Suy niệm Tin mừng – Thứ sáu ngày 23/12/2016

Suy niệm Tin mừng – Thứ sáu ngày 23/12/2016

Mk 3 1-4.23-24; Tv 24 ; Luca 1, 57-66


SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ

Thời gian ngày lụn tháng mòn,
Ba tuần trăng khuyết trăng tròn chóng qua.
Nữ Trinh từ giã về nhà,
Sa-ve mãn nguyệt khai hoa đến ngày.
Hạ sinh một bé xinh trai,
Bà con thân thích vãng lai chúc mừng.
Tám ngày hoa kết đèn chưng,
Cắt bì đủ lễ, danh xưng đặt liền.
Sa-ve theo lệnh Sứ truyền,
Lật trang gia phả ra điền chữ "Gioan".
Bà con sôi nổi luận bàn :

"Tên nầy sao chẳng liên quan họ nầy ? "
Gia-cai không tiện trình bày,
Lặng thinh lấy bút nhướng mày viết câu :
"Gioan là tên chọn từ đầu"
Tay vừa ngưng bút, âm hầu mở ra.
Hồng ân Thiên Chúa ngợi ca,
Mọi người tán lại bàn qua ồn ào :
"Tương lai con trẻ thế nào ?
Mà bàn tay Chúa dồi dào ra ơn "
Gia-cai đầy dẫy Thánh Thần,
Dùng lời tiên báo ghép vần ca lên :
-----------------
Còn một ít ngày nữa là đến lễ Giáng sinh, Giáo hội giúp chúng ta bước vào trong mầu nhiệm cao cả này bằng cách giới thiệu cho chúng ta một biến cố đặc biệt khác, đó là việc ra đời của Gioan Tẩy giả. Biến cố này nhắc cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã can thiệp vào trong lịch sử con người, không theo những nguyên tắc tự nhiên nhưng theo những nẻo đường mà con người không thể hiểu thấu được. Việc ra đời của vị tiền hô nói cho chúng ta biết giáng sinh đang gần kề, Thiên Chúa đang đến gần chúng ta.

"Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta"(Mk 3,1). Lời của tiên tri Malakhi trong bài đọc thứ nhất được ứng nghiệm nơi con người Gioan Tẩy giả. Gioan là một trong những người đầu tiên mà phụng vụ Mùa vọng nhắc đến. Ông cũng là người mời gọi chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến bằng việc cầu nguyện và hoán cải.

Trả lời nghi vấn của các luật sĩ đến từ Giêsusalem, Gioan nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,23). Cuộc đời của vị tiền hô đã dạy cho chúng ta một điều rất căn bản trong đời sống của người tín hữu đó là khiêm nhường trong tâm hồn. Ông thừa nhận rằng mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa dùng để hoàn thành sứ mạng và ơn gọi của mình. Sự khiêm nhường của Gioan có ảnh hưởng sâu xa đến các tín hữu qua mọi thời đại. Bất cứ ai khi nghe về Chúa Giêsu Nazareth người ta đều nghe về Gioan tẩy giả, người luôn để Chúa Giêsu một vị trí đặc biệt : “ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Gioan luôn nhắc các đồ đệ của mình hãy rời bỏ ông mà bước theo Đức Giêsu, Chiên của Thiên Chúa.

Ông có vẻ là một nhân vật khó lay chuyển; cách ăn mặc và cách nói chuyện của ông đều thô thiển. Nhưng Phúc âm lại liên kết Gioan với niềm vui. Sự hiện diện của Chúa Giêsu và Đức Maria làm ông nhảy mừng trong lòng mẹ (Lc 1,44); và để ám chỉ đến ông, Đức Giêsu nói : “Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng” (Ga 3,29)

Suối nguồn của niềm vui nơi Gioan đích thực là sự khiêm nhường, cái đã làm nên đặc tính của ông. Với quyền bính và sự thành công làm cho con người thèm khát thoả mãn, nhưng khiêm nhường là một nơi rộng rãi đủ để chứa đựng niềm vui. Thánh Ambrosio cũng đã nói : “Khi nhận được mọi ơn lành từ Thiên Chúa thì đừng quên đi bản tính con người chúng ta. Đừng lên mặt nếu bạn đã phục vụ tốt, bởi vì bạn chỉ làm những điều bạn phải làm mà thôi”. Thánh Phaolô người được Thiên Chúa chọn để rao giảng Tin mừng cho dân ngoại nói rằng : “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa (1Cor 15,9). Chúng ta cũng hiểu được sự khiêm nhường quan trọng thế nào đối với Thiên Chúa qua bài ca Magnificat của Đức Maria : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1,45-48).

Khiêm nhường không phải là mốt thời trang đạo đức của ngày hôm nay. Khiêm nhường là để chuẩn bị tâm hồn chúng ta như một bữa tiệc để đón Chúa ngự đến.

“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Ca hiệp lễ của ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta kiểm điểm lại thái độ sống của chúng ta đối với Chúa: Tôi sẽ đón tiếp Ngài với tâm tình như thế nào?. Thiên Chúa đang đến thật gần, Ngài luôn muốn được sinh ra trong tâm hồn chúng ta lần nữa.  

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn