Giảng lễ hôn phối Giuse Đinh Quang Tín và Maria Ngô Nguyễn Trúc Yên

Lễ cưới Giuse Đinh Quang Tín và Maria Ngô Nguyễn Trúc Yên

Tại giáo xứ Phú Bình, 9g30 ngày 25/11




Chúng ta đang ở tháng 11, theo niềm tin Công giáo, trọn tháng 11 cầu cho các linh hồn ông bà cha mẹ đã qua đời. Tháng 11 cũng khiến chúng ta liên tưởng đến sự chết của con người. Có lúc chúng ta nghĩ rằng, sự chết là cái gì đó rất xấu đang xảy ra cho muôn thế hệ con người, vì nó lấy đi niềm vui và niềm hy vọng của nhiều người. Nó làm cho bao nhiêu gia đình đang vui và hạnh phúc bỗng chốc lại biến thành sầu buồn và tê tái. Sự chết là một cái gì đó đáng nguyền rủa và đáng ghét.

Chắc mọi người cảm thấy lạ, lạ bởi vì hôm nay là lễ cưới, nhưng tôi lại nhập đề bằng hình bóng của cái chết, điều mà chúng ta đáng ghét nhất, và lẽ ra tôi phải nói đến sắc mầu của niềm vui, của hạnh phúc gia đình. Nhưng thưa cộng đoàn, tôi muốn nói đến sự chết như là điểm mù, điểm tối của cuộc đời con người; nó đại diện cho sự bất hạnh và đau khổ. Tôi muốn mượn đến cái tăm tối của sự chết, để mở đường cho câu chuyện của sự sống. Một câu chuyện mà ngày hôm nay cách đặc biệt hai anh chị Tín và Yên đang chuẩn bị sống với nó.

Như tôi đã nói sự chết là cái đáng ghét nhất trong cuộc đời của mỗi người. Không ai muốn chết bao giờ, hay nói cách khác không ai muốn phải đau khổ bao giờ. Làm người chúng ta đều hướng đến niềm vui, an nhàn và hạnh phúc. Niềm vui thì không có ai muốn nó mất đi và luôn luôn muốn nó sống mãi, tồn tại một cách vĩnh cửu ở trong đời sống của mình.

Bởi vậy, hạnh phúc của gia đình đôi khi được xác định bằng chính niềm vui này. Vui ở đây không phải chỉ một khía cạnh nào đó nhưng nó là trọn vẹn cuộc sống: đạo đức, kinh tế, tương quan gia đình nội ngoại, vợ chồng, con cái và sức khỏe mỗi người (lý tưởng).... Và ai cũng thế, cũng ước muốn điều này. Và nhiều người cho đó chính là bậc thang giá trị của đời sống gia đình. Sức sống và hạnh phúc gia đình được định giá vào những hình ảnh kể trên.

Trong những bữa tiệc cưới, chúng ta thường nghe người ta chúc mừng những cặp vợ chồng trẻ như sau : chúc anh chị trăm năm hạnh phúc, vẹn nghĩa sắc cầm; chúc hai người sống đến đầu bạc răng long. Chúc tổ ấm nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười... và hầu hết ai cũng muốn điều đó cho cô dâu và chú rể. Nhưng thực tế thì khác!

Thỉnh thoảng thôi vẫn thường coi những chương trình truyền hình xem ra đang thu hút nhiều người, nó mang tính xã hội và rất gần gũi với đời sống gia đình. Tôi theo dõi ba chương trình : Bạn muốn hẹn hò. Yêu là cưới. Vợ chồng son. Mẹ chồng nàng dâu...

Tôi phân làm ba giai đoạn : 1. Làm quen; 2. Vượt khó để đến với nhau; 3. Trục trặc.

Giai đoạn thứ nhất : hai người chưa biết nhau, được mai mối, họ biết nhau. Trong buổi gặp đầu tiên, họ tìm hiểu nhau về tuổi tác, trình độ, tính tình, cuộc sống, gia cảnh... thường bạn trai hứa rằng sẽ chăm sóc cho bạn gái cách tốt nhất, nếu bạn gái chấp nhận họ và cho bạn trai một cơ hội (bấm nút)

Giai đoạn hai : có những đôi bạn gặp khó khăn vì ngăn trở của gia đình, vì không môn đăng hộ đối, hay vì một lý do nào đó mà họ không được phép đến với nhau. Có khi là vì lý do của hai người (thời gian, tính tình) làm họ khó có thể đụng chạm đến nhau được. Có lúc muốn tháo chạy, nhưng cuối cùng dù cho thế nào đi nữa thì họ vẫn quyết tâm lấy nhau. Họ cảm thấy họ hiểu nhau và không thể sống thiếu nhau. Vì họ bảo đảm sẽ mang đến hạnh phúc nếu họ được ở với nhau. Yêu là cưới, không nên bỏ lỡ cơ hội.

Giai đoạn thứ ba : Sau vài tháng, vài năm cưới nhau những ước muốn tưởng chừng như bền vững bắt đầu nhạt dần theo năm tháng. Bắt đầu lộ ra những tật xấu nơi mỗi người : ham nhậu nhẹt, cờ bạc, ngoại tình, mê game, gia trưởng (nam) lười biếng, nói nhiều, hủ đậu, nóng nảy....

Những lời hứa ban đầu ở đâu. Cái dũng khí bất chấp tất cả vượt mọi khó khăn để sống với nhau còn nữa không. Hay cuộc sống gia đình bây giờ mang dáng vấp của một cái xác không hồn, xích mích, bất hòa, đem lại đau khổ cho nhau... Tôi gọi những đau khổ, những trục trặc của đời sống gia đình là điểm mù, nó có sức giết chết một gia đình đang khát khao hạnh phúc, nó làm đổi màu của cuộc sống, từ ấm áp, tươi vui, trở thành tông màu chán ngắt và thất bại.

Một gia đình không còn tiếng cười, không còn tiếng nói chung, không còn yêu thương, không còn tình nghĩa vợ chồng, thử hỏi có còn được gọi là gia đình sống nữa hay không hay nó đang mặc sắc màu của sự chết, của sự thất bại.

Và đó là thực trạng của xã hội, của tất cả chúng ta. Đối với tôi đó là điều bất thường. Bởi vì, ngay từ đầu chúng ta khao khát, ước muốn và cố gắng xây dựng từng ngày để gia đình của mình mãi là tổ ấm tràn ngập yêu thương và hạnh phúc, chúng ta đang đi và nếm cảm cái hạnh phúc chúng ta đang có..... thế nhưng nó đã đổ vỡ. (Bão Damrey – con voi)

Đổ vỡ bởi vì người ta xây dựng gia đình trên những tiêu chuẩn nay còn mai mất. Chúng ta coi hạnh phúc chỉ là thỏa mãn các nhu cầu vật chất như tiền của, danh vọng, sắc dục. Chúng ta phải nhận rằng những thứ đó có thể góp phần vào trong việc tạo dựng hạnh phúc cho chúng ta, nhưng như thế chưa đủ.

Đối với chúng ta, những người tín hữu nếu xây dựng một gia đình chỉ bằng những điều như thế e rằng chúng ta sẽ đi mãi trên một lối mòn của bao nhiêu thế hệ đi trước.

Người ta có thể sống hạnh phúc trong cuộc sống không?

Hôm nay hai anh chị Tín và Yên sẽ nói cho nhau biết rằng anh chị sẽ hạnh phúc, anh chị sẽ hạnh phúc khi làm cho một nửa của mình hạnh phúc. Thiên Chúa chúc lành cho ước muốn này của anh chị bởi vì không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người vui với người vui, khóc với người khóc.

Ngày hôm nay anh chị cam kết sẽ đem đến hạnh phúc cho nhau, và Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc này, Ngài sẽ chúc lành cho anh chị.

Ngày hôm nay có thể anh chị nghĩ rằng : thế giới của chúng ta có nhiều gia đình đã gãy vỡ cho nên chúng ta rút kinh nghiệm, phải làm mọi cách để gia đình được tồn tại trong sự hòa thuận, thương yêu nhau. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Bởi vì tự sức mình không ai có thể làm gì được. Tình yêu của anh chị cần phải được xây dựng dựa trên nền tảng là Chúa Kitô, là sự sống và là đá tảng; dựa trên lời Chúa, Đấng mà anh chị luôn phải lắng nghe và đem ra thực hành. Chỉ khi nào chúng ta để cho cuộc sống bén rễ trong Chúa Kitô thì chúng ta sẽ không bao giờ bị gãy vỡ hay sụp đổ.

Gia đình thiếu vắng hình ảnh của Chúa Kitô sẽ trở nên khô cằn và thất bại. Bởi vì chúng ta không có được điểm tựa trong những lúc chúng ta lạc lõng, cô đơn trong chính gia đình mình. Thật vậy nếu tình yêu được xây dựng trong Chúa Kitô thì mọi sự đều có thể và anh chị sẽ khám phá ra những điều kỳ diệu trong chính cuộc sống gia đình.

Tình yêu là khả năng thiết lập và xây dựng một cuộc sống phong phú; trong khi giận hờn, ghét ghen và ích kỷ sẽ phá hủy, ngăn cách và chia rẽ. Nhưng cái giá của tình yêu thăng tiến, tình yêu thiêng thánh thì mặn đắng : đòi hỏi phải biết tha thứ, chịu đựng, ngay cả khi cảm thấy bị tổn thương.

Biết bao nhiêu cặp vợ chồng đã sống với nhau một thời gian dài, cuối cùng họ đều kiệt sức khi đối diện với những khó khăn. Họ ngừng đối thoại, họ không còn yêu thương nữa: “Không tôi không còn yêu em, yêu anh nữa”.

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” : Đó là tình yêu Kitô giáo, được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, yêu không đo lường, không giới hạn : “yêu như thầy yêu anh em”; cho đến trao ban mạng sống cho người khác, ngay cả đó không phải là người luôn luôn xứng đáng với tôi, không phải luôn hiểu tôi, kính trọng tôi.

Tình yêu vợ chồng là hình thức cao nhất của tình yêu nhân loại : vì vậy người ta không thể chấp nhận những cái tầm thường, không thể sống một thời gian, giới hạn hay điều kiện. Thánh Phaolô viết rằng tình yêu hôn nhân là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa và Hội Thánh của Người. Các đôi vợ chồng Công giáo phải thể hiện được nó, với tình yêu của mình, sự đẹp đẽ, căn cốt, hiệp thông sâu xa của tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội.

Vì vậy tình yêu của đôi vợ chồng Kitô giáo cần phải sống trung thành, mãi mãi, cho đến chết, không có gì có thể ngăn cách được. Phải sống hiệu quả, tức là mở lòng ra cho cuộc sống, cho tha nhân, đừng bao giờ khép lại, đừng bao giờ bị giới hạn trong sự quan tâm lẫn nhau, bởi vì tình yêu ích kỷ, sẽ phá hủy mối tương quan, không yêu thương nhau. “Yêu không phải chỉ là đưa mắt nhìn nhau, mà cùng nhìn về một hướng”. Vợ chồng không thể để cho mình bị giới hạn trong việc tìm kiếm niềm vui nơi người khác, đừng để mình mệt mỏi. Bởi vậy anh chị phải đặt ra cho mình một mục tiêu rất cao, rất vĩ đại, hãy say mê và hãy hỗ trợ nhau để cùng hướng đến mục tiêu này.

Vài phút nữa đây, anh chị sẽ có lời hứa quan trọng trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Thiên Chúa chúc lành cho hành trình của anh chị, Ngài ban cho anh chị mọi phương tiện để thăng tiến, để học biết yêu thương lẫn nhau, sẽ nâng đỡ anh chị và giúp anh chị can đảm, vấn đề ở chỗ là anh chị hãy biết chấp nhận sự trợ giúp của Người, chấp nhận để Ngài cùng đồng hành với anh chị, để cho Ngài dạy cho anh chị biết cách sử dụng mọi phương tiện mà ngài đã ban cho. Thiên Chúa và Giáo hội ban cho anh chị rất nhiều thứ trong lời hứa này : đó là sự thánh thiện, phúc lành từ nơi Thiên Chúa.

Cuối cùng, khi tôi đọc tên của anh chị Tín và Yên tôi thấy có một sự nối kết rất đặc biệt, bởi vì, ở đâu khi vợ chồng Tín nghĩa, Tín trung với nhau thì ở đó sẽ có Yên lành và phúc đức, ở đó không còn bóng tối của sự chết, chịu đựng và đau thương nhưng đổi lại là sự sống, an vui và hạnh phúc.

Xin chúc anh chị suốt cuộc đời giữ mãi được phong cách như thế.
Mới hơn Cũ hơn