CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN
ĐỨC GIÊSU KHỞI ĐẦU SỨ VỤ Ở GALILÊ VÀ KÊU GỌI NHỮNG MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN
(Mc 1,14-20)
I. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.
1. Vừa bắt đầu sứ vụ ở Galilê
+ Ngay sau khi thuật lại biến cố Chúa chịu phép rửa trên sông Giođan (Mc 1,4-11), Chúa chịu cám dỗ trong hoang địa (Mc 1,12-13: Chúa nhật I Mùa Chay), tác giả Tin Mừng Máccô đề cập đến việc Đức Giêsu khai trương sứ vụ của Người ở Galilê. Hai câu 14 và 15 tuy ngắn ngủi, nhưng có nội dung hết sức cô đọng: xác định thời gian và nơi chốn của biến cố, đồng thời cho thấy ý nghĩa quan trọng của nó, đó là khoảng khắc bản lề trong chương trình thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa.
- Câu chuyện diễn ra "sau khi ông Gioan bị nộp". Tác giả có ý nêu bật mối dây liên tục giữa sứ vụ của Đức Giêsu và sứ vụ của Gioan, và hé mở cho thấy số phận mà thiên hạ dành cho Đức Giêsu cũng chẳng khác gì số phận của vị Tiền Hô.
- Câu chuyện xảy ra "tại Galilê". Một vùng đất ở bên lề, mà nội tên gọi cũng có nghĩa như thế: "Miền đất của dân ngoại", "Ngã tư đường của lương dân", nghĩa là một tỉnh biên giới, một khu vực xôi đậu giữa Do Thái và dân ngoại. Được nhắc tới 12 lần trong Tin Mừng thứ hai này, địa danh Galilê đóng vai trò biểu tượng: chính nơi đây Đức Giêsu sẽ xây dựng nên "trung tâm truyền giáo" của Người. Chính từ xứ sở này, vốn bị người ở Galilê và Giêrusalem miệt thị, mà Chúa sẽ chọn làm địa bàn hoạt động ưu tiên của Người, đúng như lời sấm nơi Isaia 8,23 đến 9,1: "Dân đi trong tăm tối đã thấy một ánh sáng lớn. Trên những kẻ ở xứ âm u, một ánh sáng đã rạng ngời".
- Ở đây, thánh sử Máccô viết, Đức Giêsu rao giảng "Tin Mừng của Thiên Chúa"; Nói cách khác, Người loan báo ơn Cứu độ đến từ Thiên Chúa, đó chính là "Tin Mừng" mà các tông đồ đến lượt mình sau này, khi Chúa đã sống lại, sẽ nhận lãnh sứ mạng phải rao giảng (x: 1Tx 2,8).
. "Thời kỳ đã mãn", tác giả viết tiếp, kế hoạch của Thiên Chúa đã được nên trọn vẹn nơi Đức Giêsu: Người là Đấng Mêsia sẽ hướng dẫn lịch sử tới cùng đích của nó.
. "Triều đại Thiên Chúa đã đến gần": Niềm hy vọng của Israel nay đã được toại nguyện quá mức mong đợi. Với Người, Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đích thân hành động, Triều Đại của Người đang kề bên: Thực sự, theo lối nói tuyệt vời của Origêne, nào Đức Giêsu chẳng phải là "Triều-Đại-Thiên-Chúa-bằng-xương-bằng-thịt?".
Sứ điệp của Chúa kết thúc bằng một lời tha thiết kêu gọi mọi người ăn năn sám hối để đón nhận niềm hạnh phúc trong đức tin: "Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Vào giai đoạn khởi đầu sứ vụ ở Galilê này, Đức Giêsu là Đấng loan báo Tin Mừng. Nhưng rồi đây, qua cuộc đời, cái chết và cuộc Phục sinh của Người, Người sẽ lại chính là đối tượng loan báo của Tin Mừng ấy.
2. Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ đi theo Người:
Ở đây có một sự khác biệt rõ rệt với cảnh Chúa kêu gọi các môn đệ đầu tiên được mô tả dưới ngòi bút của thánh sử Gioan, trong bài Tin Mừng Chúa nhật vừa qua; khác biệt nơi khung cảnh, khác biệt ở giọng văn lẫn nội dung. J.Potin đưa ra giả thuyết, và P.E. Boismard trong "Jésus, un homme de Nazareth" (Cerf, 1996) cũng cùng quan điểm: "Chúng ta đã thấy, theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu đã có lần gặp gỡ với các ông Phêrô, Anrê và Gioan ở bờ sông Giođan. Dường như cảnh xảy ra bên bờ hồ này trình bày lần kêu gọi dứt khoát cho vài người được tuyển chọn đích danh. Các ông không đứng lên đi theo một kẻ chưa quen đâu, nhưng là một Đấng mà họ đã bắt đầu đón nhận sứ điệp" ("Jésus, l'histoire vraie", Centurion, trang 241).
Chỉ với bốn câu viết, Máccô trình bày ở đây việc kêu gọi những môn đệ đầu tiên dưới hình thức hai mẩu chuyện được đặt song song với nhau, rập một khuôn như nhau, cùng lấy lại lược đồ truyền thống của những câu chuyện Kinh Thánh về ơn gọi, đặc biệt câu chuyện ông Êlisa được ngôn sứ Êlia kêu gọi, trong I Các Vua 19,19-21. Ở đây, Máccô nhấn mạnh hai điểm, một mặt là vai trò chủ động từ phía Đức Giêsu trong ơn gọi; mặt khác, tính chất triệt để nơi lời đáp trả ơn gọi.
- Đức Giêsu "đi dọc theo biển hồ Galilê". Người đang trên đường đi, bởi sứ mạng luôn thôi thúc.
- Người để mắt chú ý hai ngư phủ trên biển, "ông Simon và người anh là ông Anrê đang quăng lưới xuống biển". "Các anh hãy theo tôi, Người bảo họ, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá".
. "Đi đằng sau Thầy", "theo Thầy", đó chính là ý nghĩa của từ "môn đệ". Làm môn đệ Đức Giêsu là dấn thân đi theo Người, dù tới đâu thì tới. Theo gương Simon, kẻ được gọi là đầu tiên ở đây, và người anh là Anrê, cũng như Giacôbê và người em là Gioan, là những người chỉ thực sự theo Đức Giêsu khi các ông loan truyền Tin Mừng đến cho lương dân và lúc các ông hy sinh mạng sống vì Đức Giêsu và vì Tin Mừng.
. Về phần câu "lưới người như lưới cá", đó là một lối nói chơi chữ, xem ra lạ tai đối với người tây phương, cũng chẳng kém giàu ý nghĩa. Cần phải hiểu rằng, đối với người Do Thái, biển sâu chính là nơi qui tụ những mãnh lực của sự dữ và sự chết. Đức Giêsu ở đây được khẳng định như là Đấng đến để lôi kéo loài người anh em của Người thoát khỏi những mãnh lực của sự dữ và sự chết ấy. Và nếu Người "có ý tuyển chọn các ngư phủ làm những môn đệ đầu tiên, P.E. Boismard giải thích, là bởi vì Người thấy được mối liên hệ biểu tượng giữa nghề nghiệp hiện nay của họ và sứ mạng mà Người sẽ giao cho họ sau này: đó là "đánh bắt" những con người để đem họ vào trong Nước Thiên Chúa mà Người đã đến để thiếp lập nên" (Sđd, trang 37), để dẫn đưa họ từ cõi chết sang cõi sống.
. Thái độ đáp trả phải mau mắn và vô điều kiện: "Lập tức, các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người".
Từ nay, theo Tin Mừng Máccô, ngoại trừ giờ Khổ Nạn, Đức Giêsu không còn cô độc một mình, nhưng luôn luôn "có các môn đệ cùng đi theo" (Mc 1,21; 1,29), những kẻ sau này sẽ là nhân chứng về việc Người đã làm.
Đây quả là một bài tường thuật đầy tính linh hoạt, nó cho chúng ta cảm tưởng như những sự kiện cứ dồn dập xảy tới. Nó có vẻ giống như "khúc mở đầu" của một bộ phim sẽ diễn ra qua suốt cuốn Tin Mừng. Đức Giêsu là Đấng đã đi bước trước, và lời Người kêu gọi đã hoàn toàn lay chuyển được các môn đệ, khiến các ông một lòng đi theo Người. Các ông sẽ là hạt nhân nảy sinh Hội Thánh và trở nên một thứ đội quân tiên phong của một dân tộc mới, mà theo lời của Đức Giêsu, sẽ nổi lên giữa một "Galilê của dân ngoại", Galilê xưa cũng như Galilê nay.
II. BÀI ĐỌC THÊM.
"Thiên Chúa cần đến con người"
(L.Monloubou, trong "Evangile de Marc", Salvator, tr. 29-30).
Cựu Ước là giai đoạn của lời hứa. Hiện thực của hành động Thiên Chúa, mặc dù cũng đã được kinh nghiệm qua những dấu lạ phi thường, nhưng là cái gì thuộc về ngày mai nhiều hơn. Với Tin Mừng, tương lai vẫn không ngừng là điểm nhắm tối hậu của cái nhìn người tín hữu. Tuy nhiên, cũng thế và hơn thế, chính hiện tại mới là điều đáng nói. Từ nay, Thiên Chúa đã ra tay hành động; "Thời kỳ (của lời hứa) đã mãn.... Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần" (thì của các động từ ở đây cho thấy kết quả thực sự của một hành động đã xảy ra rồi). Bổn phận những ai nghe lời của Người là tin vào điều đó, và tin có nghĩa là không để mình nao núng bởi những cái bề ngoài có vẻ ngược lại. Bởi vì nếu Thiên Chúa hành động, thì chắc chắn là Người sẽ làm theo kiểu của Người, mà loài người không dễ dàng gì chấp nhận được, hiểu được. Tuy nhiên, nếu "Tin Mừng của Thiên Chúa" (c.14) cũng được gọi là "Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa" (c.1), là do bởi nơi Đức Giêsu cũng sẽ hiện lên cái đường lối kiểu cách hành động của Thiên Chúa và sẽ sáng tỏ cho thấy nó đúng đắn như thế nào. Toàn bộ sách Tin Mừng của Máccô sẽ nhằm để phác hoạ cho chúng ta những đường nét, giúp chúng ta hiểu ý nghĩa, dạy chúng ta biết đón nhận những yêu sách của hành động Thiên Chúa, như được minh hoạ ra nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
Thiên Chúa hành động, nhưng không thể thiếu vắng con người. Điều đó cũng có nghĩa là con người phải hoà mình vào với hành động mà Thiên Chúa thực hiện giữa nhân loại, qua việc thiết lập cho họ Triều Đại của Người. Đó chính là ý nghĩa của việc hoán cải và thay đổi đời sống được đòi hỏi nơi họ. Phần tiếp theo của Tin Mừng sẽ trình bày cho thấy một vài thí dụ về các khía cạnh cụ thể bao hàm nơi sự hoán cải cần thiết phải làm đó. Tuy nhiên, nên biết rằng, khác với Luca, và càng khác với Matthêu, Máccô không có những diễn từ "huấn đức" dài dòng, đề cập đến những phương diện khác nhau của lối sống đạo đức người môn đệ phải có. Không bỏ quên khía cạnh đó, Máccô quan tâm nhiều hơn đến sự chọn lựa tiên quyết đòi buộc nơi mọi người, đó là: đón nhận, qua Đức Tin, Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và quyết tâm thay đổi toàn bộ đời sống mà ta gọi là: hoán cải.
Hiển nhiên là tác giả nhìn thấy nơi thái độ của những môn đệ đầu tiên, một thí dụ điển hình về sự hoán cải và đức tin phải có. Không để ý cho lắm đến những tình tiết lịch sử, chắc là cũng khá ly kỳ phức tạp, của các lần gặp gỡ giữa Đức Giêsu và bốn người ấy, mà sau đó là cả một cuộc đời gắn bó hoàn toàn với sứ mạng và với con người Đức Giêsu, Máccô, chỉ giữ lại cái chính yếu. Vốn là dân gốc Galilê, làm nghề đánh cá như bao người đồng hương, là thành phần lao động giữa nhóm bạn đồng nghiệp và thân thuộc, các ông đã được Đức Giêsu, Đấng rao giảng Triều Đại Thiên Chúa, mời gọi đi theo. Bên tai các ông đã vang vọng lời công bố, được gởi gắm đến từng người, về hành động của Thiên Chúa, đòi hỏi nơi các ông một sự hợp tác chặt chẽ. "Lập tức", các ông đáp lại tiếng kêu gọi mình, phát ra từ chính Đức Giêsu, và các ông gắn bó ngay với Người: "họ đi theo Người".
Sự kiện được kể lại để làm gương. Nhưng chắc chắn là tác giả Tin Mừng, dù ngưỡng mộ tư cách của bốn ngư dân xứ Galilê ấy như là mẫu mực của sự hoán cải mà Đức Giêsu đòi hỏi, vẫn trước tiên nhắm đến một cái gì khác nơi việc làm của các ông. ông nhắm đến hành động của Thiên Chúa đang sinh hiệu quả. Đúng hơn, ông nhận thấy Triều Đại của Thiên Chúa đang được xây dựng qua sự hình thành một nhóm nhỏ khiêm tốn những con người rồi đây sẽ trở thành, và đang thực sự là cái mầm nảy sinh ra Triều Đại ấy".
"Những kẻ lưới người"
(G.Bessière, trong "Dieu si proche: Année B", Desclée de Brouwer, trang 87-88).
"Có hai bài "tường thuật ơn gọi" đi liền nhau trong đoạn Tin Mừng này: ơn gọi của Simon và Anrê, và ơn gọi của Giacôbê và Gioan.
Cấu trúc của cả hai giống nhau: Đức Giêsu đi ngang, các ông đang làm việc, Chúa kêu gọi, các ông từ bỏ công việc (và những người thân, trong bài tường thuật ơn gọi thứ hai), các ông đi theo Đức Giêsu. Mỗi bài tường thuật đều giản dị và sinh động: nó cho thấy hiệu năng của lời Chúa Giêsu, khiến cho những con người kia lên đường, đi theo Chúa. Người ta thường áp dụng lời kêu gọi của Chúa Giêsu cho những ai có "ơn gọi" làm linh mục hay tu sĩ, thực ra, nó được gởi đến mọi môn đệ của Chúa. Tất cả đều được yêu cầu phải dành ưu tiên tuyệt đối cho Đức Giêsu.
Kiểu nói: "những kẻ lưới người" muốn nhắn gởi cho bốn người được gọi đó nhớ rằng họ vẫn không bị bó buộc phải bỏ nghề của mình, để rồi trở thành những kẻ ăn không ngồi rồi: trong sứ mạng loan báo Nước Thiên Chúa, họ cũng phải tỏ ra thành thạo như trong lúc hành nghề của mình. Vấn đề là phải loan báo cho mọi người biết một "tin" sẽ thay đổi tất cả. "Thời kỳ" đã đến hồi viên mãn. Một cuộc tạo dựng mới khởi đầu. Nước Thiên Chúa đang có đó. Phải sám hối, nghĩa là phải thay đổi tâm trí, phải thực hiện một sự cải tạo toàn diện, phải làm lại thế giới. Với Đức Giêsu".
DOMINICAL B
DOMINICAL B