“Tình yêu Thiên Chúa được thực hiện trong tình yêu tha nhân”. Đó là hướng đi cụ thể, một con đường đưa chúng ta thoát ra khỏi chính mình để hướng đến tha nhân. ĐTC Phanxicô đã chia sẻ những tư tưởng trên trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương tại quảng trường thánh Phêrô sáng nay. Nhân dịp ngày các bà mẹ, ĐTC cũng không quên kêu gọi mọi người hiện diện vỗ tay để chúc mừng và cám ơn các bà mẹ, những người đang sống với chúng ta cách thể lý cũng như trong tinh thần.
Anh chị em thân mến
Bài Tin mừng hôm nay - Gioan chương 15 - thuật lại cho chúng ta về bữa tiệc ly, ở đó chúng ta nghe được điều răn mới của Chúa Giêsu. Ngài nói : “đây là giới răn của Thầy: là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (x. c 12). Khi nghĩ đến việc hy sinh trên thánh giá sắp đến, Ngài nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (c 13-14). Những lời ấy đã được nói ra trong đêm tiệc ly, chúng gồm tóm tất cả sứ điệp của Chúa Giêsu; nhất là gồm tóm lại tất cả những gì Ngài đã thực hiện: Chúa Giêsu đã hiến trao mạng sống mình vì bạn hữu. Các bạn hữu không hiểu được những điều ấy, ngay thời điểm quan trọng thì họ đã bỏ rơi ngài, phản bội và ruồng bỏ ngài. Điều ấy nói cho chúng ta biết rằng Ngài yêu thương chúng ta đang khi chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Ngài; Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.
Bằng cách này Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy con đường để bước theo Người, đó là con đường của tình yêu. Giới răn của Chúa không đơn giản là một lệnh truyền, mà luôn là một cái gì đó trừu tượng hay nằm bên ngoài cuộc sống. Giới răn của Chúa Kitô là giới răn mới vì Ngài là người đầu tiên thực hiện nó, đã cho đi thân xác, và vì thế luật yêu thương đã được viết ra một lần và mãi mãi trong trái tim của con người (x.Ger 31,33). Tình yêu ấy đã được viết ra như thế nào? Nó được viết ra bằng lửa của Thánh Thần. Với chính Thánh Thần mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, chúng ta cũng có thể bước đi trên con đường yêu thương này.
Đó là một con đường cụ thể, con đường đưa chúng ta thoát ra khỏi chính mình để hướng đến tha nhân. Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết rằng yêu mến Thiên Chúa được thực hiện trong tình yêu mến tha nhân. Cả hai đi song hành với nhau. Các trang Tin Mừng chứa đầy tình yêu này : người lớn và trẻ em, người có học và người thất học; giàu có và nghèo khó, công chính và tội lỗi tất cả đều được đón nhận trong trái tim của Chúa Kitô.
Cho nên Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau, ngay cả lúc chúng ta không hề hiểu nhau, không cùng quan điểm với nhau… nhưng nơi đó chúng ta mới thấy được tình yêu Kitô giáo. Tình yêu tự biểu lộ cho chúng ta ngay cả khi chúng có những khác biệt về quan điểm, tính tình, nhưng tình yêu thì rộng lớn hơn những khác biệt ấy. Đó là tình yêu mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Đó là tình yêu mới vì được Chúa Giêsu và Thánh Thần của Người biến đổi. Đó là tình yêu cứu chuộc, giải phóng khỏi mọi ích kỷ. Một tình yêu đem đến cho con tim chúng ta niềm vui, như Chúa Giêsu đã nói : “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (c. 11).
Đó chính là tình yêu của Chúa Kitô, tình yêu mà Chúa Thánh Thần đã đổ vào trong mọi con tim của chúng ta, để hoàn thành mỗi ngày những điều tuyệt diệu trong Giáo hội và thế giới. Có rất nhiều điều nhỏ bé và những cử chỉ to lớn chúng tuân theo giới răn của Thiên chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Những cử chỉ nhỏ bé, mọi ngày như những cử chỉ thân thiện với người lớn, trẻ em, với người yếu đau, cô đơn và khó khăn, không nhà, không việc làm, người nhập cư, bị chối từ… Nhờ vào sức mạnh của Lời Chúa Kitô, mỗi người chúng ta có thể trở nên gần gũi với anh chị em mà mình gặp gỡ. Những cử chỉ gần gũi, thân mật, nơi những cử chỉ này tự biểu lộ tình yêu mà Chúa Kitô đã dạy chúng ta.
Xin Mẹ rất thánh của chúng ta trợ giúp chúng ta trong công việc này, để trong cuộc sống mỗi ngày của mỗi người tình yêu Thiên Chúa và tha nhận luôn được hiệp nhất với nhau.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng
R. Vatican