III. Thời kỳ quân chủ
Israel lúc
này vừa phải ổn định đời sống chính trị, vừa phải lo chiến đấu chống trả quân
thù. Có lúc họ đã bị quân Phi-li-tinh đánh bại tại A-phek (1Sm 4,1-2), 30.000
quân Israel phơi xác tại chiến trường. Hòm bia thuộc về phe chiến thắng. (x.
1Sm 5. 6)
Tuy vậy
Israel cảm thấy được an tâm hơn vì họ đã có Sa-mu-en, người Thiên Chúa đã đặt
lên để cứu giúp họ. Sa-mu-en trở thành thủ lĩnh tài ba của Israel, dẫn dân đi
đánh Phi-li-tinh. Ông như một Môsê mới, cầu khẩn cùng Thiên Chúa cho dân những
lúc nguy khốn, nhờ đó Thiên Chúa đã giúp Israel đuổi quân thù đến tận Bet-ka và
“tay Thiên Chúa đè nặng trên Phi-li-tinh suốt
những ngày Sa-mu-en sống” (7,13).
Tuổi của cũng đã lớn, ông không còn tiếp tục cai trị
được nữa, nên phó thác việc cai trị dân cho hai con là Giô-en và A-bi-gia.
Nhưng những người này không có tài cai trị như cha, hơn nữa lại chiều theo lợi
lộc, nhận quà hối lộ và làm sai lệch công lý. Đời sống của dân đã cơ cực nay
lại thêm cơ cực, quá chán ngán, họ muốn có nền chính trị vững chắc hơn. Trong
khi đó cái hoạ xâm lăng của quân Phi-li-tinh vẫn không buông tha, càng thôi
thúc dân đòi phải tìm một người lãnh đạo xứng đáng, tôn lên làm vua như các
nước khác.
Toàn thể các kỳ mục tập hợp lại
và đến với ông Sa-mu-en ở Râma. Họ nói với ông: “Xin ông cho chúng tôi một vua để xét xử chúng tôi” (1Sm 8,1- 5). Sa-mu-en thực sự bực mình trước sự đòi
hỏi của dân, nhưng ông cũng không thể nào làm cho họ thay lòng đổi dạ được.
Nghe theo lời Thiên Chúa, ông đã đặt cho họ một Vua. Sự trung thành với Thiên
Chúa của Israel tiếp tục đổi hướng.
A. Vua SA-UN
(1030 - 1010)
Sa-un là vị
vua đầu tiên của dân Israel. Ông thuộc chi tộc Ben-gia-min con ông A-vi-en.
Sa-un “là một người trẻ, đẹp trai; trong
số con cái Israel, không có người nào đẹp trai hơn ông. Ong cao hơn toàn dân từ
vai trở lên” (1Sm 9,1- 2).
Sa-un được
Sa-mu-en xức dầu phong vương và kể từ đó “Thiên
Chúa đã biến đổi lòng ông” (1Sm 10,9). Nhận quyền hành từ Thiên Chúa qua
Sa-mu-en, kể từ hôm nay, Sa-un trở thành vị vua lãnh đạo toàn thể dân Israel.
Những năm
đầu của triều đại Sa-un rất thành công. Sau khi đã tổ chức và thống nhất các
lực lượng Israel, ông đưa họ đi giao chiến với quân thù tứ phía và với quân
Phi-li-tinh, cùng với hòm bia Thiên Chúa, ông đã đẩy lui quân thù về xứ sở
mình. (1Sm 14,47).
Tuy nhiên câu chuyện của Sa-un kết thúc thật bi thảm.
Ong đã nghe lời dân hơn là nghe Lời Thiên Chúa. Được Thiên Chúa chọn, Sa-un đã
cứu dân, tuy nhiên ông đã bị Thiên Chúa loại bỏ bởi “ông đã phế bỏ lời của Thiên Chúa”.
Sa-un đã vi phạm hai điều:
- Tiến lễ Giavê trước khi Sa-mu-en đến (13,8-15). Do Sa-mu-en đến trễ nên
Sa-ul đã tiến lễ trước.
- Vi phạm luật biệt hiến (15): Sau khi chiến thắng người Amalek
thay vì giết tất cả như luật thánh chiến, Sa-un đã giữ lại vua A-gag và phần
chiến lợi phẩm tốt nhất để đem tế Giavê ở Gil-gal. Như vậy Sa-un và toàn dân đã
vi phạm luật biệt hiến buộc phải giết tất cả vật sống tại chỗ; dù không phải là
ông muốn chiếm chiến lợi phẩm tốt nhất cho mình. Sa-un đã hành động với ý tốt
và đó chính là thảm kịch: tội của ông ở chỗ đã tự ý chọn một cách khác, để tế
lễ Giavê, để được lòng dân (15,24).
Sa-un với chúng ta
Sa-un là
hình ảnh của người được chọn, nhưng thất bại khi thi hành sứ mệnh của mình, bởi
ông đã không trung thành với ơn gọi của ông. Đối với Sa-un, Thiên Chúa có vẻ
nghiêm khắc và tàn nhẫn: Thiên Chúa từ chối tha thứ cho ông (15,24-27). Sự cứng
rắn của Thiên Chúa đối với Sa-un là một chấm hỏi về đức tin của Sa-un, cho dù ông đã ăn năn, và là một thử
thách đức tin đối với Sa-mu-en (15,35).
Ta cũng
không hiểu được tại sao Thiên Chúa lại cứng rắn đến như vậy. Lý trí con người
không thể nào hiểu được những bí nhiệm trong chương trình của Thiên Chúa. Và
cũng chính trong những bí nhiệm này mà Thiên Chúa mạc khải chính Ngài.
Qua cuộc đời Sa-un giúp ta nhìn lại thảm kịch của nhiều Kitô hữu hôm
nay: họ lên đường trong phấn khởi, sẵn sàng lăn xả vào xã hội, quên mình phục
vụ, hành động vì yêu mến Chúa và anh em để rồi vấp ngã trong đau đớn với Hội
Thánh, với chính Thiên Chúa; rồi một ngày nào đó, khi đầu đã điểm bạc, hành
trình phục vụ cũng mỏi gối chồn chân, nhìn lại quãng đường đã đi, họ bỗng thấy
mình xa rời Hội Thánh, xa rời Thiên Chúa tự bao giờ.
Khi hoàng
hôn xuống trên đỉnh đời Gil-bô-a, Cha trên trời đã đón tiếp Sa-un thế nào? Thắp
nén nhan lòng cầu cho vị vua đầy mưu lượt nhưng lại thất sủng trước mặt Thiên
Chúa, hy vọng rằng vào phút cuối đời, đang lúc quằn quại với vết tử thương,
Sa-un cũng được nghe tiếng Chúa: “Hôm nay
con sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
B. VUA
ĐA-VÍT[1] (1010
- 970)
Sa-un là vua
chuyển tiếp, Thiên Chúa đã chọn Đa-vít. Sa-mu-en xức dầu cho ông để đánh dấu
một khúc ngoặc trong lịch sử Israel. Israel coi Đa-vít như vị tiên tổ, tiên tri
và tiêu biểu cho Đấng Cứu Thế. Lịch sử Israel cũng như Kinh Thánh coi triều đại
Đa-vít như cái mốc mở ra một kỷ nguyên mới. Đa-vít vừa là vị sáng lập vương
quốc Israel, vừa là nơi Thiên Chúa ký kết giao ước của Ngài đến muôn đời.
1. Ngai vàng dành cho Đa-vít
Sau khi truất phế Sa-un, Sa-mu-en được Thiên Chúa sai
đến Bê-lem vào nhà ông Gie-sê để xức dầu phong vương cho một trong những người
con trai của ông. Người đó là Đa-vít: “một
cậu bé chăn chiên, có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn” (1Sm
16,12).
Đa-vít là
người có tài đàn hát, được vua Sa-un tuyển vào triều đình để phục vụ ông. Nhờ
Thần Khí của Thiên Chúa luôn ở với Đa-vít (16,13) mà ông đã chiến thắng được
Gô-li-át[2],
người Phi-li-tinh, nổi tiếng làm cho
dân phải khiếp sợ bởi thân hình to lớn[3]. Nhờ chiến
thắng này mà Đa-vít được mọi người ca ngợi, chính Sa-un cũng hãnh diện vì khi
có được một người đầy dũng mãnh này.
Tuy nhiên,
chính sự nể phục của mọi người làm cho Sa-un phải ghen tị (18,7-8). Và cũng từ
ngày đó Đa-vít là đối thủ mà Sa-un cần phải diệt trừ. Bao nhiêu lần tìm cách
sát hại Đa-vít nhưng không thành, bởi “Thiên
Chúa ở với ông”(18,12).
Riêng phần
Đa-vít qua những lần tha chết cho vua Sa-un cũng như cách sống của ông, người
ta nhận ra nơi Đa-vít là một trung thần, trọng tình nghĩa: bị vua bách hại mà
vẫn một lòng tôn kính; buộc phải lánh xa triều đình, lang thang trong sa mạc
với thủ hạ như một tướng cướp, nhưng một lòng hiếu nghĩa với người dân thuộc
lãnh thổ Giu-đa, đồng hương của mình.
Sau khi vua Sa-un tử trận, tại Khep-rôn, Đa-vít được
phong vương và từ đó Đa-vít trở thành vua nhà Giu-đa (2Sm 2,1-4). Đa-vít lên ngôi hiệp nhất các bộ lạc vừa
chia rẽ nhau sau khi Sa-un băng hà. Để tránh mọi thiên vị, chính ông đã chinh
phục cho ông một thủ đô riêng ở ngoài các bộ lạc. Thành độc nhất còn nằm trong
tay người Giê-bu-đên, một ngành trong gia chủng Ca-na-an. Đa-vít chiếm lấy
thành và đặt tên là Giê-ru-sa-lem[4].
Thành này vừa là thành của Đa-vít vừa là thành của Thiên Chúa: vì thế, việc đầu
tiên của vua là nghênh đón hòm bia Giao ước về thủ đô của mình.
Việc làm này
có tính cách chính trị, cũng không kém ý nghĩa tôn giáo, Đa-vít cố tình qui tụ
mọi bộ lạc chung quanh thành
Giê-ru-sa-lem, vì nó nói lên lòng đạo đức của Đa-vít đối với Thiên Chúa,
trong một thời điểm mà người ta chưa phân biệt giữa thế quyền và thần quyền.
Đến lúc này Đa-vít đã cảm nghiệm được tình thương yêu
của Chúa dành cho ông, ông là người ưu tuyển và là con của Thiên Chúa. Chúng ta
dừng lại đây để nghe lời cầu nguyện của Đa-vít với Gia-vê : “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con là ai và
nhà của con là gì mà Ngài đã đưa con tới địa vị này” (2Sm 7,18). Lòng trào
dâng yêu mến và tin tưởng, ngạc nhiên đến sửng sờ trước lòng tốt của Gia-vê.
Chính vì thế, Đa-vít ước ao có được hòm bia thánh bên cạnh mình. Ông muốn Thiên
Chúa hiện diện trong thành của mình trước khi ở trong đền thánh.
Vì lòng tôn sùng Thiên Chúa và để cảm tạ Thiên Chúa,
Đa-vít muốn xây nhà cho Chúa, nhưng Thiên Chúa không chấp nhận. Qua lời sấm
ngôn của Ngôn sứ Na-than, không phải Đa-vít xây nhà cho Thiên Chúa, nhưng chính
Thiên Chúa sẽ xây nhà cho ông, làm cho triều đại của ông được vững bền, nhưng
phải đợi đến thời của con ông là Sa-lô-môn.
Khi kể về
một vị vua tài đức; dũng mãnh, trọng tình nghĩa, khoan dung, không thủ đoạn,
trung tín và đặc biệt là lòng đạo đức đối Thiên Chúa… chúng ta cũng không thể
không nói đến những lầm lỗi mà Đa-vít đã vấp phải. Sự sa ngã của Đa-vít không
phải là dấu chấm tận triều đại ông, nhưng qua đó Thiên Chúa tiếp tục làm cho
triều đại của Vua được thêm vững mạnh. Thiên Chúa dùng những yếu đuối của con
người để thực hiện công trình to lớn của Ngài. Một con người nhỏ bé đã đánh bại
kẻ thù mạnh hơn nhiều, thì nay, qua một chút đam mê, sa ngã của Đa-vít, Thiên
Chúa lại dùng nó như một chương trình để
tiếp tục hành trình lịch sử cứu độ.
2. Đa-vít sa ngã và sám hối
Khi vua Am-mon băng hà, Đa-vít sai bề tôi đến phân ưu.
Vua Kha-nun, con của Am-mon lên kế vị cha, nghi ngờ thiện ý của Đa-vít nên đã nhục mạ sứ giả (10,1-4). Đa-vít
sai đại tướng Giô-áp cầm quân đánh Am-mon. Am-mon cầu viện đến quân A-ram nhưng
cũng bị Đa-vít đánh bại. Trong khi toàn quân đánh chiếm Am-mon và vây hãm Rap-ba,
Đa-vít ở lại Giê-ru-sa-lem ngoại tình với Bat-sê-va, vợ của U-ri-a (11,1-5). Để
che lấp tội lỗi mình, Đa-vít gài bẩy U-ri-a nhưng không thành. Sau đó, Đa-vít
sai Giô-áp đưa U-ri-a ra “chỗ mặt trận
nặng nề nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết”, U-ri-a
đã bỏ mạng tại đó (11,14-15). Đa-vít tuyển Bat-sê-va vào cung.
Được lệnh Thiên Chúa, sứ ngôn Na-than đến khiển
trách Đa-vít và loan báo hình phạt theo
luật báo oán: vì tội đã dùng gươm giết người nên “Gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi”(12,10); vì
tội ngoại tình nên vợ của Đa-vít bị người khác chiếm đoạt (10,11-12; 16,22).
Đa-vít đã nhận biết tội mình, ông đem lòng hối hận, nhờ đó ông được tha tội
chết.
Đọc lại
Thánh vịnh 50 chúng ta sẽ thấy được tâm tình thống hối của Đa-vít: lòng đơn sơ,
khiêm tốn, và nhất là tin tưởng vững chắc vào lòng thương hãi hà của Thiên
Chúa; chính lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa mà ông đã xin tha mạng chết cho
đứa con ngoại tình của ông (12,15-23).
3. Vai trò của Đa-vít trong lịch sử
cứu độ.
Đa-vít là
ai? Ông là đứa con thứ tám của một gia đình nông dân tại Bê-lem, “nhỏ nhất trong các bộ lạc Giu-đa” (Mk
5,1). Vóc dạng của ông cũng tầm thường, nhờ tiếng gọi của Thiên Chúa, ông trở
thành vua Israel. Lời hứa của Thiên Chúa đối với Đa-vít được coi như một lời
giao ước mới, làm rõ hơn giao ước của Ap-ra-ham và Gia-cóp xưa. Chính nhờ lời
hứa đó mà triều đại và dòng dõi của ông được Thiên Chúa gìn giữ trường tồn.
Với tước
hiệu Con Thiên Chúa, các vua thuộc dòng Đa-vít sẽ đóng vai trò trung gian, đại
diện cho dân trước mặt Thiên Chúa. Việc thờ phượng của Đa-vít cho thấy, ngoài
tước hiệu Vua, Đa-vít còn là vị tư tế thiêng liêng nữa. Ông đã dâng lễ thượng
tiến và kỳ an, đã chúc lành cho dân nhân danh Gia-vê.
Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa chọn Đa-vít để thi hành công việc
của Ngài, qua đó hành trình cứu độ của Thiên Chúa tiến thêm một bước mới đầy ý
nghĩa. Cũng như Ap-ra-ham được chọn để làm cha một dân ưu tuyển, Mô-sê được
chọn để biến dân này thành dân thánh, thì nay với Đa-vít, Thiên Chúa chọn để
thiết lập một vương quốc mà một ngày nào đó trở thành vĩnh cửu và phổ quát,
trong đó ơn cứu độ sẽ được thực hiện trọn vẹn.
4. Đa-vít với Kinh Thánh
Với công
trình và lòng đạo đức của ông, cựu ước đã gọi Đa-vít là thánh vương (1V 14,8).
Sử sách Israel thường chú ý đến lời hứa (2S. 7) của Gia-vê cho Đa-vít. Nhắc đến
lời hứa là nhắc đến lời lòng yêu thương và trung thành của Gia-vê. Tại sao
Thiên Chúa lại khoan dung với Đa-vít, nhưng lại đánh phạt Sa-un? Vì những gì
Thiên Chúa đã hứa thì bất khả thu hồi. Thiên Chúa không thể quên và cũng không
đổi lời đã hứa. Chính lời hứa đó nên Đấng Mêssia[5] được gọi
là con Đa-vít (Gs 11,1). Đa-vít là hình ảnh tiên trưng Đấng Mêssia sẽ đến và
nhất là trong sự thương khó vào lúc cuối đời.
Trong Tân ước, Chúa Giêsu cũng được gọi là con Vua
Đa-vít (Mt 1,1). Tuy vậy, Ngài rất dè dặt khi nhận danh hiệu này, vì nó có thể
làm cho người ta nghĩ về khía cạnh trần thế mà quên nguồn gốc thần linh của
Ngài.
Bài đọc thêm:
GIÊSU CON
VUA ĐAVÍT
Nếu đọc Tin
Mừng chúng ta sẽ gặp thành ngữ con vua Đa-vít nhiều lần. Nhưng nếu không đọc
Cựu ước chúng ta sẽ không hiểu được ý nghĩa sâu xa của thành ngữ này. Người ta
có thể nói: tôi biết Giêsu thuộc dòng dõi Đavít (Lc 2,4) và Thiên sứ đã nói về
Giêsu với Maria rằng Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đa-vít, tổ phụ Người
(Lc 1,32). Nhưng chính những lời ngắn ngủi này chứa đựng cả một lịch sử dài,
lịch sử của nỗi niềm chờ mong đấng Mêssia.
Từ khi ngôn
sứ Na-than chyển lại lời hứa của Thiên Chúa cho Đa-vít, truyền thống bình dân,
nhờ các lời sấm của các ngôn sứ hướng dẫn, đã nhìn thấy nơi Đa-vít hình ảnh
tiên trưng của Đấng Mêssia, là kẻ đã được xức dầu phong vương nhằm cứu rỗi
Israel. Cứ vào mỗi giai đoạn của lịch sử, người ta lại mong đợi một hậu duệ của
Đavít, một Đavít mới, người sẽ tái lập vương quốc Israel sau thời lưu đày trở
về.
Cũng như
Đa-vít là một mục tử, vua lý tưởng này sẽ là mục tử mà ngài sẽ tụ họp lại trong
một vương quốc công chính và hoà bình (Ez 34,17-31; 37,24-28). Nếu đọc các sấm
ngôn đó, đọc Tv 45, Tv 110, Tv 132, chúng ta sẽ thấy ký ức Israel đã không
ngừng nhắc nhở vị vua mới và sẽ hiểu tại sao dân chúng đã nhận ra vị vua đó nơi
Chúa Giêsu. Ngài sẽ không phải là kẻ chiến thắng trần thế mà người ta mong đợi,
nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu đã chào đón nơi Ngài Đấng Mêssia đích thực,
Đa-vít lý tưởng, “con” hoàn hảo của Đa-vít thứ nhất và hơn nữa: Ngài là Chúa
của Đavít và là Chúa của thế giới (Mt 22,45; Cn 2,29-36).
C. VUA
SALOMON (-960 – 930)
Sa-lô-môn
con trai của Đa-vít với bà Bát-sê-va, được chọn làm vua khi Đa-vít còn trên
giường bệnh. Nhờ sự can thiệp của mẹ ông và tiên tri Na-than, ông đã được xức
dầu phong vương, trong khi người anh trai khác mẹ của ông là A-đi-nô-gia-hu
đang âm mưu chiếm ngôi.
Sa-lô-môn
thừa hưởng gia tài của Phụ vương. Là người thông minh vốn sẵn tính trời: “đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh
bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1V3,12). Có thể nói ông là
người biệt tài về cai trị, có đầu óc tổ chức, lợi dụng thời bình để tổ chức
quốc gia. Hành chánh phát triển mạnh (1V 4-5): Cả nước được chia làm 12 khu
vực, có trách nhiệm cung cấp hàng tháng lương thực, nhân công cho những việc
đại sự… nhiều hí trường được xây dựng ở Mi-ghê-đô và nhiều nơi khác. Một hạm
đội hải quân thống lãnh miền biển. Các hàng hóa từ cuộc doanh thương với
Ai-cập, Sy-ri tuôn đổ về Giê-ru-sa-lem. Tại đây nhà vua đang lo xây cất một đền
thờ vĩ đại cho Thiên Chúa của mình, (nơi mà cả một đời Phụ vương ông mong ước
nhưng chưa thực hiện được), và cả một một điện nguy nga cho ông.
1. Sa-lô-môn đền thánh đầu tiên.
Chính Đa-vít
có ý tưởng kiến thiết đền thánh, nhưng Sa-lô-môn mới là người phác hoạ quy đồ
và làm chủ công trình xây dựng này. Thiên Chúa đã hiến tặng sự hiện diện của
Ngài trong cung thánh do bàn tay con người làm nên. Riêng Sa-lô-môn, ông dâng
lên Thiên Chúa người nguyện của mình trước mặt cộng đoàn: “có thật Thiên Chúa cư ngụ dưới đất chăng? Này, trời cao thăm thẳm còn
không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây! Lạy Đức Chúa, Thiên
Chúa của con! Xin đoái đến lời tôi tớ Chúa cầu xin khẩn nguyện, mà lắng nghe
tiếng kêu cầu của tôi tớ Ngài dâng trước tôn nhan hôm nay. Xin Ngài để mắt nhìn
đến ngôi nhà này đêm ngày, nhìn đến nơi này, vì Ngài đã phán “Danh Ta sẽ ở
đấy”: xin Ngài lắng nghe lời nguyện tôi tớ Ngài ở nơi đây” (1V 8,27-29).
Hết 20 năm
công trình dinh thự của nhà vua được khánh thành, đền thờ cũng được thánh hiến,
Giê-ru-sa-lem giờ đây là thủ đô xứng đáng với vương quốc mà Sa-lô-môn sẽ củng
cố các biên giới. Thiên Chúa đã chọn sự cư ngụ nơi đây và bao che cho mảnh đất
này với một sự bảo trợ đầy nhân ái và khoan dung.
2. Đền thờ, niềm vui và mối nguy hại
Việc xây
dựng đền thờ là niềm vui cho toàn dân. Thời các tổ phụ như Áp-ra-ham, Mô-sê vẫn
chưa có đền thờ.
Thời xuất
hành đi vào hứa địa, “Đức Chúa đi đằng
trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột
lửa để soi sáng”. (Xh 13,21). Ngài dẫn họ như thế đến núi Xi-nai, nơi Ngài
đã lựa chọn để cử hành giao ước với loài người.
Ở hứa địa,
dưới thời các vua như Sa-un, Đa-vít, dân có nhiều đền thờ, như Si-lô. Năm 1000,
sau khi chiếm Giê-ru-sa-lem, Đa-vít đã muốn xây đền thờ nhưng không được, lúc
bấy giờ người ta còn quan niệm Chúa của Israel như một du mục. Với đền thờ của
Sa-lô-môn, Giê-ru-sa-lem đã đem lại niềm vinh dự cho các dân tộc. Chính Thánh
vịnh 122 đã diễn tả niềm vui này: “Vui
dường nào khi thiên hạ bảo tôi: ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa” (Tv 122,1).
Đối với Israel, đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự một cách vĩnh viễn với dân Ngài.
Tuy nhiên,
kể từ khi có đền thờ, mọi nghi lễ phụng vụ của mọi tôn giáo đều có thể xảy ra tại đây. Người ta nghi ngờ về lòng thành
của vua, về lòng yêu mến của vua với Thiên Chúa hay vì muốn tăng thêm uy tín
của mình (1V 11). Còn dân chúng, lâu dần cũng ngã theo hình thức bên ngoài, “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15,8).
Ở
Giê-ru-sa-lem, những người có ý thức tôn giáo đều cảm nghiệm về mối nguy hại
này. Các ngôn sứ như Isaia, Mi-kha, Giê-rê-mia đã lên tiếng chỉ trích thói giả
hình này. (x. Gr 7, 8-15). Đền thờ là dấu chỉ, dấu chỉ đức tin. Đền thờ sẽ vô
dụng khi ý nghĩa không còn. Chính vì thế, sau này thái độ của Đức Giêsu đối với
đền thánh chẳng khác gì thái độ của các tiên tri: một niềm kính trọng bao la
đối với đền thánh mà Người nhìn nhận như nhà của Thiên Chúa, nhà của Cha Người,
và từ đó đòi hỏi tất cả những người vào đó phải ở trong Thánh Thần và Chân Lý,
trong cách hành đạo của mình (Ga 2, 13-17).
3. Những đám mây mù trong đời
Sa-lô-môn
Sa-lô-môn
thực sự là một bậc minh quân, như lời hứa của Thiên Chúa: trước ông chẳng ai
sánh bằng và sau ông chẳng ai bì kịp. Thế nhưng, cuối đời ông có những đám mây
mù.
Ông sống như một lãnh chúa như các vua thờ đó
chứ không còn là khâm sai của Thiên Chúa nữa. Chính vì thế để làm hài lòng các
đồng minh và các bà vợ[6] mà
ông đã theo đường lối chính trị “ba phải và thỏa hiệp” tôn giáo (1 V 11,7).
Điều này làm mất lòng Thiên Chúa, vì ông không còn chung thủy với Thiên Chúa
nữa (1V 11,4).
Về chính trị
đối nội, ưu tư của ông là thống nhất 12 chi họ Israel, thế nhưng vì chủ trương
trung ương tập quyền và có nhiều bất công, đã gây nên không ít sự bất mãn, đây
cũng là những nguyên nhân gây ra cuộc chia rẽ Nam-Bắc sau này.
4. Kết luận
Sa-lô-môn và
triều đại của ông đã đem lại sự thịnh vượng cho vương quốc chỉ sau triều đại
Đa-vít phụ vương ông mà thôi. Có thể nói ông là một nhà lãnh đạo lỗi lạc trong
cách tổ chức quốc gia, quân đội, kinh tế cũng như ngoại giao. Sa-lô-môn là
người được Thiên Chúa đối đãi rất hậu hĩnh, vượt lên trên sự mong đợi của ông
(1V 3, 9-13). Thế nhưng, ông đã không đi đúng con đường Thiên Chúa muốn (3,14).
Lòng của Sa-lô-môn bị phân chia. Vị vua mà đức tin phải là mẫu mực cho toàn
dân, nay chỉ là một bóng hình mờ ảo. Lối sống của Sa-lô-môn đã làm Thiên Chúa
nổi giận (11,9). Tội lỗi và sự vô đạo của Sa-lô-môn đã làm cho dòng dõi Đa-vít
trở nên khập khiễng, thu hẹp đi uy quyền của những kẻ kế vị (1V 11-36). Thế
nhưng, chính vì Đa-vít cha của ông và lời hứa vĩnh hằng của Thiên Chúa đã làm
cho dòng dõi ông trường tồn vạn kỷ.
Mãi sau này
khi Đức Ki-tô đến, dòng dõi Đa-vít lại được cất lên. Chính Đức Ki-tô thuộc
hoàng tộc Đa-vít đem lại cho Israel một khởi điểm mới bằng ơn cứu độ của Người.
[1] Tên Đa-vít nghĩa là Yêu dấu
[2] Qua việc Đa-vit chiến thắng
Gô-li-át cho ta một sứ điệp : ơn cứu độ chỉ đến bởi tay Thiên Chúa mà thôi.
Chúng ta không thể làm được gì nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Đối với
Kinh Thánh, mọi chiến công của Israel là những ân huệ của Thiên Chúa. Để nhấn
mạnh tính nhưng không của tình yêu Thiên Chúa, Kinh thánh diễn tả Israel gần
như hư không trong việc cứu độ của mình.
[3] Gô-ly-at người khổng lồ cao
3m, lưỡi giáo nặng 9 kg.
[4] Sau khi thống nhất lãnh thổ,
chiến thắng quân Phi-li-tinh, Đa-vit chiếm Giê-ru-sa-lem và chọn nơi này làm
thủ đô chính trị. Giê-ru-sa-lem hay Si-on sẽ là hiện thân cho dân được chọn.
Giê-ru-sa-lem là nơi cư ngụ của Gia-vê, của Đấng được xức dầu, là địa điểm gặp
gở trong tương lai của các dân tộc. Và kinh thánh sẽ kết thúc bằng thị kiến về
một Giê-ru-sa-lem mới.
[5] Kinh Thánh quan niệm triều đại
Đa-vít như dấu chỉ tiên báo thời đại Thiên Sai. Theo Thánh vinh 110, thì Đấng Mêssia sẽ là một vua quyền lực: Ngài
ngự bên hữu Thiên Chúa, nghĩa là chiếm chỗ danh dự bên cạnh Thiên Chúa và Ngài
sẽ chiến thắng tất cả địch thù. Đấng
Mêssia sẽ là tư tế theo dòng Men-ki-sê-đê. Men-ki-sê-đê là tư tế không do
sự phân nhiệm của trần gian, nhưng trực tiếp từ Thiên Chúa. Đấng Mêssia sẽ là chiến sĩ, là thủ lãnh
theo nghĩa Kinh thánh, Ngài bẻ gãy quyền lực các vua trong ngày nổi giận, thống
lĩnh đứng đầu các dân tộc.
[6]
Ông có tới 700 thiếp, 300 nàng hầu... Có lẽ nhiều quá chăng ! Thực ra ông có
nhiều vợ, (một trong số đó là con gái vua Pha-ra-ôn) đến từ nhiều quốc gia : mỗi
bà đem thần mình theo và hiểm họa ngẫu tượng thật lớn (x. 1 V 11,3).