Bài giáo lý thứ 2 về Bí tích Thêm sức của Đức Thánh Cha Phanxicô, sáng thứ tư 30/05/2018 tại quãng trường thánh Phêrô. Chủ để của bài giáo lý hôm nay là : Ấn tích của Chúa Thánh Thần.
Tiếp tục đề tài về Bí tích Thêm sức hay Xức dầu, hôm nay tôi muốn làm nổi bật “sự nối kết mật thiết của bí tích này với tất cả việc khai tâm kitô giáo” (SC 71).
Trước khi lãnh nhận xức dầu thiêng liêng, củng cố và kiện toàn ơn của Bí tích Rửa tội, các ứng viên của Bí tích Thêm sức được mời gọi canh tân những lời hứa bởi cha mẹ và người đỡ đầu đã thực hiện ngày rửa tội. Giờ đây chính họ tuyên xưng niềm tin vào Giáo hội, sẵn sàng thưa “tôi tin” đối với câu hỏi của Đức Giám mục; cách đặc biệt, sẵn sàng tin vào “Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, là Đấng mà hôm nay, qua Bí tích Thêm sức ban cho họ cách đặc biệt, như đã ban cho các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần” (Nghi thức thêm sức, số 26).
Bởi việc Chúa Thánh Thần xuất hiện đòi hỏi các tâm hồn phải ghi nhớ trong lời nguyện (x. Cv 1,14), sau lời cầu nguyện thinh lặng của cộng đoàn, Đức Giám mục đưa tay lên trên những người chịu phép Thêm sức, khẩn cầu Thiên Chúa đổ tràn trên họ Thần Khí của Ngài, là Đấng Bầu Cử. Chỉ một Thần Khí duy nhất (x. 1 Cr 12,4), nhưng Ngài mang đến cho chúng ta các ơn phong phú : khôn ngoan, thông minh, lo liệu, dũng mạnh, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa (Nghi thức Thêm sức trang 28-29). Chúng ta đã nghe đoạn Kinh thánh với những ơn này, ơn mà Chúa Thánh Thần mang lại.
Theo ngôn sứ Isaia (11,2), đây là 7 nhân đức Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên Đấng Mêsia để hoàn thành sứ mạng của Ngài. Cũng như thánh Phaolô diễn tả hoa trái phong phú của Thần Khí là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”. Thần khí duy nhất phân phát và tăng triển ơn sủng làm phong phú cho Giáo hội duy nhất: Ngài là Tác giả của sự khác biệt, nhưng đồng thời là Đấng Tạo dựng nên sự hiệp nhất, nghĩa là, sự hiệp nhất tất cả mọi phong phú tinh thần mà người tín hữu chúng ta có được.
Với truyền thống được xác nhận bởi các Tông đồ thì Thần Khí hoàn tất ơn Bí tích Rửa tội được chia sẻ qua việc đặt tay (x. Cv 8,15-17; 19,5-6; Dt 6,2). Với cử chỉ kinh thánh này, và để diễn tả cách tốt hơn sự tuôn đổ của Thần Khí tràn ngập trên những người đón nhận, một cách mau chóng việc xức dầu thơm được thêm vào, được gọi là “crisma”, và vẫn còn dùng cho tới nay, ở Đông Phương cũng như bên Tây Phương (GLCG 1289)
Dầu – dầu thánh- là chất trị liệu và là mỹ phẩm, khi thấm vào cơ thể nó chữa trị các vết thương và tỏa hương thơm trên các chi thể; do tính chất này mà dầu đã được biểu tượng kinh thánh và phụng vụ dùng để diễn tả hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hiến và thấm nhập nơi người được rửa tội, trang điểm họ bằng đặc sủng. Bí tích Thêm sức được ban cho nhờ việc xức dầu thánh trên trán, được Đức Giám mục thực hiện với việc đặt tay và đọc những lời: “Con hãy lãnh nhận ấn tín Chúa thánh Thần, Đấng ban cho con ân sủng”. Thánh Thần là ơn vô hình được ban cho và dầu thánh là dấu ấn hữu hình.
Khi đón nhận trên trán dấu thánh giá với dầu thánh, nó xác nhận người được thêm sức lãnh nhận một dấu ấn thiêng liêng không thể xóa nhòa, lãnh nhận “đặc tính” làm cho họ càng thêm đồng dạng với Chúa Kitô, và ban cho họ ân sủng để truyền bá “hương thơm tuyệt diệu” của Ngài giữa muôn người (x. 2 Cr 2,15).
Chúng ta nghe lại lời kêu mời của Thánh Augustinô dành cho những người mới được thêm sức. Ngài nói: “Con hãy nhớ rằng, con lãnh nhận ấn tích thiêng liêng … và con hãy gìn giữ điều con đã lãnh nhận. Thiên Chúa là Cha đã ghi dấu ấy cho con, Chúa Kitô xác nhận con và đã đặt trong trái tim con bảo chứng của Thánh Thần” (De mysteriis 7,42: CSEL 73,106; GLCG, 1303). Chúa Thánh Thần là một ơn vô song, được đón nhận với lòng biết ơn, bằng cách dành chỗ cho sự sáng tạo vô tận của Ngài. Đó là một ơn cần bảo vệ cẩn thận, cần đáp trả cách ngoan ngoãn, để cho mình được nhào nặn, giống như sáp bởi tình mến nồng cháy của Ngài, “để phản ảnh Chúa Kitô trong thế giới hôm nay” (Gaudete et exsultate, 23).
Sau khi kết thúc bài giáo lý, một nhóm võ sĩ của cả hai miền Nam Bắc Hàn đã biểu diễn Taekwondo. Họ kết thúc bài biểu diễn với các biểu ngữ “Một thế giới, một Taekwondo”, “Hòa bình quý hơn cả chiến thắng”. Đáp từ Đức Thánh Cha nói: tôi cám ơn các lực sĩ Nam và Bắc Hàn về màn biểu diễn ý chí hòa bình: hai miền Nam Bắc Hàn cùng nhau! Đó đã là một sứ điệp hòa bình cho toàn nhân loại. Xin cám ơn các bạn.
G. Võ Tá Hoàng