Trong một bài tiểu luận dài hơn 6,000 từ, được đăng ngày 10 tháng Tư, 2019, trên nguyệt san Klerusblatt, một tập san ở vùng Bavaria, bên Đức, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã trình bày ý kiến của ngài về cuộc khủng hoảng tai tiếng lạm dụng tính dục hiện nay trên 3 chủ đề chính: nguồn gốc của cuộc khủng hoảng, phản ứng ban đầu của Giáo Hội và những gì bây giờ cần phải được thực hiện để chữa lành đời sống Công Giáo.
Vài tiếng đồng hồ sau đó, trên tờ First Things đã có nhiều bài rất phong phú nhận định về can thiệp quan trọng này của Đức Bênêđíctô thứ 16. Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput, dòng Phanxicô Capuchin, Tổng Giám Mục Philadelphia, có một bài nhận định nhan đề “Benedict and the Scandal”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ:Đức Bênêđíctô và Tai tiếng [lạm dụng tính dục]
Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput
Bản dịch Việt Ngữ: J.B. Đặng Minh An
Cách đây gần nửa thế kỷ, chính xác là vào năm 1970, triết gia Công Giáo người Ý Augusto Del Noce đã ghi nhận rằng:
Tôi thường thấy mình ghen tị với những người không tin: Há chẳng phải lịch sử đương đại đã đưa ra bao nhiêu những bằng chứng phong phú cho thấy rằng người Công Giáo là những loài tự ti về trí tuệ sao? Thật đáng kinh ngạc khi thấy họ hấp tấp sửa đổi cho phù hợp với ý kiến về đạo Công Giáo do những người theo chủ nghĩa thế tục duy lý đưa ra.
Những lời này, trích từ bài tiểu luận của ông “Sự Lên Ngôi Của Chủ Nghĩa Khiêu Dâm”, mở ra những suy tư tuyệt vời của Del Noce – vừa là một phân tích, vừa là một lời tiên tri - về cuộc cách mạng tình dục đang là vấn đề thời sự lúc bấy giờ của Âu châu. Vào thời điểm đó, khi một linh mục trẻ tên Joseph Ratzinger đang dự đoán về một Giáo Hội trong tương lai nhỏ hơn, cứng rắn hơn nhưng tinh khiết hơn trong các cuộc phỏng vấn của chương trình tiếng Đức trên Radio Vatican trong những năm 1969 và 70, thì Del Noce giải thích về việc thế giới sẽ biến chuyển như thế nào. Ông đã thấy trước rằng “cuộc chiến quyết định chống lại Kitô giáo chỉ có thể được diễn ra trên bình diện của cuộc cách mạng tình dục. Và do đó, vấn đề về tình dục và khiêu dâm là vấn đề cơ bản ngày nay theo quan điểm đạo đức.”
Lịch sử đã chứng minh ông ta đúng, và vì những lý do hết sức rõ ràng. Tình dục vừa là một mối liên kết mạnh mẽ vừa là một sự huỷ diệt tiệm tiến khốc liệt, đó là lý do tại sao, trong lịch sử, gần như tất cả các nền văn hóa của con người đã bao quanh nó với những điều cấm kị nhằm kiểm soát sự hòa nhập hài hòa của nó vào cuộc sống hàng ngày. Sự háo hức ngây thơ – hay nói không quá đáng chút nào như Del Noce là “sự ngu ngốc” – của đông đảo những nhà cấp tiến trong Giáo Hội ở giữa thế kỷ qua trong việc chấp nhận, hoặc ít nhất là trở nên quen thuộc với, sự tháo thứ coi tình dục như một hình thức giải phóng con người, đã dẫn đến sự sụp đổ trí tuệ toàn bộ cả một thế hệ thần học luân lý Công Giáo. Kể từ những năm 1960, sự tháo thứ này đã biến thành những rối loạn chức năng, xung đột và đau khổ lan rộng về phương diện tình dục và xã hội, như đã được dự đoán bởi Del Noce.
Thật không may, những bài học của thập niên 60 ngày nay đang bị bỏ qua một cách kiên định bởi phần lớn tầng lớp trí thức của Giáo Hội: Nói một cách đơn giản, tình dục gắn chặt với nhân chủng học, với sự tự nhận thức của con người về chính mình và mục đích của cơ thể. Do đó, để Giáo Hội vẫn là Giáo Hội, không thể có một thỏa thuận nào với các hành vi về cơ bản là mâu thuẫn triệt để với Lời Chúa và sự hiểu biết Kitô giáo về con người như Imago Dei – hình ảnh Chúa. Tất cả những nỗ lực như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến những gì Ratzinger (nay là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16) từng gọi là một sự lặng lẽ bội giáo. Tình hình hiện nay của Hội Đồng Giám Mục Đức là như thế; nhưng vấn đề không chỉ giới hạn trong một Giáo Hội địa phương duy nhất mà thôi.
Trong bài tiểu luận ngày 10 tháng Tư của ngài “Giáo Hội và vụ tai tiếng lạm dụng tình dục”, Joseph Ratzinger, nay đã già hơn nhiều, nhìn vào hiện tượng lạm dụng qua lăng kính kinh nghiệm cuộc sống của chính mình, chia bản văn của mình thành ba phần: nguồn gốc của cuộc khủng hoảng, phản ứng ban đầu của Giáo Hội và những gì bây giờ cần phải được thực hiện để chữa lành đời sống Công Giáo. Bài tiểu luận vắng bóng một số những cứng rắn trong các tác phẩm chính thức trước đây của ngài, và nó sẽ không làm hài lòng những nhà phê bình vẫn thường chỉ trích Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô là chậm chạp trong việc đề cập đến quy mô và mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng dù sao thì lời nói của ngài vẫn rất rõ ràng và thấm thía hơn bao giờ hết.
Như những giáo dân mà họ phục vụ và lãnh đạo, các linh mục được định hình bởi nền văn hóa xuất thân của họ. Một cách chính đáng, các ngài phải giữ một tiêu chuẩn cao hơn vì ơn gọi của mình. Nhưng các linh mục và giám mục không có khả năng miễn dịch kỳ diệu đối với sự bất thường đang sủi bọt xung quanh họ. Đức Ratzinger xác định hạt giống của cuộc khủng hoảng hiện nay nơi sự cố tình chạy theo tình trạng tháo thứ tình dục đã đánh dấu phần lớn Âu châu vào những năm 1960, và sự thất bại hoàn toàn của các nhà thần học luân lý Công Giáo khi chống lại nó - một thất bại thường giống với việc chiều theo dòng đời. Ngài cũng lưu ý, như Del Noce, rằng bí mật bẩn thỉu của cuộc cách mạng tình dục là thế này: đó là sự tháo thứ các chuẩn mực tình dục không làm giảm bớt ham muốn bạo lực, bao gồm cả bạo lực tình dục. Nó tạo ra chính xác điều ngược lại.
Đức Ratzinger thừa nhận rằng “trong các chủng viện khác nhau, các nhóm đồng tính luyến ái đã được thành lập; chúng hoạt động ít nhiều công khai và thay đổi đáng kể bầu khí trong các chủng viện.” Ngài cũng lưu ý đến một vấn đề ảnh hưởng đến hàng lãnh đạo: “Trên hết, một tiêu chuẩn để bổ nhiệm các giám mục mới giờ đây là ‘conciliarity’ - ‘tính công đồng’, mà tất nhiên có thể được hiểu là nhằm nói đến nhiều điều khá khác nhau.”
Trong luận văn này, Đức Ratzinger đã giải thích phản ứng ban đầu chậm chạp và không thỏa đáng của Giáo Hội đối với vấn đề lạm dụng. Ngài thấy chính xác vấn đề lạm dụng là một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của đức tin chứ không chỉ là vấn đề pháp lý dựa trên quyền của các giáo sĩ bị buộc tội. Do đó, ngài đã thành công trong việc buộc chuyển các trường hợp lạm dụng từ quyền tài phán của Bộ Giáo sĩ sang Bộ Giáo lý Đức tin nơi mà việc giải quyết nhanh chóng và thấu đáo các vụ án có thể được tiến hành. Nhưng ngay cả ở đó, ta có thể thấy tầm mức của vấn đề lớn hơn bất kỳ mọi dự đoán. Ngài vẫn im lặng trước những gì nhiều người coi là sự kháng cự tiếp tục của Rôma trong việc nêu đích danh vấn đề cốt lõi của vấn nạn lạm dụng giáo sĩ, vốn dĩ không phải chủ yếu là vấn đề đặc quyền của hàng giáo sĩ nhưng trái lại là mô thức săn mồi đồng tính luyến ái.
Xuyên suốt văn bản ngắn gọn của mình, Đức Ratzinger có những khoảnh khắc sâu sắc và thiên tài rơi như mưa trên sa mạc, đặc biệt là ngày nay. Chẳng hạn như trong đoạn văn này: “Có những giá trị không bao giờ được từ bỏ để đổi lấy một giá trị lớn hơn, thậm chí cho dù là nhằm bảo tồn sự sống thể lý đi chăng nữa. Có việc tử vì đạo. Thiên Chúa cao trọng hơn sự sinh tồn thể lý. Một cuộc sống được mua bằng việc phủ nhận Thiên Chúa, một cuộc sống dựa trên lời dối trá tối hậu, không phải là một cuộc sống.” Hay câu này: “Một thế giới không có Thiên Chúa chỉ có thể là một thế giới vô nghĩa.” Và câu này nữa: “Một nghĩa vụ tối thượng, phải xuất phát từ những biến động của thời đại chúng ta, đó là chính chúng ta một lần nữa phải bắt đầu sống bên Chúa và trong Ngài.”
Những lời của Đức Giáo Hoàng danh dự đặc biệt xuyên thấu khi ngài nói về nhiều người Công Giáo đương thời, những người xem Bí tích Thánh Thể chỉ là “một cử chỉ nghi lễ... đến mức phá hủy sự vĩ đại của Mầu nhiệm này” - vốn là sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa ở giữa chúng ta; là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu. Hoặc khi ngài lưu ý rằng Giáo Hội ngày nay đã được coi là một bộ máy chính trị, và thậm chí nhiều giám mục “hình thành quan niệm của họ về Giáo Hội tương lai gần như thuần túy trên các thuật ngữ chính trị.” Và cuối cùng là những đoạn sau:
Ngày nay, lời báng bổ chống lại Thiên Chúa, trên tất cả, là mô tả Giáo Hội của Ngài là hoàn toàn xấu xa, và do đó thuyết phục con người tách rời khỏi Giáo Hội. Ý tưởng về một Giáo Hội tốt hơn, do chính chúng ta tạo ra, trên thực tế là một đề xuất của ma quỷ, mà qua đó nó muốn đưa chúng ta tách biệt với Thiên Chúa hằng sống thông qua một thứ luận lý lừa đảo mà chúng ta quá dễ bị lừa. Không, ngay cả ngày hôm nay, Giáo Hội được tạo thành không chỉ từ cá xấu và cỏ lùng. Giáo Hội của Chúa cũng tồn tại đến ngày nay và chính ngày nay, Giáo Hội chính là công cụ qua đó Chúa cứu chúng ta...
Giáo Hội ngày nay hơn bao giờ hết là một Giáo Hội của các vị tử đạo, và do đó là một nhân chứng cho Thiên Chúa hằng sống. Nếu chúng ta nhìn xung quanh và lắng nghe với một trái tim chăm chú, chúng ta có thể tìm thấy các chứng tá ở khắp mọi nơi ngày nay, đặc biệt là nơi những người bình thường, nhưng cũng có trong hàng ngũ cao cấp của Giáo Hội, những người đứng lên vì Chúa qua cuộc sống và đau khổ của họ. Một quán tính của con tim khiến chúng ta không muốn nhận ra các chứng tá này. Một trong những nhiệm vụ lớn lao và thiết yếu của việc truyền giáo là, chúng ta phải thiết lập hết mức có thể môi trường sống của đức tin, và trên hết, là tìm kiếm và nhận ra các chứng tá.
Amen. Không cần nói nhiều hơn nữa.
Đến cuối bài tiểu luận năm 1970 của mình, Augusto Del Noce lưu ý rằng “một sự tái xét văn hóa to lớn sẽ là cần thiết để thực sự có thể bỏ lại sau lưng các tiến trình triết học được thể hiện trong cuộc cách mạng tình dục ngày nay.” Điều đáng buồn là nhiều người Công Giáo ngày nay dường như thiếu ý chí và khả năng theo đuổi nhiệm vụ đó. Nhưng điều đáng mừng là vẫn có một số nhà lãnh đạo của chúng ta còn can đảm để nói lên sự thật.
+ Charles J. Chaput, OFM Cap., Tổng Giám Mục Philadelphia.
http://www.vietcatholic.org/News/Html/249790.htm