Suy niệm trước giờ đọc Kinh Truyền tin của Chúa nhật V thường niên hôm nay, Đức Thánh cha Phanxicô chia sẻ: các phép lạ Chúa Giêsu thực hiện như việc thức tỉnh đức tin nơi mỗi người. Và ngài mời gọi các tín hữu biết mở lòng cho Chúa Thánh Thần để được đổi mới, “ra đi” và “hoán cải” nhằm phục vụ tha nhân.
Anh chị em thân mến
Tin mừng của Chúa nhật này tiếp tục diễn tả một ngày của Chúa Giêsu ở Caphanaum, ngày thứ bảy, ngày nghỉ hàng tuần đối với những người Do thái (x. Mc 1,21-39). Lần này thánh sử Marcô nhấn mạnh đến mối tương quan giữa hoạt động phi thường của Chúa Giêsu và việc thức tỉnh đức tin nơi mỗi người mà Ngài gặp gỡ. Thật vậy, bằng các dấu chỉ lành sạch mà Chúa làm cho những người đau yếu theo mỗi bệnh trạng, Chúa muốn khơi lại câu trả lời đức tin.
Ngày của Chúa Giêsu ở Caphanaum bắt đầu bằng việc chữa lành nhạc mẫu của thánh Phêrô và kết thúc với cảnh dân cư cả thành tập trung lại trước nhà, nơi Ngài trú ngụ, đem đến cho Ngài tất cả những người đau yếu. Đám đông được đánh dấu bởi đau đớn thể lý và bởi khổ đau tinh thần, có thể nói rằng, nó tạo nên “môi trường sống” nơi đó sứ mạng của Chúa Giêsu được thực thi, một sứ mạng thực hiện bằng lời nói và hành động, chữa lành và ủi an. Chúa Giêsu không đến để đem lại ơn cứu độ trong phòng thí nghiệm; không thực hiện việc rao giảng từ phòng thí nghiệm, tách biệt khỏi dân chúng: Ngài ở giữa đám đông! Ở giữa đám đông! Anh chị em hãy nhớ rằng phần lớn cuộc đời công khai của Chúa Giêsu là nếm trải trên đường, giữa mọi người, để rao giảng Tin mừng, để chữa lành những vết thương thể lý và tinh thần. Đám đông đó là một nhân loại bị cày xới bởi đau khổ, đám đông này, được Tin mừng nói đến nhiều lần. Đó là một nhân loại bị cày xới bởi đau khổ, khó nhọc và nhiều trắc trở: nhân loại nghèo khổ này đã dẫn đến hành động uy quyền, giải phóng và canh tân của Chúa Giêsu. Cho nên giữa đám đông cho đến chiều muộn, Chúa Giêsu kết thúc ngày nghỉ lễ. Và Chúa Giêsu làm gì sau đó?
Trước bình minh của ngày tiếp theo, Chúa ra khỏi thành và lui vào nơi hẻo lánh để cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện. Theo cách này Ngài che dấu con người Ngài và sứ mạng của Ngài đối với cái nhìn háo thắng, nó hiểu sai ý nghĩa của các phép lạ và sức mạnh lôi cuốn của Ngài. Thực vậy, các phép lạ là “dấu chỉ” mời gọi sự đáp trả của đức tin; các dấu chỉ ấy luôn đi kèm với lời, chiếu sáng cho nó; dấu chỉ và lời nói cả hai cùng khích lệ đức tin và sự hoán cải nhờ sức mạnh thiêng liêng của ân sủng Chúa Kitô.
Kết thúc đoạn Tin mừng hôm nay (c.35-39) cho thấy rằng việc loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu tìm lại được vị trí thích hợp nhất của Người trên đường. Đối với các môn đệ, những người tìm kiếm Người để đưa Người trở lại thành phố, Người trả lời điều gì? "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó" (c. 38). Đây chính là hành trình của Con Thiên Chúa và đây cũng sẽ là hành trình của các môn đệ, và nó sẽ phải là hành trình của mọi người tín hữu. Con đường, giống như nơi loan báo niềm vui Tin mừng, đặt sứ mạng của Giáo hội dưới dấu hiệu của việc“ra đi”, của hành trình, dưới dấu hiệu của “chuyển động” và không bao giờ bất động.
Xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta biết mở lòng ra cho tiếng Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy Giáo hội đặt lều của mình ngày càng nhiều giữa mọi dân để mang lại cho toàn thể mọi người lời chữa lành của Chúa Giêsu, thầy thuốc của mọi tâm hồn và thân xác.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ