Tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Lạy Cha, sáng nay 27/03/2019, ĐTC nhấn mạnh đến lời cầu : "Xin cho chúng con lương thực hằng ngày". Bài học qua lời cầu này là sự cảm thông và liên đới với mọi người. Qua đó ngài mời gọi mỗi người biết trao ban cho kẻ khác những gì mình có, vì của ăn không phải là tài sản riêng, nhưng là sự quan phòng để chia sẻ, với ân sủng của Thiên Chúa.
11. Xin cho chúng con lương thực hằng ngày.
Anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta chuyển qua phân tích phần thứ hai của "Kinh Lạy Cha", chúng ta trình lên Chúa những nhu cầu của mình. Phần thứ hai này bắt đầu bằng một từ có hương vị của cuộc sống hằng ngày đó là : của ăn.
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu bắt đầu bằng một lời cầu xin đầy cấp bách, rất giống với lời van xin của người hành khất: "Xin cho chúng con lương thực hằng ngày!". Lời cầu nguyện này xuất phát từ một điều hiển nhiên mà chúng ta thường quên, muốn nói rằng chúng ta không phải là những con người có thể tự cung tự cấp, và tất cả chúng ta cần được nuôi dưỡng mỗi ngày.
Kinh thánh cho chúng ta thấy rằng đối với rất nhiều người, cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu được thực hiện bắt đầu từ một yêu cầu. Chúa Giêsu không đòi những lời cầu xin đầy tinh tế, trái lại, điều có thể trở thành lời cầu nguyện là tất cả cuộc sống con người, với những vấn đề hằng ngày và cụ thể nhất. Trong các Tin mừng, chúng ta nhận thấy con số rất đông những người hành khất xin ơn giải thoát và cứu rỗi. Người xin của ăn, kẻ xin được chữa lành; một số người xin được lành sạch, số khác xin được nhìn thấy; hoặc là xin cho người thân yêu có thể sống lại ... Chúa Giêsu không bao giờ bỏ qua những lời cầu xin và những nỗi đau của nhữngngười thân cận.
Do đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin Cha ban lương thực hằng ngày. Và xin Ngài dạy chúng ta thực hiện điều đó trong sự liên kết với mọi người để lời cầu nguyện này thành tiếng kêu than - thường ở trong lòng - đi kèm với mối lo âu hằng ngày. Ngày nay, có nhiều ông bố, bà mẹ, đi ngủ với nỗi day dứt vì không có đủ lương thực cho con cái vào ngày mai! Chúng ta hãy hình dung lời cầu nguyện này được đọc lên không phải trong sự an toàn của một căn hộ đầy tiện nghi, nhưng trong sự bấp bênh của một căn phòng mà chúng ta tự thích nghi, một nơi không đủ những thứ cần thiết để sống. Những lời của Chúa Giêsu đem đến một sức mạnh mới. Kinh nguyện Kitô giáo bắt đầu ở cấp độ này. Nó không phải là bài tập cho người khổ hạnh; nó bắt đầu từ thực tế, từ tâm hồn và thân xác của những người đang sống trong sự thiếu thốn, hoặc đang chia sẻ tình cảnh đối với những người không có đủ điều kiện sống. Ngay cả những nhà thần bí Kitô giáo bậc nhất cũng không thể bỏ qua sự đơn giản của việc cầu xin này. “Thưa cha, xin cho chúng con và cho mọi người hôm nay lương thực dùng đủ”. Và "lương thực" cũng chính là nước uống, thuốc men, nhà cửa, công việc ... Hãy xin những gì cần thiết cho cuộc sống.
Lương thực mà người Kitô hữu cầu xin trong lời cầu nguyện không phải là "của tôi" mà là của chúng ta. Đây là điều Chúa Giêsu muốn. Ngài dạy chúng ta cầu xin không phải chỉ cho bản thân chúng ta, mà cho toàn thể anh chị em trên thế giới. Nếu chúng ta không cầu nguyện theo cách này, "Kinh Lạy Cha" sẽ không còn là kinh nguyện Kitô giáo. Nếu Thiên Chúa là Cha của chúng ta, làm sao chúng ta lại có thể tự trình lên Ngài mà không cần nắm tay nhau?. Và nếu của ăn mà Ngài ban cho chúng ta, mà chúng ta lại ăn cắp của nhau, thì làm sao chúng ta có thể nói chúng ta là con cái của Ngài? Lời cầu nguyện này bao gồm thái độ cảm thông và liên đới. Trong cơn đói của tôi, tôi cảm nhận sự đói khát của nhiều người, và rồi tôi sẽ cầu nguyện với Chúa cho đến khi Ngài chấp nhận lời kêu cầu của họ. Đây là cách Chúa Giêsu giáo dục cộng đoàn của Ngài, Giáo hội của Ngài, là dâng cho Thiên Chúa những nhu cầu của mọi người. Lạy Cha! Tất cả chúng con là con cái của Cha, xin Cha thương xót chúng con!
Giờ đây chúng ta tạm dừng một chút và hãy nghĩ đến những đứa trẻ đói khát. Chúng ta hãy nghĩ đến những đứa trẻ ở các quốc gia có chiến tranh: các trẻ em ở Yemen, Syria, những đứa trẻ đói khát ở rất nhiều quốc gia không có thức ăn như Nam Sudan. Chúng ta hãy nghĩ về những đứa trẻ này, nghĩ về chúng, cùng nhau đọc lớn tiếng lời kinh : Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.
Lương thực mà chúng ta cầu xin Chúa trong lời nguyện cũng chính là của ăn mà một ngày nào đó sẽ cáo buộc chúng ta. Chúng ta sẽ bị khiển trách vì ít khi chúng ta có thói quen bẻ ra cho người thân cận, thói quen chia sẻ nó. Thay vì của ăn được trao cho toàn thể nhân loại, thì nó chỉ được một số người nào đó ăn thôi : yêu thương không thể chịu được điều này. Lòng thương của chúng ta không thể chịu được. Tình thương của Thiên Chúa cũng không thể chịu sự ích kỷ của việc không chia sẻ lương thực.
Có lần một đám đông đến trước Chúa Giêsu, họ là những người đang đói. Chúa Giêsu hỏi có ai có gì để ăn không, và người ta chỉ thấy một đứa bé sẵn sàng chia sẻ thức ăn dự trữ của nó: năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa Giêsu đã làm cho cử chỉ quảng đại đó tăng lên nhiều (x. Ga 6, 9). Đứa bé đó đã hiểu được bài học của "Kinh Lạy Cha". Thức ăn đó không phải là tài sản riêng - hãy ghi nhớ điều này: thức ăn đó không phải là tài sản riêng - nhưng là sự quan phòng để chia sẻ, với ân sủng của Thiên Chúa.
Phép lạ thực sự được Chúa Giêsu thực hiện ngày hôm đó không hoàn toàn là hóa ra nhiều, nhưng là sự chia sẻ: anh em hãy cho những gì mình có và Tôi sẽ làm phép lạ. Khi hóa bánh ra nhiều, chính Ngài báo trước việc tự hiến mình trong Thánh Thể. Thực vậy, chỉ có Bí tích Thánh Thể mới có thể làm thỏa mãn cơn đói khát vô hạn và lòng khát khao Thiên Chúa nơi mọi người, ngay cả trong việc tìm kiếm lương thực hằng ngày.
Sau khi tóm tắt bài giáo lý bằng nhiều thứ tiếng, Đức Thánh Cha nói:
Như mọi năm, thứ Sáu và thứ Bảy tới đây, chúng ta sẽ gặp nhau vào ngày truyền thống sáng kiến: "24 giờ cho Chúa". Thứ Sáu, lúc 5 giờ chiều, tại đền thờ Phêrô, tôi sẽ cử hành Phụng vụ Sám hối. Thật ý nghĩa biết bao khi các nhà thờ của chúng ta, trong dịp đặc biệt này, mở cửa lâu hơn để kêu xin lòng thương xót Chúa và đón nhận lòng thương xót trong Bí tích thứ tha.
* *
Anh chị em thân mến,
Hôm nay tôi vui mừng giới thiệu cho anh chị em một người: Sơ Maria Concetta Esu, thuộc Tu hội con cái Thánh Giuse ở Genoni. Tại sao tôi lại làm như vậy?
Sơ Maria Concetta Esu năm này 85 tuổi, là nhà truyền giáo ở Châu Phi gần 60 năm, là nơi chị làm bà đỡ. Tôi đã gặp Sơ ở Bangui, khi tôi mở Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ở đó Sơ đã kể cho tôi về cuộc sống của mình, đã giúp cho hàng nghìn đứa trẻ được sinh ra. Thật kỳ diệu. Hôm đó sơ đi từ Canoa-Congo đến Bangui để mua sắm.
Trong những ngày này, Sơ đến Rome để gặp gỡ các chị em của mình và hôm nay Sơ đến đây với Bề trên của mình. Vì vậy, tôi nghĩ nhân cơ hội này tôi tặng Sơ một dấu hiệu của lòng biết ơn và nói lời cảm ơn sâu sắc dành cho chứng tá của sơ!
Sơ thân mến, nhân danh tôi và nhân danh Giáo hội, tôi tặng sơ một huân chương. Đó là dấu hiệu quý mến và là lời "cảm ơn" của chúng tôi dành cho tất cả các công việc mà Sơ đã làm cho các anh chị em Châu Phi, phục vụ cho cuộc sống, cho các trẻ em, các bà mẹ và các gia đình.
Với cử chỉ dành riêng cho Sơ, tôi cũng có ý định bày tỏ lòng biết ơn của mình đến tất cả các nhà truyền giáo, linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người đã gieo hạt giống Nước Trời ở mọi nơi trên thế giới. Công việc của anh chị em rất tuyệt vời. Anh chị em đã "đốt cháy" cuộc đời bằng cách gieo lời Chúa qua lời chứng của mình ...
Đức Hồng Y Hummes, người trông coi Tòa Giám mục ở Brazil, khắp vùng Amazon, thường đến thăm các thành phố và làng mạc của Amazon. Và mỗi khi ngài đến đó – chính ngài đã kể với tôi - ngài đã đến nghĩa trang và thăm các ngôi mộ của những nhà truyền giáo; rất nhiều người chết trẻ vì những căn bệnh mà họ không có kháng thể. Và ngài nói với tôi: "Tất cả những người này xứng đáng được phong thánh", vì họ đã “đốt cháy” đời mình trong phục vụ.
Anh chị em thân mến, Sơ Maria Concetta, sẽ trở lại Châu Phi sau những ngày này. Chúng ta hãy đồng hành cùng Sơ trong lời cầu nguyện. Và tấm gương của Sơ giúp tất cả chúng ta sống Tin Mừng cách hiệu quả nơi chúng ta đang ở.
Cám ơn Sơ! Xin Chúa chúc lành cho Sơ và xin Đức Mẹ bảo vệ Sơ.
G. Võ Tá Hoàng