Có phải người Công giáo không có quan điểm vững chắc về thể loại âm nhạc được dùng trong nhà thờ? Lý lẽ giữa âm nhạc truyền thống hoặc hiện đại tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi nhưng ít mang lại thành quả thiêng liêng. Cũng có một số cách thức thay đổi khác không dẫn đến tranh luận gay gắt mà vẫn có thể dễ dàng cải tiến việc sử dụng âm nhạc trong thánh lễ nơi giáo xứ, cũng như đưa đến việc tham gia hiệu quả hơn vào công việc bí tích của Chúa Kitô trong phụng vụ thánh.
1. Hãy để ca đoàn cầu nguyện, chứ không không phải trình diễn
Đâu là vị trí thích hợp cho ca đoàn trong nhà thờ? Ca đoàn hiện diện trong Thánh lễ là để thờ phượng tôn kính Chúa như mọi tín hữu khác. Ca đoàn, hay ca xướng viên (cantor), thực thi việc thờ phượng tôn kính của mình qua cung cách dẫn dắt và giúp người khác tôn thờ Thiên Chúa nhằm đi sâu hơn vào mầu nhiệm được cử hành. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma năm 2002 qui định: “Ca đoàn cần phải được đặt ở nơi nào để mỗi ca viên được tham dự trọn vẹn vào cử hành Thánh lễ cách thuận tiện” (số 312).
“Các tín hữu và ca đoàn nên có một nơi chốn giúp họ dễ dàng tích cực tham dự phụng vụ” (số 294).
Qui định này có nghĩa là không nên xếp ca đoàn ở một nơi như để trình diễn: trực diện với tín hữu. Mỗi ca viên nên được sắp xếp ở vị trí hướng đến việc cầu nguyện trong phụng vụ. Cũng không có nghĩa là chỗ duy nhất dành cho ca đoàn phải là gác đàn phía sau giáo dân, bởi vì phụng vụ thời đầu cho thấy có nhiều vị trí khác nhau dành cho ca đoàn. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là vị trí nào là phù hợp nhất trong việc giúp ca đoàn tham dự việc cử hành các mầu nhiệm thánh: hướng về bàn thờ hay hướng về dân chúng?
2. Sử dụng micro cách hợp lý
Mới đây tôi tham dự một thánh lễ có ca đoàn đầy đủ hiện diện. Vấn đề là mãi cho đến khi thánh lễ diễn ra được một lúc lâu, vợ chồng tôi mới biết ca đoàn đứng ở đâu. Ca đoàn này được xếp ở phía đối diện giáo dân, chứ không đối diện cung thánh, đang hát nhưng khuôn mặt của ca viên lại hướng xuống nền nhà. Ca đoàn có micrô treo từ trần nhà thờ xuống và giọng hát của ca đoàn lại hướng về phía ngược chiều với micrô. Chẳng ai chỉ cho họ cách dùng micrô cho đúng cách.
3. Nhạc cụ phải phục vụ cho giọng hát
Một chủ đề chung của Tự sắc Tra le Sollecitudini (Về việc phục hồi thánh nhạc) của Thánh Giáo hoàng Piô X là sự ưu tiên của tiếng hát. Nhạc cụ phải hòa với giọng hát: “Bởi vì tiếng hát luôn cần chiếm một vị trí quan trọng, đàn organ và các nhạc cụ khác chỉ là hỗ trợ chứ không bao giờ lấn át tiếng hát” (số 16). Các nhạc cụ không chỉ nhằm nâng đỡ bài hát hoặc cung cách hát nhưng còn để cho các tín hữu thoáng thấy và góp tiếng hát của Giáo hội hòa với tiếng hát của Đấng Phu quân là Đức Giêsu Kitô.
4. Hát lễ, chứ không chỉ hát trong thánh lễ
Những phần nào trong Thánh lễ Chúa nhật nên được cả giáo xứ hát chung? Thử viết ra trên giấy một danh mục như thế và đem so sánh với hướng dẫn của Giáo hội. Huấn thị Musicam Sacram (Thánh nhạc) nêu rằng Giáo hội đã khai triển những bậc (degrees) hoặc thể loại (categories) hữu ích đối với những phần được hát trong Thánh lễ. Bậc đầu tiên là quan trọng nhất cho mỗi giáo xứ. Bậc thứ hai và thứ ba “không bao giờ được dùng mà không lưu ý đến bậc thứ nhất” (Musicam Sacram 28).
Huấn thị Musicam Sacram nơi số 29 quy định những phần được ưu tiên hát [bậc nhất] trong Thánh lễ như sau:
Nghi thức mở đầu: Lời chào của linh mục và thưa đáp của dân chúng; lời nguyện nhập lễ.
Phụng vụ Lời Chúa: lời tung hô Tin Mừng.
Phụng vụ Thánh Thể: Lời nguyện trên lễ vật, Kinh Tiền tụng với phần đối đáp; kinh Thánh Thánh Thánh; Vinh tụng ca kết thúc kinh tạ ơn; Kinh Lạy Cha với lời mời cầu nguyện mở đầu và lời kinh khẩn xin; kinh Lạy Chiên Thiên Chúa – xin ban bình an; lời nguyện hiệp lễ; công thức giải tán.
Về cơ bản, phải hát các phần đối đáp trong Thánh lễ và Kinh Thánh Thánh Thánh. Tuy nhiên, đối với hầu hết người Công giáo thì chúng ta lại làm ngược lại với những phần phải hát trong thánh lễ. Với người tín hữu một lễ hát đúng nghĩa không phải là các nhạc cụ hay kiểu âm nhạc nhưng là việc cầu nguyện. Trong Thánh lễ, chúng ta học cách liên kết những lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu của Đức Kitô (GLHTCG 1069, 1073)
5. Huấn luyện các ca trưởng về Thánh nhạc
Bước đầu sẽ dễ dàng hơn khi thuê ca trưởng thánh nhạc có kiến thức về thanh nhạc hoặc giáo dục âm nhạc hơn là thuê một người đã học và được chỉ dẫn về thánh nhạc trong Giáo hội. Một ca trưởng thánh nhạc có bằng cấp đời như thanh nhạc có thể biết hát, xướng âm, điều khiển hoặc lên lịch các buổi tập dợt. Đây là những kỹ năng quan trọng phải có. Điều này không giống như biết chọn bài gì, mua sách hát nào, xếp chỗ ca đoàn ở đâu khi xây dựng hoặc trùng tu nhà thờ, và giúp ca viên cùng cộng đoàn đi vào mầu nhiệm Chúa Kitô thông qua thánh nhạc.
Không bao giờ quá trễ để học hỏi. Hãy tính đến việc gửi các ca trưởng thánh nhạc đến Học viện Phụng vụ (như Mundelein – Hoa Kỳ) cho một khoá mùa hè hoặc học lấy bằng cấp hay nghĩ đến việc thuê một ca trưởng thánh nhạc học chương trình thánh nhạc ở đại học (Franciscan University ở Hoa Kỳ).* Cũng có những cơ sở khác đào tạo đúng với những hướng dẫn của Giáo hội.
6. Hãy đơn giản hóa và tập trung
Giáo hội đề nghị âm nhạc trầm lắng hơn trong những mùa sám hối. Nhạc cụ phải đơn giản trong Mùa Vọng và Mùa Chay (QCTQ 313). Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma số 313 chỉ rõ rằng việc sử dụng đầy đủ các loại nhạc cụ diễn tả tính trang trọng theo thời gian, chẳng hạn mùa Giáng sinh và Phục sinh, tiếp theo những mùa sám hối Mùa Vọng và Mùa Chay. Giảm bớt việc sử dụng các nhạc cụ trong mùa Vọng và mùa Chay hằng năm là dịp giúp các ca đoàn và tín hữu nhớ đến tính ưu tiên của giọng hát và phân định những cách thức tốt nhất trong việc sử dụng tiếng hát và chọn các bài hát hướng đến những mầu nhiệm thánh được cử hành.
Kết luận
Kết luận
Mỗi tín hữu Công giáo có thể và nên quan tâm đến thánh nhạc tại giáo xứ. Với một số người đó là tham gia ca đoàn. Với mọi người, đó là việc cầu nguyện cho những người trách nhiệm về thánh nhạc trong giáo xứ và góp tiếng hát của mình vào bài ca vĩnh hằng của Chúa Con dâng lên Chúa Cha. Nên cân nhắc đóng góp tài chính để mua sách và tài liệu Giáo hội về thánh nhạc hoặc dâng cúng để tổ chức một khoá huấn lyện cho ca đoàn hoặc nhân sự lo âm nhạc.
Cuối cùng, hãy nghĩ đến việc đưa ra phản hồi mang tính xây dựng giúp giữ đúng bản chất của Thánh nhạc. Một lần tham dự buổi tập huấn về bài thánh ca đã để lại nơi tôi ý tưởng này: “Sau Thánh lễ, nếu có ai đến gặp và nói với bạn [ca xướng viên hay ca viên] là họ thích giọng hát của bạn thì xem như bạn thất bại. Còn nếu có người đến gặp và nói rằng giọng ca dễ thương của bạn đã giúp họ cầu nguyện sâu sắc hơn thì bạn đã thành công.”
Bài dịch của Ban văn hóa ĐCV Sao Biển
* Ở Việt Nam, những nơi đào tạo về thánh nhạc là các khóa đào tạo thánh nhạc tại các giáo phận, tại Trung tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn và Viện Âm nhạc Phan Sinh (FAM).
Nguồn tin: catholicexchange.com