Cầu nguyện là bí quyết để trở nên hạnh phúc. Đó không phải là điều nhàm chán khiến bạn phải thốt lên: "Ôi Chúa ơi, bây giờ con phải cầu nguyện rồi!", nhưng đó là suy ngắm, vui mừng để cho mình chạm đến cái nhìn của Đấng yêu thương, để đắm mình trong mầu nhiệm vĩ đại và điên rồ của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, khiến chúng ta phải thốt lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”
Tin mừng mạc khải cho chúng ta thấy cái cốt lõi cơ bản nhất của đời sống cầu nguyện là tình yêu. Cầu nguyện là hiệp thông với Đấng là suối nguồn tình yêu; là đối thoại, bước vào trong sự thân mật với Thiên Chúa, trong mối quan hệ phu phụ với Chúa, đặt tay vào những vết thương của Chúa như tông đồ Tôma.
Ngôi lời giáng trần để dạy cho chúng ta biết tình yêu đích thực. Tuy nhiên, những vết thương chúng ta tích lũy trong cuộc sống thường mang đến một nỗi sợ hãi khủng khiếp khi yêu và được yêu, chúng tạo ra sự tắc nghẽn cho tâm hồn, và nếu chúng ta không để cho Đấng chữa lành làm dịu đi mọi vết thương này, chúng ta sẽ mãi mang chúng sau lưng cuộc đời. Giống như những vết thương của thân thể có thể gây ra những “căn bệnh” trầm trọng, thì đối với những vết thương của tâm hồn cũng thế : nếu chúng là những vết thương sâu nặng, chúng có thể khiến chúng ta mất đi khả năng yêu thương và khiến chúng ta dễ sa vào trong sự hoài nghi. Con tim không đủ khả năng đón nhận tình yêu của tha nhân, không có khả năng cảm nhận tình yêu, và hơn nữa, không có khả năng để trao ban thì sẽ bị khép kín trong sự ngờ vực và bị cô lập.
Tất cả mọi cử chỉ, thái độ cản trở việc cầu nguyện thường có nguồn gốc từ những vết thương trầm trọng ấy. Nếu chúng cản trở chúng ta yêu thương, chúng cũng ngăn cản chúng ta cầu nguyện và nhận biết Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Đời sống cầu nguyện không phải chỉ là đọc kinh Lạy Cha và Kính mừng mà là cuộc sống kết hiệp mật thiết với Chúa, sống trong mối tương quan phu phụ với Đấng là Tình yêu.
Do đó, chúng ta cần chữa lành trái tim loang lỗ của mình và Bác sĩ duy nhất có khả năng chạm đến phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn chúng ta là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu cần sự cộng tác của bạn, bởi vì Ngài là Tình yêu, không bao giờ cưỡng ép tự do của bạn và thậm chí để chữa lành vết thương cho bạn, Ngài cần sự cộng tác tích cực của bạn!
Chiara Amirante
Tuhu