CHƯƠNG II
DUNG MẠO CÁC CỘNG ĐOÀN KITÔ TIÊN KHỞI
TRONG TƯƠNG QUAN VỚI THÁNH PHAOLÔ
1. GƯƠNG MẶT XÃ HỘI CỦA CÁC CỘNG ĐOÀN KITÔ TIÊN KHỞI
Qua các thư của thánh Phaolô chúng ta biết được nhiều dữ kiện trong chiến thuật truyền giáo của thánh nhân. Chẳng hạn như chọn các thành phố làm căn cứ rao giảng Tin Mừng, thành lập các cộng đoàn và trung tâm hoạt động, để từ đó đi truyền giáo cho các vùng chung quanh. Nhưng liên quan tới gương mặt của các cộng đoàn này như: số tín hữu được bao nhiêu, họ thuộc các thành phần xã hội nào, cộng đoàn có các cơ cấu ra sao, tín hữu đã tham dự vào cuộc sống và sinh hoạt của thành phố như thế nào, chúng ta chỉ có được một ít tin tức vụn vặt và gián tiếp. Thật ra các thư của thánh Phaolô chỉ chú ý tới các vấn đề lòng tin và cuộc sống kitô, chứ không nhằm miêu tả cơ cấu xã hội của cộng đoàn. Sách Tông Đồ Công Vụ lại càng cung cấp cho chúng ta ít tin tức hơn về khía cạnh này, nếu không nói là không có gì.
Tuy nhiên, qua một vài nét chấm phá thu lượm được trong các thư của thánh Phaolô người đọc cũng có thể hình dung ra phần nào gương mặt của cộng đoàn kitô tiên khởi. Trước hết nó là loại cộng đoàn ”tại gia”, bởi vì thánh Phaolô cho biết các tín hữu tụ tập nhau trong nhà của một người để cử hành nghi thức bẻ bánh tức bí tích Thánh Thể, cầu nguyện chung với nhau và nghe giảng dậy. Trong chương 16 thư gửi tín hữu Roma, thánh nhân gửi gắm nữ phó tế Phêbê cho cộng đoàn và xin họ giúp bà trong mọi việc, vì bà đã là ân nhân của nhiều tín hữu và của chính thánh nhân. Phaolô cũng gửi lời chào thăm mọi cộng sự viên của ngài, đặc biệt là Prisca và Aquila, và giáo đoàn tụ họp trong nhà của hai người. Trong chương 16,19 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô cũng chuyển lời chào của các giáo đoàn Tiểu Á và giáo đoàn Roma tụ họp tại nhà Prisca và Aquila tới họ. Trong thư viết cho Philêmôn từ trong ngục, Phaolô cũng gửi lời chào giáo đoàn tụ họp tại nhà ông (Plm 2). Sở dĩ các kitô hữu tiên khởi đã phải tụ tập nhau tại nhà một người, vì sau khi xảy ra biến cố đoạn tuyệt giữa Do thái giáo và Kitô giáo, các kitô hữu bị khai trừ khỏi hội đường do thái nên không có chỗ để hội họp và cầu nguyện nữa. Nếu nhà của một tín hữu đã đủ chỗ để đón tiếp các tín hữu, thì chúng ta có thể kết luận rằng các cộng đoàn Kitô tiên khởi đã chỉ là các nhóm nhỏ, nghĩa là một thứ ”giáo hội tại gia” thực sự.
Liên quan tới các thành phần cấu tạo Giáo Hội, bài viết về cộng đoàn Côrintô của học giả G. Theissen giúp chúng ta có một khái niệm đại cương. (Soziale Schichtung in der korinthischen Gemeinde. Ein Beitrag zur Soziologie des hellenistischen Urchristentum, ZNW 65 (1974) 232-272). Cộng đoàn Côrintô gồm hai thành phấn tín hữu: một số ít các anh chị em giầu, khá giả, và đa số còn lại là người nghèo. Chính thánh Phaolô cho chúng ta biết điều này khi viết trong chương 1 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô: ”Anh chị em hãy suy tư về ơn gọi của anh chị em. Trong anh chị em không có nhiều người thông thái, và trên bình diện nhân loại, không có nhiều người quyền thế, cũng không có nhiều người thuộc hàng qúy tộc” (1 Cr 1,26). Trong cùng thư ở chương 7 thánh nhân cho biết trong số các tín hữu có nhiều người là nô lệ. Và ngài khuyên mọi người cố gắng sống xứng đáng theo địa vị của mình. Điều quan trọng duy nhất là mỗi người hãy tuân giữ giới răn của Chúa, còn chuyện là tín hữu do thái đã chịu cắt bì hay là người không do thái không cắt bì, điều đó không quan trọng. Ai ở địa vì nào lúc được Chúa kêu gọi, thì cứ ở nguyên địa vị ấy. Bạn được Chúa gọi vào đạo khi còn là nô lệ ư? Đừng lo! Trái lại, ngay cả khi bạn có thể trở thành người tự do đi nữa, hãy tận dụng điều kiện là nô lệ của mình. Bởi kẻ đang làm nô lệ mà được Chúa gọi tức là được Chúa giải phóng. Còn kẻ đang ở địa vị tự do mà được Chúa gọi vào đạo, thì phải coi mình là nô lệ của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã chuộc anh chị em bằng gía rất cao, vì thế đừng làm nô lệ người đời (1 Cr 7,17-24). Danh sách Kitô hữu như viết trong chương 16 thư gửi giáo đoàn Roma cũng cho thấy nhiều kitô hữu hồi đó là các anh chị em nô lệ. Nói chung đa số tín hữu của Giáo Hội tiên khởi thuộc lớp người bình dân trong xã hội. Điều này cũng dễ hiểu, vì Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng yêu thương và công bằng. Trước mặt Chúa mọi người đều là con cái, có cùng phẩm gía là hình ảnh của Chúa, do đó đều được trân trọng và qúy mến như nhau. Và đó qủa thật là Tin Mừng giải phóng đối với các anh chị em thuộc các giai tầng thấp kém, bị khinh miệt và gánh chịu nhiều thiệt thòi hơn trong xã hội loài người.
Một số tin tức khác cho chúng ta biết cơ cấu nội bộ của các cộng đoàn kitô tiên khởi. Trong chương 5 thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica thánh Phaolô cho thấy trong cộng đoàn có một số vị lãnh đạo. Thánh nhân khuyên tín hữu trọng kính và hết sức qúy mến các người đã từng khó nhọc vì họ, hướng dẫn và dậy bảo họ trong con đường theo Chúa, cũng như lo lắng làm mọi việc vì họ. Tiếp đến thánh nhân khuyên mọi người hãy biết răn bảo kẻ lười biếng, an ủi người nhát sợ, nâng đỡ người yếu đuối và nhịn nhục mọi người, cũng như biết cẩn thận, không lấy ác báo ác, không trả thù kẻ khác, nhưng luôn luôn xây dựng và làm điều thiện cho nhau, luôn luôn vui vẻ, liên lỉ cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa trong mọi lúc. Và đặc biệt thánh nhân khuyên mọi người đừng dập tắt Chúa Thánh Thần, đừng khinh chê lời các ngôn sứ, nhưng hãy biết xem xét mọi sự, giữ lấy điều tốt và xa lánh điều xấu (1 Tx 5,12-22).
Trong chương 12,28 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô kê khai danh sách các đặc sủng Chúa ban cho tín hữu, trong đó có đặc sủng cai quản ”kybernêsis”. Các tông đồ đứng đầu, rồi tới các ngôn sứ, tiếp theo là các tiến sĩ, rồi các người làm được phép lạ, các người chữa được bệnh tật, sau đó là các người trợ giúp, các người quản lý, các kẻ nói được nhiều thứ tiếng và giải nghĩa các thứ tiếng ấy. Và mỗi người phải dùng đặc sủng Chúa ban riêng cho mình để phục vụ toàn cộng đoàn. Trong cộng đoàn Philiphê thì có các giám mục và các phó tế phục vụ. Trong chương 1,1 thư gửi tín hữu cộng đoàn này thánh Phaolô gửi lời chào tín hữu trước rồi mới tới các giám mục và các phó tế của Đức Kitô. Chương 16 thư gửi tín hữu Roma còn cho biết có một nữ phó tế là bà Phêbê, thuộc giáo đoàn Cencre, là hải cảng miền đông thành Côrintô (Rm 16,1).
Ngoài ra trong các thư thánh Phaolô cũng nhắc tên các cộng sự viên nam nữ đã cùng ngài ”đồng lao cộng khổ” trong công tác rao truyền Tin Mừng của Chúa. Chẳng hạn như bà Stêphania và gia đình của bà (1 Cr 16,15-16), ông Philiphê Epafrodite (Pl 2,25), các cặp vợ chồng Prisca và Aquila (Rm 16,3-4) Andronico và Giunia (Rm 16,7), các phụ nữ khác như Maria, Trifena và Trifosa (Rm 16,6.12). Cứ theo đó chúng ta có thể nhận thấy công việc tổ chức các giáo đoàn do thánh Phaolô thành lập có tính cách rất tự do và dân chủ, nghĩa là có sự tham gia tích cực của mọi kitô hữu, không phân biệt tuổi tác và phái tính. Ai được Chúa Thánh Thần ban cho đặc sủng gì thì dùng chính đặc sủng ấy để phục vụ và vun trồng cộng đoàn. Cũng chính vì thế sau khi bàn về các ơn Chúa ban, thánh Phaolô viết trong chương 14 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: ”Như vậy thì phải làm gì thưa anh chị em? Khi anh chị em hội họp, thì mỗi người có thể hát một bài thánh ca, mang tới một giáo huấn hay một mạc khải, nói các thứ tiếng hay giải thích: nhưng hãy làm mọi sự trong mục đích xây dựng cộng đoàn” (1 Cr 14,26). Tuy nhiên có điều chắc chắn là chính thánh Phaolô hướng dẫn các sinh hoạt của cộng đoàn.
Các phụ nữ cũng không bị loại trừ khỏi các sinh hoạt của cộng đoàn, bởi vì thánh Phaolô công nhận quyền của mọi tín hữu được phát biểu trong các buổi hội họp. Nếu thánh nhân có khuyên chị em phụ nữ đội khăn che đầu khi tham dự các buổi hội họp, như viết trong chương 11 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thì đó là tập tục của các dân tộc địa phương, chứ không phải do thánh nhân hay Giáo Hội áp đặt. Văn bản chương 14,33-35 thư thứ nhất gửi Côrintô ghi lại lập trường cấm phụ nữ phát biểu viết: ”Như thói quen trong mọi cộng đoàn các thánh, phụ nữ phải làm thinh trong buổi hội họp, vì họ không được phép lên tiếng; trái lại, họ phải sống phục tùng như chính Lề Luật dậy. Nếu họ muốn tìm hiểu điều gì, thì cứ về nhà hỏi chồng, bởi vì phụ nữ mà lên tiếng trong cộng đoàn thì không còn thể thống gì”. Xem ra thánh Phaolô kỳ thị nữ giới, nhưng có lẽ văn bản phải được hiểu trong bối cảnh của nền văn hóa phụ hệ, trong đó nữ giới không có tiếng nói, cũng như trong bối cảnh cộng đoàn bấy giờ dễ xảy ra các hỗn loạn trong các buổi hội họp với các người nói tiếng lạ, nói tiên tri và ơn mặc khải. Thật thế, thánh Thaolô viết: ”Ngôn sứ thì làm chủ những cảm hứng tiên tri của mình, bởi vì thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo bình an” (1 Cr 14,32).
2. TƯƠNG QUAN GIỮA THÁNH PHAOLO VÀ TÍN HỮU THUỘC CÁC CỘNG ĐOÀN KITÔ TIÊN KHỞI
Khi đề cập tới gương mặt và cuộc đời thánh Phaolô, chúng ta không thể bỏ qua liên hệ giữa thánh nhân và tín hữu thuộc các cộng đoàn Kitô tiên khởi do chính ngài thành lập và nhọc công vun trồng. Nhiều văn bản trong các thư của ngài chứng minh cho thấy thánh nhân là một vị chủ chăn rất nhậy cảm và đầy nhiệt huyết. Chẳng hạn khi chứng minh cho tín hữu Côrintô thấy tính chất trung thực trong sứ mệnh thừa tác để chống lại các người vu khống chống đối ngài, thánh Phaolô đã bất đắc dĩ phải nói về những lao công khổ nhọc, những âu lo khắc khoải và cả những điêu đứng của ngài nữa. Thánh nhân viết trong chương 11 thư thứ hai gửi cho họ: ”Ngoài những cơ cực bề ngoài ấy, tôi còn phải ngày đêm lo lắng cho các giáo đoàn. Có ai yếu đuối mà tôi không cảm thấy yếu đuối? Có ai sa ngã mà tôi không cảm thấy như thiêu như đốt? Nếu cần phải khoe khoang, thì tôi chỉ khoe khoang về sự yếu hèn của tôi thôi” (2 Cr 11,28-30). Nghĩa là ngoài các hệ thống tư tưởng thần học sâu sắc, các thư cũng còn cho chúng ta thấy Phaolô là một chủ chăn đặc biệt có khả năng chia sẻ cuộc sống của các tín hữu, giầu nhân bản, biết duy trì các tương quan liên bản vị sâu sắc vững vàng, nhậy cảm đối với lòng thương mến và tình bạn một đôi khi rất đam mê và gây hấn nữa.
Trong chương 2 thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, Phaolô đã dùng hình ảnh cha mẹ để diễn tả các liên hệ của ngài và các cộng sự viên với tín hữu. Ngài gợi lại thời gian sống và hoạt động giữa họ với những lời lẽ cảm động như sau: ”Trong tư cách là tông đồ của Chúa, lẽ ra chúng tôi được quyền đòi hỏi anh chị em phải trọng đãi. Nhưng chúng tôi đã ăn ở khiêm tốn giữa anh chị em, như người mẹ săn sóc con mình. Chúng tôi tha thiết yêu mến anh chị em. Chúng tôi không chỉ ước ao cống hiến cho anh chị em Tin Mừng của Chúa, mà còn muốn hiến dâng cả mạng sống chúng tôi cho anh chị em nữa. Chúng tôi đã vất vả khó nhọc thế nào chắc anh chị em còn nhớ. Đang lúc chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho anh chị em, chúng tôi cũng đã phải làm việc ngày đêm, để không phải phiền lụy ai trong anh chị em. Có anh chị em và Thiên Chúa làm chứng đó. Chúng tôi đã ăn ở trước mặt anh chị em và các tín hữu một cách thánh thiện, công chính, không có gì đáng chê trách. Anh chị em cũng đã biết chúng tôi cư xử với mỗi người với tình cha con. Chúng tôi đã khuyên bảo, an ủi và đã nài xin anh chị em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng đã gọi anh chị em vào hưởng vinh quang trong Nước của Ngài” (1 Ts 2,8-12).
Liên hệ của thánh nhân với tín hữu cộng đoàn Côrintô đã thiết tha và khổ đau nhất. Nhưng lòng thương mến sẽ luôn luôn là động lực thúc đẩy ngài, ngay cả khi có phải nghiêm nghị cảnh cáo họ đi nữa. Chẳng hạn ngài viết trong chương 2 thứ thứ hai gửi cho họ: ”Thật ra tôi đã viết những dòng này cho anh chị em trong khổ đau, với tâm lòng đầy âu lo và tràn trề nước mắt. Không phải để làm cho anh chị em buồn sầu, nhưng là để cho anh chị em biết tình yêu thương vô bờ của tôi đối với anh chi em” (2 Cr 2,4). Trong chương 11 cùng thư Phaolô so sánh mình với một người làm mai mối, đã hứa hôn tín hữu Côrintô với Chúa Giêsu, nên ghen tương khi thấy họ phản bội Chúa Kitô là hôn phu của họ: ”Thật thế, đối với anh chị em tôi cảm thấy ghen tương như Thiên Chúa ghen tương. Vì tôi đã đính hôn anh chị em với một vị hôn phu duy nhất để giới thiệu anh chị em với Chúa Kitô như giới thiệu một trinh nữ thanh khiết” (2 Cr 11,2). Mọi hình ảnh ấy chứng minh cho thấy Phaolô yêu thương tín hữu thật tình và vô vị lợi. Do đó thánh nhân viết trong chương 12 cùng thư: ”Phần tôi, tôi sẵn lòng tiêu dùng mọi thứ tôi có, và hoàn toàn tiêu hao chính mình vì anh chị em. Cho dù tôi có yêu mến anh chị em nhiều như thế mà anh chị em ít thương mến tôi, thì thôi cũng không hệ gì đâu” (2 Cr 12,15).
Tuy nhiên, nói thì nói thế, chứ thật tình Phaolô muốn rằng tình yêu thương ấy phải là tình yêu thương hai chiều. Vì vậy trong chương 6 thứ thứ hai gửi tín hữu Côrintô thánh nhân mới nhắn nhủ họ như sau: ”Anh chị em Côrintô, chúng tôi đã thẳng thắn nói chuyện với anh chị em và con tim chúng tôi rộng mở, chứ không đóng kín hạn hẹp. Trái lại chính tâm lòng của anh chị em hẹp hòi. Hãy đáp trả lại sự rộng rãi của chúng tôi. Tôi nói với anh chị em như nói với con cái, hãy rộng mở con tim cho chúng tôi” (2 Cr 6,11-13). Riêng đối với tín hữu Galát Phaolô vừa cảm động nhắc lại sự tiếp đón quảng đại chân tình mà họ đã dành cho ngài trước đây. Lần đầu tiên khi tới rao giảng Tin Mừng cho họ, dù thánh nhân ốm yếu bệnh hoạn, họ cũng không khinh chê hay từ chối, trái lại đã tiếp nhận ngài như thiên sứ Chúa gửi tới để loan báo sự thật cứu độ cho họ. Họ đã thương mến Phaolô tới độ giá có phải móc mắt mà cho ngài, họ cũng chẳng lưỡng lự. Thế mà giờ đây chỉ vì thánh nhân cảnh cáo họ đừng mắc bẫy các người thù hằn và chống đối thánh nhân, muốn chiếm cảm tình của họ bằng cách chia rẽ họ và các liên hệ tốt đẹp giữa họ và thánh nhân, mà họ thay lòng đổi dạ, coi người đã loan báo Tin Vui cứu độ cho họ như thù địch. Thật chẳng còn gì đau đớn hơn như Phaolô viết trong chương 4,13-17.
Tình thương mến đối với tín hữu cũng khiến cho Phaolô sung sướng khi biết rằng họ sống lòng tin kiên vững và vẫn thương nhớ ngài. Trong chương 3 thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica Phaolô viết: ”Giờ đây Timôtêô đã từ giã anh chị em mà trở về với chúng tôi, và đem tin vui liên quan tới lòng tin và lòng mến của anh chị em, cũng như cho chúng tôi biết rằng anh chị em nhớ và ước mong gặp lại chúng tôi cũng như chúng tôi mong ước gặp lại anh chị em”. Với tín hữu Côritnô Phaolô khen ngợi họ đã nhớ tới ngài trong mọi trường hợp và duy trì các truyền thống lòng tin như ngài đã thông truyền cho họ (1 Cr 11,2).
Sau cùng lòng thương mến hiệp thông ấy được tỏ hiện ra trong các lời nguyện mà thánh Phaolô hằng dâng lên Thiên Chúa để khẩn cầu cho các cộng đoàn tín hữu do ngài thành lập. Chính Phaolô cho tín hữu biết điều đó trong các thư gửi cho họ. Điển hình như trong chương 3 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thêxalônica, chương 1 thư gửi giáo đoàn Roma và chương 1 thư gửi tín hữu Philiphê (1 Ts 3,12-13; Rm 1,9-10; Pl 1,4). Thánh nhân cũng thường xin họ nhớ tới ngài trong lời cầu nguyện (1 Ts 5,25; 2 Cr 1,11; Rm 15,30-32). Chẳng hạn vào cuối chương 15 thư gửi giáo đoàn Roma Phaolô viết: ”Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và nhân danh Chúa Thánh Thần là nguồn yêu thương, tôi nài xin anh chị em cùng chiến đấu với tôi qua lời cầu, mà anh chị em dâng lên Thiên Chúa để khẩn cầu cho tôi, để tôi thoát khỏi tay các kẻ bất tín vùng Giuđa và để cho tín hữu Giêrusalem vui lòng chấp nhận đồ cứu trợ tôi đem tới cho họ” (Rm 15,30-31).
Có thể nói Phaolô chẳng yên tâm khi phải rời xa các tín hữu của ngài. Vì thế nên thánh nhân luôn luôn muốn nhận được tin tức của họ, để biết rằng mọi chuyện trong cộng đoàn xuôi chảy và đồng thời cũng là để được an ủi vì tình liên đới của họ. Do đó Phaolô gửi các cộng sự viên thay ngài thăm viếng các tín hữu. Trong lúc lưu lại Côrintô, thánh nhân lo lắng cho số phận của tín hữu Thêxalônica, mà ngài đã phải vội vàng rời bỏ, vì người do thái tại đây truy nã ngài.
3. THƯƠNG CON CHO ROI CHO VỌT : PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM CỦA THÁNH PHAOLÔ
Duyệt xét các tương quan của thánh Phaolô với tín hữu các cộng đoàn kitô tiên khởi do thánh nhân thành lập, chúng ta nhận thấy thánh nhân là một chủ chăn rất nhậy cảm và đầy nhiệt huyết. Thật vậy Phaolô là một chủ chăn rất giầu nhân bản, có khả năng chia sẻ cuộc sống của các tín hữu và biết duy trì các tương quan liên bản vị sâu sắc vững vàng. Thánh nhân cũng là người hết mực yêu thương các tín hữu, yêu thương một cách vô vị lợi. Nhưng ngài cũng ước mong tín hữu đáp trả lại tình yêu thương ấy, bằng cách mở rộng tâm lòng cho lời rao giảng của ngài và cho các cộng sự viên. Dù có đi bất cứ đâu, Phaolô cũng nhớ đến họ và tìm cách liên lạc để có tin tức của họ. Nếu không đến thăm họ được, Phaolô gửi các cộng sự viên của ngài tới thăm họ. Trong tương quan với các tín hữu thánh Phaolô và các cộng sự viên của ngài theo nguyên tắc tự làm việc để mưu sinh, chứ không trở thành gánh nặng cho bất cứ ai. Do đó thánh nhân rất tự do và không bị một ai hoặc bất cứ gì điều kiện hóa trong công việc rao truyền Lời Chúa. Bằng chứng là khi cần thánh Phaolô đã theo nguyên tắc sư phạm ngàn đời ”thương con cho roi cho vọt”. Ngài không ngần ngại cảnh cáo, sửa dậy các tín hữu với lời lẽ rất cứng rắn.
Trước tình trạng tín hữu Côrintô mắc bẫy một số người âm mưu chia rẽ cộng đoàn, hợp bè kéo cánh, người theo Phaolô, kẻ ủng hộ Apollo, người khác nữa phò Kêpha, thánh nhân nhắc nhớ cho họ biết rằng chỉ có Chúa Kitô là nền móng duy nhất của căn nhà đức tin mà mỗi tín hữu phải cố công xây cất cho mình. Trên cùng một nền móng duy nhất người ta có thể xây nhà bằng vàng, bằng bạc, bằng đá qúy, hay làm bằng rơm rạ. Và mỗi một tín hữu đều là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Đồng thời thánh Phaolô cũng nhắc cho mọi người biết rằng chỉ có Chúa Giêsu Kitô là nền tảng duy nhất của toàn Giáo Hội. Và thánh nhân kết luận chương 3 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô như sau: ”Vì vậy, đừng ai khoe mình trước mặt người đời. Mọi sự đều thuộc về anh chị em. Phaolô, Apollo, Kêpha, thế gian, sự sống, sự chết, hiện tại, tương lai, tất cả là của anh chị em. Nhưng chính anh chị em thì thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thì thuộc về Thiên Chúa”.
Nói cách khác, thánh Phaolô nghiêm khắc cảnh cáo các tín hữu đừng mắc mưu những người muốn đánh phá Giáo hội bằng cách gây chia rẽ và tạo ra tâm thức mặc cảm, so sánh, tị hiềm, cạnh tranh, nghi ngờ, kéo bè kết đảng giữa các thành phần Giáo Hội, giữa các chủ chăn với nhau, giữa các tín hữu và các chủ chăn, giữa cộng đoàn này với cộng đoàn khác. Và mưu chước đánh phá Giáo Hội cổ điển bằng cách chia rẽ, phân tán mỏng, tạo xung khắc và tị hiềm, tạo tâm thức cục bộ, tự ti hay tự tôn mặc cảm, tạo tâm thức tranh giành quyền bính và ảnh hưởng, vẫn luôn luôn là chước độc mưu thâm của mọi lực lượng muốn triệt hạ Giáo Hội thuộc mọi thời đại, xưa cũng như nay. Muốn khỏi rơi vào cạm bẫy ấy, mọi tín hữu và đặc biệt là các chủ chăn phải hiểu và xác tín rằng Giáo Hội là của tất cả, chứ không phải chỉ là của miền này miền nọ trong một nước, và mọi thành phần Giáo Hội con dân của cùng một nước, dù có sống ở đâu trong nước hay ngoài nước, thì cũng là con cái của cùng một Giáo Hội mẹ, cần được kết nạp, huy động để tận dụng tối đa mọi khả năng tinh thần cũng như vật chất, hầu xây dựng và vun trồng Giáo Hội ngày càng phong phú, vững mạnh và trưởng thành hơn, chứ không phải chỉ vị lãnh đạo này hay lớp người nọ, ở trong hoặc người ở ngoài mới là lực lượng chính hay lực lượng phụ xây dựng Giáo Hội. Nghĩ như thế là rơi vào bẫy sập chia rẽ của những người chủ trương đánh phá Giáo Hội.
Riêng đối với tín hữu Côrintô, thánh Phaolô cho họ hiểu rằng nếu thánh nhân và các cộng sự viên của ngài có làm mọi sự để lôi kéo họ, thì không phải là để khống chế hay chiếm đoạt họ, mà là để đưa họ tới với Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Chúa, cộng tác với ơn thánh Chúa để niềm vui phát xuất từ đức tin của họ đựơc trọn vẹn, như thánh nhân khẳng định trong chương 1,24 thư thứ hai gửi cho họ. Trong chương 4,5 cùng thư Phaolô minh xác với tín hữu Côrintô như sau: ”Thật vậy, chúng tôi không rao giảng về chúng tôi, nhưng rao giảng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, và chúng tôi chỉ là đầy tớ của anh chị em vì lòng mến Chúa Kitô”. Cũng vì ý thức được mình chỉ là đầy tớ của các tín hữu vì lòng mến Chúa Kitô, nên thánh Phaolô từ chối phô trương các khả năng đặc sủng ngài có, mà chọn các phương cách tầm thường hơn, nhưng cũng hữu hiệu hơn để giúp tín hữu tăng trưởng trong lòng tin. Trong chương 14 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Phaolô thành thật nói lên điều đó: ”Tạ ơn Chúa, tôi nói được nhiều thứ tiếng hơn anh chị em. Nhưng khi cộng đoàn tụ họp nhau, tôi thích nói năm ba lời dễ hiểu để dậy dỗ cả các anh chị em khác, hơn là nói một vạn lời như là người thông thạo các thứ tiếng” (1 Cr 14,18-19). Nghĩa là thánh nhân không nhằm gây kinh ngạc và thán phục nơi người nghe, mà mà chỉ muốn thuyết phục họ tin vào Tin Mừng (2 Cr 5,11). Mà để được như thế, thì cần phải hiểu biết trình độ trí tuệ, tâm thức và nhu cầu của người nghe. Đối với các anh chị em bình dân, thuộc lớp lao động hay nông dân chân lấm tay bùn, thì cần phải dùng thứ ngôn ngữ hình ảnh và tư tưởng rõ ràng đơn sơ, mới có thể chuyển đạt Tin Mừng của Chúa tới cho họ một cách hữu hiệu được.
Ngoài ra trong khoa sư phạm rao truyền Tin Mừng này, thay vì ra lệnh, sai khiến, thánh Phaolô luôn luôn khích lệ, thúc đẩy, nài xin và khuyên nhủ. Chẳng hạn trong thư gửi Philêmônê, thánh Phaolô nói dù ngài có quyền nhân danh Chúa Kitô truyền cho ông phải tiếp nhận Ônêsimô như là một người anh em trong đức tin, chứ không phải như một người đầy tớ đã trốn chủ, thánh nhân thích kêu gọi lòng yêu thương của ông hơn (Plm 8-9). Khi kêu gọi tín hữu cộng đoàn Côrintô quảng đại rộng tay trợ giúp các Kitô hữu giáo đoàn mẹ Giêrusalem, thánh Phaolô nói ngài không ra lệnh cho họ, nhưng chỉ nhắc tới nhiệt tâm của các tín hữu khác, để xem họ thành tâm trợ giúp các tín hữu nghèo túng tới mức nào (2 Cr 8,8). Còn trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica thánh nhân nhắc nhớ cho họ biết ngài và các cộng sự viên truyền giáo đã cư xử với họ trong tình cha con. Các vị đã khuyên bảo, an ủi và nài xin họ sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng đã gọi họ vào Nước của Ngài để hưởng vinh quang với Chúa (1 Ts 2,11-12).
Phaolô không chỉ nêu gương sống cho các tín hữu, mà còn khuyến khích họ noi gương sống của ngài. Trong chương 4 thư thứ nhất gửi tín hữu cộng đoàn Côrintô, thánh Phaolô khuyên họ biết thận trọng và khiêm tốn, không nên hấp tấp phán đoán ai và chia bè chia phái trong cộng đoàn. Ngài nhắn nhủ họ như sau: ”Thưa anh chị em, tôi đã áp dụng các điều trên đây vào tôi và Apollo, vì lợi ích cho anh chị em, để anh chị em theo gương chúng tôi, chớ vượt qúa điều đã ghi chép và chớ sinh kiêu ngạo theo phe này phản phe kia...Tôi viết như vậy không có ý làm cho anh chị em phải xấu hổ, mà để khuyên răn anh chị em như những người con thân yêu. Thật vậy anh chị em có thể có một vạn thầy dậy trong Đức Kitô, nhưng anh chị em không có nhiều cha đâu. Chính tôi đây là kẻ đã nhờ Tin Mừng mà sinh ra anh chị em trong Đức Giêsu Kitô. Tôi nài xin anh chị em hãy bắt chước tôi” (1 Cr 4,6.14-16). Trong chương 3 thư gửi tín hữu Philiphê thánh Phaolô đã khẩn thiết kêu gọi họ như sau: ”Thưa anh chị em, xin anh chị em hãy bắt chước tôi. Hãy chú ý tới những người ăn ở theo gương mẫu chúng tôi đã để lại cho anh chị em. (Pl 3,17). Thánh Phaolô nói thế không phải để đề cao gương mặt của ngài hay các cộng sự viên của ngài, mà là để thôi thúc tín hữu biết lấy Chúa Kitô làm điểm tham chiếu duy nhất, và noi gương các ngài như các ngài đã noi gương sống của Chúa, như thánh nhân viết trong chương 11,1 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô.
Tuy nhiên, khi cần phải cứng rắn quở trách, Phaolô cũng rất nặng lời với các tín hữu, đúng theo nguyên tắc ”thương con cho roi cho vọt”. Thánh nhân mắng tín hữu Galát là ”ngu đần dại dột” vì đã để cho những Kitô hữu gốc do thái qúa khích lung lạc lôi kéo sống phản Tin Mừng tự do và giải phóng của Chúa Kitô. Nhờ lòng tin vào Chúa Kitô chiu đóng đanh họ được giải phóng khỏi luật lệ, nhận được Chúa Thánh Thần và sống theo tinh thần của Tin Mừng tự do và giải phóng, nhưng giờ đây họ lại quay trở về với luật lệ nô lệ và sống theo xác thịt (Gl 3,1-3). Ngài cũng trách tín hữu Côrintô vốn khôn ngoan như thế, mà giờ đây cũng dại khờ để cho các Kitô hữu gốc do thái qúa khích gây chia rẽ, hành hạ, xâu xé, bóc lột, cười chê và đánh tát, mà tỏ ra nhu nhược không dám phản ứng nhân danh Tin Mừng của Chúa Kitô (2 Cr 11,19-21). Phaolô cố ý nặng lời như thế với các tín hữu là để thức tỉnh họ đừng rơi vào mê hồn trận của những người phản bội tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô. Trong chương 4 thư thư nhất gửi tín hữu Corintô thánh Phaolô còn đe là sẽ cầm roi đến thăm họ, nếu họ không hối lỗi sửa mình (1 Cr 4,21).
Riêng đối với các người sống phản chứng và trở thành kẻ thù của Tin Mừng, đe dọa sự thật của Tin Mừng, nối giáo cho Satan đánh phá Giáo Hội Chúa, gây chia rẽ giữa ngài và các tín hữu, thánh Phaolô không ngần ngại mạt sát họ là ”đồ anh em giả dối” (2 Cr 11,26: Gl 2,4), là các ”tông đồ giả” (2 Cr 11,13) là ”các kẻ phục vụ Satan” (2 Cr 11,15) là ”những kẻ gây hoang mang rối loạn trong cộng đoàn” (Gl 5,13), là ”đồ chó” (Pl 3,2) và là ”kẻ thù của thập gía Chúa Kitô” (Pl 3,18), như chúng ta có thể đọc thấy trong các chương 11 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, các chương 3 và 5 thư gửi tín hữu Galata và chương 3 thư gửi giáo đoàn Philiphê. Tình yêu thương đối với các tín hữu khiến cho Phaolô trở thành đanh đá và có giọng sắt thép. Bởi vì ai đánh phá các cộng đoàn và gây chia rẽ lung lạc tín hữu, là động đến chính con người của ngài, là làm ô uế đền thờ của Thiên Chúa, mà thánh nhân là người nhọc công xây dựng trên sứ điệp Tin Mừng tinh tuyền của Chúa Giêsu Kitô bị đóng đanh (1 Cr 3,10-17).
4. PHAOLÔ, VỊ TÔNG ĐỒ GẶP NHIỀU ĐỐI KHÁNG
Khi duyệt xét Kitô giáo thời khai sinh, chúng ta nhận thấy quyền lãnh đạo nằm trong tay của các môn đệ lịch sử của Đức Giêsu thành Nagiarét. Các vị này là những người đã được chính Chúa Giêsu tuyển chọn, đã chia sẻ cuộc sống của Chúa Giêsu và được Ngài hiện ra gặp gỡ sau ngày phục sinh. Do đó các vị có thể làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, và tuyên xưng rằng ”Đấng bị đóng đanh đã sống lại” ( Mc 16,6). Nói các khác, các môn đệ lịch sử của Đức Giêsu thành Nagiarét là những người có thể nối liền hiện tại với qúa khứ, có thể đảm bảo cho căn cước của Chúa Kitô phục sinh và Đức Giêsu lịch sử. Qua các vị, lòng tin của tín hữu vào Chúa Kitô gắn liền với các biến cố và chứng tích lịch sử và được xây dựng vững vàng trên các biến cố lịch sử đó, chứ nó không phải là một giáo thuyết trừu tượng hay một thứ thần bí đạo đức vu vơ. Lời nói của các vị là lời của các người chứng trực tiếp. Nó đặt nền cho một sự chuyển tiếp định đoạt làm phát sinh ra Kitô giáo. Chuyển tiếp từ Đức Giêsu Đấng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tức từ người đem sứ điệp, sang Đức Giêsu Đấng được loan báo, tức sang nội dung của sứ điệp. Trong nhóm nhỏ các Tông đồ và môn đệ đó có gương mặt của Phêrô, tông đồ đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh tự tỏ hiện ra, là nổi bật hơn cả. Tuy nhiên, trong cộng đoàn Giêrusalem tông đồ Gioan và đặc biệt tông đồ Giacôbê anh em họ của của Đức Giêsu, cũng là những người có địa vị quan trọng.
Là người mãi sau này mới tin vào Chúa Giêsu, Phaolô không có được vinh dự ấy của các Tông đồ, cũng không thể tự giới thiệu như là chứng nhân biến cố sống lại của Chúa Kitô. Trên bình diện pháp định thánh nhân lại còn lâm tình trạng què quặt hơn nữa, vì đã từng là người bắt bớ đàn áp các kitô hữu, nghĩa là có qúa khứ không trong sạch. Nhưng từ từ Phaolô trở thành một nhà truyền giáo có tầm mức, cừ khôi và vô địch. Nhưng các thành công trong việc rao truyền Tin Mừng của Phaolô và của các vị khác làm nảy sinh ra vấn đề tương quan giữa Phaolô với các Tông Đồ trong cộng đoàn Giêrusalem.
Nếu quan sát lời dẫn nhập các thư, qua đó Phaolô giới thiệu căn cước của ngài, chúng ta có thể nhận ra sự kiện này: đó là trong lá thư đầu tiên viết giữa năm 50-51 thánh nhân chỉ ghi: ”Phaolô gửi cho tín hữu Thêxalônica” (1 Ts 1,1). Trái lại trong các thư sau đó Phaolô cố ý nhấn mạnh rằng ngài là tông đồ. Và lời tự giới thiệu mình là tông đồ ấy có sắc thái tranh luận. Chẳng hạn trong thư thứ nhất và thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô Phaolô viết: ”Tôi là Phaolô được chọn làm tông đồ Đức Giêsu Kitô theo ý muốn của Thiên Chúa” (1 Cr 1,1; 2 Cr 1,1). Trong lời mở đầu thư gửi tín hữu Galát, ý thức là tông đồ ấy gia tăng rõ rệt: ”Tôi là Phaolô, được chọn làm tông đồ không bởi sáng kiến của loài người cũng không do trung gian của một người nào, mà là bởi Đức Giêsu Kitô và bởi Thiên Chúa Cha, Đấng đã cho Đức Giêsu Kitô sống lại từ vương quốc các kẻ chết” ( Gl 1,1). Và lời nhập đề thư gửi giáo đoàn Roma diễn tả trọn vẹn ý thức đó: ”Tôi là Phaolô nô lệ Đức Giêsu Kitô, được gọi làm tông đồ, được tuyển chọn để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa... Chính từ Ngài mà chúng tôi đã lãnh nhận ơn thánh là tông đồ để dẫn đưa tất cả mọi người ngoại giáo tới chỗ tuân phục của lòng tin, hầu vinh danh Ngài” (Rm 1,1.5).
Lý do nào đã khiến cho Phaolô có ý thức là tông đồ của Chúa Giêsu Kitô như vậy? Chúng ta đang sống giữa các năm 54-57, là thời gian có một số kitô hữu gốc do thái len lỏi vào các cộng đoàn Côrintô và Galát để gây chia rẽ, xáo trộn. Họ không chấp nhận Đức Giêsu Kitô chịu đóng đanh như trọng tâm của Tin Mừng, và qúa khích chủ trương bắt các anh chị em Kitô không do thái phải tuân giữ luật lệ do thái. Để đạt hai mục tiêu này họ tìm lôi kéo tín hữu các cộng đoàn này theo họ, bằng cách đặt điều vu khống và hạ uy tín của thánh Phaolô. Phaolô đã cương quyết phản ứng. Và trong trận chiến chống lại các kẻ bêu xấu ngài, thánh nhân đạt ý thức mình là tông đồ của Chúa Kitô phục sinh. Chúng ta hãy theo dõi tiến trình triển nở của ý thức này.
Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô Phaolô tự biện hộ cho mình bằng cách khẳng định với họ hai điều. Thứ nhất, thánh nhân không bị gạt bỏ ra khỏi số các tông đồ được Chúa Kitô phục sinh tự tỏ hiện ra, như các người kitô gốc do thái nói trên rêu rao. Vì kinh nghiệm gặp gỡ của ngài với Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco là bằng chứng cho thấy Chúa Kitô phục sinh cũng hiện ra với Phaolô. Còn hơn thế nữa, Ngài còn còn quật cho Phaolô té xuống đất và đánh mù mắt Phaolô nữa. Do đó biến cố hiện ra này cũng có gía trị y như biến cố chúa Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ lịch sử của Ngài vậy. Sau khi liệt kê những người đã được Chúa Kitô phục sinh hiện ra như: Phêrô, 12 Tông đồ, 500 môn đệ, Giacôbê, tất cả các tông đồ, Phaolô viết tiếp trong chương 15,8 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côritô: ”Sau cùng, Ngài cũng đã hiện ra với tôi là bào thai bị phá” ( 1 Cr 15,8). Trước đó trong chương 9,1 Phaolô đã hỏi các tín hữu: ” Tôi không phải là tông đồ hay sao? Hay có lẽ tôi đã không trông thấy Chúa Giêsu Chúa chúng ta hay sao?”. Và từ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh trên đường Damasco, Phaolô khẳng định rằng dù là người bất xứng ngài cũng vẫn là tông đồ, được chính Chúa Kitô phục sinh hiện ra và tuyển chọn (1 Cr 15,9).
Lý do thứ hai khiến Phaolô xác tín mình là tông đồ của Chúa Kitô, vì ơn thánh Chúa ban và vì ngài đã nỗ lực cộng tác với ơn thánh đó để làm cho lòng tin và cuộc đời của ngài sinh hoa trái phong phú. Vì thế Phaolô viết tiếp trong chương 15 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: ”Nhưng sở dĩ tôi được như bây giờ chính là nhờ ơn thánh Chúa. Và ơn thánh của Ngài đã không vô hiệu trong tôi. Trái lại, tôi đã khó nhọc vất vả hơn tất cả mọi người khác. Nhưng không phải tôi, mà là ơn thánh Chúa ở trong tôi” (1 Cr 15,10). Chính các tín hữu Côrintô là bằng chứng sống động cho thấy Phaolo thật là tông đồ với tất cả mọi hiệu qủa của chức vị đó. Vì thế Phaolô viết trong chương 9 cùng thư: ”Anh chị em há lại không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? Nếu đối với các người khác tôi không phải là tông đồ, thì ít nhất tôi chắc chắn là tông đồ đối với anh chị em. Thật ra chính anh chị em là dấu ấn chức vụ tông đồ của tôi trong Chúa”. (1 Cr 9,1-2). Các sự kiện minh chứng cho thấy Phaolô đựơc chọn làm tông đồ. Đây không phải là việc tấn phong theo thể chế, mà là một tấn phong đặc sủng.
Trong chương 3,2-3 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô nói tuy ngài và các cộng sự viên không có thư giới thiệu là tông đồ như các kitô hữu gốc do thái từ nơi khác tới đang đánh phá cộng đoàn, nhưng chính các tín hữu là thư ủy nhiệm của ngài và của các cộng sự viên. Một lá thư ủy nhiệm được viết trong con tim các tín hữu, được mọi người biết tới và đọc. Các tín hữu Côrintô rõ ràng là bức thư của Chúa Kitô, do thánh Phaolô và các cộng sự viên của ngài soạn thảo ra trong chức thừa tác. Nó không được viết bằng mực đen, mà được viết bằng Thánh Thần của Thiên Chúa hằng sống. Nó không được viết trên bảng đá, mà được viết trên con tim bằng thịt của các tín hữu (2 Cr 3,2-3).
Nhưng chưa hết, Phaolô còn phải đương đầu với một luận điệu khác nữa của các người kitô gốc do thái kể trên. Họ khoe khoang các kinh nghiệm đặc sủng ngoạn mục của họ, làm như thể họ giống ông Môshê từ núi Sinai xuống, mặt rạng ngời ánh sáng thiên linh (2 Cr 3.1-11). Do đó có lạ gì khi họ được các tín hữu trầm trồ thán phục và tin theo. Còn Phaolô là con người nghèo nàn yếu đuối, làm sao lại có thể là người do Thiên Chúa toàn năng vinh hiển sai tới được? Phaolô không chối bỏ sự thật ngài là một người nghèo nàn yếu đuối. Nhưng thánh nhân nêu bật rằng chính sự nghèo nàn yếu đuối ấy là chứng tích minh xác cho chức vụ tông đồ của Ngài. Phaolô là vị tông đồ của Chúa Kitô bị đóng đanh, và chia sẻ cái bất lực nhục nhã của Đức Kitô bị đóng đanh. Nhưng chính lúc bất lực nhất lại là lúc Chúa Kitô cứu độ trần gian (2 Cr 13,3-4). Và cái luận lý ngược đời của thập gía đó ghi đậm dấu trên toàn cuộc đời của thánh nhân. Do đó Phaolô viết trong chương 12,10: ”Bởi vì khi tôi yếu đuối, lại chính là lúc tôi mạnh mẽ”.
Sau cùng Phaolô còn phải đối phó với các chống đối do nhóm kitô hữu gốc do thái len lỏi vào giáo đoàn Galát gây ra. Họ cho rằng Tin Mừng tự do thánh nhân rao giảng không tinh tuyền, mà là kết qủa việc nghiền gẫm của trí khôn con người. Họ tìm hạ uy tín Phaolô bằng cách so sánh ngài với các tông đồ lãnh đạo cộng đoàn Giêrusalem, đặc biệt với Phêrô. Vì thế trong chương 1 thư gửi tín hữu Galát, Phaolô khẳng định rằng: ”Thưa anh chị em, tôi xin qủa quyết với anh chị em rằng Tin Mừng tôi rao giảng không phải của loài người đâu. Cũng không phải tôi đã nhận được hay học được của một người nào, mà là do chính Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải cho tôi” (Gl 1,11-12). Không phải vị sứ giả bảo đảm cho sự thật của sứ điệp Tin Mừng, mà chính sự thật của sứ điệp Tin Mừng bảo đảm cho tính chất đáng tin cậy của sứ giả. Do đó nếu lập trường của các kẻ chống đối thánh Phaolô thật sự là đúng, nghĩa là con người được ơn cứu độ qua việc tuân giữ luật lệ như họ chủ trương, thì Chúa Kitô đã chết một cách vô ích (Gl 2,21). Nhưng sự thật không phải như vậy. Chính cái chết của Chúa Kitô đã trao ban ơn cứu rỗi cho con người, chứ không phải luật lệ. Vì thế nhân danh luật lệ do thái để xa lánh các anh chị em kitô không do thái như Phêrô đã làm vì bị bọn người nói trên cám dỗ và gây áp lực, là sống trái với tinh thần Tin Mừng tự do của Chúa Kitô (Gl 2,11-14).
Tóm lại, thánh Phaolô là một tông đồ với đầy đủ danh nghĩa của từ tông đồ, nghĩa là người được Chúa Kitô phục sinh sai đi rao giảng Tin Mừng. Bởi vì Thiên Chúa Cha đã mạc khải cho thánh nhân biết mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô Con Ngài, và đã trao cho thánh nhân sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại (Gl 1,15-16). Các thành qủa rực rỡ của công tác truyền giáo minh chứng cho sự thật này. Chính vì thế trong chương 15 thư gửi tín hữu Roma Phaolô nói ngài có lý do để khoe khoang trong Chúa Kitô và trước mặt Thiên Chúa. Chính Chúa Kitô đã dùng ngài như dụng cụ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để đem Tin Mừng tự do và giải phóng tới cho mọi dân tộc ngoài do thái chưa biết Chúa. Do đó Phaolô không cần phải được các tông đồ lãnh đạo cộng đoàn Giêrusalem tấn phong trên bình diện pháp chế (Gl 1,17). Phaolô cũng không về Giêrusalem để được xác định là tông đồ. Nhưng ngài về Giêrusalem để đối chiếu xác tín và nội dung lơi rao giảng của mình, bởi vì thánh nhân xác tín rằng trước ngài đã có các vị khác là chứng nhân của Chúa Kitô phục sinh và là tông đồ rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô rồi (Gl 2,9).
5. CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ CỦA THÁNH PHAOLÔ
Khi đọc các thư của thánh Phaolô, chúng ta có thể nhận ra một nét đặc thù khác trong cuộc sống của ngài: đó là cuộc đời của thánh nhân là một con đường thập giá. Thật vậy, Phaolô không chỉ là vị tông đồ say mê thập giá Chúa Kitô và loan báo Chúa Kitô chịu đóng đanh, mà toàn cuộc sống của ngài cũng là một con đường thập gía.
Sau cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco, và sau khi được Anania ban phép Rửa tội và nhận lấy Chúa Thánh Thần, Phaolô đã mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng tại đây. Nhưng thánh nhân gặp chống đối mãnh liệt. Các người do thái âm mưu sát hại Phaolô. Họ cho canh gác cửa thành ngày đêm, cố ý không để cho Phaolô thoát nạn. Nhưng một đêm kia, các môn đệ đã bỏ Phaolô vào trong một cái thúng rồi thòng xuống ngoài tường thành. Nhờ thế Phaolô thoát chết, như Sách Tông Đồ Công Vụ trình thuật trong chương 9,23-25. Trong chương 11 thư thứ hai viết cho tín hữu Côrintô Phaolô cũng nhắc lại biến cố này: ”Tại thành Damascô, quan châu trưởng của vua Areta đã cho canh gác thành, để mưu bắt tôi. Nhưng người ta đã cho tôi ngồi vào một chiếc thúng rồi thòng dây qua cửa sổ theo tường thả xuống. Thế là tôi thoát khỏi tay ông” (2 Cr 11,32-33).
Trong chuyến truyền giáo tại châu Âu Phaolô cũng phải sống kinh nghiệm bị các người đồng hương do thái chống đối. Thánh nhân bị họ nhục mạ và hành hung tại Philiphê, như ngài kể lại cho tín hữu Thêxalônica trong chương 2 thư thứ nhất gửi cho họ. Chương 17 sách Công Vụ cũng thuật lại rằng khi tới Thêxalônica Phaolô và Sila giảng trong hội đường do thái và thuyết phục được một số tín hữu do thái, cùng với nhiều người hy lạp và một số phụ nữ thượng lưu. Nhưng người do thái nổi giận thuê bọn du đãng ẩu đả và gây rối loạn trong dân chúng. Họ kéo nhau tới nhà ông Giason nhưng không thấy Phaolô và Sila đâu. Họ liền điệu Giason và một vài kitô hữu ra trước giới hữu trách và vu khống cho họ là phá rối trị an. Trước tiếng gào thét của họ, giới chức thành phố bắt các kitô hữu phải trả tiền ký qũy để được tại ngoại. Trong khi đó các kitô hữu khác đưa Phaolô và Sila trốn khỏi Thêxalônica và tới Berea. Tại đây Phaolô và Sila đã được tiếp đón tử tế. Hai người đã rao giảng Tin Mừng trong hội đường do thái và không gặp sự chống đối nào. Trái lại đã có nhiều người do thái tin theo Chúa Giêsu Kitô. Nhưng khi người do thái Thêxalônica nghe biết như thế, họ liền kéo đến Berea và xúi dục dân chúng nổi lên chống đối Phaolô. Các Kitô hữu đã vội vã đem Phaolô xuống thuyền rời Berea (Cv 17,1-15).
Tại Côrintô người do thái điệu Phaolô ra trước quan quyền lãnh sự Gallione, và tố cáo Phaolô là xúi dục dân chúng tôn thờ Thiên Chúa trái phép, như kể trong chương 18 sách Công Vụ (Cv 18,12-17). Sở dĩ các người đồng hương do thái đã không ngừng dùng mọi thủ đoạn bắt bớ Phaolô, vì họ coi ngài là kẻ phản bội Do thái giáo và truyền thống của cha ông. Khi rao giảng Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài, Phaolô tuyên bố ngày cáo chung của luật lệ Môshê và truyền thống tôn giáo của dân Do thái. Do đó khi thì họ xúi dục giới chức chính quyền địa phương gây khó dễ đối với Phaolô, khi khác họ trực tiếp đứng ra trừng phạt và áp dụng luật của hội đường do thái đối với Phaolô. Trong chương 11 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô Phaolô kể cho họ nghe các hình phạt ngài đã phải chịu: bị đánh bằng gậy 5 lần, mỗi lần 39 gậy, bị quật bằng roi da có các hòn chì 3 lần, và bị ném đá 1 lần. Không những thế họ lại còn đe dọa tới mạng sống của Phaolô nữa. Vì thế trong chương 15 thư gửi cho tín hữu Roma Phaolô xin mọi người cầu nguyện cho ngài thoát khỏi tay của người Giuđêa, và để cho tiền cứu trợ ngài đem về Giêrusalem được kitô hữu tại đây chấp nhận (Rm 15,30-31). Tại Êphêxô Phaolô đã chỉ thoát chết trong gang tấc. Trong chương 1,8 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô Phaolô chia sẻ với họ các khổ đau của Ngài và của các cộng sự viên như sau: ”Thưa anh chị em chúng tôi chẳng muốn dấu anh chị em thảm cảnh đã xảy ra cho chúng tôi bên vùng tiểu Á: chúng tôi đã bị áp bức qúa sức chịu đựng của chúng đến độ thất vọng không còn muốn sống nữa”. Từ trong ngục, Phaolô viết thư thăm tín hữu Philiphê. Xem ra thánh nhân không chắc có được trắng án hay không, nên ngài nói tới cái chết gần kề, và chuẩn bị tâm hồn cho ngày bị hành quyết (Pl 1.7.21-24; 2,17-18). Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng Phaolô đã bị bắt tại Giêrusalem, bị giam tại đây rồi bị giải về Cesarea, và sau cùng bị giải về Roma. Và chúng ta biết chắc chắn là thánh nhân đã chịu tử đạo dưới thời hoàng đế Neron.
Tuy nhiên, những bắt bớ mà Phaolô phải chịu chỉ giống như một phần nổi nhỏ của tảng băng khổng lồ chìm dưới mặt nước biển bắc cực. Nó che dấu cuộc đời ”ba chìm, bẩy nổi, chín cái lênh đênh” và khổ đau trăm chiều của vị tông đồ dân ngoại, có một không hai trong lịch sử rao truyền Tin Mừng. Chính Phaolô đã cho tín hữu Côrintô biết điều đó trong chương 11 thư thứ hai gửi cho họ. Bất đắc dĩ Phaolô phải so sánh mình với các tông đồ giả hiệu đang gây chia rẽ và đánh phá cộng đoàn Côrintô: ”Họ khoe họ là các thừa tác của Đức Kitô ư? Tôi sắp nói như người điên dại, tôi còn hơn họ, vì trong lao nhọc: tôi hơn họ, trong tù tội: tôi hơn họ, bị đánh đập: tôi lại càng hơn họ, trong hiểm nguy mất mạng: đã nhiều phen! Tôi bị người do thái đánh tôi bằng gậy năm lần, mỗi lần 39 gậy. Tôi bị đánh bằng roi da 3 lần, bị ném đá một lần, bị đắm tầu 3 lần. Tôi đã qua một ngày một đêm trên vực thẳm. Trong các chuyến hành trình đi bộ tôi rất thường gặp hiểm nguy trên sông, hiểm nguy vì cướp bóc, hiểm nguy vì các người đồng hương, hiểm nguy vì dân ngoại, hiểm nguy trong thành phố, hiểm nguy trong sa mạc, hiểm nguy trên biển cả, hiểm nguy vì các anh em giả dối. Phải vất vả, lao nhọc, thường thức khuya dậy sớm chịu đói chịu khát, thường nhịn ăn nhịn uống, chịu rét mướt, trần trụi. Không kể mọi chuyện còn lại, tôi còn phải ngày ngày lo lắng cho các giáo đoàn nữa” (2 Cr 11,23-28).
Thêm vào đó là thái độ không hiểu biết của tín hữu Côrintô và chiến dịch vu khống bôi nhọ Phaolô, do một số thừa sai Kitô gốc do thái xách động. Nhưng tín hữu Côrintô lại bỏ vị tông đồ ”chỉ biết tới Đức Giêsu Kitô chịu đóng đanh” (1 Cr 2,2), để chạy theo các bậc thầy hùng biện và sáng gía hơn (1 Cr 1,10-4,21). Họ đã giải thích sai thái độ của Phaolô, khi thấy thánh nhân khước từ quyền được đòi hỏi tín hữu chu cấp cho cuộc sống vật chất của người, mà lại lựa chọn tự lực cánh sinh, để không trở thành chướng ngại cho việc chấp nhận Tin Mừng (1 Cr 9,1 tt.; 2 Cr 12,13-15). Cuộc lạc quyên do Phaolô phát động để trợ giúp tín hữu giáo đoàn mẹ Giêrusalem cũng bị nghi ngờ xuyên tạc (2 Cr 8, 20; 12,16-18). Trong cộng đoàn Côrintô thì nhóm các thừa sai xấu bụng nói trên phao đồn Phaolô là người không biết giữ lời hứa (2 Cr 1,12 tt.), có lời giảng dậy khó hiểu ( 2 Cr 4,4) không có khoa ăn nói hùng biện (2 Cr 11,6) và là người yếu đuối (2 Cr 10,1.10; 11,12). Đã vậy, tín hữu Côrintô lại thụ động trước thái độ hiếu chiến của những người chống đối Phaolô, đến độ chính thánh nhân cũng than thở khi viết trong chương 11 thư thứ hai gửi cho họ: ”Thế mà anh chị em lại chịu đựng kẻ biến anh chị em thành nô lệ, xâu xé cắn nuốt, khai thác bóc lột, ngạo ngược và tát vào mặt anh chị em. Tôi thật xấu hổ nói lên điều này: chúng ta đã qúa nhu nhược” (2 Cr 11,20.21). Nhóm thừa sai kitô gốc do thái cực đoan còn đi tới chỗ tổ chức các cuộc truyền giáo chống lại Phaolô trong các giáo đoàn Côrintô, Galát, và Philiphê nữa. Họ cho Phaolô không phải là tông đồ thật, vì chỉ là người tập nghề và không được ủy quyền như họ.
Tuy gặp trăm ngàn nguy khó như thế, nhưng Phaolô và các cộng sự viên không đầu hàng bỏ cuộc. Trong thứ thứ hai gửi tín hữu Côrintô thánh nhân lập đi lập lại điệp khúc: ”Chúng tôi không nản lòng” (2 Cr 4,1.6), ”Chúng tôi đầy can đảm” (2 Cr 5,6.8). Còn hơn thế nữa, Phaolô cảm nghiệm được niềm vui sâu xa khi gặp bắt bớ thử thách và khổ đau vì Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô và trong thư gửi giáo đoàn Philiphê Phaolô nói với các tín hữu: ”Con tim tôi được tràn đầy niềm an ủi và tôi tràn trề niềm vui trong mọi nỗi khổ đau của chúng tôi” ( 2 Cr 7,4; 2 Cr 6,10; Pl 1,4.7.18; 2,17-18). Ai không hiểu có thể cho Phaolô là một người bệnh hoạn. Nhưng thật ra niềm vui của thánh nhân phát xuất từ xác tín các khổ đau phải chịu trong cuộc đời tông đồ khiến cho thánh nhân được chia sẻ thập gía của Chúa Giêsu Kitô. Các khổ đau của ngài cũng chính là các khổ đau của Chúa Kitô như thánh nhân viết trong chương 1,5 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô. Thánh nhân mang chính cái chết của Chúa Kitô trong thân thể mình (2 Cr 4,10). Trong chương 6,17 thư gửi tín hữu Galát Phaolô viết: ”Tôi mang trong mình tôi các thương tích của Chúa Giêsu”. Phaolô linh cảm rằng cái luận lý ngược ngạo của lịch sử cứu rỗi đang hiện thực trong chính cuộc sống của ngài: từ cái chết nảy sinh sự sống, từ hư không phát xuất ra mọi sự. Đây là lý do giải thích tại sao Phaolô lại viết cho tín hữu Côrintô trong chương 4,8-12 thư thứ hai gửi cho họ như sau: ”Bị đàn áp tứ bề nhưng chúng tôi không bị đè bẹp, bị lạc hướng nhưng không thất vọng, bị bách hại nhưng không bị bỏ rơi, bị đánh ngã nhưng không bị nghiền nát, chúng tôi thường xuyên mang trong thân xác mình cái chết của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện ra trên thân xác chúng tôi như vậy... (2 Cr 4,8-12). Chính qua sự yếu đuối của con người mà Thiên Chúa tỏ hiện quyền năng của Ngài, nên trong chương 12 cùng thư thánh nhân sung sướng khoe với tín hữu các sự yếu hèn của Ngài. Vì tình yêu đối với Chúa Kitô Phaolô vui chịu mọi đau khổ, xỉ nhục, mọi gian nan bắt bớ và cơ cực. Vì chính khi cảm thấy yếu đuối là lúc thánh nhân mạnh mẽ (2 Cr 12,9-10). Chúa Kitô bị đóng đanh nhưng đã phục sinh, giờ đây sống lại trong thân xác của thánh nhân, và trong thân xác của mọi tín hữu, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, như viết trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô chương 13,4.
Mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô mà Phaolô loan báo, chính thánh nhân đã sống trong cuộc đời tông đồ và cảm nghiệm thấm thía trên thân xác ngài. Nói cách khác, cuộc sống chịu đóng đanh của Phaolô là chứng tá sống động hùng hồn cho Tin Mừng mà ngài rao giảng. Sự yếu đuối nhân loại được quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa biến đổi trở thành thụ tạo mới. Cũng chính vì thế khi thấy tín hữu Côrintô bị kiểu cách giải thích hiếu thắng khải hoàn của cuộc sống Kitô lôi cuốn và làm lóe mắt, trong chương 4,9-13 thứ thứ nhất gửi cho họ, Phaolô nhắc họ đừng quên thập gía và đêm đen của ngày thứ sáu tuần thánh và mọi thử thách, bắt bớ, khổ đau mà họ cũng phải gánh chịu để được ơn cứu độ.
Tác giả bài viết: Lm Giuse Linh Tiến Khải