Cầu nguyện là chiến thắng nỗi cô đơn và tuyệt vọng. Đó là thông điệp mạnh mẽ qua bài giáo lý về Kinh Lạy Cha mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong buổi tiếp kiến chung ngày 10/1/2019 tại hội trường Phaolô VI. Dưới đây là nguyên văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
“Hãy gõ thì sẽ mở cho”
Anh chị em thân mến
Bài giáo lý hôm nay liên quan đến Tin mừng Luca. Tin mừng này, nhất là những đoạn kể về thời thơ ấu, diễn tả gương mặt của Chúa Kitô trong một bầu khí đậm chất cầu nguyện. Nơi đó chứa đựng ba bài thánh thi được Giáo hội đọc trong kinh nguyện mỗi ngày đó là bài: Benedictus, Magnificat và Nunc dimittis.
Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về Kinh Lạy Cha này. Chúng ta thấy Chúa Giêsu như đang cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện. Trình thuật Tin mừng Luca cho thấy biến hình xuất phát từ giây phút cầu nguyện. Tin mừng kể : “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng dưng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà” (9,29). Nhưng mỗi bước đường đời của Chúa Giêsu luôn được thúc đẩy bởi hơi thở của Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Ngài trong mọi hành động. Chúa Giêsu cầu nguyện khi chịu phép rửa ở sông Giorđan, đối thoại với Chúa Cha trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, thường lui vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện, khấn xin cho Phêrô, người mà trước đó không lâu đã chối Ngài. “Rồi Chúa nói: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22,31-32). Điều đó thật an ủi để ta biết rằng Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện cho tôi, cho từng người trong chúng ta để đức tin của chúng ta nên vững mạnh. Đây là sự thật. Nhưng thưa cha, Chúa Giêsu có còn cầu nguyện cho chúng ta nữa không?. Ngài hằng cầu nguyện trước mặt Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi. Mỗi người trong chúng ta có thể nói điều ấy. Và chúng ta cũng có thể nói với Chúa Giêsu : “Chúa đang cầu nguyện cho con, xin tiếp tục cầu nguyện cho điều con cần”. Cứ như vậy: can đảm lên.
Ngay cái chết của Đấng Mêsia cũng đắm chìm trong bầu khí cầu nguyện, vì thế, giờ thương khó có vẻ được ghi dấu bởi một sự yên tĩnh đầy ngạc nhiên: Chúa Giêsu an ủi những người phụ nữ, cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Ngài, hứa thiên đàng cho tên trộm lành, và khi hấp hối Ngài nói: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dường như làm dịu đi những cảm xúc mãnh liệt nhất, những khát khao được báo thù và rửa hận, giải hòa con người với kẻ thù không đợi trời chung. Giải hòa giải con người với kẻ thù này chính là cái chết.
Trong Tin mừng Luca chúng ta gặp thấy có lời cầu xin được bày tỏ bởi một trong số các môn đệ, người có thể đã được chính Chúa Giêsu dạy cách cầu nguyện. Người môn đệ nói : “Lạy Thầy, xin dạy cho chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Họ thấy Ngài cầu nguyện. “Xin dạy chúng con – chúng ta cũng có thể nói với Chúa – Lạy Chúa, Chúa đang cầu nguyện cho con, con biết, nhưng xin dạy cho con biết cầu nguyện, để con cũng có thể cầu nguyện”.
Từ việc cầu xin này – “Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cầu nguyện” – nảy sinh một giáo huấn đủ rộng, qua đó Chúa Giêsu giải thích Lời của Ngài và những ý thức mà họ phải hướng về Thiên Chúa.
Phần đầu tiên của giáo huấn này là Lạy Cha. Anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. “Lạy Cha”, có thể nói đây là từ hay nhất. Chúng ta có thể dành tất cả thời giờ để cầu nguyện chỉ với từ này: “Lạy Cha”. Và chúng ta thấy rằng chúng ta có một người cha: không phải là ông chủ, cũng không phải là cha ghẻ. Không: đó là một người cha. Người tín hữu hướng về Thiên Chúa bằng cách gọi Ngài là “Cha”.
Trong giáo huấn mà Chúa Giêsu trao cho các môn đệ của Ngài, điều đáng quan tâm là dừng lại trên một số chỉ dẫn đang bao quanh bản văn cầu nguyện. Để đem lại cho chúng ta sự tin tưởng, Chúa Giêsu giải thích một số điều. Ngài nhấn mạnh đến thái độ của người tín hữu khi cầu nguyện. Chẳng hạn như dụ ngôn về người bạn quấy rầy, đến làm phiền cả gia đình khi đang ngủ, bởi vì đột nhiên có một người lỡ đường ghé đến nhưng anh không có bánh để dọn cho người ấy. Chúa Giêsu nói gì về người gõ cửa và đánh thức người bạn này? : Chúa giải thích : “Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. ( Lc 11,8).
Qua những điều này Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta cầu nguyện và cố nài xin trong khi cầu nguyện. Và ngay sau đó Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ về người cha có đứa con đói khát. Tất cả anh chị em, ông bà nội ngoại đang ở đây, khi con cái, cháu chắt nó đói, nó xin, sau đó nó khóc, nó la làng, nó đói: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? (c11). Tất cả anh chị em đều có kinh nghiệm khi con cái mình kêu xin, anh chị em cứ cho những gì chúng xin, vì lợi ích của nó.
Với những lời này Chúa Giêsu cho ta hiểu rằng Thiên Chúa luôn trả lời, và không có lời cầu nguyện nào mà không được lắng nghe, tại sao vậy? Bởi vì Thiên Chúa là Cha, và Ngài không quên những đứa con của mình đang đau khổ.
Chắc chắn, những khẳng định này khiến chúng ta khủng hoảng, bởi vì rất nhiều lời cầu nguyện của chúng ta dường nhưng không đạt được kết quả. Biết bao lần chúng ta cầu xin và không nhận được – tất cả chúng ta đều trải nghiệm được điều đó – biết bao lần chúng ta gõ cửa và chỉ tìm thấy cánh cửa đóng kín? Chúa Giêsu khuyên chúng ta, trong những lúc như vậy, hãy cố nài xin và đừng để mình thành kẻ thất bại. Cầu nguyện có sức biến đổi thực tại. Nếu không biến đổi mọi thứ xung quanh thì ít ra chúng ta biến đổi, con tim chúng ta biến đổi. Chúa Giêsu đã hứa ban Thánh Thần cho mỗi người khi cầu nguyện.
Chúng ta có thể tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ đáp lời. Điều không chắc chắn duy nhất là liên quan đến thời gian của Thiên Chúa, nhưng chúng ta đừng nghi ngờ Thiên Chúa sẽ trả lời. Có thể chúng ta sẽ phải nài nỉ suốt đời, nhưng Chúa sẽ trả lời. Chúa đã hứa điều ấy với chúng ta : Ngài không như người cha đã cho rắn thay vì cho cá. Không có gì chắc chắn hơn khát khao hạnh phúc, thứ mà tất cả chúng ta mang trong tâm hồn để đến ngày sẽ thực hiện nó. Chúa Giêsu nói : “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao ( Lk18,7). Vâng, Ngài sẽ thực thi công lý, sẽ lắng nghe chúng ta.
Từ bây giờ cầu nguyện là sự chiến thắng nỗi cô đơn và tuyệt vọng. Cầu nguyện biến đổi thực tại, anh chị em đừng quên điều đó. Cầu nguyện biến đổi mọi thứ, biến đổi con tim chúng ta, luôn luôn biến đổi. Cầu nguyện bây giờ là sự chiến thắng cô đơn và tuyệt vọng. Nó giống như thấy các mảnh vỡ sáng tạo lúc nhúc trong trạng thái lờ đờ của một lịch sử mà đôi chúng ta không hiểu tại sao. Nhưng nó đang chuyển động, nó đang đi. Và có điều gì ở cuối đoạn đường của chúng ta không? Vào cuối lời cầu nguyện, vào cuối thời điểm mà chúng ta đang cầu nguyện, cuối cuộc đời : có cái gì không? Có một người Cha đang đợi tất cả mọi người với đôi tay rộng mở. Chúng ta hãy hướng lên người Cha này.
Sau khi chào thăm các tín hữu hiện diện trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói:
Chúa nhật tới đây chúng ta sẽ cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa. Qua việc cử hành này sẽ khép lại phụng vụ mùa Giáng sinh, mời gọi chúng ta tái khám phá ơn sủng của Bí tích Rửa tội. Phép rửa làm cho chúng ta trở thành Kitô hữu, tháp nhập chúng ta với Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài. Tất cả chúng ta đều biết ngày chúng ta sinh ra, nhưng không phải tất cả đều biết ngày chúng ta được rửa tội, đó là ngày sinh ra cuộc sống trong Giáo hội, khi Chúa Thánh Thần ngự đến trong tâm hồn. Vì vậy tôi xin anh chị em, để chuẩn bị cho ngày lễ của Chúa nhật tới, đối với những người chưa biết ngày mình được rửa tội thì hãy hỏi những người trong gia đình, cha mẹ, ông bà nội ngoại: “Con được sinh ra trong đời sống đức tin vào ngày nào?”, và luôn ghi sâu ngày ấy trong lòng. Anh chị em làm được không? Rất quan trọng để tổ chức lễ kỷ niệm ngày mình được rửa tội. Chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa vì ơn đức tin và chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn sức mạnh để trở thành những chứng nhân can trường của Chúa Giêsu.