Đại chủng viện Qui Nhơn (tháng 9 năm 1932)
Trung tâm Thông tin Tư liệu Đại Học Quy Nhơn hiện nay
Thời gian gần đây, thông tin về nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi sắp được “hạ giải” để đại trùng tu đã làm dấy lên nhiều tranh cãi ngược chiều của những người chuyên môn lẫn những người vừa không chuyên môn vừa chưa bao giờ đặt chân đến để biết hiện trạng ra sao. Mặc dù giáo quyền cho rằng công việc “hạ giải” là cần thiết, đã chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như được phổ biến rộng rãi từ nhiều năm nay, nhưng thông tin đại chúng vẫn băn khoăn về số phận của một công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp, “có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc rất cần được tôn trọng, bảo tồn và phát huy giá trị” hay “một công trình có ý nghĩa cột mốc của sự thâm nhập và phát triển Thiên Chúa giáo, Công giáo ở Việt Nam, nhất là phía Bắc. Nó là biểu hiện của sự hội nhập, kiến trúc Thiên Chúa giáo phương Tây với kiến trúc bản địa.”[1]
Tại Qui Nhơn, những công trình Công giáo mang dấu ấn kiến trúc Pháp không nhiều, không cổ xưa bằng, và có thể đếm trên đầu ngón tay như Nhà thờ Nam Bình, Tiểu chủng viện Làng Sông, Nhà thờ Chính Tòa, Tòa giám mục Qui Nhơn và Đại chủng viện Qui Nhơn mà hiện nay là “Trung tâm Thông tin - Tư liệu” của Đại học Quy Nhơn. Trung tâm này được website của Đại học giới thiệu “tọa lạc trên khuôn viên phía Đông Bắc của trường Đại học Quy Nhơn, với tổng diện tích sử dụng gần 4.500 m2, bao gồm tòa nhà Thư viện trung tâm (gồm 3 tầng, được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ) và dãy nhà trệt nằm liền kề (Nhà 108-109 khu C trước đây)”.[2] Từ phía biển nhìn vào, ta thấy một dãy nhà màu vàng ẩn mình sau những hàng cây mới trồng, với lối kiến trúc Pháp, nằm lạc lõng so với những tòa nhà hiện đại kề bên khiến nhiều người không khỏi thắc mắc về sự khác biệt và nguồn gốc của nó. Lời giới thiệu trên website không nói gì nhiều về “Trung tâm Thông tin - Tư liệu” theo nguyên tắc “5W & 1H”.[3] Để cung cấp đầy đủ thông tin hơn, bài viết này lược lại lịch sử của tòa nhà “được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ” này từ khi được Giáo phận Qui Nhơn xây dựng và khánh thành vào tháng 9 năm 1932 cho đến khi nó được chuyển giao vào tháng 4 năm 1978.
Đại chủng viện của Địa phận Tông tòa Qui Nhơn.
Trước hết, tòa nhà này là Đại chủng viện, đào tạo linh mục cho Địa phận Tông tòa Qui Nhơn kéo dài từ Quảng Nam cho đến Bình Thuận. Vào những năm đầu thế kỷ XX, Địa phận Tông Tòa Đông Đàng Trong (năm 1924 đổi tên thành Địa phận Tông tòa Qui Nhơn) có một Đại chủng viện ở Đại An, nay thuộc thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát. Nhưng nơi đây phương tiện giao thông yếu kém, cơ sở đào tạo đã cũ và hư nát, nguồn nước lại thiếu thốn vào mùa nắng, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn vệ sinh cho 21 đại chủng sinh đang tu học tại đây.
“Đại chủng viện Đại An do cha Etcheberry[4] làm bề trên gồm 21 thầy triết học và thần học hiện diện trong nhà. Hẳn nhiên còn phải kể đến 3 thầy chức nhỏ người “dân tộc” đã mãn khóa học ở Pinang và hiện đang đi giúp ở Kontum, xứ sở của họ, và một thầy khác người Bahnar đang học Triết ở Chủng viện chung (Pinang); ngoài ra còn có 2 thầy người Việt đang học ở Trường Truyền Giáo (Roma); 10 thầy khác đã mãn 2 năm Triết và đang thực tập trong các địa sở. Tất cả là 37 thầy Đại chủng sinh vừa đủ đáp ứng cho Miền truyền giáo rộng lớn này rất cần nhân sự.
Điều không mấy thú vị là tình trạng hư nát của những căn nhà hoàn toàn được xây theo kiểu Việt Nam này của Đại chủng viện, vị trí nằm xa đường giao thông. Điều kiện vệ sinh quá tồi tệ đến nỗi vào mùa khô chẳng hạn thì các giếng thiếu nước uống. Vậy thì không còn chần chờ gì nữa, phải xây một Đại chủng viện mới theo một dự kiến đã chín muồi từ lâu, tại Qui Nhơn, một vị trí có thể đến được bằng đường bộ lẫn đường thủy, và chẳng bao lâu nữa sẽ là đường sắt. Về các Chủng viện của chúng ta, cha bề trên đã nói rằng: “Những nơi ở sơ sài không còn thích hợp với thời đại của chúng ta nữa. Chính Giáo Hội cũng không cho phép chúng nữa: Giáo Hội đòi hỏi, và Giáo Hội có cả ngàn lý do để đòi hỏi rằng các Chủng viện của chúng ta phải là những Chủng viện thật sự, được xây theo quy tắc vệ sinh hiện đại, có tất cả mọi thứ theo quan điểm hoàn hảo để giáo dục và đào tạo hàng giáo sĩ địa phương, niềm hy vọng cho tương lai. Giáo Hội cho phép các thừa sai sống khó nghèo nhưng không cho phép trang bị các Chủng viện của mình cách nghèo khó”[5]
Lo lắng cho các đại chủng sinh có được nơi tu học xứng đáng, vừa khi nhậm chức, Đức cha Tardieu Phú đã quyết định và giao cho cha Dorgeville vẽ thiết kế và xây dựng một Đại chủng viện mới ở Qui Nhơn, chính là tòa nhà mà hiện nay là “Thư viện trung tâm” của Đại học Quy Nhơn. Công trình xây dựng được khởi công từ tháng 3 năm 1931. Vào thập niên 1930, nơi đây là một bãi đất trống, một rừng dương hoang vắng, không dân cư và không có cơ sở nào khác. Trường Sư phạm Qui Nhơn[6] (nay là Đại học Quy Nhơn) và trường Trung học Kỹ thuật (nay là Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) chỉ mới được xây dựng và khánh thành vào ngày 3.10.1962, tức 30 năm sau khi có sự hiện diện của Đại chủng viện Qui Nhơn. [7]
Quần thể kiến trúc gồm hai khối nhà chính 3 tầng, rộng 12m, một nhà dài 30m, một nhà dài 27m50, ở trung tâm là nhà nguyện. Tất cả có 6 phòng dành cho các cha giáo, 52 phòng riêng dành cho các đại chủng sinh và một số người khác, một phòng thể dục rộng lớn, một nhà ăn tập thể, hai phòng học lớn, một phòng bệnh; đó là chưa kể các công trình phụ. Dự tính trong tương lai khi giáo phận được chia ra thành nhiều giáo phận khác thì chủng viện này có thể trở thành chủng viện miền.
Mùa hè năm 1932, tuy cơ sở chưa được hoàn thiện, nhưng các thầy đã lợi dụng thời gian rảnh rỗi của kỳ nghỉ hè để dọn về nơi ở mới.
“Các đại chủng sinh của chúng ta cũng đã từ giã Đại An, “terra invia et inaquosa”[8] và đến Đại chủng viện mới ở Qui Nhơn ngay trong mùa nghỉ hè tháng Bảy - tháng Tám. Tòa nhà tuy chưa hoàn thiện song cũng đã hoạt động từ ngày 1 tháng Chín (1932): nó rất vững chãi, hữu dụng lại thanh lịch nữa, và còn nằm ngay bên bờ biển. Các linh mục bản xứ và chủng sinh của chúng ta không giấu được sự hài lòng. Cám ơn cha Dorgeville, kiến trúc sư và là người thực hiện công trình; cám ơn tất cả những ai mà lòng bác ái của họ đã cho phép chúng tôi hoàn thành tốt đẹp công trình xây dựng này: Ban cố vấn của Hội MEP, độc giả tập san “Missions Catholiques”, các bạn hữu của Giám mục Đại diện Tông tòa Qui Nhơn, Địa phận Mende và các địa phận khác, những ân nhân muốn ẩn danh, các thừa sai, các linh mục bản xứ và giáo dân của miền truyền giáo, những người đã và còn sẽ giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi vẫn đang kiệt sức vì dồn hết nỗ lực để hoàn tất, song rất hài lòng khi chỉ làm bổn phận của chúng tôi, vì công cuộc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ”[9]
Ngày khánh thành, 28 tháng Chín 1932, là cả một niềm vui với các lễ nghi trọng thể đánh dấu ngày trọng đại. Đức cha Grangeon đang hưu dưỡng ở Kim Châu cũng về dự. Điểm đặc biệt của tòa nhà chính là ngôi nhà nguyện nằm ở trung tâm, nguyên là nhà nguyện của Đại chủng viện Đại An, được tháo dỡ phần nội thất và đưa về đây như để các đại chủng sinh có thể tiếp nối truyền thống của những bậc đàn anh đi trước.
“Đại chủng viện được làm phép ngày 28 tháng Chín vừa qua. Có những khó khăn không cho phép tổ chức ngày lễ cách trọng thể như mọi người mong muốn, tuy nhiên khoảng hai chục linh mục ở Qui Nhơn đã đến, vui mừng chứng tỏ cho giám mục của mình biết rằng họ đồng tâm với ngài trong niềm vui của ngày này.
Đức cha Tardieu, sau khi làm phép hai dãy nhà chủng viện, đã trọng thể làm phép ngôi nhà nguyện dưới sự bảo trợ của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Mặt tiền nhà nguyện
Mặt hông nhà nguyện năm 1936
Mặt hông nhà nguyện hiện nay
Trong lòng nhà nguyện hiện nay
Ngôi nhà nguyện này là nhà nguyện cũ của chủng viện Đại An. Nó được tháo dỡ tại chỗ, những cây cột, cánh cửa ra vào và cửa sổ, hàng ghế trên cung thánh, bàn thờ chính, tất cả đều được chuyển về Qui Nhơn bằng đường thủy; ngôi nhà nguyện dài 33 mét, và có vẻ khác với những dãy nhà mới, nhưng chúng tôi không hề nghĩ đến việc xây dựng một nhà nguyện cần sử dụng ximăng cốt sắt, hơn nữa, các chủng sinh của chúng tôi sẽ vui mừng được cầu nguyện và nhận các chức thánh ở nơi mà từ 40 năm nay những người anh của họ đã cầu nguyện và phong chức linh mục.
Nghi thức làm phép kết thúc, Cha Etcheberry, bề trên Đại chủng viện, đã hát lễ với hai linh mục Việt Nam giúp lễ như là phó tế và phụ phó tế, rồi sau đó tất cả mọi người đến nhà chơi được trang hoàng rực rỡ trong dịp này. Một chủng sinh đọc diễn văn chúc mừng tiếp theo là một bài hát mà các chủng sinh bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa Quan Phòng, với Đức giám mục, cha Bề trên, cha kiến trúc sư của tòa nhà và tất cả những ân nhân.
Đức cha Grangeon từ Kim Châu xuống để niềm vui của ngày này được trọn vẹn. Ngài chúc mừng Đức cha Tardieu vì ngay từ đầu kỳ giám mục đã có thể hoàn thành mỹ mãn một công trình mà hôm nay người ta ăn mừng. Đức cha bày tỏ hy vọng rằng 52 căn phòng của chủng viện chẳng bao lâu nữa sẽ không đủ chứa các thầy cả tương lai của chúng ta.
Trong bài đáp từ, Đức cha Tardieu nhắc lại những lý do đưa đến việc xây dựng một Đại chủng viện mới và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các ân nhân.
Cuối bữa ăn tối, cha Tourte (Cố Quí), nhà thơ lôi cuốn trong những bữa họp mặt gia đình, cùng với cha Escalère (Cố Dõng), đã hát một điệu nhạc rất thông dụng trong chiến tranh, nói về nét đẹp và sự ích lợi của ngôi nhà thánh.
Si vous voulez encore vous parfaire
En liturgie ou bien en droit canon
C’est encore ici qu’il vous faut faire
Un curé dans la sainte maison
(Nếu bạn muốn hoàn thiện mình
Với môn phụng vụ hay giáo luật
Thì chính đây là nơi cần cho bạn
Một cha xứ trong ngôi nhà thánh)
Ngày khánh thành rực rỡ và xúc động này được kết thúc bằng nghi thức chầu Thánh Thể. Mọi người về nhà mình mà lòng cứ nghĩ đến việc phải chuẩn bị những người trẻ tuổi nhiệt thành và đông đúc cho chủng viện của chúng ta.”[10] Ngày 29 tháng Sáu 1933, “trong ngôi nhà nguyện của Đại chủng viện mới, Đức cha Tardieu đã phong cho 6 thầy chức nhỏ và 6 linh mục trong đó có một người Kontum. Có khoảng 30 linh mục tham dự”[11]
Từ khi có Đại chủng viện mới, các kỳ tĩnh tâm linh mục được tổ chức tại đây thay vì ở Tiểu chủng viện Làng Sông. “Khi còn tĩnh tâm tại Tiểu chủng viện Làng Sông, chỉ có vài cha lớn tuổi được ưu tiên có phòng riêng; số đông còn lại ở trong những phòng ngủ chung. Tại Đại chủng viện Qui Nhơn mới, mỗi người tĩnh tâm đều có phòng riêng, giữa một sa mạc cát và đối mặt với đại dương, nơi mà họ dễ dàng ở một mình với Thiên Chúa, gần với Chúa hơn trong ngôi nhà nguyện sát ngay bên”.[12] Và theo ký ức của một linh mục lớn tuổi ở Qui Nhơn, khi các thừa sai Pháp về tĩnh tâm tại Đại chủng viện (thường được gọi là trường lớn hay trường lý đoán), giữa trưa nắng gắt, các ngài đã cởi trần và phát những cây dương liễu hoang mọc đầy ở bãi biển để làm một con đường từ cổng “trường lớn” chạy thẳng ra biển.
Ngày 1 tháng 11 năm 1933, một trận bão dữ dội quét qua, tàn phá các cơ sở nhà chung trong giáo phận: tập viện Mến Thánh Giá Gò Thị, Tập viện Dòng Giuse Kim Châu, Tiểu chủng viện Làng Sông, và trên 115 nhà thờ nhà nguyện trong giáo phận (chưa kể 45 nhà thờ ở Phú Yên) bị thiệt hại nặng nề, chỉ có “Đại chủng viện Qui Nhơn là làm vinh danh cho cha Dorgeville và đã thách thức được với cơn bão…”[13]
“Kiến trúc sư” Dorgeville – Cố Sĩ
Và sẽ rất thiếu sót nếu không nói đến kiến trúc sư của công trình Đại chủng viện này và nhiều công trình khác ở Qui Nhơn: Cha Charles Émile Dorgeville (1881-1967), tên Việt Nam là Sĩ. Ngài gốc địa phận Lille, miền bắc nước Pháp giáp biên giới với Bỉ, gia đình ngài có một xưởng dệt len nhỏ và đông con. Ngày 20 tháng Tám 1900, ngài xin nhập Chủng viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris, thụ phong linh mục ngày 24 tháng Chín 1904 và lên đường đến Qui Nhơn vào ngày 9 tháng Mười Một. Ngài là một người đa tài: là thợ sửa máy, thợ điện, rất khéo tay và nhất là có tài thiết kế và xây dựng nên được tặng danh hiệu “kiến trúc sư” (architecte) hay dè dặt hơn thì có thể gọi là “một nhà xây dựng đại tài” (un grand constructeur). Ngài vẽ và xây dựng Tiểu chủng viện Làng Sông, Đại chủng viện Qui Nhơn, nhà xứ (cũ) của Nhà thờ Chính Tòa, trường học và nhà trẻ cho các nữ tu Bác Ái Vinh Sơn, nhà in Qui Nhơn, Tòa giám mục Qui Nhơn, Nhà hưu dưỡng Làng Sông, nhà thờ Quảng Ngãi cũ và nhà xứ. Nhà thờ Chính tòa do hội kiến trúc SIDEC thiết kế nhưng chính cha Dorgeville duyệt bản vẽ và giám sát thi công. Ngài cũng là người say mê tiến bộ khoa học kỹ thuật: ngài mua một chiếc xe đạp vào thời mà phương tiện này rất hiếm hoi, và là người đầu tiên trong địa phận Qui Nhơn có môtô và một chiếc xe hơi cũ để thỉnh thoảng lấy làm vui mừng khi mời các cha bạn lên xe đi dạo chơi. Khi đang làm giáo sư dạy tiếng Latinh tại Tiểu chủng viện Làng Sông, ngài được Đức cha Grangeon và bề trên chủng viện là cha Gagnaire giao cho công việc xây dựng Tiểu chủng viện đã cũ kỹ và xuống cấp. Và thế là ngài vừa dạy học vừa đắm mình trong những bản vẽ thiết kế, phác họa và những tính toán. Để xây dựng trên nền đất yếu sình lầy, ngài cho đóng xuống rất nhiều cọc tre, cả một rừng tre, và xây dựng hai dãy nhà lầu như chúng ta thấy hiện nay, có thể dung nạp được 150 chủng sinh. Công trình Tiểu chủng viện Làng Sông này kéo dài hai năm, từ năm 1925 đến 1927, và những tên tuổi đáng ghi nhớ trong bảng vàng lưu danh chính là Đức cha Grangeon, cha Gagnaire và cha Dorgeville.
“Cha Gagnaire (Cố Định) đang làm bề trên Tiểu chủng viện Làng Sông đã rất lo lắng về ngôi trường mái tranh vách đất đã xuống cấp gây hại cho sức khỏe các chủng sinh đang học tập tại đây. Ngay khi nguồn tài chính của Địa phận cho phép hy vọng thay thế những mái nhà tranh bằng những dãy nhà tiện nghi hơn, Cha bề trên đã không thể nghỉ ngơi khi mà chương trình của mình chưa được thực hiện. Ngài không mơ đến việc thuê mướn kiến trúc sư hay một nhà thầu xây dựng, vì điều kiện không cho phép. May thay chúng ta có người làm được việc này. Trong số các giáo sư của Tiểu chủng viện, có người đồng sự của chúng ta, người đã từng có nhiều dịp chứng minh sự thành thạo của mình và một sự tậm tâm trước mọi thách đố. Chính người này mà Cha bề trên đã giao phó nghiên cứu bản vẽ của công trình mới, và khi bản vẽ được chấp nhận thì giao cho người ấy thực hiện luôn. Chính nhờ sự tin tưởng và cộng tác này mà ngày nay Địa phận Qui Nhơn vui mừng cũng như biết ơn khi kết hợp tên tuổi của Cha Gagnaire và Cha Dorgeville trong công trình xây dựng Tiểu chủng viện (Làng Sông)”[14]
Chủng viện Làng Sông
Trong tường trình về tình hình miền truyền giáo năm 1927, Cha Labiausse (Cố chính Sáng) đã nói về ngày khánh thành Tiểu chủng viện Làng Sông – ngày 21 tháng 9 năm 1927 - như là một biến cố lớn trong năm và nhắc đến bản thiết kế “theo tiêu chuẩn vệ sinh, đầy đủ không khí, ánh sáng, sự mát mẻ” của cha Dorgeville, sau đúng 50 năm các chủng sinh phải sống tạm bợ trong những ngôi nhà tranh vách đất, “hang ổ thật sự của vi trùng”:
“Không thể chối cãi rằng biến cố chính hiện thời của chúng ta hiện nay là tiểu chủng viện đã được hoàn thành, dù rằng lễ khánh thành các tòa nhà mới chỉ được tổ chức vào ngày 21 tháng Chín (1927). Cơ ngơi này, dù có tầm quan trọng lớn lao như thế, nhưng chỉ là những tòa nhà được dựng lên cách vội vã vào năm 1887, thay thế cho các tòa nhà bị Văn Thân đốt phá hai năm trước đó: tường bằng đất nhồi rơm, những hang ổ thật sự của vi trùng, mái tranh, những tia nắng thường dọi xuyên qua. Hai dãy nhà mới với tầng lầu, được dựng lên theo tiêu chuẩn vệ sinh, dựa theo bản vẽ thiết kế và dưới sự chỉ đạo của cha Dorgeville, bảo đảm cho các chủng sinh đầy đủ không khí, ánh sáng, sự mát mẻ, để chuyên chăm học tập mà không lo gì về sức khỏe”[15] Và cùng với Tiểu chủng viện, Tòa giám mục ở Làng Sông cũng được cha Dorgeville nâng cấp từ mái tranh lên … mái ngói: “Trong xứ này, tòa giám mục không to tát gì, chỉ là một mái nhà tranh vách đất đơn sơ. Mới cách đây hai năm, Đức cha Grangeon, hiệu tòa Utine, giám mục miền truyền giáo Qui Nhơn, nhờ cha kỹ sư-kiến trúc sư Dorgeville, mái nhà tranh của ngài mới được lợp ngói. Ngôi nhà chỉ gồm có một phòng, vừa làm phòng khách, thư viện, phòng ăn, phòng làm việc và phòng ngủ, chỉ có một món trang trí duy nhất: cây thánh giá trên bức tường quét vôi trắng.”[16]
Năm 1945, cha Dorgeville bị Nhật bắt cùng với các cha Dorgeville, Clause, và Jeanningros, sau đó đưa ra Huế và ở đó cho đến năm 1946. Sau khi Đức cha Piquet về Nha Trang, ngài được gọi về làm bề trên Tiểu chủng viện ở Tấn Tài và sau đó ở Nha Trang. Ngài mất ngày 25 tháng Tư 1967 và được chôn cất ở Nghĩa trang Bình Cang, Nha Trang.
Những biến động của thời cuộc và Chủng viện “Tu muộn” Qui Nhơn
Từ sau khi đưa vào hoạt động, Đại chủng viện Qui Nhơn đã tiếp tục đào tạo các linh mục cho Địa phận Tông tòa Qui Nhơn rộng lớn trải dài từ Quảng Nam cho đến Bình Thuận mà từ đó giáo phận Kontum mới vừa được tách ra thành một giáo phận tông tòa riêng biệt vào ngày 18 tháng 1 năm 1932. Thế rồi cuộc kháng chiến bùng nổ, Bình Định trở thành thủ phủ của liên khu 5 kéo dài từ Phú Yên cho đến Quảng Nam. Những bất ổn của tình hình buộc Đại chủng viện phải hoạt động cầm chừng trong hoàn cảnh rất khó khăn và ngưng hẳn vào tháng 2 năm 1952 vì “thuế nông nghiệp quá cao, chủng viện không còn khả năng duy trì hoạt động bình thường nữa”.[17]
Năm 1961, các giám mục miền Nam họp tại Huế đã quyết định thành lập Đại chủng viện giáo tỉnh, và từ đó trở đi các đại chủng sinh Qui Nhơn được gởi đi học tại Đại chủng viện Huế và một số ít tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt.
Đại Chủng Viện (Ngôi nhà mái đỏ) nhìn từ vòng xuyến Ngô Mây – An Dương Vương
“Không thể chối cãi rằng biến cố chính hiện thời của chúng ta hiện nay là tiểu chủng viện đã được hoàn thành, dù rằng lễ khánh thành các tòa nhà mới chỉ được tổ chức vào ngày 21 tháng Chín (1927). Cơ ngơi này, dù có tầm quan trọng lớn lao như thế, nhưng chỉ là những tòa nhà được dựng lên cách vội vã vào năm 1887, thay thế cho các tòa nhà bị Văn Thân đốt phá hai năm trước đó: tường bằng đất nhồi rơm, những hang ổ thật sự của vi trùng, mái tranh, những tia nắng thường dọi xuyên qua. Hai dãy nhà mới với tầng lầu, được dựng lên theo tiêu chuẩn vệ sinh, dựa theo bản vẽ thiết kế và dưới sự chỉ đạo của cha Dorgeville, bảo đảm cho các chủng sinh đầy đủ không khí, ánh sáng, sự mát mẻ, để chuyên chăm học tập mà không lo gì về sức khỏe”[15] Và cùng với Tiểu chủng viện, Tòa giám mục ở Làng Sông cũng được cha Dorgeville nâng cấp từ mái tranh lên … mái ngói: “Trong xứ này, tòa giám mục không to tát gì, chỉ là một mái nhà tranh vách đất đơn sơ. Mới cách đây hai năm, Đức cha Grangeon, hiệu tòa Utine, giám mục miền truyền giáo Qui Nhơn, nhờ cha kỹ sư-kiến trúc sư Dorgeville, mái nhà tranh của ngài mới được lợp ngói. Ngôi nhà chỉ gồm có một phòng, vừa làm phòng khách, thư viện, phòng ăn, phòng làm việc và phòng ngủ, chỉ có một món trang trí duy nhất: cây thánh giá trên bức tường quét vôi trắng.”[16]
Năm 1945, cha Dorgeville bị Nhật bắt cùng với các cha Dorgeville, Clause, và Jeanningros, sau đó đưa ra Huế và ở đó cho đến năm 1946. Sau khi Đức cha Piquet về Nha Trang, ngài được gọi về làm bề trên Tiểu chủng viện ở Tấn Tài và sau đó ở Nha Trang. Ngài mất ngày 25 tháng Tư 1967 và được chôn cất ở Nghĩa trang Bình Cang, Nha Trang.
Những biến động của thời cuộc và Chủng viện “Tu muộn” Qui Nhơn
Từ sau khi đưa vào hoạt động, Đại chủng viện Qui Nhơn đã tiếp tục đào tạo các linh mục cho Địa phận Tông tòa Qui Nhơn rộng lớn trải dài từ Quảng Nam cho đến Bình Thuận mà từ đó giáo phận Kontum mới vừa được tách ra thành một giáo phận tông tòa riêng biệt vào ngày 18 tháng 1 năm 1932. Thế rồi cuộc kháng chiến bùng nổ, Bình Định trở thành thủ phủ của liên khu 5 kéo dài từ Phú Yên cho đến Quảng Nam. Những bất ổn của tình hình buộc Đại chủng viện phải hoạt động cầm chừng trong hoàn cảnh rất khó khăn và ngưng hẳn vào tháng 2 năm 1952 vì “thuế nông nghiệp quá cao, chủng viện không còn khả năng duy trì hoạt động bình thường nữa”.[17]
Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, sau khi tiếp thu, Đại chủng viện được dùng làm bệnh viện do các bác sĩ Phi Luật Tân điều khiển, còn Tòa giám mục được cho mượn làm trụ sở của Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến (International Commission for Supervision and Control, thường viết tắt là ICC hay ICSC).
“Người ta còn nhớ, năm 1955, khi quân đội quốc gia tiếp thu Bình Định, thành phố Qui Nhơn hiện ra như một đống cát hoang tàn. Ngoài mấy cửa hiệu của Hoa Kiều, người ta chỉ còn thấy nổi bật lên ngọn tháp nhà thờ Chánh Tòa, Tòa giám mục và Đại chủng viện. Đại chủng viện liền được biến thành bệnh viện do các bác sĩ Phi Luật Tân điều khiển. Còn Tòa giám mục, với sự thỏa thuận của Đức cha Lợi, được biến thành trụ sở của Ủy hội Quốc tế, cho đến ngày 15/7/1960, mới được trao trả lại cho Nhà chung.”[18]
Sau khi tách Nha Trang ra khỏi Qui Nhơn ngày 5.7.1957, Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa Qui Nhơn, tạm thời lấy Đại chủng viện làm Tòa giám mục. Nhận thấy tình trạng thiếu thốn linh mục và phong trào theo đạo gia tăng mạnh mẽ, Đức cha đã lấy ý kiến các linh mục trong giáo phận và thành lập Chủng viện “Tu muộn” Qui Nhơn tại Đại chủng viện ngày 15.9.1958, nhận Thánh Gioan Tông đồ làm bổn mạng và mừng lễ bổn mạng trọng thể vào ngày 27.12.1958 có Đức cha chủ tọa, có cha Chính và đông các cha tới dự.[19]
“Ngay từ khi Đức cha về nhận quyền quản trị địa phận, ngài đã nhận thấy số linh mục thiếu thốn quá, nhất là vì có phong trào tòng giáo đang tiến hành rất mạnh trong Địa phận (hiện nay số tân tòng lên đến 60.000 người). Để đáp lại phần nào nhu cầu đó, Đức cha sau khi đã gởi thư luân lưu hỏi ý kiến các Cha trong Địa phận đã quyết định mở một Chủng viện Tu Muộn, để thâu nhận những thanh niên đã lớn tuổi mà có ý chí muốn dâng mình cho Chúa làm linh mục. Với lời hiệu triệu của Đức cha, rất nhiều lá đơn xin gia nhập Chủng viện Tu Muộn đã gởi tới Tòa Giám mục: nhưng chỉ có chừng 20 người được tuyển lựa (trong số đó có 3 sinh viên thuộc địa phận Cần Thơ). Trung tuần tháng 9 năm 1958, Chủng viện đã chính thức khai giảng, với chính Đức cha làm Giám đốc và hai cha giáo sư phụ trách.”[20]
Điểm đặc biệt trong thời gian này là phong trào tòng giáo nổi lên mạnh mẽ trong địa phận Qui Nhơn. Đây chính là điểm son khiến cho Đặc sứ Đức giáo hoàng là Đức hồng y Agagianian đã chọn Qui Nhơn làm một trong số ít những địa điểm của chuyến thăm viếng Việt Nam nhân Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc năm 1959. “Trong thời gian lưu lại Việt Nam, Đức Hồng Y Agagianian, Đặc sứ Đức Giáo hoàng, ngoài thủ đô Sàigòn, đã đi thăm viếng Đà Lạt, Qui Nhơn, Huế và Lavang. Qui Nhơn được hân hạnh đó là vì phong trào tòng giáo sôi nổi của nó…. Từ Đà Lạt, Đức hồng y tới Qui Nhơn hồi 12 giờ ngày 20/2/1959.”[21] Và “lúc ở Tòa Giám Mục (tức Đại chủng viện) Qui Nhơn, Đức hồng y Bộ trưởng phụ tá Bộ truyền giáo đã đặc biệt chú ý đến các chủng sinh tu muộn, nói chuyện rất niềm nở với các thầy và răn bảo các thầy kiên gan bền chí, rèn luyện cách riêng về lòng đạo đức và chí hướng tông đồ lấy Thánh Don Bosco làm gương mẫu.”[22]
Năm 1961, các giám mục miền Nam họp tại Huế đã quyết định thành lập Đại chủng viện giáo tỉnh, và từ đó trở đi các đại chủng sinh Qui Nhơn được gởi đi học tại Đại chủng viện Huế và một số ít tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt.
“Hội đồng các giám mục họp tại dinh Tổng giám mục Huế ngày 13/4/1961 đã thỏa thuận mỗi giáo tỉnh sẽ có một Đại chủng viện. Đại chủng viện Giáo tỉnh miền Nam sẽ lập tại Sàigòn, do hàng giáo sĩ Việt Nam điều khiển. Đại chủng viện miền Trung sẽ lập tại Huế, do các cha Xuân Bích điều khiển, Giáo sư của hai Đại chủng viện sẽ lựa chọn trong các linh mục triều cũng như dòng. Vì thế, Đại chủng viện thánh Gioan của Qui Nhơn từ niên khóa 1961-1962 sẽ sáp nhập vào Đại chủng viện của Giáo tỉnh miền Trung.”[23]
Và cũng năm ấy, Tiểu chủng viện Làng Sông chia làm hai học khu: Đại chủng viện Qui Nhơn và Làng Sông. “Tiểu chủng viện Qui Nhơn đã khai giảng ngày 15/7/1961: được 206 chủng sinh. Vì số học sinh quá đông và có sẵn cơ sở Đại chủng viện bỏ trống. Trường nhỏ được chia làm hai phân trường: phân trường A gồm các lớp từ đệ VI đến đệ II, 107 chủng sinh, học tại Đại chủng viện cũ; phân trường B gồm hai lớp chót, 99 chủng sinh, lưu tại sở Trường Làng Sông cũ.”[24]
Trường La San, trường Vi Nhân và giáo xứ Qui Hải
Đối với giáo phận Qui Nhơn, giáo dục Công giáo là một trong những vấn đề được giáo quyền quan tâm đến. “Để thanh thiếu niên Công giáo có nơi ăn học xứng tiện, khỏi phải xin vào các trường trung lập hay dị giáo, tại Qui Nhơn đã mở một trường học rộng rãi đặt tên là Trường Lasan Bình Lợi và trao cho các Thầy Dòng Sư Huynh điều khiển. Ngày 15/9/1957, trường đã khai giảng, được 5 lớp: Đệ Lục, Đệ Thất, lớp Nhứt, lớp Nhì và lớp Ba có trên 200 học sinh. Đồng thời ngành nữ sinh cũng đã được tổ chức, bên cạnh nhà thờ và dung nạp chừng 200 học sinh trung và tiểu học.”[25] Cơ sở này ở bên cạnh nhà thờ Chính Tòa. Năm 1963, trường Trung học La San Bình Lợi được chuyển vào cơ sở của Đại chủng viện Qui Nhơn cũ. Và “Chiều ngày 11/4/1964 Trường Trung Tiểu Học La San Qui Nhơn tưng bừng nhộn nhịp mừng lễ thánh sư Jean Baptiste de la Salle…. Đây là lần đầu tiên trường La San mừng lễ Bổn mạng từ khi chuyển vào ở khu nhà đồ sộ và rộng rãi của Đại chủng viện cũ.”[26]
Mùa hè năm 1972, Trường Trung Học La San chuyển vào Nha Trang, trả lại cơ sở cho giáo phận Qui Nhơn sau khi mãn hợp đồng 9 năm. Vài tháng sau đó, Đức cha giao cho cha Phêrô Huỳnh Kim Lăng mở trường Trung học Vi Nhân, khai giảng ngày 15.8.1972. “Cơ sở của Trung học Vi Nhân, trước năm 1963 là một Chủng viện của Địa phận Qui Nhơn đã cho các sư huynh La San thuê để mở trường La San, thời hạn 9 năm và năm 1972 là hết hạn. Các sư huynh La San đã giao hoàn cho địa phận và dời Trường La San vào Nha Trang. Vì thấy con em không có chỗ học, Đức giám mục Qui Nhơn ra lệnh cho Linh mục Giám đốc giáo dục Công giáo dùng cơ sở của Chủng viện Qui Nhơn mà các sư huynh vừa trả lại để mở một trường mới tức là Trung học Tư thục Vi Nhân. Cơ sở của Trung học Vi Nhân gồm hai dãy nhà lầu ba tầng, một dãy dài 30m một dãy dài 27m50, một dãy nhà trệt bốn phòng học, một nhà chơi. Khuôn viên 4 mẫu Tây. Có một sân bóng tròn, hai sân bóng rổ, 4 sân bóng chuyền. Trung học Vi Nhân khai giảng ngày 15.8.1972. Trung thành với đường lối giáo dục của các trường Trung học Công giáo, Trung học Vi Nhân nhằm thực hiện một nền giáo dục nhân bản đầy đủ: Trí, Đức, Thể dục”. [27]
Năm 1967, để đáp ứng nhu cầu của một số đông giáo dân di cư đang gia tăng từ các vùng quê về thị xã, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đã thành lập 4 giáo xứ mới trong thị xã Qui Nhơn, một trong số đó là giáo xứ “thuộc tuyên úy trường La San”, gồm các gia đình giáo dân sống ở vùng lân cận. “Do sắc lệnh ngày 27 tháng 7 năm 1967, Đức cha Hoàng Văn Đoàn, Giám mục Qui Nhơn đã thiết lập trong thị xã Qui Nhơn bốn sở mới: Hòa Ninh, Đồng Tiến, Qui Hải và sở thuộc tuyên úy trường La San… Sở Qui Hải, quen gọi là Khu Sáu, là phần đất phía đông giáp đường Lê Văn Duyệt, phía tây giáp Khu Vườn Trại, phía nam giáp khu Quân đội, phía bắc giáp đường Nguyễn Thế Khuyến. Sở thuộc Tuyên úy trường La San là phần đất phía đông giáp biển, phía tây giáp đường Lê Văn Duyệt, phía nam giáp Quân Y Viện và trại Bảo an đoàn, phía bắc giáp sân bay.”[28]
Giáo xứ “Tuyên úy trường La San” lấy nhà nguyện của trường La San, tức nhà nguyện của Đại chủng viện cũ, làm nhà thờ của giáo xứ mới được thành lập. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại lịch sử, trong phần đất của giáo xứ “Tuyên úy trường La San” trước thế chiến thứ hai đã có một họ đạo tên là “Qui Hải”. Vì thế, ngày 1.6.1967, Tòa giám mục Qui Nhơn đã ra thông báo trả lại tên giáo xứ “Qui Hải ” cho sở “Tuyên úy trường La San”, và do đó giáo xứ “Khu Sáu” nhận tên mới là “Qui Hiệp” cho đến hiện nay. “Vì muốn mưu ích cho con chiên, nên ngày 27 tháng 7 năm 1967, Giáo quyền Địa phận Qui Nhơn đã ra nghị định đặt dưới quyền thiêng liêng của Cha tuyên úy Trường La San những giáo hữu cư ngụ ở phía Đông giáp biển, phía tây đường Lê Văn Duyệt, phía nam Quân Y Viện và trại Bảo an, phía bắc Sân bay. Trước thế chiến thứ hai, trong vùng nói trên, có một họ Đạo gọi là: Qui Hải, để có sự liên tục, từ nay Họ Đạo mới lập trong những nơi nói trên sẽ gọi là Qui Hải. Đàng khác, từ ngày ra thông cáo này Họ Đạo Nhà Thờ Khu Sáu sẽ mang tên Qui Hiệp.”[29]
Thời cha Phêrô Nguyễn Hữu Sanh làm cha sở La San-Qui Hải (1964-1970), cha đã tổ chức đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Qui Hải gồm 100 em, chia làm 10 đội. Đoàn đã được Trung ương toàn quốc công nhận và gia nhập gia đình Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam ngày 25.10.1968.[30] Năm 1973, thời cha Phêrô Nguyễn Kỳ Hội làm cha sở, số giáo dân Qui Hải được 888 người.[31] Sau 1975, hơn ¾ giáo dân đi di tản và không trở về nên số giáo dân chỉ còn khoảng 190 người vào năm 1976 và đến tháng 3 năm 1977 thì chỉ còn 145 người cho đến khi có cuộc bàn giao cơ sở Đại chủng viện Qui Nhơn (nhà thờ của giáo xứ Qui Hải nằm trong khuôn viên) để “dùng vào việc sự nghiệp giáo dục”.
Đại chủng viện Qui Nhơn và cuộc bàn giao cơ sở “dùng vào việc sự nghiệp giáo dục”
Sau 1975, các trường trung học tư thục không được phép hoạt động nữa, cơ sở được Tòa giám mục Qui Nhơn sử dụng lại đúng như mục đích ban đầu của nó: Đại chủng viện Qui Nhơn, quy tụ các đại chủng sinh những lớp cuối của giáo phận tại Giáo hoàng Học viện Đà Lạt và Đại chủng viện Huế. Ngày 8 tháng 12 năm 1975, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các đã phong chức phó tế cho 6 thầy tại nhà nguyện Đại chủng viện này như đã từng xảy ra trong quá khứ. Trong thời gian này linh mục Phêrô Nguyễn Soạn vừa làm giám đốc Đại chủng viện vừa làm cha sở Qui Hải.
Đến ngày 6.4.1978, “nhận định về lợi ích lớn lao của công việc giáo dục trong cả Nước nói chung và tỉnh Nghĩa Bình nói riêng… nhất trí với sự trình bày của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghĩa Bình và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghĩa Bình về công cuộc xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục, cụ thể là việc mở một Đại học Sư phạm tại tỉnh nhà” (nguyên văn), Tòa giám mục Qui nhơn đã làm “Giấy bàn giao cơ sở đất đai nhà cửa Đại chủng viện Qui Nhơn” cho Ty Giáo Dục. Riêng nhà nguyện Đại chủng viện được dùng làm ngôi thánh đường của giáo xứ Qui Hải, vì là nơi thờ tự nên Tòa Giám mục yêu cầu được đóng cửa và đặt dưới sự bảo quản của UBND tỉnh Nghĩa Bình, Ban Quản trị trường Đại học Sư phạm và Tòa Giám mục Qui Nhơn.
Chi tiết các cơ sở bàn giao gồm:
1. Một khu đất diện tích gần 6 hécta và tất cả cây cối.
2. Hai dãy nhà lầu 3 tầng.
3. Một dãy nhà bên trái.
4. Nhà chơi bên phải và một nhà trệt.
5. Một nhà bếp và một nhà phụ cận.
6. Một nhà gác cổng và tất cả công trình phụ.
Phần phụ lục bàn giao xác định “Ranh giới và diện tích”:
- Bắc: giáp đường Ngô Mây.
- Nam: giáp trường CĐ Sư Phạm.
- Đông: giáp đường Nguyễn Huệ.[32]
- Tây: giáp doanh trại quân đội.
Văn bản tiếp nhận của UBND tỉnh Nghĩa Bình ký ngày 10 tháng 4 năm 1978, cam kết tiếp nhận toàn bộ cơ sở gồm đất đai, nhà cửa, cây cối … để “dùng vào việc sự nghiệp giáo dục” (nguyên văn). Hơn 3 năm sau, “Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 02/HĐBT ngày 13/7/1981 thành lập Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ngày 30/10/2003, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 221/2003/QĐ-TTg đổi tên thành Trường Đại học Quy Nhơn.”[33]
Lời kết
Hiện nay, chúng ta thấy rõ một phần đất rất lớn trong khuôn viên được Tòa giám mục Qui Nhơn bàn giao cho Ty Giáo Dục năm 1978 đã biến thành khu dân cư đông đúc, kéo dài từ đầu vòng xoay góc đường Ngô Mây – An Dương Vương cho đến doanh trại Quân đội và ăn sâu vào phía trong sau ngôi nhà “được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ” của Trung tâm tư liệu Đại học. Phải chăng khu dân cư này cũng được sử dụng vì “sự nghiệp giáo dục” theo như lời cam kết của văn bản tiếp nhận? Nhà văn Aldous Huxley (1894-1963) đã nói: “Sự quyến rũ của lịch sử và bài học bí ẩn mà nó cho ta chính là điều này: thời đại nối thời đại trôi qua, chẳng gì thay đổi nhưng không gì giống như trước nữa”. (The charm of history and its enigmatic lesson consist in the fact that, from age to age, nothing changes and yet everything is completely different).
Đại Chủng Viện (Ngôi nhà mái đỏ) nhìn từ vòng xuyến Ngô Mây – An Dương Vương
Một thoáng lịch sử ngôi nhà “được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ” của Trung tâm tư liệu Đại học cho thấy rằng nguyên thủy đây là một cơ sở đào tạo tôn giáo và khi cần thiết theo dòng thời gian nó đã tham gia tích cực góp phần sự nghiệp giáo dục cho xã hội. Năm 2007, thư chung “Giáo dục hôm nay, Xã hội và Giáo hội ngày mai”của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo đã nhận định rằng đối với tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng: “Cánh cửa giáo dục vẫn còn khép chặt …. Dù vẫn không ngừng nỗ lực làm tất cả những gì được phép để thể hiện sứ mệnh nhập thế, … Giáo hội Công giáo, với tư cách là tổ chức tôn giáo, đành phải đứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt nam và, vì không có quyền nhập cuộc, đành đóng vai một quan sát viên bất đắc dĩ” (số 19). Mong sao khả năng dồi dào, lương tâm và thiện chí của Giáo hội Công giáo được nhìn nhận cách bình đẳng trong thời đại cách mạng 4.0 của xã hội Việt Nam hôm nay bằng việc được mở những ngôi trường, góp phần vào công cuộc giáo dục đào tạo trí, đức, thể dục cho công dân trẻ chứ không chỉ có mỗi một việc được gọi bằng một mỹ từ khiên cưỡng là “hiến” đất đai cơ sở “dùng vào việc sự nghiệp giáo dục” để rồi bị chuyển đổi mục đích sử dụng cách ngoạn mục ngay trước mắt!
Mời quí độc giả xem thêm một số hình ảnh cũ và mới ở phần cuối trang.
[1] Xem https://thanhnien.vn/van-hoa/doan-cong-tac-cua-bo-vh-tt-dl-bao-cao-nhanh-ve-nha-tho-bui-chu-1079151.html
[2] http://lib.qnu.edu.vn/vi/gioi-thieu-748/gioi-thieu-ve-trung-tam
[3] what, why, when, where, who và how
[4] Cha Bertrand (Justin) Etcheberry (1883-1956), tên Việt Nam là Cố Ân. Ngài đến Qui Nhơn vào tháng Mười 1907 và được chỉ định làm việc tại Đại An năm 1908. Năm 1917, làm phụ tá cho cha Mugnier (Cố Lý) tại Đại chủng viện Đại An. Từ năm 1930 đến 1937, ngài làm bề trên Đại chủng viện ở Đại An và rồi sau đó là Đại chủng viện Qui Nhơn mới được xây dựng.
[5] Compte-rendu des travaux MEP, 1930, tr. 172-173
[6] Trong bài này có sự thay đổi giữa cách viết “Qui Nhơn” và “Quy Nhơn” tùy theo từng thời kỳ.
[7] Nguyễn Đình Thái, Ai có về Qui Nhơn, Tủ sách Đẹp Quê Hương, tr. 55 & 58
[8] “Mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Thánh Vịnh 63,2)
[9] Compte-rendu des travaux MEP, 1932, tr. 204-205
[10] Bulletin MEP, 1933, tr. 66-67.
[11] Ibid., tr. 866-867
[12] Ibid., tr. 377
[13] Bulletin MEP, 1934, tr. 55
[14] Compte-rendu des travaux MEP, 1931, tr. 358
[15] Compte-rendu des travaux MEP, 1927, tr. 106
[16] Bulletin MEP, Janvier 1930, tr. 279
[17] Ban biên soạn lịch sử giáo phận, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Antôn & Đuốc Sáng, 2017, tr. 304
[18] Bản Thông Tin, Địa phận Qui Nhơn, số 18, tháng 7-10/1960, tr. 9
[19] Bản Thông Tin, Địa phận Qui Nhơn, số 8 đặc biệt/1958, tr. 29
[20] Bản Thông Tin, Địa phận Qui Nhơn, số 9, tháng 1&2/1959, tr. 16
[21] Ibid., tr. 27
[22] Ibid., tr. 29
[23] Bản Thông Tin, Địa phận Qui Nhơn, số 21, tháng 3-4/1961, tr. 23-24
[24] Bản Thông Tin, Địa phận Qui Nhơn, số 23, tháng 7-8/1961, tr. 14-15
[25] Bản Thông Tin, Địa phận Qui Nhơn, số 1/1957, tr. 8
[26] Bản Thông Tin, Địa phận Qui Nhơn, số 43, tháng 7/1964, tr. 3
[27] Nguyễn Đình Thái, Ai có về Qui Nhơn, Tủ sách Đẹp Quê Hương, 1973, tr. 61
[28] Bản Thông Tin, Địa phận Qui Nhơn, Số 53, tháng 9 năm 1967, tr. 24
[29] Bản Thông Tin, Địa phận Qui Nhơn, số 56, tháng 6 năm 1968, tr. 11-12.
[30] Bản Thông Tin, Địa phận Qui Nhơn, số 58 tháng 12 năm 1968, tr. 16
[31] Nguyễn Đình Thái, Ai có về Qui Nhơn, Tủ sách Đẹp Quê Hương, 1973, tr. 48
[32] Nay là đường An Dương Vương
[33] http://www.qnu.edu.vn/vi/gioi-thieu-91/lich-su-phat-trien
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính