Mồng hai tết : Thảo kính cha mẹ

Mồng Hai Tết

Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18.23.24; Mc 7,1-2. 5-13a

Anh chị em thân mến



Trong bầu khí vui mừng của những ngày đầu năm mới chúng ta thường nhắc cho nhau nghe câu thành ngữ quen thuộc: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Thành ngữ này diễn tả một nếp sống tốt đẹp trong văn hoá Việt Nam ở thời điểm tống cựu nghênh tân. Tết nguyên đán là cơ hội quan trọng thôi thúc các thành viên trong gia đình đang làm ăn sinh sống nơi xa, vội vã quay về với mái ấm gia đình, vui cảnh đoàn viên trong không khí sôi động và nồng ấm của những ngày đầu năm. Ai rồi cũng phải lớn lên, phải bước đi trên con đường dành riêng cho mình. Nhưng có lẽ trong thâm tâm của mỗi người con xa quê, hình ảnh của ngày tết quê nhà: âm thanh ấy, màu sắc ấy, hương vị ấy, tình cảm ấy mãi mãi là những ký ức đẹp nhất ru lòng mình luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn.

Thế nhưng, một ý nghĩa rất quan trọng và thiêng liêng trong ngày hôm nay đó là chúng ta cùng nhau nhớ về cội nguồn, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ. Cứ nhìn đoàn xe dài nối đuôi nhau chạy từ nam về trung, rồi bắc tiến trong mấy ngày qua; cứ nhìn nghĩa trang công giáo vốn im lặng và buồn bã nay đã được điểm trang bằng muôn màu hoa tươi thắm; hoặc nhìn trong ngôi thánh đường đông đảo và ấm cúng hôm nay chúng ta cảm nhận cái ý nghĩa thiêng liêng và nhiệm mầu đó, cảm nhận được tâm tình khát khao trở về của những người con xa quê; cảm nhận được lòng hiếu thảo qua một truyền thống xem ra bất di dịch.

“Ngày đầu xuân bao người đi xa cũng về với gia đình, ngất ngây với người yêu mến, dâng đến lòng mẹ cha bông hoa là lòng biết ơn”.

Xuôi theo dòng chảy của truyền thống dân tộc hôm nay, chúng ta cùng suy tư tìm hiểu về ý nghĩa của nó để biết được lý do tại sao phải thảo hiếu mẹ cha. Đây cũng là cơ hội để chúng ta đào sâu thêm điều răn thứ tư, 1 trong 10 điều răn của Cựu ước.

Truyền thống xưa nay của người Việt nam dạy : Công cha như núi thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Và giáo huấn của Thiên Chúa từ ngàn xưa rõ ràng, quyết liệt và mạnh mẽ hơn qua các bài đọc mà chúng ta vừa nghe: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. (BĐ1, Eph 6). Cách đặc biệt Sách Huấn Ca (Hc 3,1-16) nêu ra các bổn phận của người con đối với cha mẹ như sau:

Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.

 “Này con, giáo huấn của cha con hãy nghe, lời dạy của mẹ con đừng gạt bỏ” (Cn 1,8) “Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ, là đứa con đốn mạt, nhuốc nhơ” (Châm ngôn 19,26).

Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu quyết liệt lên án thói giả hình của những người biệt phái muốn bãi bỏ Lời Chúa qua luật thờ kính cha mẹ của Mô-sê, đòi buộc con cái phải có bổn phận thảo kính cha mẹ. Thay vì cổ võ con cái nuôi dưỡng cha mẹ, họ lại cổ xuý việc dành số tiền đó dâng cúng vào trong đền thờ. Nghĩa là khi tôi đã hoàn thành việc dâng cúng, việc từ thiện đối với Giáo hội và tha nhân thì tôi không còn buộc phải thảo kính cha mẹ mình nữa. Chắc chắn đó là điều bất hiếu….

Thưa anh chị em! Dẫu có ước muốn thay đổi mọi thứ trong cuộc sống này, ngay cả có thể thay đổi khuôn mặt hiện tại của mình bằng một khuôn mặt hoàn toàn khác, nhưng không ai có thể thay đổi được những người đã sinh ra chúng ta.

Đức Gioan Phaolô II trong tâm thư vào dịp năm quốc tế gia đình 1994 số 18 đã viết: "Hãy thảo kính cha mẹ, bởi vì theo một nghĩa nào đó, các vị ấy đối với con là những người đại diện của Chúa, những người đã ban tặng sự sống cho con, đã đưa con vào cõi sống nhân linh, vào trong một dòng dõi, một quốc gia, một nền văn hoá. Sau Thiên Chúa, các vị ấy là những ân nhân đầu tiên của con. Nếu chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng tốt lành, nếu chỉ một mình Ngài là Đấng thiện hảo, thì cha mẹ con cũng được thông phần một cách độc nhất vô nhị vào chính sự tốt lành tối thượng ấy, bởi đó, con hãy thảo kính cha mẹ con".

Hiếu thảo với cha mẹ không cần đợi thời gian, không cần phải đợi đến khi nào cuộc sống đầy đủ và sung túc về mọi mặt mới thực hiện, nó không ở tương lai nhưng bắt đầu hiện tại.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc này nhà văn Tất Thục Mẫn, Trung Quốc đã viết: Tôi tin tưởng rằng, mỗi một người con có lòng trung hiếu, đều từng có lời hứa hào hiệp thốt ra tự đáy lòng về chữ "hiếu" của mình dành cho cha mẹ, họ cứ tin rằng ngày rộng tháng dài, tin rằng rằm đến thì trăng tròn, tin rằng rồi có ngày mình sẽ công thành danh toại hăm hở trở về, đến lúc đó sẽ làm tròn đạo hiếu một cách ung dung. 

Điều đáng tiếc là ai đó rất dễ bị mắc bệnh lãng quên, quên đi sự tàn nhẫn của thời gian, quên đi dòng đời quá ngắn ngủi, quên đi trên đời này còn nhiều ơn nghĩa mãi mãi không thể nào đền đáp được nữa, quên đi sự sống thực ra rất yếu đuối không thể chịu được sự va chạm.

Có những sự việc, khi chúng ta còn trẻ trung, đã không thể hiểu nổi. Đến khi chúng ta đã hiểu được rồi, thì bản thân đã không còn trẻ trung nữa. Trên đời này có những thứ có thể bù đắp được, nhưng có những thứ không thể nào bù đắp được nữa. 

Đạo "Hiếu" là thứ tình cảm quyến luyến hết sức ngắn ngủi, đạo "Hiếu" là thứ hạnh phúc không thể nào lại tái diễn. Đạo "Hiếu" là dĩ vãng ngàn xưa hễ lỡ bước chân phải ân hận suốt đời, đạo "Hiếu" mắt xích nối sự sống với sự sống, một khi bị đứt thì không thể nào nối lại được nữa”. 

Tuy nhiên giới răn "hãy thảo kính cha mẹ" không chỉ một chiều, nghĩa là không chỉ đòi buộc con cái mà thôi, nhưng còn là một bổn phận của cha mẹ nữa. “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (BĐ2, Eph 6). Đức Thánh Cha nói: Hãy tôn trọng con trai con gái của ông bà, chúng đáng được như thế, bởi vì chúng hiện hữu, chúng đáng được tôn trọng ngay từ lúc mới thụ thai".

Ý nghĩa của Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta về lòng hiếu thảo và yêu thương nhau giữa ông bà, cha mẹ, con cái. Để mỗi người trong chúng ta biết điều chỉnh lại lòng mình, gạt bỏ những gì là ấm ức tức tối, bất hòa bất đồng, những gì là bằng mặt mà không bằng lòng, để vun đắp lại tình nghĩa gia đình và tình cảm mẹ cha anh em. Vì, các thứ khác trên đời này có thể mua bằng tiền, nhưng cha mẹ, anh em và hạnh phúc gia đình không thể mua bằng tiền, mà phải đổi bằng hy sinh có khi là của cải, kể cả công danh sự nghiệp mới có được thứ hạnh phúc ấy - hạnh phúc gia đình.

Thánh lễ hôm nay cũng mời gọi chúng ta nhớ đến bổn phận làm cha làm mẹ của mình, biết hết lòng chu đáo để trở nên ngọn đèn sáng soi dọi cuộc đời con cái. Hơn bao giờ hết, gia đình hôm nay là một cái nôi bất khả thay thế, không chỉ để nuôi con lớn dần theo năm tháng mà còn để giữ gìn dẫn dắt và hướng dẫn con cái trưởng thành.

Kính chúc quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà anh chị em năm mới An Khang, và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi hoạt động của chúng ta, đặc biệt xin cho các gia đình được hiệp nhất với nhau trong tình yêu thương.

CHUYỆN KỂ 

Có hai vợ chồng kia làm ăn khá giả, nhưng lại hà tiện keo kiệt. Trong gia đình có một người cha già trên 80 tuổi, sức yếu, mắt mờ, chân tay run rẩy, cho nên lúc ngồi ăn thường đánh rơi chén cơm.

Người con dâu thấy thế cứ xúi chồng la rầy người cha già. Ông cụ tuy mắt mờ, nhưng tai thính, nên nhiều lúc ngồi ăn mà nước mắt chan hoà. Chén cứ vỡ hoài, người vợ bảo chồng đẽo cho cha một cái chén bằng gỗ cho đỡ tốn kém. Từ đó chén không còn vỡ nữa 

Rồi một ngày kia vợ chồng đi xa về, thấy đứa con trai đang loay hoay đục đẽo. Đến gần, hai người mới nhận ra một cặp chén gỗ sắp làm xong. Được hỏi lý do, đứa con trai ngây thơ trả lời:

"Con làm cái chén này để về sau ba má có chén mà dùng, cũng như ba má đang cho ông nội ăn trong cái chén bằng gỗ.
Mới hơn Cũ hơn