
dễ tí nào: có bao nhiêu khó khăn cần phải vượt qua! Đừng là một gia đình
giả tạo, đừng là một gia đình không thực tế. Gia đình Nazaret đòi hỏi
chúng ta tái khám phá ơn gọi và sứ mạng của gia đình, của mỗi gia đình.
Và vì vậy, những gì đã xảy ra trong vòng 30 năm ở Nazaret, cũng có thể
xảy ra cho cả chúng ta: làm cho tình yêu trở thành bình thường và không
phải ghen ghét hận thù, làm cho sự giúp đỡ nhau trở thành điều chung,
chứ không phải sự thờ ơ hay thù nghịch. Như thế, không phải ngẫu nhiên
mà “Nazaret” mang nghĩa là “người gìn giữ”, như Tin mừng đã nói, Đức
Maria “đã ghi nhớ tất cả những sự việc ấy trong lòng” (x. Lc 2,19-51).
Kể từ đó, mỗi khi có một gia đình bảo vệ mầu nhiệm này – cho dù ở vùng
quê của thế giới đi nữa – thì mầu nhiệm Con Thiên Chúa, mầu nhiệm Chúa
Giêsu, Đấng đến cứu độ chúng ta, đang hoạt động. Chúa đến để cứu độ thế
gian. Đó là một sứ mạng lớn lao của gia đình: chuẩn bị cho Chúa Giêsu
đến, tiếp đón Chúa Giêsu trong gia đình, nơi mỗi người con, người chồng,
người vợ, nơi ông bà nội ngoại. Chúa Giêsu ở nơi đó. Đón tiếp Người
trong gia đình, để lớn lên cách tâm linh trong gia đình. Xin Thiên Chúa
ban cho mỗi người chúng ta ơn sủng trong những ngày cuối cùng trước lễ
Giáng sinh này.
Sau bài huấn từ Đức Thánh Cha nói thêm:
Giờ đây, trong giây phút thinh lặng này,
tôi muốn cùng cầu nguyện với anh chị em, cho các nạn nhân của những
hành động khủng bố vô nhân đạo trong những ngày qua ở Úc, Pakistan và
Yêmnen. Xin Thiên Chúa đón nhận các linh hồn trong bình an của Chúa. Xin
Người an ủi các gia đình, và biến cải mọi con tim bao lực đã không biết
dừng lại ngay cả đối với trẻ em. Chúng ta cùng hát kinh Lạy Cha để xin
ơn này.