CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN
TỪ LỜI CHỨNG CỦA GIOAN TẨY GIẢ ĐẾN CUỘC GẶP GỠ VỚI ĐỨC
GIÊSU. TỪ CUỘC GẶP GỠ VỚI ĐỨC GIÊSU ĐẾN LỜI CHỨNG CỦA NHỮNG MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN
(Ga 1,35-42)
I. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.
1. Từ lời chứng của Gioan đến cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu:
- Người đọc có thể nhận ra ngay những điểm dị biệt so với
bài tường thuật về ơn gọi của các môn đệ đầu tiên nơi các Tin Mừng Nhất lãm.
. Theo sự trình bày của Gioan, các môn đệ đầu tiên, những
con người sẽ tập hợp thành cái nhân ban đầu, của nhòm Mười hai, quả là dân gốc
gác xứ Galilê. Nhưng câu chuyện họ được Chúa gọi ở đây lại không xảy ra ở ngay
tại Galilê, bên bờ hồ nào đó thuộc miền ấy, mà lại ở bờ sông Giođan nơi họ từng
theo làm môn đệ của Gioan Tẩy Giả.
. Cũng vậy, trong lúc nơi các Tin Mừng Nhất lãm, lời kêu gọi
của Chúa mặc hình thức một lệnh truyền: "Các anh hãy theo tôi", thì ở
đây, hai môn đệ đầu tiên, là Anrê và chắc là Gioan, con ông Giêbêđê, lại được
khởi động bởi lời chứng của Gioan Tẩy Giả: "Thấy Đức Giêsu đi ngang qua,
tác giả Tin Mừng viết, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa".
Lời chứng xác nhận các điều đã hứa xưa, nay đã được thực hiện nơi Đức Giêsu. Rồi
thánh sử Gioan tiếp ngay: "Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức
Giêsu" ("đi theo", trong ngôn ngữ Kinh Thánh có nghĩa là:
lam môn đệ).
- Tuy nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của lời chứng ông
Gioan trong quá trình gặp gỡ Đức Giêsu, tác giả Tin Mừng thứ tư cũng quan tâm
không kém đến tư cách chủ động của Chúa trong suốt bài tường thuật.
. Chính việc Đức Giêsu "đi ngang qua" đó là cơ hội
để Gioan Tẩy Giả làm chứng: "Đây là Chiên Thiên
Chúa".
. Chính Người đã "quay lại", thấy hai môn đệ của
Gioan đi theo mình, mới hỏi: "Các anh tìm gì thế?". Câu hỏi này là lời
nói đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan. Cũng một câu hỏi tương tự như
thế sẽ là lời đầu tiên Đấng Phục Sinh sau này nói với Maria Mácđala: "Bà
tìm ai?". Câu hỏi đó đã gợi lên cho hai người môn đệ ý thức rõ điều thực sự
họ đang tìm kiếm, và đồng thời mời gọi chính chúng ta là những độc giả Tin Mừng
hôm nay, biết đặt mình trước mặt Chúa, để làm sáng tỏ ý nghĩa sau cùng của cuộc
hành trình nội tâm của chúng ta.
Anrê và người bạn kia đáp lại bằng cách hỏi Chúa: "Thầy
ở đâu?". Câu hỏi vượt xa chuyện đơn giản chỉ liên can đến nơi ăn chốn ở của
Chúa, nó đã hướng tới đời sống thân mật của Đức Giêsu với Chúa Cha.
. Và chính Đức Giêsu mời gọi các ông: "Đến mà
xem". Lời mời không chỉ là đến tham quan cho biết chỗ Người chọn làm nhà ở,
mà là đi vào một cuộc gặp gỡ thiết thân với Người, là biết Người một cách thâm
sâu hơn, là "kiểm nghiệm bằng mắt thấy tai nghe, bằng con người xương thịt,
cái thực tại lịch sử sẽ làm nền tảng cho đức tin" (x: P.E Jacquemin,
"Assemblées du Seigneur", số 33, trang 57). Chúng ta đọc thấy nơi 1Ga
1,1-3: "Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng
tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến... Chúng tôi loan báo cho cả
anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi".
2. Từ cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu đến lời chứng của các môn đệ:
- Thế là có một cuộc gặp gỡ: "Họ đã đến xem chỗ Người ở,
thánh sử viết tiếp, và ở lại với Người ngày hôm ấy".
. A.Marchadour ghi nhận: "Cuộc gặp gỡ được bao trùm
trong một bức màn kín đáo, đem đến cho bài tường thuật một chiều kích vừa mầu
nhiệm vừa sáng tỏ: từng người tín hữu chúng ta, đều được mời gọi thực hiện cùng
một bước đi ấy" ("L'Evangile de Jean", Centurion, trang 48).
. Việc láy đi láy lại động từ "ở (lại)"
("demeurer") lôi kéo chú ý của người đọc đến một yếu tố cốt thiết. A.
Marchadour nhận xét thêm: ""Ở (lại)" trong Tin Mừng của Gioan, vẫn
theo tác giả trên, là một thuật ngữ thần học chỉ sự hoàn tất trong Đức Tin, sự
gắn bó trọn vẹn vào Đức Giêsu... Đó là những bước đi đúc kết nên Đức Tin: đi
theo Đức Giêsu, đến xem chỗ Người ở, ở lại với Người" (Sđd, trang 47).
- Đàng khác, tác giả Tin Mừng dừng lại lâu để mô tả cái phản
ứng dây chuyền phát sinh từ cuộc gặp gỡ ấy với Đức Giêsu.
. Anrê gặp em mình là Simon, và dẫn ông này đến gặp Đức
Giêsu, người mà ông xưng là "Đấng Mêsia". Và rồi Đức Giêsu đặt cho
ông em này một tên mới, mang ý nghĩa tượng trưng, cái tên công bố và biểu lộ ơn
gọi rất riêng của ông ta, giữa hàng ngũ các môn đệ: "Anh là Simon, con ông
Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha (tức là Phêrô)".
Theo truyền thống Nhất Lãm, Anrê và Simon cả hai được Đức
Giêsu kêu gọi cùng một lần. Theo Gioan, Simon đến gặp Đức Giêsu qua trung gian
giới thiệu của anh mình; một cách nào đó ông là "kẻ đến sau". Tuy
nhiên điều đó không phủ nhận chút nào vị thế hàng đầu của Simon trong nhóm các
môn đệ, bởi chính ông này, theo tường thuật của Tin Mừng thứ tư, là người được
vinh dự Đức Giêsu ngỏ lời riêng đầu tiên.
. Sau đó, Đức Giêsu gặp Philípphê và nói: "Anh hãy theo
tôi" (Philípphê là người Bétxaiđa, đồng hương với Anrê và Phêrô). Và
Philípphê lại tiết lộ với Nathanaen: "Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ
nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth"
(c.45).
Cứ như thế, theo lối diễn tả của X.Léon-Dufour, "ngọn lửa
loan tin được chuyền đi, từ người này sang người khác" ("Lecture de
l'Evangile selon Jean", tập 1, Seuil, trang 185). Phải chăng cũng chính nhờ
lời chứng của các môn đệ đầu tiên đó mà biết bao tín hữu khác, đến lượt mình,
cũng đã gặp gỡ được Đức Giêsu, là Đức Kitô? Làm sao Anrê và người bạn kia của
ông đã phát hiện được Đấng Mêsia, nếu không nhờ Gioan Tẩy Giả? Simon Phêrô cũng
thế, nếu không có anh mình là Anrê? Và cả Nathanaen, nếu không có Philípphê? Đến
lượt chúng ta cũng vậy, chúng ta sẽ chẳng bao giờ lãnh nhận được Đức Tin nếu
không nhờ sợi dây chuyền vĩ đại móc nối chúng ta với những môn đệ đầu tiên ấy.
II. BÀI ĐỌC THÊM.
"Những cuộc gặp gỡ đầu tiên"
(Mgr. L.Daloz, "Nous avous vu sa gloire", Desclée
de Brouwer, trang 28-30).
"Tin Mừng thứ tư không hề mô tả cuộc gặp gỡ giữa Đức
Giêsu và ông Gioan Tẩy Giả. Không một lời trao đổi nào giữa hai vị được thuật lại.
Gioan nhìn thấy Đức Giêsu, giới thiệu Đức Giêsu, nói về Đức Giêsu. Ông là nhân
chứng, là bạn, là tiếng nói. Điều ông phải nói, ông đã học được từ Đấng sai
ông. Ông không phải là môn đệ của Đức Giêsu. Ông là vị tiền hô. Sau ông, sau Đức
Giêsu, là một thời mới đã khởi đầu. Sau phép rửa trong nước, là phép rửa trong
Thánh Thần. Gioan vừa là kẻ được chiêm ngưỡng cái thực tại mới mẻ, như ông Môsê
được từ xa nhìn thấy Đất Hứa, vừa đồng thời là người hướng mọi người về đó, bằng
cách giới thiệu Đức Giêsu: "Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng
nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa". Lời nói của Gioan tác động ngay trên
các môn đệ: Các ông đi theo Đức Giêsu. Gioan phải có được một sức mạnh từ bỏ lớn
như thế nào để có thể sẵn sàng gởi chính những môn đệ của mình đến với Đức
Giêsu. Ông không chỉ đã dọn đường cho Chúa, mà còn đã dọn lòng những con người,
để họ biết Chúa và theo Chúa. Ngay khi vừa tiếp nhận những môn đệ của Gioan, Đức
Giêsu khai trương sứ mạng của Người. Mẩu đối thoại thật ngắn gọn, dứt khoát:
"Các anh tìm gì thế? - Thưa Rápbi, Thầy ở đâu? - Đến mà xem". Họ đã đến
xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Tác giả xác định giờ giấc của
cuộc gặp gỡ ban đầu ấy: Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Như vậy, bước thứ nhất
của những kẻ sau này sẽ là tông đồ và nhân chứng của Đức Giêsu là nhận biết Người,
đi theo Người, ở lại với Người. Vấn đề trước hết không phải là đi đâu và làm
gì. Điều này vẫn luôn luôn đúng cho chúng ta. Đức Giêsu là Đấng đến để hoàn tất
công việc mà Chúa Cha đã giao phó cho: Người loan báo Nước Trời, Người chết cho
mọi người, Người cứu chuộc qua mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Trước tiên, chúng
ta cần phải bước vào Nước ấy, phải nhận biết Đức Giêsu, phải làm môn đệ của Người.
Rồi sau đó chúng ta mới sẽ là nhân chứng của Người. Nếu chúng ta tưởng rằng
chính chúng ta sẽ ra đi cứu độ thế gian thì coi chừng lầm to. Chỉ có một Đấng Cứu
độ là Đức Giêsu. Không ai có thể làm chứng nhân nếu trước hết không là môn đệ.
Dù sao, cuộc gặp gỡ ban đầu này đã mau chóng dẫn đến hành động
làm chứng đầu tiên: Anrê đi gặp em mình trước hết: Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia.
Câu nói nghe thấy đơn giản làm sao! Chúng ta không còn được nghe thấy âm thanh
cảm xúc có thể đã dâng trào trong cõi lòng người thanh niên Do Thái dám thốt
lên lời đó. Đấng Mêsia, niềm khát vọng của Israel... Thánh sử Gioan cho phép
chúng ta cảm thấy điều lạ lùng trong việc Đấng Messia đọc được điều thầm kín
trong lòng con người, và ngay từ giây phút đầu đã ghi dấu đậm đà trên cuộc đời
những kẻ Người gọi. Đức Giêsu nhìn Simon và nói: "Anh là Simon, con ông
Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha tức là Phêrô". Đức Giêsu luôn biến đổi những
ai đến với Người. Người đặt cho họ một tên mới. Người trang bị cho họ đủ khả
năng để nhận lãnh sứ vụ mà Người sẽ sai thực hiện.
Cả ba người môn đệ đầu tiên đều đến với Đức Giêsu nhờ sự dẫn
dắt của một người khác. Điều đó có thường xảy ra cho chúng ta? Có được bao
nhiêu người trên đường đời đã giúp chúng ta nhận ra Đức Giêsu...?".
"Khởi đầu của một cuộc phiêu lưu lạ lùng"
(F.Deleclos, trong "Prends et mange la Parole",
Centurion-Duculot, trang 131-132).
Có những phút giây hay những lần gặp gỡ mà người ta không
bao giờ quên được. Đó là những khoảng khắc của ánh sáng hay của sự đồng cảm sâu
xa sẽ mãi mãi ghi dấu và định hướng cuộc đời con người. "Lúc đó vào khoảng
giờ thứ mười...". Năm mươi năm về sau, Gioan còn nhớ chính xác cái ngày
hôm đó, khi cùng với ông bạn Anrê, ông đã được nghe tiếng người anh em bà con với
Thầy mình đặt câu hỏi: "Các anh tìm gì thế?". Đó chính là khởi đầu của
một cuộc phiêu lưu lạ lùng. Cuộc đời của các ông từ đây sẽ rẽ sang một khúc
quanh mới, một hướng đi mới (...).
Bắt gặp một cái nhìn qua đó biểu lộ cả một con người. Cảm
nghiệm được nhìn nhận, được tôn trọng và được kêu gọi. Cảm thấy được trở thành
chính mình và trở nên khác, được lớn lên và tiếp tục vươn lên thêm mãi.
"Thầy ở đâu? Đến mà xem". Họ đi theo và đến xem chỗ Người ở, và ở lại
với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Tất cả chỉ đơn giản thế
thôi và gây ngỡ ngàng biết bao.
"Các anh tìm gì thế?". Câu hỏi hệ trọng ấy không
chỉ đặt ra cho những "hiện tượng hiếm hoi" trong trời đất, hay cho những
nhân vật xuất chúng. Nó được dành cho tất cả chúng ta. Nó không chỉ khai sinh
ra các bậc ngôn sứ và các vị thánh được tôn phong, nhưng chủ yếu mọi người tín
hữu.
Ngày hôm nay, trên khắp mọi nẻo đường trần gian, chúng ta vẫn
có thể giáp mặt với Đức Giêsu khi Người đi ngang qua giữa chúng ta, như xưa Người
đã "đi ngang qua" giữa các môn đệ bên bờ sông Giođan.
Đức Giêsu không bao giờ ép uổng, không bao giờ giăng bẫy
rình bắt ai. Người chẳng hề làm áp lực, cũng không tìm cách mê hoặc dụ dỗ người
nào. Người ta vẫn có thể đi sát một bên Người mà không hay không biết, vẫn có
thể thấy Người mà không buồn nhìn theo. Có khi chúng ta phải cần đến cái nhìn
hay lời khuyên của một ai khác, của ai đó thì thầm bên tai: "Đây là Chiên
Thiên Chúa". Tuy nhiên chỉ có những người nào biết tìm kiếm và khao khát
chân lý và tình yêu thật mới có thể nắm bắt, mới có thể lay động và lắng nghe.
Ngoài ra còn phải có thái độ sẵn sàng để đi theo Người và đến mà xem.
Đức Tin chớm nở từ lời hỏi đáp: "Thầy ở đâu?". Thế
là bắt đầu cuộc trao đổi với Chúa. Con người còn cần phải đi theo Người, đồng
hành với Vị Thầy và ở lại với Người để hiểu biết thêm".
DOMINICAL B
DOMINICAL B