Hướng dẫn ngắn gọn cho những người chưa rõ về các tư thế trong Thánh lễ.
Đối với những người không phải là công giáo, hoặc cả những người công giáo nhưng không thường xuyên đến nhà thờ tham dự thánh lễ, những tư thế khác nhau trong thánh lễ có thể gây nhầm lẫn, lộn xộn hoặc đôi khi nực cười. Có vẻ như tất cả mọi người đang đứng, ngồi hoặc quỳ cách ngẫu nhiên, khiến bạn không biết phải làm gì trong những lần tiếp theo.
Trong thực tế, những tư thế này được quy định có chủ đích và mang tính biểu tượng cao. Một khi điều này được giải thích rõ ràng cho những người tham dự chắc hẳn thánh lễ sẽ có ý nghĩa hơn, giúp họ dễ dàng kết hiệp mà không cảm thấy mình đang đứng bên ngoài cộng đoàn.
Dưới đây là một số quy định trích từ Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, ấn bản năm 2002 của Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009.
Trích số 43 QCTQ
CÁC TÍN HỮU ĐỨNG:
Từ khi bắt đầu ca nhập lễ, hoặc khi linh mục tiến tới bàn thờ, cho đến hết lời nguyện nhập lễ;
Khi đọc bài ca Alleluia trước bài Tin Mừng;
Khi đọc bài Tin Mừng;
Khi đọc kinh Tin Kính và lời nguyện chung;
và từ lời mời gọi "Anh chị em hãy cầu nguyện" trước lời nguyện tiến lễ cho đến hết lễ, trừ những gì nói sau đây.
CÁC TÍN HỮU NGỒI :
Khi đọc các bài đọc và thánh vịnh đáp ca trước bài Tin Mừng;
Khi nghe giảng và khi chuẩn bị lễ vật trong phần dâng lễ;
và tùy nghi, khi giữ thinh lặng thánh sau khi rước lễ.
CÁC TÍN HỮU QUỲ :
Khi truyền phép Mình Thánh và Máu Thánh, trừ khi bị ngăn trở, vì lý do sức khoẻ, vì nơi chốn chật hẹp hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng nào khác. Còn những ai không quỳ gối lúc truyền phép, thì phải cúi mình khi linh mục cúi mình sau truyền phép.
Tuy nhiên, Hội đồng Giám mục được quyền thích nghi các cử chỉ và điệu bộ ghi trong phần Nghi thức Thánh lễ, sao cho phù hợp với bản sắc và truyền thống hợp lý của các dân tộc, theo tiêu chuẩn luật pháp. Nhưng cũng phải liệu sao cho phù hợp với ý nghĩa và tính chất của từng phần Thánh lễ.
Tại Việt Nam, các tín hữu có thói quen quỳ gối suốt từ sau lời tung hô Thánh! Thánh! Thánh! cho đến hết kinh nguyện Thánh Thể và trước lúc rước lễ khi linh mục đọc: Ðây Chiên Thiên Chúa. Ðó là điều đáng khen nên giữ.
[Chú thích thêm : như vậy ở đây có hai lần quỳ: lần quỳ thứ I trong Kinh nguyện Thánh Thể, các tín hữu quỳ khi truyền phép sau kinh Sanctus (Thánh, Thánh, chí Thánh), nhưng tiếp đó, họ có thể đứng lên như Nghi thức Thánh lễ đề nghị […]. Lần quỳ thứ II là sau kinh Chiên Thiên Chúa, đây chỉ là một đề nghị tùy nghi chọn lựa theo quyết định của Hội đồng Giám mục chứ không phải là chọn lựa tùy ý của linh mục chủ tế hay cộng đoàn địa phương. Tại Việt Nam, chúng ta chọn lựa cả hai lần quỳ này[1]].
[1] Lm. GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI Dòng Thánh Thể, những điểm khác biệt giữa qcsl [2000] và qcsl [2002], (http://hocvienthanhthe.net/cap-nhat-quy-che-tong-quat-sach-le-ro-ma-bid305.html)
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng