Tại sao Thánh Phaolô được miêu tả với một thanh gươm trong tay?

Phải chăng ngài là một chiến binh hay kiểu gì đó giống vậy?



Thánh Phaolô được vũ trang bằng gươm là một trong những miêu tả phổ biến nơi các bức tượng hoặc tranh vẽ trong các nhà thờ công giáo trên khắp thế giới. Đó là một hình ảnh đầy thú vị, bởi vì thoạt nhìn có vẻ như thánh Phaolô là một chiến binh vĩ đại.

Đúng vậy, ngài là một chiến binh nhưng không phải trong những trận chiến thuộc về thể lý.

Thánh Phaolô thường được trình bày với một thanh gươm vì hai lý do chính sau đây.

Trước hết đó là sự kiện ngài là một vị thánh rất nổi tiếng vì lá thư ngài gửi cho giáo đoàn Êphêsô, trong đó ngài diễn tả “binh giáp vũ khí của Thiên Chúa”. Loại giáp thường được những người lính Rôma sử dụng để diễn tả một loại vũ khí thiêng liêng mà người kitô hữu chuẩn bị, “để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Eph 6, 11-12).

Một vài đoạn sau đó ngài viết : “hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Eph 6, 17).

Tác giả thư Do thái theo truyền thống Phaolô dùng phép loại suy tương tự và giải thích lý do tại sao Lời Chúa được liên kết với thanh gươm : “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12).

Vì lý do này, thánh Phaolô thường được trình bày với thanh gươm và một cuốn sách là “Lời Chúa” trong tay, thể hiện mối liên kết nghệ thuật bằng những đoạn Kinh thánh này.

Lý do thứ hai là vì truyền thống lâu đời coi gươm kiếm là công cụ gây ra cái chết cho các vị thánh tử đạo. Ta thấy rằng thánh Phaolô là công dân Rôma, nên ngài không thể bị đóng đinh. Thực tế, ngài bị chặt đầu bằng gươm ở ngoài thành Rôma.

Vì vậy, nếu thánh Phaolô không phải là một chiến binh kiêu hãnh thì ngài là “người lính của Chúa”, đã dũng cảm chiến đấu để truyền bá Nước Chúa trên thế gian này.

Nguồn : Philip Kosloski 
Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn