Như các trang truyền thông công giáo đã loan tin, chiều thứ Năm ngày 29 tháng 3 năm 2018 Đức Thánh Cha đã đến thăm và cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại nhà tù Regina Coeli. Nhà tù này trước kia là một tu viện, rất gần Vatican, được xây dựng vào năm 1654 và được cải tạo thành nhà tù vào năm 1881. Nhà tù Regina Coeli giam giữ các tù nhân từ hơn 60 quốc gia trên thế giới, có sức chứa tới 900 tù nhân. Trong thời gian qua nhà tù này được các phương tiện truyền thông đặc biệt quan tâm do tình trạng quá tải và tỷ lệ tự tử cao.
Các tù nhân được lựa chọn cho nghi thức rửa chân là 12 người đến từ bảy quốc gia: bốn người Ý, hai người Phi Luật Tân, hai người Marốc, một người Moldovan, một người Colombia, một người Nigeria và một người từ Sierra Leone. Tám người Công giáo; hai người Hồi giáo; một Chính Thống và một Phật tử.
Chia sẻ sau bài Tin mừng Đức Thánh Cha nói:
Khi kết thúc bài giảng của mình, Chúa Giêsu nói: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15).
Rửa chân. Vào thời ấy việc rửa chân dành cho các nô lệ: nó là một phận vụ của người nô lệ. Thời đó, người ta đi trên đường không được trải nhựa, không được trải đá hoa. Vào thời đó chỉ có bụi trên đường và người dân bị bẩn cả đôi chân. Khi bước vào trong nhà có các nô lệ rửa chân cho họ. Đó là một công việc của nô lệ. Nhưng đó là một sự hầu hạ được thực hiện từ các nô lệ. Và Chúa Giêsu muốn làm việc này để cho chúng ta một mẫu gương về cách chúng ta phải phục vụ lẫn nhau.
Có lần khi đang đi trên đường, hai trong số các môn đệ muốn được thành công trong chức nghiệp, họ đã xin Chúa Giêsu cho được giữ những vị trí quan trong nhất, một ở bên hữu và một ở bên tả (x. Mc 10, 35-45). Và Chúa Giêsu đã nhìn họ với lòng trìu mến – Ngài luôn nhìn họ bằng tình thương – và Ngài nói: “Anh em không biết điều anh em đang xin” (c. 38). Thủ lãnh các dân thì dùng uy quyền, bắt dân phục vụ và họ thì khỏe mạnh (c.42). Chúng ta nghĩ về vua của giai đoạn trước kia, nghĩ về những vị hoàng đế tàn bạo, bắt các nô lệ phục vụ mình… Nhưng giữa anh em – Chúa Giêsu nói – thì không được như vậy: ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm người phục vụ mọi người (c. 43). Chúa Giêsu làm đảo lộn thói quen của lịch sử, văn hóa thời đó – ngay cả hôm nay – những người thủ lãnh, để là một thủ lãnh giỏi, cả nơi ông ở, phải là người phục vụ. Tôi nghĩ rất nhiều – không phải tại thời điểm này, bởi vì mỗi người khi đang còn sống, họ có cơ hội để thay đổi cuộc sống và chúng ta không thể xét đoán được, nhưng chúng ta nghĩ về lịch sử - nếu như các vua, các hoàng đế, các nhà thủ lãnh quốc gia mà hiểu được giáo huấn này của Chúa Giêsu và thay vì ra lệnh, sống tàn ác, giết chết dân thì họ thi hành việc phục vụ này thì bao nhiêu cuộc chiến tranh có lẽ đã không xảy ra. Phục vụ: thực ra có những người không tạo thuận lợi cho cử chỉ này, người kiêu ngạo, người thù hận, có thể là người muốn điều dữ cho chúng ta; nhưng chúng ta được kêu gọi phục vụ họ nhiều hơn nữa. Và cũng có những người đau khổ, bị xã hội gạt bỏ, ít là trong một giai đoạn, và Chúa Giêsu đến đó để nói với họ: Con rất quan trọng với Ta. Chúa Giêsu đến để phục vụ chúng ta, và là dấu hiệu cho thấy Chúa Giêsu phục vụ chúng ta hôm nay đây, tại nhà tù Regina Coeli, Ngài muốn chọn 12 người trong các bạn, như 12 tông đồ để rửa chân. Chúa Giêsu liều mình nơi mỗi người chúng ta. Anh chị em biết điều này: Giêsu được gọi tên là Giêsu chứ không gọi là Phongxiô Philatô. Chúa Giêsu không biết rửa tay: Ngài chỉ biết liều mình! Anh em hãy nhìn lại hình ảnh rất đẹp này: Chúa Giêsu cúi xuống giữa gai nhọn, Ngài đang có nguy cơ bị thương để cứu lấy những con chiên lạc.
Hôm nay, tôi cũng là tội nhân giống anh em, nhưng tôi thay mặt Chúa Giêsu, tôi là sứ giả của Chúa Giêsu. Hôm nay, khi tôi cúi mình trước mỗi người trong anh em, anh em hãy nghĩ rằng: “Chúa Giêsu đã liều mình nơi con người này, một người tội lỗi, để đến gặp tôi và nói với tôi rằng Ngài yêu tôi”. Đó là phục vụ, đó là Chúa Giêsu: Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta; không mỏi mệt vì tha thứ cho chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta rất nhiều. Anh em hãy nhìn xem Chúa Giêsu đã liều mình như thế nào.
Và như vậy, với những cảm xúc này, chúng ta tiếp tục với nghi lễ tượng trưng này. Trước khi trao ban mình và máu của Ngài, Chúa Giêsu đã liều mình vì mỗi người chúng ta, và liều mình trong việc phục vụ vì ngài yêu chúng ta rất nhiều.
G. Võ Tá Hoàng