Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ đêm Vọng Giáng sinh tại đền thờ thánh Phêrô với sự tham dự của đông đảo các tin hữu từ khắp nơi trên thế giới. Cùng đồng tế với Ngài có các giám mục và linh mục đang sống tại Roma.
Sau đây là nguyên văn bài giảng lễ của Ngài.
Anh chị em thân mến
“Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2,11). Lời của Thánh tông đồ Phaolô mạc khải mầu nhiệm của đêm thánh này : ơn sủng của Thiên Chúa được biểu lộ, là ơn nhưng không của Ngài; qua Hài Nhi, Đấng được ban cho chúng ta, Thiên Chúa đã thực hiện cụ thể tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.
Đêm nay, đêm vinh quang, đêm được các thiên thần công bố ở Bêlem cũng như từ nơi chúng ta cho toàn thể thế giới. Đêm nay, đêm vui mừng bởi vì Thiên Chúa hôm nay và mãi mãi, Trường tồn, Vô tận là Thiên Chúa ở với chúng ta : không ở đâu xa, chúng ta không phải tìm Ngài ở trên trời hay trong những tư tưởng thần bí; Ngài bên cạnh, đã nhập thể làm người và sẽ không bao giờ tách ra khỏi nhân loại mà Ngài đã dựng nên cho Ngài. Đêm nay, đêm của ánh sáng : Ánh sáng đã được Isaia nói tiên tri (Is 9,1), chiếu soi cho những ai đang bước đi trong bóng đêm trần thế, đã xuất hiện và đã vây toả các mục đồng ở Bêlem (Lc 2,9).
Các mục đồng chỉ đơn giản khám phá ra rằng “hài nhi đã giáng sinh cho chúng ta” (Is 9,5) và họ hiểu rằng tất cả vinh quang này, tất cả niềm vui này, tất cả ánh sáng này tập trung chỉ ở một điểm, nơi dấu chỉ mà các thiên thần đã chỉ cho họ : “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." (Lc 2,12). Đây là dấu chỉ đời đời cho ai tìm kiếm Chúa Giêsu. Không chỉ ở thời điểm đó mà cho cả hôm nay. Nếu chúng ta muốn mừng lễ Giáng sinh thực sự, chúng ta chiêm ngắm dấu chỉ này : tính mỏng dòn đơn sơ của một trẻ sơ sinh, hiền từ nơi Ngài nằm, dịu dàng trong khăn tả bọc lót. Thiên Chúa đang ở đó.
Với dấu chỉ này Tin mừng cho chúng ta thấy một nghịch lý : khi nói về hoàng đế, những người cầm quyền, là người trong số những người quý phái vào thời đó, nhưng Thiên Chúa không hiện diện kiểu như thế; Ngài không xuất hiện trong căn phòng sang trọng của cung vương, nhưng trong nghèo hèn nơi hang đá; không ở trong sự tráng lệ bề ngoài, nhưng trong cuộc sống đơn sơ; không quyền bính, nhưng trong một con người nhỏ bé đầy ngạc nhiên. Để gặp được Người cần phải đến đó, nơi Người đang hiện diện : cần phải phủ phục, cúi mình, làm cho mình nên nhỏ bé. Hài nhi ra đời sẽ chất vấn chúng ta : kêu mời chúng ta hãy từ bỏ những ảo tưởng phù du để chạy đến với cái cốt yếu, là từ bỏ những tham vọng không bao giờ cùng, từ bỏ những bất mãn lâu năm và buồn rầu là những thứ luôn luôn làm cho chúng ta mất mát. Chúng ta sẽ tốt hơn khi biết từ bỏ những điều ấy để tái khám phá trong sự đơn sơ của Thiên Chúa-Hài Nhi bình an và niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống.
Hãy để cho mình được Hài nhi trong máng cỏ chất vấn. Cũng hãy để cho các trẻ em của thời đại này chất vấn chúng ta, những đứa trẻ không được nằm trong nôi và không được âu yếm yêu thương từ cha mẹ, nhưng đang nằm trong sự nhơ nhớp của “máng cỏ phận người” : đang chui nhủi dưới lòng đất để tránh đạn bom, sống trên vỉa hè các thành phố lớn, dưới đáy con thuyền quá tải của những lớp người di cư. Hãy để cho các trẻ em chất vấn chúng ta, những em bé không bao giờ được sinh ra, những đứa trẻ đang khóc vì không ai cho chúng được no nê khi đói, những đứa không được cầm trong tay đồ chơi nhưng là vũ khí.
Mầu nhiệm Giáng sinh, là ánh sáng và niềm vui, bởi vì cả hai vừa là mầu nhiệm của niềm hy vọng, vừa là mầu nhiệm của đau khổ. Nó mang trong mình hương vị đau buồn, bởi vì tình yêu không được đón nhận, cuộc sống bị bỏ rơi. Điều đó đã xảy ra cho Thánh Giuse và Mẹ Maria khi tìm nhà trọ nhưng các cửa đều đóng và hai ngài phải đặt Chúa Giêsu trong máng cỏ “bởi vì không có chỗ trong nhà trọ”. Chúa Giêsu ra đời bị chối từ bởi một số người và trong sự thờ ơ của nhiều người. Cũng vậy, ngày nay cũng có thể có những thờ ơ như vậy, khi lễ Giáng sinh trở thành lễ hội, nơi mà diễn viên chính là chúng ta thay vì Con Thiên Chúa; Khi ánh đèn của thương mại đâm chồi trong bóng ánh sáng của Thiên Chúa; khi chúng ta quan tâm đến những món quà và còn lạnh cảm với những người bị bỏ rơi bên lề xã hội.
Tuy nhiên hơn bao giờ hết Giáng sinh có hương vị của niềm hy vọng, bởi vì dù cho đêm tối có trong chúng ta, nhưng ánh sáng của Thiên Chúa thì rực sáng. Ánh sáng của Ngài không làm cho muôn dân sợ hãi; Thiên Chúa, tình nhân của chúng ta, Ngài quyến rũ chúng ta bằng tình hiền dịu của mình, bằng cách sinh ra trong cảnh khó nghèo và mỏng dòn giữa chúng ta, như một con người trong chúng ta. Giáng sinh ở Bêlem nghĩa là “nhà của bánh”. Điều đó muốn nói cho chúng ta biết rằng như thể Người sinh bánh cho chúng ta. Người đến với cuộc sống để ban cho chúng ta sự sống của Người. Người đến trong thế giới này để đem đến cho chúng ta tình yêu của Người. Người không đến để phá huỷ và ra lệnh, nhưng đến để nuôi dưỡng và phục vụ chúng ta. Như thế, có một mối dây trực tiếp nối kết giữa máng cỏ và thập giá, nơi Chúa Giêsu là bánh được bẻ ra : là sợi dây trực tiếp của tình yêu tự hiến và cứu độ con người, trao ban ánh sáng cho cuộc đời và bình an cho tâm hồn chúng ta.
Trong đêm ấy, các mục đồng đã hiểu rằng họ đang là những người bị gạt bên lề xã hội. Nhưng không ai là người bị ruồng bỏ dưới đôi mắt của Thiên Chúa và đích thực họ là những người được mời gọi đến Lễ Giáng sinh. Người tự thấy mình an toàn chắc chắn, tự lập, thì ở lại nhà giữa những gì họ đang có; trái lại các mục đồng thì “ vội vã ra đi, không lưỡng lự” (x. Lc 2,16). Cả chúng ta nữa, hãy để cho Chúa Giêsu chất vấn và triệu mời chúng ta đến đêm nay, hãy đến với Chúa với lòng tin tưởng, bắt đầu từ nơi mà chúng ta cảm thấy bị thiệt thòi, từ những giới hạn của chúng ta. Hãy để cho mình đụng chạm đến được tình hiền dịu cứu chuộc. Hãy để cho mình xích lại gần Thiên Chúa, Đấng đã trở nên gần gũi; hãy dừng lại để ngắm nhìn hang đá, hình tưởng lại cuộc giáng thế của Chúa Giêsu: ánh sáng và bình an, nghèo hèn và bị chối từ. Chúng ta hãy bước vào Lễ Giáng Sinh thực sự với các mục đồng, chúng ta mang đến cho Chúa Giêsu những gì chúng ta đang có, là sự bỏ rơi, những vết thương không được chữa lành của chúng ta.
Và như thế, trong Chúa Giêsu chúng ta sẽ cảm nếm được tinh thần thực sự của Lễ Giáng Sinh: vẽ đẹp của người được Thiên Chúa yêu thương. Cùng với Đức Maria và Thánh cả Giuse chúng ta đang đứng trước máng cỏ, trước Chúa Giêsu giáng thế như bánh cho cuộc đời chúng ta. Khi chiêm ngưỡng tình yêu khiêm hạ và vô biên, chúng ta hãy nói với Chúa lời tạ ơn: Tạ ơn Chúa vì Ngài đã thực hiện tất cả những điều đó cho con.
Video Thánh lễ đêm Vọng Giáng Sinh 2016
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ.