BA LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM
Chúng ta đã có cái nhìn tổng quát sơ lược về ba lời
khuyên Phúc âm trong dưới khía cạnh thần học và một vài định hướng cho đời sống
linh mục giáo phận, liên quan đến ba lời khuyên Phúc âm, qua hai Tông huấn
Pastore Dabo Vobis và Pastores Gregis. Với cái nhìn thần học hậu công đồng, ba
lời khuyên Phúc âm không phải chỉ dành riêng cho các tu sĩ, những người sống
đời sống thánh hiến, trái lại, nó còn là động lực nâng đỡ linh mục giáo phận
sống khắn khít với những đòi hỏi của Tin mừng, đồng thời nâng đỡ linh mục thi
hành đức ái mục vụ hiệu quả hơn. Trong phần này chúng ta sẽ đào sâu hơn, dựa
vào các hướng dẫn của Giáo hội, qua các Tông huấn, Truyền thống để biết rõ lý
do tại sao các linh mục giáo phận cũng phải sống theo những đòi hỏi của Tin
mừng, tức là sống ba lời khuyên Phúc âm khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, cho
dù chúng ta không khấn giữ điều đó.
Chúng ta vẫn còn nhớ trong ngày lễ thụ phong linh mục,
giám mục muốn tiến chức tuyên bố những quyết tâm của mình về nhiệm vụ sắp lãnh
nhận trước mặt cộng đoàn dân Chúa, trong đó một câu hỏi trực tiếp, rõ ràng nhất
liên quan đến ba lời khuyên này là vâng phục. “Con có hứa kính trọng và vâng
phục Cha cùng các Đấng kế vị Cha không ?”. - Tiến chức trả lời : thưa, con
hứa!”[1].
Như đã nói trong phần dẫn nhập, ba lời
khuyên Phúc âm thường được trình bày có hệ thống cho đời sống tu dòng hơn là
cho các linh mục giáo phận. Vì thế, đối với
nhân đức khó nghèo, nhiều người trong chúng ta nói rằng “tôi đâu phải là tu sĩ,
tôi không có lời khấn ấy”. Tuy vậy, trong phần tiếp theo đây dựa theo Giáo huấn
và Truyền thống Giáo hội, chúng ta sẽ thấy rằng các lời khuyên Phúc âm rất quan
trọng và cần thiết trong cuộc đời của mỗi linh mục giáo phận.
Đời sống khó nghèo có tác động không nhỏ đến cách sống
của linh mục và đôi khi tạo ra những tranh cãi lớn. Có lúc chúng ta phải đối
diện với những câu hỏi rất thiết thực của người giáo dân đặt ra cho các linh
mục: cha xứ đang dùng xe gì, tivi, điện thoại hiệu gì, ngài đi nghỉ ở đâu… Điều
quan trọng nhất là: khi giáo dân của tôi so sánh cách sống của tôi với họ, làm
cho họ thấy tôi đang sống đời linh mục nghèo, hay là họ cảm nhận được sự “trần
tục” của linh mục là người không ở trong thế gian nhưng vẫn thuộc về thế gian.!
I. BẢN CHẤT CỦA
CÁC LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM
Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, trước khi nói về đời sống tu trì, đã dạy rằng "mọi môn đệ Chúa Kitô đều được mời gọi sống các lời khuyên Phúc âm, vốn rất đa dạng”[2]. Sách Giáo lý còn thêm: mọi Kitô hữu được kêu gọi sống đức ái hoàn hảo để phục vụ Nước Trời.
Theo thánh Tôma Aquinô đức
ái là thước đo của sự hoàn thiện Kitô giáo. Ngài viết về các lời khuyên Phúc âm
khi cho rằng những lời khuyên được chứa đựng trọng Luật mới. Trong tổng luận
thần học (I-II q.108 a.4), thánh Tôma cho thấy “một số lời khuyên xác định” nằm
trong Luật mới, và ngài thêm rằng như Chúa Kitô là Đấng khôn ngoan và là người
bạn tốt nhất của chúng ta, các lời khuyên của Ngài được xem như “vô cùng hữu
ích và thích hợp”. Xét về bản chất thì các giới răn bắt buộc phải giữ. Tuy
nhiên, các lời khuyên không phải dư thừa vì chúng là những điều kiện để đạt đến
mục tiêu hạnh phúc đời đời, chắc chắn và nhanh chóng hơn. Con người đứng giữa
những gì thuộc về thế gian và của cải thiêng liêng thuộc về hạnh phúc đời đời.
Và một khi con người gắn bó với cái nào nhiều hơn thì buộc phải buông mình ra
khỏi những cái khác. Các giới răn ngăn cản chúng ta không gắn bó với của cải
trên thế gian như một cứu cánh, vì như vậy sẽ làm cho chúng ta đánh mất của cải
thiêng liêng. Nhưng từ bỏ những gì thuộc về thế gian hoàn toàn dẫn đến mục đích
tối hậu của con người nhanh chóng hơn và đó là những gì mà các lời khuyên Phúc
âm đề nghị cho chúng ta.
Trước đó trong tổng luận (q.77 A.5 I- II) thánh Tôma mô tả các dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và kiêu ngạo là nguyên nhân của tội lỗi, bởi vì yêu bản thân thái quá là nguồn gốc của mọi tội lỗi (I -II q.77 a.4) và nó bao gồm cả việc khao khát điều tốt cách thái quá, bởi vì con người muốn điều tốt cho người mà họ yêu thương. Ba nguyên nhân của tội lỗi liên hệ mật thiết đến tất cả mọi phương diện trong đời sống con người. Thế nhưng các lời khuyên Phúc âm đưa ra một biện pháp khắc phục cho mỗi nguyên nhân của tội lỗi : đối với dục vọng đôi mắt - sự giàu có bị khước từ bởi tinh thần nghèo khó; đối với dục vọng tính xác thịt - thú vui nhục dục được thay thế bởi khiết tịnh trọn đời; và tính kiêu căng trong cuộc sống bị ràng buộc bởi sự vâng phục” (I- II q.108 a.4).
Cần phải lưu ý rằng các lời khuyên này có thể được tuân giữ cách tuyệt đối (đối với các tu sĩ) hoặc trong một sự giới hạn nào đó (đối với giáo dân). Vì vậy, Công đồng Vatican II và Giáo lý Công giáo mời gọi các Kitô hữu sống các lời khuyên, lặp lại truyền thống mà chúng ta tìm thấy tương tự như của thánh Tôma, “các lời khuyên, xét như chính nó, thích hợp cho tất cả mọi người” (I-II q.108 a.4 ad.1), mặc dù chúng thích hợp cho một số người theo đuổi con đường này hơn so với những người khác.
Khi bàn về thiên chức linh mục, tóm tắt tinh thần của các lời khuyên Phúc âm, cha Réginald Marie Garrigou-Lagrange[3] cho rằng tinh thần của các lời khuyên là tinh thần khổ chế, hãm mình. Nơi mỗi lời khuyên chúng ta thực hành việc khổ chế, và giữa ba lời khuyên ấy chúng ta tập luyện việc từ bỏ mình trong mọi khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Từ bỏ bản thân là một phần căn bản của đời sống Kitô giáo, được Chúa Giêsu kêu mời không phải chỉ cho một số ít các môn đệ nhưng cho tất cả, như Tin mừng Marcô đã nói : “Ai muốn là môn đệ Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mc 8,34). Do đó, dù cho các hình thức sám hối riêng biệt và các hình thức khổ chế khác nhau đối với mỗi ơn gọi, tất cả đều được mời gọi chết đi cho bản thân để có thể sống cho Chúa Kitô.
II. CÁC TU SĨ ĐƯỢC THÁNH HIẾN QUA LỜI KHẤN BẰNG CÁCH NÀO
Để thấy rõ hơn về các lời khuyên, và cách chúng ảnh hưởng đến đời sống của con người thế nào, tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu cách mà các tu sĩ đã thực hiện, và đặc biệt là mối liên hệ giữa việc thánh hiến và các lời khấn.
Mọi Kitô hữu, giáo dân, linh mục, tu sĩ được thánh hiến cho Thiên Chúa qua Bí tích Rửa tội, và họ được mời gọi sống hoàn thiện mỗi ngày. Tuy nhiên, đối với các lời khuyên Phúc âm, nó tạo thêm một sự khác biệt. Đời sống thánh hiến bao trùm toàn bộ cuộc đời những người cam kết sống các lời khuyên Phúc âm trong “tinh thần và thực chất”[4], trong khi người giáo dân sống các lời khuyên chủ yếu trong tinh thần. Hiến chế Lumen Gentium số 44, Giáo luật điều 573#1 khẳng định : “qua việc tuyên khấn hay qua những ràng buộc linh thánh khác tương tự như lời tuyên khấn, các Kitô hữu tự buộc mình thực thi ba lời khuyên Phúc âm, hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa, Đấng được yêu mến trên hết mọi sự”[5]. Có thể nói người tu sĩ sống khó nghèo “thực chất” bởi vì họ không sở hữu bất cứ điều gì cho chính mình mà sống tùy thuộc vào hội dòng của mình. Trái lại, các linh mục giáo phận có thể sống một cuộc sống giản dị, nhưng vẫn sở hữu mọi thứ, vì vậy họ không sống khó nghèo trong “thực chất”.
Như đã nói ở trên, tinh thần của các lời khuyên trở thành tinh thần khổ chế, bởi vì các lời khấn và lời khuyên cả hai đều ảnh hưởng đến cách mà chúng ta liên hệ đến của cải. Trước hết, cần phải lưu ý, cả hai là lời khấn hơn là lời hứa, hơn nữa, chúng rất khác nhau về kiểu cách giải quyết mà chúng ta thực hiện. Chẳng hạn như: quyết chí sửa mình trong việc xưng tội, nó loại trừ tội lỗi chứ không phải chọn lựa điều tốt nhất trên những điều tốt. Trái lại, lời khấn là một hành động thuộc nhân đức thờ phượng mà một người đã chọn lựa điều tốt nhất trên những điều tốt, qua đó họ thề hứa thờ phượng và phục vụ Thiên Chúa. (STII - II q88 a5)
Tuy vậy, các lời khấn tự
chúng không phải là cuối cùng, chúng là phương tiện làm tăng trưởng đức ái và
các nhân đức. Nhưng các phương tiện cho mục tiêu này thay đổi tùy theo ơn gọi
đặc biệt của mỗi người. Người giáo dân theo đuổi ơn gọi của họ giữa thế gian,
thường thấy trong các lĩnh vực hôn nhân, gia đình, sở hữu của cải, và quyền tự
quyết[6]. Vì vậy đời sống hôn nhân
chia sẻ trong mầu nhiệm hôn nhân của Chúa Kitô đối với Giáo hội của Người bằng
tình yêu của họ dành cho người phối ngẫu, và đây là điều tốt. Trong đời sống
thánh hiến, điều tốt này được dành cho điều tốt hơn[7]. Khiết tịnh, trực tiếp chia
sẻ mầu nhiệm hôn nhân của Chúa Kitô với Giáo hội của Người nhiều hơn. Thánh
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói, khiết tịnh trực tiếp gắn liền với Chúa Kitô,
không qua trung gian người phối ngẫu. Đối với đời sống khó nghèo và của cải,
vâng phục và sự tự quyết cũng vậy. Bởi vì phương tiện theo đuổi ơn gọi này trực
tiếp hơn, không qua một trung gian nào, nó quy chiếu vào bậc sống hoàn thiện.
1. Khiết tịnh
Truyền thống Tôma xếp lời khấn khó nghèo
trước khiết tịnh, như Basil Cole OP.[8] đã nói “thứ tự thần học cổ điển bắt đầu
với điều nhỏ nhất rồi tiến dần về yếu tố trung tâm của việc thánh hiến bản thân
– từ đức khó nghèo – khiết tịnh – vâng phục”. Tuy nhiên, Công đồng Vatican II
và Đức Gioan Phaolô II, cho rằng đức khiết tịnh đứng hàng đầu, là động lực của
đời sống thánh hiến, bởi vì qua lời khấn khiết tịnh mà người được thánh hiến
trở nên kết hiệp trong mầu nhiệm hôn nhân của Thiên Chúa và vì thế họ khước từ
của cải thế gian để sống với nhân đức khó nghèo và do đó họ sống phục tùng
Thiên Chúa.
Trong đời khiết tịnh, phương
diện đặc thù của người được thánh hiến bởi lời khấn này là tính dục của họ.
Tưởng cũng nên nhắc lại, các lời khấn này là phương tiện để nên thánh, nhưng
không phải tất cả các phương tiện đều có hiệu quả như nhau. Giáo hội dạy rằng
trung thành với Thiên Chúa bằng một con tim “không san sẻ” trong lời khấn khiết
tịnh, là phương tiện hiệu quả hơn bí tích hôn nhân để tăng trưởng đức ái. Đức
Giáo Hoàng Piô XII trong tông huấn Sacra Virginitas số 32 đã kết luận điều này, và Công
đồng Vatican II với tông huấn Optatam totius số 10 cũng đã lặp lại : khiết tịnh
“trỗi vượt hơn” khi so với hạnh phúc hôn nhân. Đức Gioan Phaolô II nêu rõ lý do
về điều đó khi nói rằng : nếu bí tích hôn phối dẫn đưa hai người phối ngẫu vào
trong mầu nhiệm kết hiệp của Chúa Kitô với Giáo hội, thì đời sống độc thân có
khả năng trực tiếp chia sẻ mầu nhiệm hôn nhân của Chúa Kitô và Giáo hội của Người
nhiều hơn, vì “tình yêu trinh khiết dẫn đưa con người cách trực tiếp đến với
Chúa Kitô trong sự kết hiệp với Ngài, mà không cần trung gian khác; đó là hôn
ước thiêng liêng thật sự, trọn vẹn và dứt khoát”[9]. Vì vậy, con đường dẫn tới sự thánh thiện
của đời sống hôn nhân và khiết tịnh không như nhau.
Khẳng định giá trị của đời sống khiết tịnh, Tông
huấn Vita Consecrata trình bày: “đang
khi những người tuyên giữ lời khuyên Phúc âm đi tìm sự thánh thiện cho bản
thân, thì họ như thể đề nghị một thứ trị liệu thiêng liêng cho nhân loại”[10]. Như vậy việc “trị liệu” nối kết cách dễ
dàng với ý niệm trinh khiết, là cách duy nhất làm hiện tại hóa tương lai thời
cánh chung, nơi mà mọi người bị lòng quyến luyến của cải làm rối loạn, sẽ được
chữa lành.
2. Khó nghèo
Bộ giáo luật 1983 khẳng định việc khấn giữ
khó nghèo bao gồm sự từ bỏ chiếm hữu[11]. Từ bỏ một cách tự do để đến với Thiên
Chúa là thực hành bản năng và quyền tự nhiên chiếm hữu. Cho nên việc thánh hiến
con người theo khía cạnh này trở thành một phương tiện thiêng liêng hướng đến
việc chiếm hữu Thiên Chúa và Nước Trời như là cùng đích tối hậu của mọi nhu cầu
của con người.
Trong khi Công đồng Vatican
sắp xếp lời khấn liên hệ với tình yêu và khiết tịnh, khó nghèo liên quan đến
đức ái; Đức Gioan Phaolô II dẫn ra một lưu ý đầy thú vị về mối quan hệ giữa khó
nghèo và chiêm niệm : chiêm niệm tự nó hướng đến việc tăng trưởng trong đức ái.
Tất cả các lời khuyên Phúc âm là phương tiện nên hoàn thiện, mà đó là đức ái,
và tự nguyện sống khó nghèo cũng là phương tiện đó. Sở hữu của cải có thể đưa
con người xa rời đức ái, nhưng tự nguyện sống nghèo sẽ giải phóng con người
khỏi những suy nghĩ về của cải thế gian, và như vậy sẽ giúp đào sâu việc thực
hành gia tăng đức ái tốt hơn. Đức Thánh Cha nói : với cái nhìn Kitô giáo, khó
nghèo luôn được coi như một bậc sống giúp ta dễ dàng bước theo Chúa Kitô trong
việc chiêm niệm, cầu nguyện và rao giảng Tin mừng[12].
Giải thích của thánh Tôma :
“thật rõ ràng vì trái tim con người quá mãnh liệt đến nỗi bị lôi kéo đến một
đối tượng, mức độ bị lôi kéo tùy thuộc tỷ lệ được rút ra từ những ước muốn. Vì
vậy, con người càng giải thoát khỏi sự ham muốn trần tục bao nhiêu, điều đó sẽ
cho phép họ yêu mến Thiên Chúa cách trọn hảo bấy nhiêu”[13].
2. Vâng Phục
Công đồng cũng như học
thuyết Tôma sắp xếp sự vâng phục như đỉnh cao của các lời khuyên Phúc âm. Vâng
phục, lời khuyên mà qua đó con người từ bỏ bản thân để quy phục Thiên Chúa. Dựa
trên quan điểm này của thánh Tôma, Đức Gioan Phaolô II nói rằng : “vâng phục là
hình thức hoàn hảo nhất trong việc bắt chước Chúa Kitô”[14].
Xin nhắc lại, mỗi lời tuyên
khấn, thánh hiến con người cho Thiên Chúa dưới một phương diện khác nhau. Khó
nghèo thánh hiến bản năng và quyền sở hữu của cải trần tục, trong khi khiết
tịnh thánh hiến tính dục con người. Tuy nhiên, vâng phục không thánh hiến về
phương diện con người, nhưng bằng cách từ bỏ ý riêng, vâng phục thánh hiến bản
thân, qua đó trái tim con người được thánh hiến cho Thiên Chúa. Trong sự vâng
phục, tinh thần, thể xác và tính chiếm hữu của con người, tất cả trở nên “hiến
lễ hoàn hảo” để thờ phượng Thiên Chúa. Đó là việc chiếm hữu của ý chí tự do làm
cho con người khác với động vật. Qua việc vâng phục hoàn toàn trong đức tin mà
con người dâng lại cho Thiên Chúa những gì là căn bản nhất của mình : tự do và
trí tuệ. Kinh thánh mạc khải Thiên Chúa như là Đấng kêu gọi dân Người, và vâng
phục bắt nguồn từ tiếng la tinh Oboedire, nghĩa là lắng nghe, lắng nghe lời mời
gọi của Thiên Chúa.
Như vậy, vâng phục được cho là sống trong
“thực chất” của những người được thánh hiến. Và mặc dù hình thức chính xác của
điều này thay đổi, mỗi người được thánh hiến quyết tâm tuân theo các quy tắc,
hiến pháp của hội dòng hay tu hội của mình. Đối với những người tuân giữ lời
khấn (không chỉ là lời hứa thiêng liêng), thì lời khấn làm cho đức vâng phục của
con người thành một hành vi, làm biến đổi đời sống của đức vâng phục, đến nỗi
“tất cả mọi hoạt động vâng phục trong phạm vi trách nhiệm mới này cũng là những
hành động của nhân đức thờ phượng”[15].
Ngoài ra chúng ta có thể
coi sự vâng phục như một phương tiện cho đức ái, bằng cách nghĩ đến việc kết
hiệp cách siêu nhiên với Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của cuộc đời người tín
hữu. Yêu thương người nào là muốn điều mà họ muốn, và quy phục làm cho con
người và Thiên ý hòa hợp với nhau.
[1] Nghi Thức Giám Mục, xem phần Nghi Thức Phong Chức Linh mục.
[2] Sách GLCG, số 915
[3] Réginald Marie Garrigou-Lagrange, OP (1877–1964)
Thần học gia Công giáo, người Pháp.
[4] x. BASIL COLE OP & PAUL CONNER O.P., Christian Totality: Theology of the Consecrated Life (New York,
Alba House, 1997), 27.
[5] CĐ VATICAN II, Lumen Gentium,
số 44
[6] CĐ VATICAN II, Hiến chế Lumen
Gentium, số 36; 54.
[7] Bộ Giáo luật điều 1191: (1) Lời khấn là lời hứa cách ý thức
và thong dong đối với Thiên Chúa, về một điều thiện tốt hơn và có thể thi hành
được. Xét vì thuộc về đức thờ phượng, lời khấn buộc phải được chu toàn.
- SGLCG số
2102: Lời khấn là một lời hứa có suy tính và tự do dâng lên Thiên Chúa, về một
điều thiện tốt hơn và có thể thi hành được. Vì thuộc về nhân đức thờ phượng,
lời khấn buộc phải được chu toàn. Lời khấn là một hành vi đạo đức, nhờ đó người
tín hữu tự hiến cho Thiên Chúa hay hứa thực hiện một việc tốt dâng kính Người…
[8] Cha Basil Cole Op, Giáo sư thần học luân lý và thần học tín lý,
người Mỹ.
[9] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, L'Osservatore
Romano, English edition 30/11/ 1994, 19, số.4;
x. ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 16.
[10] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita
Consecrata, số 87
[11] GIÁO LUẬT điều 600: “Lời khuyên Phúc Âm khó nghèo để
bắt chước Ðức Kitô, Ðấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta,
ngoài một nếp sống nghèo cả về thực chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm,
không dính bén tài sản thế tục, còn mang kèm theo sự lệ thuộc và hạn chế trong
việc xử dụng và định đoạt tài sản, chiếu theo quy tắc của luật riêng của từng
hội dòng”.