CHƯƠNG III
THƯ TÍN: MỘT HÌNH THỨC TÔNG ĐỒ MỤC VỤ
1. NHÀ VĂN PHAOLÔ
Đọc các thư của Phaolô chúng ta thấy thánh nhân là một nhà văn. Nhưng các tác phẩm của Phaolô không phải là thứ sản phẩm văn chương phát sinh từ thư phòng hay kết qủa sinh hoạt trí thức của một tư tưởng gia đứng trên và đứng ngoài mọi phe phái. Chúng lại càng không phải là thành qủa của những suy tư tổng quát hay nỗ lực tìm tòi triết lý thần học trừu tượng phi không gian và thời gian. Không, các thư của Phaolô phát xuất từ chính sinh hoạt truyền giáo và mục vụ của ngài. Chúng mang dấu vết ”ở đây và bây giờ”. Chúng là các thư viết ra trong các dịp khác nhau hay đúng hơn chúng là các câu trả lời khẩn cấp cho các vấn đề cụ thể cá biệt của các cộng đoàn Kitô do thánh nhân thành lập và là phương tiện cần thiết trong công tác tông đồ nhằm mục đích liên lạc với tín hữu của các giáo đoàn này, hay là kiểu cách chia sẻ các quan điểm của cùng một lòng tin với các tín hữu, như trong tường hợp thư gửi giáo đoàn Roma (Rm 1,12).
Tuy được viết ra trong các dịp ngẫu nhiên, các thư của thánh Phaolô không có tính cá nhân, nhưng mang chiều kích cộng đoàn. Bởi vì chúng luôn luôn diễn tả liên hệ giữa thánh nhân là tông đồ của Chúa Kitô và cộng đoàn tín hữu. Trường hợp thư gửi Philêmônê là bức thư có chiều kích cá nhân nhất cũng không ra khỏi khung cảnh chính thức và công khai ấy. Thật ra, ngay trong tư cách nhà văn Phaolô cũng luôn luôn trung thành với hình ảnh là con người của Tin Mừng. Trong chương 1,7 thư gửi giáo đoàn Galata, thánh nhân bênh vực sự thật của Tin Mừng chống lại khuynh hướng xuyên tạc của nhóm người Kitô gốc do thái qúa khích, muốn giải thích Tin Mừng tự do và giải phóng của Chúa Kitô theo quan điểm luật lệ của do thái giáo. Ngài viết: ”Không có một Tin Mừng nào khác đâu. Chẳng qua chỉ có mấy người gây rối loạn giữa anh chị em và muốn đánh đổ Tin Mừng của Chúa Kitô đó thôi”. Trong chương 1,16-17 thư gửi tín hữu Roma Phaolô khẳng định với tín hữu rằng Tin Mừng mà ngài rao giảng cho họ phát xuất từ chính Thiên Chúa và có mục đích đem lại ơn cứu độ cho con người, cho mọi người không trừ ai: ”Thật ra tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Bởi vì đó là quyền năng của Thiên Chúa nhằm trao ban ơn cứu độ cho mọi kẻ có lòng tin, trước tiên cho người do thái rồi cho người hy lạp. Thật vậy, bởi chính trong Tin Mừng mà sự công chính của Thiên Chúa được tỏ lộ ra bởi lòng tin và cho lòng tin theo lời đã viết: Kẻ công chính sẽ sống nhờ lòng tin”. Nghĩa là tín hữu được ơn cứu độ không phải nhờ các công việc phúc đức mình làm được như là phần thưởng hay gía mua vé vào cửa cuộc sống vĩnh cửu, nhưng là nhờ lòng tin và ơn thánh Thiên Chúa ban.
Trong các thư viết cho các giáo đoàn Tessalonica, Côrintô và Philiphê, thánh Phaolô lấy Tin Mừng làm điểm tham chiếu để giải quyết các vấn đề của anh chị em tín hữu. Chẳng hạn trong chơưng 4 thư thứ nhất gửi tín hữu Tessalonica, thánh Phaolô trình bầy giáo lý về cuộc sống đời sau dựa trên Tin Mừng phục sinh của Chúa. Đứng trước thái độ thiếu lòng tin và lòng cậy của nhiều tín hữu Tessalonica đau buồn thương khóc các thân nhân bạn bè qua đời đến như tuyệt vọng, Phaolô nhắc cho họ biết rằng nếu họ tin Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng phải xác tín rằng những kẻ chết trong Chúa Giêsu, cũng sẽ được Thiên Chúa đưa về với Ngài. Còn những người đang sống trên trần gian này thì trong ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm, cũng sẽ được cùng với các đã kẻ chết được sống lại, bước vào cuộc sống trường sinh với Chúa (1 Ts 4,13-18).
Với tín hữu Côrintô thánh Phaolô nhắc nhớ cho họ một nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống. Đó là lòng tin sống động và sâu xa đích thực có sức mạnh đem lại ơn cứu độ cho con người, phải là thứ lòng tin cụ thể, được hiện thực ra bên ngoài bằng việc tuân giữ các giáo huấn Tin Mừng. Do đó nếu tín hữu Côrintô chỉ nói rằng họ tin mà không sống các giáo huấn Tin Mừng thánh nhân đã giảng dậy cho họ, thì thứ lòng tin ấy là thứ lòng tin vô ích, không đem lại ơn cứu rỗi cho họ, như chúng ta có thể đọc trong chương 15 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô. Và Tin Mừng Phaolô đã rao giảng cho họ là Tin Mừng cuộc khổ nạn cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Vì thế trước cảnh tín hữu Côrintô để cho một số Kitô hữu gốc do thái qúa khích chủ trương bắt mọi người phải trở về tuân giữ luật lệ và truyền thống của Do thái giáo Phaolô đã nói lên nỗi âu lo của ngài. Phaolô sợ họ bị Satan lừa dối họ như nó đã từng lừa dối bà Evà xưa kia, khiến cho họ dần dần ra hư hỏng và đánh mất đi sự ngay thẳng trước mặt Chúa. Bởi vì họ đã tin và nghe theo những người tới rao giảng cho họ một Đức Kitô khác với Đức Kitô mà ngài đã loan báo cho họ, một Tin Mừng khác với Tin Mừng mà ngài đã loan truyền cho họ. Những ngừơi ấy lại còn khuyên họ lãnh nhận một Chúa Thánh Thần khác với Chúa Thánh Thần mà họ đã lãnh nhận, thế mà họ lại cứ tin theo. Đây là điều thánh Phaoplô đã đau đớn viết ra trong chương 11,4 thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô. Trong chương 13,4 cùng thư Phaolô lập lại Tin Mừng của Chúa Kitô chịu đóng đanh và khuyên tín hữu hãy lấy Tin Mừng của Chúa làm chuẩn để nghiêm chỉnh duyệt xét lại kiểu cách sống lòng tin của họ.
Lấy Chúa Kitô khiêm hạ chịu đóng đanh làm mẫu mực cho cuộc sống lòng tin và có cùng tâm tình như Chúa Kitô cũng là điều thánh nhân khuyên nhủ tín hữu Philiphê như viết trong chương 2 thư gửi cho họ. Phaolô khuyến khích họ hãy biết sống thương yêu nhau, đồng tâm nhất tríví nhau, không làm việc gì vì óc cạnh tranh, hay cầu danh hám lợi, nhưng biết sống khiêm tốn vui nhận kẻ khác trổi hơn mình và biết nghĩ đến ích lợi của kẻ khác trước khư không tìn lợi ích cho riêng mình.
Một mặt Phaolô rao giảng Tin Mừng cho tín hữu, mặt khác thánh nhân luôn khuyến khích họ sống theo tinh thần Tin Mừng ấy. Chẳng hạn trong hai chương 4 và 5 thư thứ nhất gửi tín hữu Tessalonica thánh nhân khuyên họ cố gắng sống thánh thiện và xa lánh tội dâm dục, biết kính trọng thân xác của họ và thân xác người khác, biết yêu thương mọi người, chăm chỉ làm việc bổn phận, thi hành nghề nghiệp của mình và không phiền lụy ai, biết tỉnh thức và sống như con cái của sự sáng, biết qúy trọng cá chủ chăn, răn bảo kẻ lười biếng, an ủi kẻ nhát sợ, nâng đỡ người yếu đuối và nhịn nhục mọi người, không lấy ác báo ác, luôn luôn làm điều thiện, luôn vui vẻ, cầu nguyện và cám tạ Thiên Chúa, không dập tắt Chúa Thánh Thần, không khinh khi lời các ngôn sứ, biết xem xét mọi sự bỏ điều xấu giữ điều tốt.
Trong thư gửi giáo đoàn Galata chương 5,13-6,10 thánh nhân khuyên tín hữu hãy sống theo Thần Khí cócác hoa trái là bác ái, vui mừng, binh an, nhẫn nại, nhân từ hiền lành, khoan dung, trung thực, khiêm tốn tiết độ, chứ đừng chạy theo các ham muốn của xác thịt khiến cho con người trở thành gian dâm, ô uế, phóng đãng, thờ tà thần, qủy thuật, thù oán, đố kỵ, hiềm khích, giận ghết, cãi cọ, bất hòa, bè phái, ghen tị, giết người, say sưa, mê ăn uống. Những kẻ phạm các tội ấy không được vào Nước Thiên Chúa.
Trong thư gửi giáo đoàn Roma chương 12,1 tới chương 15,13 thánh nhân cũng đưa ra các giáo huấn và lời khuyến khích tín hữu biết canh tân tâm trí, sống khiêm nhường và yêu thương nhau. Mỗi tín hữu phải ý thức được mình là một chi thể trong mình mầu nhiệm Chúa Kitô là Giáo hội, nên có các phận vụ đặc thù khác nhau cần chu toàn với ý thức trách nhiệm cao. Mỗi người đều nhận được các đặc sủng khác nhau, cần tận dụng và sinh lợi cho toàn thể Giáo hội. Thánh nhân cũng khuyên mọi người hãy luôn sống trong tươi vui, hy vọng, kên trì cầu nguyện và nhẫn nại, biết chia vui sẻ muộn và liên đới với nhau. Ngoài ra Phaolô còn khuyên mọi người biết chu toàn mọi bổn phận công dân của mình và tuân phục các chính quyền hợp pháp, tỉnh thức tránh xa tội lỗi, mặc lấy Chúa Kitô, không chiều theo sự thèm muốn của xác thịt, không làm gương xấu và nên cớ vấp phạm cho người yếu lòng tin, và cư xử hòa nhã với nhau.
Tóm lại chúng ta có thể định nghĩa các thư của thánh Phaolô là các tông thư hay thư mục vụ. Chúng thay thế cho lời giảng dậy trực tiếp sống động của thánh nhân trong công tác tông đồ mục vụ. Như thế là vì Phaolô không thể đến thăm các tín hữu cộng đoàn nên ngài mượn bút thay lời để hiện diện bên họ và tiếp tục giảng dậy hầu củng cố lòng tin của họ, hay giải đáp các vấn nạn cho họ. Cũng vì thế nên các thứ của thánh Phaolô cũng khác với loại văn thư tìm thấy trong các hang trên đường dẫn sang Ai cập chẳng hạn như thư của triết gia Seneca gửi Lucilio, hay các thư có tính cách gia đình và thương mại. Các thư của Phaolô giống thư ngôn sứ Giêrêmia viết cho tín hữu do thái đi đầy bên Babilonia (Gr 29,1-23) hay thư gửi người do thái sống bên Ai cập như thu thập trong sách Macabây hai (Mcb 1,1-2,18). Nhưng thật ra hiện nay giới hoc giả Kinh Thánh Tân Ước đều công nhận rằng các thư của Phaolô có nét riêng tư độc đáo của chúng. Đó là chúng phản ánh cuộc sống của thánh nhân và của các cộng đoàn do thánh nhân thành lập.
Các thư được viết trên loại giấy làm bằng sậy Papyrus, là loại giấy thông dụng, rẻ tiền và dễ mua thời đó. Phaolô đã đọc cho một thư ký viết. Trong số các thư ký đó chúng ta chỉ biết được chắc chắn tên của ông Terzô như ghi trong chương 16,22 thư gửi tín hữu Roma. Thường khi thánh nhân cũng tự tay viết vài hàng cuối trước khi ký tên như trường hợp thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô chương 16,21. Trong chương 6,11 thư gửi giáo đoàn Galata thánh Phaolô viết: ”Anh chị em hãy chú ý xem những dòng chữ lớn chính tay tôi viết cho anh chị em đây”.
Ngoại trừ thư gửi ông Philêmônê có tính cách cá nhân, các thư khác đều được gửi cho các giáo đoàn, vì thế được tuyên đọc trong các buổi hội họp cử hành phụng vụ. Bằng chứng là trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Tessalonica chương 5,27 thánh nhân dặn là phải đọc cho hết mọi người nghe. Vì thế nên nếu chúng ta có gặp ở đầu thư hay cuối thư các công thức phụng vụ, thì cũng là điều dễ hiểu.
2. CÁC HÌNH THÁI VĂN CHƯƠNG ĐẶC BIỆT TRONG THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ
So sánh các thư của thánh Phaolo với loại thư tín thuộc thế giới hy lạp- roma thời đó, chúng ta thấy chúng theo một lược đồ kết cấu giống nhau. Nghĩa là gồm lời mở đầu, với tên người gửi và người nhận, lời chào đầu thư, rồi thường là một câu khuyến khích mào đầu trước khi vào phần chính. Sau cùng là phần kết luận với các lời chúc mừng và lời chào tạm biệt.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn các thư của thánh Phaolô người ta có thể nhận ra nhiều khác biệt đáng kể. Thật vậy, các tính chất thần học-tôn giáo của người gửi cũng như của người nhận và các công thức phụng vụ thường gặp trong phần mở đầu và phần kết luận là những đặc thái không tìm thấy trong các thư tín khác thời đó. Điển hình như lời mở đầu thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô sau đây: ”Tôi là Phaolô được gọi làm tông đồ của Chúa Giêsu Kitô do ý muốn của Thiên Chúa, cùng với người anh em là Sostene, gửi lời chào giáo hội của Thiên Chúa ở Côrintô, đến những người đã được thánh hóa trong Chúa Kitô Giêsu, được mời gọi nên thánh cùng với tất cả những người kêu cầu danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa của họ và là Chúa của chúng ta. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và nguyện xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh chị em được ơn phúc và bình an” (1 Cr 1,1-3). Còn trong lời kết luận thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô viết: ”Xin ơn phúc của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu thương của Thiên Chúa và sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13.13).
Sự thường phần chính của thư được mở đầu với lời cám tạ Chúa đã cho cuộc sống của giáo đoàn triển nở và sinh hoa trái tốt tươi. Trừ trường hợp thuư gửi tín hữu Galata. Và đây cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì trong giáo đoàn Galata thời đó đã nảy sinh ra tình trạng chối bỏ lòng tin, vì thế thánh Phaolô không thể nói tới tiến trình phát triển lòng tin được. Trong thư thứ hai gửi tín hữu Corinto đề tài Thánh Thể được thay thế bằng đề tài chúc tụng: Phaolô chúc tụng Thiên Chúa Cha là nguồn mạch mọi sử ủi an và là Đấng đã giải thoát ngài khỏi nguy cơ bị giết chết tại thành phố Êphêxô.
Đọc các thư của thánh Phaolô chúng ta cũng dễ nhận ra các hình thái văn chương, kiểu cách diễn tả và các thể văn riêng biệt. Từ việc nghiên cứu lịch sử-hình thể học (storico-morfologico) của các Phúc Âm, các học giả kinh thánh đã thành công trong việc áp dụng khoa nghiên cứu lịch sử-hình thể học vào các thư của thánh Phaolô. Từ đó chúng ta phân loại được các kiểu diễn tả phụng vụ truyền thống như từ ”Amên” kết thúc các lời nguyện cầu, có nghĩa là ”Chắc chắn như vậy”, hoặc dịch nôm na hơn là ”Ước gì được như vậy”, lời kêu xin ”Maranatha” trong tiếng Aramây có nghĩa là ”Lậy Chúa, xin hãy đến!” (1 Cr 16,22); ”Abba”, trong tiếng Aramây có nghĩa là “Papa”, ”Ba” (Gl 4,6; Rm 8,15); ”Anathêma” có nghĩa là ”Bị chúc dữ”. Đây là từ hy lạp dịch từ do thái ”herem” trong Cựu Ước, ám chỉ luật tàn sát thù địch trong quan niệm thánh chiến, như viết trong sách Đệ Nhị Luật chương 7,2. Trong nghĩa rộng hơn một thực tại bị coi như là vật herem có nghĩa là vật ô uế và đáng kinh tởm, như viết trong câu 26 cùng chương 7 sách Đệ Nhị Luật. Chẳng hạn trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chương 16,22 thánh Phaolô viết: ”Nếu ai không yêu mến Chúa, thì người đó bị chúc dữ. Lậy Chúa, xin hãy đến!”.
Bên cạnh đó là các công thức khấn cầu như: ”nguyện xin Thiên Chúa của bình an ở cùng tất cả anh chị em, Amen” như viết trong chương 15,33 thư gưỉ tín hữu Roma. Ngoài ra cũng không thiếu các lời cầu được khai triển rộng rãi hơn, trong đó thánh Phaolô khẩn nài Thiên Chúa Cha cho các tín hữu. Chẳng hạn như lời cầu việt trong cùng chương 15,13 thư gửi tín hũu Roma: ”Chớ gì Thiên Chúa của niềm hy vọng ban cho anh chị em được chứa chan vui mừng và bình an, để nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần anh chị em được tràn đầy hy vọng!”. Vẫn trong phạm vi phụng tự, còn có các công thức chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa. Rõ ràng nhất là công thức kết thúc thư gửi tín hữu Roma trong chương 16,25-27: ”Vinh danh Đấng đã có quyền củng cố anh chị em trong Tin Mừng tôi đã loan báo khi rao truyền Đức Giêsu Kitô, theo mạc khải của mầu nhiệm từ đời đời được giữ kín, nhưng nay đã được tỏ hiện ra cho mọi dân ngoại biết tới qua tác phẩm của các ngôn sứ theo lệnh của Thiên Chúa vĩnh cửu, hầu dẫn đưa các dân tộc đó tới sự vâng phục của lòng tin. Qua Đức Giêsu Kitô vinh danh Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan duy nhất, đời đời kiếp kiếp. Amen!”. Nhưng nhiều học gỉa ngày nay cho rằng công thức trên đây không phải của thánh Phaolô, mà được thêm vào sau này. Tuy nhiên, có nhiều công thức tôn vinh Thiên Chúa đích thực là của thánh nhân. Chẳng hạn lời tôn vinh trong chương 4,20 thư gửi giáo đoàn Philiphê: ”Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta đến muôn thủơ muôn đời Amen!”. Trong trường hợp khác lời tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa nổi bật lên giữa trình thuật như ở chương 11,31 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô: ”Thiên Chúa là Cha Chúa Giêsu, Đấng đáng chúc tụng luôn mãi, biết rằng tôi không nói dối”.
Ngoài các kiểu diễn tả trong bối cảnh phụng tự trên đây còn có các lời thề. Đề cập tới thái độ sống và rao truyền Tin Mừng một cách hoàn toàn vô vị lợi của mình và của các sộng sự viên, thánh Phaolô phân trần với tín hữu Tessalonica trong chương 2 thư thứ nhất gửi cho họ như sau: ”Thật thế, như anh chị em biết đấy, chúng tôi không bao giờ dùng lời phỉnh nịnh, và có Chúa làm chứng, chúng tôi không bao giờ tìm tư lợi” (1 Ts 2,5). Trong tình trạng căng thẳng buồn phiến với tín hữu Côrintô, thánh Phaolô viết trong chương 1 thư thứ hai gửi cho họ: ”Phần tôi, tôi xin lấy Thiên Chúa làm chứng trên sự sống của tôi. Chính vì nể anh chị em mà tôi chưa trở lại thành Côrintô” (2 Cr 1,23). Trong thư gửi tín hữu Philiphê chương 1,8 thánh nhân viết: ”Có Chúa làm chứng cho tôi, tôi yêu thương anh chị em chẳng khác gì Đức Giêsu Kitô yêu thương anh chị em”.
Tất cả những công thức kể trên chứng minh cho thấy tâm tình sống động và cảm xúc mà thánh Phaolo chia sẻ với các tín hữu trong thư viết cho họ. Nhưng còn một thể thức văn chương quan trọng khác trong các thư của thánh nhân. Đó là loại thánh ca. Điển hình là bài thánh ca chúc tụng Thiên Chúa trong chương 11,33-36 thư gửi giáo đoàn Roma: ”Ôi cái thẳm sâu của sự giầu sang, khôn ngoan và hiểu biết lựa lọc của Thiên Chúa! Các cử chỉ sự công chính cứu độ của Ngài vô lường biết bao, và các đường lối Ngài không thể dò thấu được là chừng nào! Thật ra, nào có ai đã biết được tư tưởng của Chúa? Hay ai đã là cố vấn của Ngài? Hoặc ai đã cho Ngài trước để được Ngài trả lại sau? Bởi vì mọi sự đều là của Ngài, nhờ Ngài và cho Ngài. Vinh quang Ngài vĩnh cửu Amen!”. Các lời ngợi khen cám tạ tình thương Chúa trong chương 8,31-39 cùng thư cũng có giọng điệu của một bài thánh ca: ”Còn nói gì thêm nữa? Nếu Thiên Chúa phò chúng ta, thì ai sẽ chống lại ta? Ngài đã không tha cho chính Con Ngài, nhưng đã phó nộp Người cho chúng ta hết thảy, thì làm sao Ngài lại không ban cho chúng ta mọi sự với Người? Ai sẽ cáo tội những người được Thiên Chúa lựa chọn? Thiên Chúa công chính hóa họ. Ai sẽ kết án họ đây? Đức Giêsu Kitô đã chết, còn hơn thế nữa đã sống lại, là Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa và càu bầu cho chúng ta. Ai sẽ tách rời chúng ta khỏi tình yêu thương của Chúa Kitô? Buồn sầu, âu lo, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy hay gươm giáo ư? theo như lời đã viết: ”Vì Người chúng tôi bị sát phạt suốt ngày, bị coi như thú vật của lò sát sinh”. Nhưng trong mọi sự, nhờ Đấng đã yêu thương chúng tôi, chúng tôi toàn thắng. Phải, tôi thâm tín rằng không có gì: sự sống cũng như sự chết, các thiên thần cũng như các quyền lực thống trị, hiện tại cũng như tương lai, các cường lực, các sức mạnh trên cao cũng như các sức mạnh của vực thẳm, cũng không có thụ tạo nào khác, không có gì có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu thương của Thiên Chúa đã thể hiện trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”.
Trong các thư của thánh Phaolô còn có hai bài thánh ca tuyệt diệu khác. Đó là bài thánh ca chúc tụng sự khiem hạ của Chúa Giêsu Kitô trong chương 2,6-11 thư gửi tín hữu Philiphê. Bài thánh ca này đã được sáng tác ra trước đó và truyền tụng trong các giáo đoàn Kitô tiên khởi và được thánh Phaolô dùng lại ở đây để khuyến khích tín hữu noi gương sống của Chúa Kitô. Chúa Giêsu Kitô, ”phận là phận của một vì Thiên Chúa nhưng đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã tự dốc đổ hết để nhận lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống loài, đem thân đội lốt người phàm. Ngài đã hạ mình trở thành vâng phục cho tới chết và chết trên một cây thập tự! Chính vì thế Thiên Chúa đã siêutôn Ngài lên và ban cho Ngài danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe thánh danh Giêsu, mọi gối đều qùy xuống, trên trời cũng như dưới đất và dưới lòng đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa, làm vinh hiển cho Thiên Chúa Cha”.
Bài thánh ca thứ hai thường gọi là bài ca đức Ái trong chương 13 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô. Nó không có hình thái hoàn toàn của một bài thánh ca, nhưng có âm điệu thánh ca. Trong đó thánh Phaolô khẳng định rằng chính lòng yêu mến và cường độ yêu mến trao ban gía trị cho mọi lời nói và việc làm của tín hữu. Cả ba nhân đức đối thần đức Tin, đức Cậy và đức Mến đều cần thiết cho ơn cứu rỗi của con người. Nhưng đức Mến cao trọng nhất, vì nó là nhân đức định đoạt cho cuộc sống đời sau, và tồn tại vĩnh cửu trong cuộc sống mến yêu kết hiệp với Thiên Chúa là suối nguồn Tình Yêu Thương và là Tình Yêu Thương.
3. MỘT SỐ HÌNH THÁI VĂN CHƯƠNG ĐẶC THÙ KHÁC TRONG CÁC THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ
Khi tìm hiểu các hình thái văn chương trong các thư của thánh Phaolô, người ta nhận thấy chúng đều là những hình thái đặc thù không có trong loại thư tín thời đó. Trước tiên là các tính chất thần học-tôn giáo của người gửi cũng như của người nhận, tiếp đến là các công thức phụng vụ trong phần mở đầu và kết luận, các công thức khấn nguyện, các lời thề và các bài thánh ca. Nhưng bên cạnh đó còn có các công thức tuyên xưng lòng tin của truyền thống kitô, các văn bản thuộc loại tiểu sử tự thuật, lẫn lộn với các văn bản bênh vực Kitô giáo và tranh luận với các kẻ đối nghịch với thánh nhân hay với Giáo Hội. Rồi còn có các lời khuyến khích, khuyên nhủ, các bảng liệt kê các nhân đức phải trau dồi và các tật xấu phải từ bỏ. Sau cùng là sự kiện thánh Phaolô thường xuyên trích Kinh Thánh Cựu Ước để làm nền cho các suy tư thần học của ngài.
Khi nghiên cứu các hình thái văn chương đặc thù này giới học giả trường phái lịch sử-hình thể học (storico-morfologico) cũng đã tìm xác định sự tùy thuộc của thánh Phaolô đối với các công thức truyền thống tuyên xưng lòng tin trong các cộng đoàn Kitô tiên khởi, và đối với các văn bản ghi chép lại kinh tin kính của Giáo hội thời khai sinh. Các học giả này đi tới kết luận sau đây: đó là thánh Phaolô hay trích các công thức ấy và dùng chúng làm nền tảng suy tư thần học của mình.
Chẳng hạn đối với tín hữu Thêxalônica rơi vào cảnh qúa bi thương khi nghĩ tới các thân nhân của họ đã qua đời, thánh Phaolô lấy lại lời Giáo Hội tiên khởi tuyên xưng lòng tin vào Chúa Kitô tử nạn và phục sinh để giảng giải, an ủi và trao ban niềm hy vọng cho họ. Vì thế thánh nhân viết trong chương 4 thư thứ nhất gửi cho họ như sau: ”Thưa anh chị em, chúng tôi muốn anh chị em hiểu rõ về số phận của các kẻ chết, để anh chị em khỏi phải buồn phiền như những người không có lòng trông cậy. Nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, thì những kẻ chết trong Chúa Giêsu cũng sẽ được Thiên Chúa đưa về với Ngài qua Đức Giêsu Kitô và với Đức Giêsu Kitô” (1 Ts 4,13-14). Trong chương 15 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô Phaolô cũng dùng cùng một kiểu cách đó để trình bầy các suy tư thần học về cái chết và sự sống lại. Nghĩa là thánh nhân đi từ dữ kiện lòng tin của Kitô giáo vào mầu nhiệm cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô để chứng minh cho tín hữu thấy rằng biến cố Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại là điều cần thiết, vì nó bảo đảm cho sự phục sinh của mọi người tin vào Chúa Giêsu Kitô. Lòng tin tháp nhập tín hữu vào chính cuộc sống phục sinh thần thiêng của Chúa Giêsu Kitô. Phaolô viết: ”Trước hết tôi đã thông truyền cho anh chị em điều mà chính tôi cũng đã nhận được. Đó là Chúa Kitô đã chết cho tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh và Ngài đã được mai táng. Ngày thứ ba Ngài đã sống lại theo lời Kinh Thánh và đã hiện ra với Kêpha rồi với Nhóm Mười Hai” (1 Cr 15,3-5).
Các thư của thánh Phaolô cũng gồm nhiều văn bản tiểu sử tự thuật. Phaolô cho tín hữu biết các biến cố đã xảy ra cho mình hay cho các cộng sự viên và tín hữu trong các giáo đoàn khác. Điển hình là trong chương 2 thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, thánh nhân cho họ biết mình và các cộng sự viên đã gặp rất nhiều khốn khổ và nhục nhã tại thành Philiphê. Thánh nhân khuyên họ sống xứng đáng với Thiên Chúa, vững tin, và can đảm chịu khổ đau trước các nhóm người do thái đồng hương chống đối và bắt bớ Kitô giáo. Họ cũng đã bắt bớ Phaolô và các cộng sự viên, và tìm mọi cách ngăn cản công tác rao truyền Tin Mừng cứu độ (1 Ts 2,1-16). Trong hai chương đầu thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô nói ngài không muốn dấu họ các bắt bớ khổ đau đã phải chịu bên Tiểu Á. Chúng nặng nề đến độ khiến cho thánh nhân và các cộng sự viên phải tuyệt vọng, không thiết sống nữa. Nhưng Chúa đã thương cứu các vị khỏi chết. Phaolô xin tín hữu Côrintô tiếp tục tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho ngài và cho các cộng sự viên. Ngài cũng cho họ biết là có dự định tới Côrintô thăm họ, rồi đi sang vùng Macedonia và trở lại Côrintô để nhờ họ đưa về Giuđêa. Nhưng trong tình trạng căng thẳng buồn phiền như thế của tín hữu cộng đoàn đối với ngài, thánh nhân cũng không vui và thấy không phải là lúc thuận tiện. Phaolô cũng cho họ biết ngài đã tới thành Troia và từ đó sang Macedonia. Trong chương 7, 5-16 Phaolô cho biết khi tới Macedonia ngài và các cộng sự viên cũng không được nghỉ ngơi, trái lại gặp mọi sự khốn khó, chiến đấu bên ngoài và sợ hãi bên trong. Nhưng tin tức Titô đem tới cho biết là tín hữu Côrintô hối lỗi, đã khiến cho thánh nhân tiếp tục vui sống. Khi khác nữa Phaolô nhắc lại các kỷ niệm trong thời gian chung sống với các tín hữu (1 Ts 2,17-3,13: Gl 4,12 tt.)
Tuy nhiên việc thông tin tức hay gợi lại các kỷ niệm đó không nhằm mục đích kể lại tiểu sử của cá nhân Phaolô, mà liên hệ tới Phaolô như là tông đồ của Chúa Kitô. Thật thế, Phaolô là người hoàn toàn tùy thuộc Chúa Kitô nên không còn có cuộc sống riêng tư nữa. Mọi sự trong đời ngài đều mang chiều kích truyền giáo và mục vụ. Ngay cả biến cố bị xiềng xích tù tội cũng là dịp Chúa quan phòng cho phép xảy ra để thánh nhân rao giảng Tin Mừng, như ngài viết trong chương 1,13-14 thư gửi tín hữu Philiphê. Đây là lý do giải thích tại sao các văn bản tiểu sử tự thuật không phải là các biến cố rời rạc, mà luôn luôn liên hệ tới sứ mệnh rao truyền Tin Mừng. Rất thường khi các văn bản tiểu sử tự thuật được ý hướng biện hộ hướng dẫn. Phaolô chống lại các lời vu khống của nhóm thừa sai kitô gốc do thái và tranh luận với họ về nhiều vấn đề liên quan tới giáo lý tinh tuyền của Tin Mừng và cuộc sống của cộng đoàn tín hữu.
Ngoài ra cũng phải ghi nhận rằng việc biện hộ và tranh luận ấy đôi khi vượt qúa khuôn khổ của các văn bản tiểu sử tự thuật, và bao gồm một phần quan trọng của thư. Điển hình là thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô chương 2,14 tới chương 7,4, mà chúng ta có thể gọi là thư hộ giáo, hay chương 10,1 tới chương 13,13, có thể gọi là thư tranh luận. Phaolô không nêu rõ danh tánh các người thù địch và chống đối ngài, nhưng các lời lẽ thánh nhân dùng để chống lại họ có giọng điệu vô cùng cứng rắn. Chẳng hạn trong chương 16,17-20 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô khuyên tín hữu đề phòng và phải xa lánh những kẻ gây chia rẽ và làm gương mù gương xấu, bằng cách xa rời các giáo huấn mà họ đã nhận lãnh, bởi vì những kẻ đó không phụng sự Chúa Kitô, mà chỉ phụng sự cái bụng của họ. Họ dùng các lời nói đẹp đẽ và các diễn văn phỉnh nịnh để lường gạt những tâm lòng đơn sơ. Tuy vui sướng biết rằng tín hữu Roma nổi tiếng là vâng lời, thánh Phaolô cũng muốn cho họ được khôn ngoan trong việc thiện, và tinh tuyền trước sự dữ. Thiên Chúa của bình an chẳng bao lâu nữa sẽ nghiền nát Satan dưới chân họ.
Trong chương 3,1-21 thư gửi tín hữu Philiphê, Phaolô cũng khuyên tín hữu đề phòng những người tìm lung lạc lòng tin của họ vào Tin Mừng tinh tuyền của Chúa Kitô. Ở đây chúng ta không biết các thù địch ấy là ai, xem ra họ là nhóm thừa sai kitô gốc do thái qúa khích chủ trương bắt các tín hữu hy lạp và không phải gốc do thái phải theo Luật Lệ của do thái giáo, đặc biệt là luật cắt bì. Chúng ta cũng không biết các thù địch ấy thuộc một nhóm đồng nhất hay gồm nhiều nhóm khác nhau. Dù họ có là ai đi nữa, đối với Phaolô họ cũng đều là những kẻ đã phản bội Tin Mừng của Chúa Kitô, và trở thành dụng cụ Satan dùng để đánh phá Giáo Hội. Phaolô dùng các từ rất nặng để định nghĩa căn cước của họ. Thánh nhân gọi họ là ”loài chó”, là ”bọn thợ gian ác”, là ”các kẻ cắt bì giả dối”, tin cậy vào xác thịt và Luật Lệ, ”ăn ở như thù địch của thập giá Chúa Kitô”, sống hư hỏng, thờ cái bụng và chỉ nghĩ đến những sự đời này. Số phận của họ là sự hư mất. Không còn lời lẽ nào nặng hơn thế nữa. Đôi khi giận qúa thánh Phaolô đưa ra lời nguyền rủa giống giọng điệu lời nguyền rủa của các ngôn sứ trong thời Cựu Ước. Điển hình là thư gửi tín hữu Galát. Galát là cộng đoàn cũng đã bị rơi vào bẫy đánh phá và chia rẽ của nhóm thừa sai kitô gốc do thái qúa khích nói trên. Tín hữu cộng đoàn đã bỏ Tin Mừng tự do và giải phóng tinh tuyền như thánh Phaolô đã rao giảng cho họ để quay trở về sống theo xác thịt và Luật Lệ, chối bỏ lòng tin và Chúa Thánh Thần để lại đeo lấy ách nô lệ của các thứ luật do thái, đặc biệt là luật cắt bì. Thánh nhân viết trong chương 5 câu 10 và câu 12: ”Dù họ có là ai đi nữa, kẻ gây rối loạn trong anh chị em sẽ bị trừng phạt vì tội đó... Những kẻ gieo rối loạn giữa anh chị em ấy, ước gì họ đi tới chỗ chặt đứt thân mình cho hoàn toàn tàn tật đi!”.
4. THỂ VĂN CÁNH CHUNG KHẢI HUYỀN VÀ KHUYẾN DỤ TRONG CÁC THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ
Vào thời thánh Phaolô vấn đề cánh chung khải huyền (escatologico-apocalittico) là một đề tài thần học được nền văn chương của do thái giáo khai triển rất rộng rãi. Nó có các đặc thái sau đây: thứ nhất là niềm hy vọng vào sự sống lại ngày sau hết, thứ hai là quan niệm nhị nguyên về hai thế giới: thế giới tương lai (ha 'ôlam habba) và thế giới hiện tại (ha 'ôlam hazze) và thứ ba là các miêu tả tưởng tượng về vũ trụ. Thánh Phaolô cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng của trào lưu cánh chung khải huyền này, nhưng ngài sửa chữa nhiều điều và đưa ra nhiều nét độc đáo riêng tư.
Trước hết Phaolô không chấp nhận nguyên tắc thế giới tương lai thay thế thế giới lịch sử hiện tại vào thời sau hết. Vì đối với Phaolô, nhờ Chúa Giêsu Kitô, thế giới mới đã bắt đầu ngay trong lịch sử hiện tại và chiến đấu chống lại các lực lượng sự dữ và cái chết khuynh đảo cuộc sống con người. Cuộc sống mới, cuộc sống thiên linh, mà Chúa Giêsu Kitô phục sinh đã trao ban cho tín hữu qua lòng tin, khiến cho họ trở thành một thụ tạo mới và ngay từ đời này đã được nếm hưởng cuộc sống mai sau rồi. Chính vì thế trong chương 5,17 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô thánh nhân viết như sau: ”Ai sống cuộc sống của Chúa Kitô là một thụ tạo mới. Thế giới cũ đã qua rồi, và này đây một thực tại mới đã xuất hiện”. Chính cuộc sống mới trong Chúa Kitô ấy khiến cho tín hữu trở thành một con người mới, vì sống theo Tin Mừng của Chúa Kitô, chứ không phải theo lề luật hay việc tuân giữ lề luật. Do đó thánh nhân mới khẳng định với tín hữu Galát trong chương 6,15 rằng: ”Điều quan trọng không phải là việc cắt bì hay không cắt bì, mà là trở nên thụ tạo mới”.
Ngoài ra Phaolô cũng giản lược các miêu tả, để chỉ tập trung vào nội dung của niềm hy vọng kitô. Đó là đợi chờ ngày được hiệp thông trọn vẹn và bất diệt với Chúa Kitô. Trong chương 4,17 thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica sau khi khẳng định rằng vào ngày tận thế, Chúa Kitô sẽ quang lâm và cho các kẻ chết được sống lại, thánh nhân an ủi tín hữu như sau: ”Đoạn đến lượt chúng ta là những kẻ còn đang sống, chúng ta cũng sẽ được cất lên cao trên các tầng mây, cùng với họ đến gặp Chúa Kitô trên không trung. Và như thế chúng ta sẽ ở với Chúa luôn mãi”. Ở với Chúa, sống với Chúa, kết hiệp với Chúa luôn mãi là điệp khúc thánh Phaolô lập đi lập lại trong các thư gửi giáo đoàn Thêxalônica và Philiphê (1 Ts 5,10; Pl 1,23). Vào cuối chương 4 thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, thánh Phaolô đề cập tới ngày mọi tín hữu sẽ được sống lại và về với Chúa Kitô trong thời cánh chung (1 Ts 4,13-18). Sang chương 5 thư gửi tín hữu Thêxalônica thánh nhân miêu tả ngày của Chúa. Tuy không ai biết ngày nào giờ nào Chúa Kitô sẽ quang lâm, nhưng vì là con cái của sự sáng và bước đi trong ban ngày, chứ không phải là con cái của tối tăm, nên các tín hữu không sợ ngày đó sẽ đến với mình bất thình lình như kể trộm. Tuy nhiên thánh Phaolô khuyên tín hữu hãy luôn biết tỉnh thức và sống tiết độ, lấy đức Tin, đức Mến làm áo giáp, lấy đức Cậy và ơn cứu độ làm mũ chiến. Vì Thiên Chúa muốn cho họ đựơc cứu rỗi, và Chúa Kitô đã chết cho họ để trong khi thức cũng như khi ngủ họ đều sống với Người.
Trong thứ thứ nhất gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô đã dành chương 15 để đề cập tới biến cố Chúa Kitô, sự phục sinh và các hoa trái mà người tín hữu nhận được qua lòng tin vào Chúa Kitô và sự sống lại của Ngài. Nếu Chúa Giêsu Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng Tin Mừng của các tông đồ và lòng tin của các tín hữu trở thành hư không và vô ích. Nhưng bởi vì Chúa Giêsu Kitô đã sống lại và hiện ra với nhiều chứng nhân mà Ngài tuyển chọn trong đó có cả Phaolô, nên mọi người tin vào Chúa Kitô cũng sẽ được sống lại, có được cuộc sống hiển vinh và thân xác thần thiêng sáng láng như thân xác của Chúa Kitô. Chúa Giêsu Kitô phục sinh là hoa trái đầu mùa của một nhân loại mới, và Ngài trao ban cho loài người mầm giống sự sống mới thần thiêng bất tử. Ở cuối chương 4 đầu chương 5 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô Phaolô cũng đề cập tới sự sống lại của thân xác và khuyến khích tín hữu đừng sự hãi. Mọi khó khăn và thử thách mà họ phải chịu ở đời này không là gì so với cuộc sống thần thiêng bất diệt mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ trong đời sau. Tuy hiện nay tín hữu phải rên siết trong thân xác nặng nề yếu đuối này, và còn phải sống xa Chúa, nhưng cần phải kiên trì thắp sáng niềm hy vọng luôn mãi. Có được về với Chúa với thân xác còn sống của mình hay phải bỏ căn nhà thân xác này không là điều quan trọng. Điều quan trọng là phải luôn tìm sống đẹp lòng Chúa. Vì mọi người đều phải ra trước tòa Chúa phán xét để nhận lãnh phần thưởng hay án phạt theo những gì đã làm trong khi còn sống với thân xác trên trần gian này (2 Cr 4,16-5,10). Kiên trì trước khổ đau và giữ vững niềm hy vọng vào cuộc sống tái sinh mà Thiên Chúa sẽ ban cho trong ngày cánh chung, đó cũng là điều thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Roma trong chương 8,18-25 thư gửi cho họ. Phaolô thôi thúc mọi người kiên nhẫn đợi chờ ngày được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, ngày thoát khỏi sự hư nát của thân xác, để được tự do và thông phần vào vinh quang với mọi con cái Chúa. Vào cuối chương 3 thư gửi tín hữu Philiphê thánh Phaolô cũng khuyên họ như sau: ”Phần chúng ta, chúng ta có quê hương ở trên trời, từ đó Đấng Cứu Thế mà chúng ta ngóng đợi là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sẽ đến. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta, và làm cho nó trở nên giống thân xác vinh quang của Ngài, với sức mạnh khiến Ngài quy phục được mọi sự” (Pl 3,21-22).
Trong số các thể văn thánh Phaolô dùng, còn có thể văn khuyến khích kèm theo các lý do, và danh sách các nhân đức hay tật xấu. Điển hình là chương 13 thư gửi tín hữu Roma, trong đó Phaolô khuyên tín hữu vâng phục chính quyền dân sự hợp pháp, vì như thế là tuân hành trật tự Thiên Chúa đã đặt định (Rm 13,1-7). Trước đó trong chương 12 qua một loạt các động từ ở thể sai khiến, thánh nhân khuyến khích tín hữu đừng học đòi theo thói thế gian, nhưng hãy biết biến đổi tâm lòng, mỗi người hãy ý thức được vị trí và phận vụ của mình trong thân mình mầu nhiệm của Chúa là Giáo Hội, dùng các đặc sủng Chúa ban mà phục vụ và yêu thương mọi người, luôn sống liêm chính, trung thành, sốt sắng, tươi vui, hy vọng, khoan hòa và khiêm nhường. Bên cạnh các lời khuyên thánh Phaolô cũng thường liệt kê các nhân đức phải thực hành hay các tật xấu phải tránh. Ở cuối chương 1 thư gửi tín hữu Roma, thánh nhân kê khai ra các hậu qủa tiêu cực trong cuộc sống của những người chối bỏ phụng thờ Thiên Chúa: ”Tâm lòng họ chứa đầy mọi thứ bất công, gian ác, tham lam, độc dữ, tràn ngập đố kỵ thèm muốn, sát nhân, cãi cọ, mưu mô, man trá, bỏ vạ cáo gian, nói xấu nói hành, phản nghịch cùng Thiên Chúa, khiêu khích, kiêu căng, khoác lác, gian tà, bất hiếu, ngu muội, không liêm chính, vô tâm, bất nghĩa”. Trong chương 13,13 cùng thư Phaolô khuyến khích mọi người: ”Chúng ta hãy sống liêm chính như giữa ban ngày, không chè chén say sưa, dâm dật phóng đãng, không gây gỗ ghen tương”. Còn trong chương 5 thứ thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu: ”Tôi đã viết thư dặn anh chị em đừng giao du với hạng người trụy lạc. Tôi không đề cập một cách chung chung đến những kẻ dâm dật của thế gian này đâu, hay nói tới hạng trộm cướp, tham ô hay thờ quấy nào... Nay tôi lập lại là đừng ngồi ăn với một người mang danh là tín hữu kitô, mà lại dâm dật, tham ô, thờ tà thần, vu khống, nghiện ngập hay trộm cắp” (1 Cr 5,10-11; 6,9-10; 2 Cr 12,20-21). Trong chương 5,19-21 thư gửi tín hữu Galát, thánh nhân cảnh cáo tín hữu đừng sống theo xác thịt. Bởi vì hoa trái của nó là ”dâm bôn, ô ế, phóng đãng, thờ quấy, ma thuật, hằn thù, kình địch, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè đảng, ganh tị, say sưa, chè chén và các điều khác giống như vậy... Những kẻ làm các điều ấy sẽ không được vào Nước Thiên Chúa”.
Hơn là sai khiến, thánh Phaolô khuyến khích, khuyên nhủ, nài van, và khẩn cầu. Thay vì mất đi sức mạnh của chúng, các lời của thánh nhân lại vang vọng như tiếng kêu mời phát xuất từ chính các hành động cứu rỗi của Thiên Chúa và của Chúa Kitô. Chẳng hạn trong chương 10 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô thánh nhân viết: “Chính tôi là Phaolô, tôi xin khuyến khích anh chị em qua lòng nhân thứ và hiền từ của Đức Kitô” (2 Cr 10,1). Trong thư gửi tín hữu Roma chương 12,1 Phaolô viết: ”Vì vậy nên tôi khuyến khích anh chị em nhân danh lòng xót thương của Thiên Chúa”. Và trong chương 1 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô thánh nhân cũng nói: ”Hỡi anh chị em, tôi khuyến khích anh chị em nhân danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”.
Điểm sau cùng cần nhắc đến ở đây là sự kiện thánh Phaolô hay trích và dùng văn bản Kinh Thánh Cựu Ước Hy Lạp, đôi khi với lời dẫn nhập, khi khác một cách trực tiếp. Đặc biệt trong các chương 4, 9, 10 và 11 thư gửi tín hữu Roma, và trong thư gửi tín hữu Galát chương 3,6-29 và chương 4,21-31. Phaolô dùng kiểu chú giải của các rabbi do thái để chứng minh rằng giáo lý thần học về sự công chính hóa ngài rao giảng đặt nền tảng trên Lời Chúa và đã được nhắc tới trong Kinh Thánh Cựu Ước. Mọi lời Thiên Chúa hứa xưa kia đã được hiện thực nơi con người của Đức Giêsu Kitô, là Đấng Cứu thế và là Chúa (2 Cr 1,20; 10,11).
5. CÁC KIỂU HÀNH VĂN CHÍNH TRONG THƯ THÁNH PHAOLÔ
Khi đọc các thư của thánh của Phaolô chúng ta có thể nhận ra ba kiểu hành văn chính: thứ nhất là lối lý luận phản đề (antitesi), thứ hai là loại văn châm biếm của trường phái khuyển nho khắc kỷ (diatriba cinico-stoica, và thứ ba là thể văn chuyển cú thình lình (anacoluti).
Thật vậy, các lý luận thần học của thánh Phaolô được trình bầy dưới hình thức đối kháng giữa nhiều cặp ý niệm diễn tả hai thái cực trái nghịch nhau như: cái chết và sự sống lại (Rm 5-6; 8), luật lệ Môshê và lòng tin (hay ơn thánh) (Rm 3,21-4,25; Gl 3,1-29), thịt xác và Thần Khí (Rm 8; Gl 5,16-26), sự hư mất và ơn cứu độ (1 Cr 1,18; 2 Cr 2,15; Pl 1,28), sự bất phục tùng và vâng lời (Rm 5,19; 11,30-32), tội lỗi và sự công chính (hay ơn thánh) (Rm 5-8), cơn thịnh nộ thiên linh và ”sự công chính của Thiên Chúa” (Rm 1,18; 3,31), phận nô lệ và chức làm con (Gl 4,1-11.21.31; Rm 8,14-17), cái khôn ngoan nhân loại và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cr 1,17-4,21), sự yếu đuối và quyền năng (2 Cr 10-13), Ađam thứ nhất và Ađam thứ hai (Rm 5,12-21; 1 Cr 15,21-22.45-49), bóng tối và ánh sáng, ngày và đêm (1 Ts 5,1-10; Rm 13,11-14), cũ và mới (Rm 7,6; 1 Cr 5,7-8; 2 Cr 5,17), không thân hữu và hòa bình (Rm 5,1-11), một người và tất cả (Rm 5,12-21; 1 Cr 15,21 tt.), chữ viết và Thần Khí (Rm 7,6).
Thư gửi tín hữu Roma, đặc biệt các chương từ 5 tới 8, là một khảo luận thần học rất sâu sắc nêu bật nhiều cặp ý niệm thần học quan trọng tóm gọn lịch sử cứu độ và các hoa trái của lòng tin. Thánh Phaolô đi từ sự thật là mọi người trong gia đình nhân loại đều có tội, nên đều cần đến ơn cứu độ. Mà ơn cứu độ phát xuất từ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đổ máu ra và đã chết để cứu chuộc nhân loại, chứ không phát xuất tự việc tuân giữ Luật Lệ. Vì Luật Lệ không ngăn cản được tội lỗi, và không cứu con người khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi. Trái lại chính các dục vọng tội lỗi lại lạm dụng Luật Lệ mà hoành hành trong thân xác của con người. Mà tội lỗi không phải là một thực tại xa vời ở bên ngoài con người. Trái lại nó nằm sâu trong tâm lòng của con người và chủ động. Cũng vì thế cho nên điều lành con người muốn thì lại không làm, còn sự dữ không muốn thì lại làm. Ngoài Đức Giêsu Kitô ra, không có ai và không có gì có thể cứu thoát con người ra khỏi tình trạng sống khốn nạn tuyệt vọng ấy. Nhưng muốn được giải phóng phải tin vững vàng vào Thiên Chúa, và vào Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài.
Chính nhờ lòng tin mà tổ phụ Abraham được công chính hóa, nghĩa là được ơn cứu độ, chứ không phải do công nghiệp có được qua việc tuân giữ Luật Lệ. Cũng thế, tín hữu Kitô được ơn cứu độ là do lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô, và lòng xót thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha đã cho Con Ngài nhập thể làm người và chịu chết trên thập gía để giao hòa loài người tội lỗi với Thiên Chúa, rồi cho Đức Giêsu sống lại để trao ban cho con người sự sống mới. Nếu trong qúa khứ vì tội lỗi và thái độ sống bất phục tùng của Ađam mà tội lỗi và cái chết đã bước vào cuộc sống loài người và giữa lòng thế giới, thì giờ đây nhờ công phúc và sự vâng lời của Đức Giêsu Kitô là Ađam thứ hai, là Ađam mới, con người được ơn công chính, nghĩa là được ơn thánh cứu độ và có cuộc sống mới trường sinh. Qua lòng tin và qua bí tích Rửa tội tín hữu cũng chết đi cho tội lỗi, cũng đóng đanh con người cũ của mình vào thập gía với Đức Kitô. Thân xác làm dụng cụ cho tội lỗi bị ơn thánh của lòng tin và nước Rửa Tội tiêu diệt, nhờ đó tín hữu không còn là nô lệ của tội lỗi nữa. Cái chết thanh tẩy và đổi đời ấy giải phóng tín hữu khỏi xích xiềng của tội lỗi và sự dữ. Tội lỗi không còn thống trị trong thân xác hay chết, và tín hữu không còn phải chiều theo dục vọng của nó nữa, bởi vì lòng tin và ơn thánh của bí tích Rửa tội đã trao ban cho họ cuộc sống mới tự do, cuộc sống trong ơn thánh của những người được làm con cái Thiên Chúa. Cái chết hiến tế cứu chuộc của Chúa Kitô đã giải thoát tín hữu khỏi vòng kiềm tỏa của Luật Lệ và khiến cho họ phụng sự Thiên Chúa trong một tinh thần mới, chứ không theo luật cũ nữa.
Cuộc sống mới, mà Chúa Giêsu Kitô trao ban cho tín hữu, khiến họ thuộc về Ngài và sống theo luật mới là luật của Chúa Thánh Thần, chứ không sống theo luật xác thịt. Đó là đề tài được thánh Phaolô khai triển trong chương 8 thư gửi giáo đoàn Roma. Kinh nghiệm cuộc sống cho phép thánh nhân khẳng định rằng kẻ sống theo xác thịt thì ưa thích những gì thuộc về xác thịt. Nhưng những ham muốn của xác thịt thì phản ngịch cùng Thiên Chúa, không vâng phục Luật Chúa và không thể vâng phục Luật Chúa, nên dẫn đưa con người tới cái chết, bởi vì người sống theo xác thịt không đẹp lòng Thiên Chúa. Còn tín hữu kitô, là những người đã nhận được sự sống mới trong bí tích Rửa tội và nhận được Chúa Thánh Thần, nên trở thành con cái Thiên Chúa và sống theo Luật của Chúa Thánh Thần. Họ được trở thành người thừa tự của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên họ chỉ có thể duy trì được tình trạng sống đó và được hưởng vinh quang với Đức Giêsu Kitô, nếu biết cùng chịu đau khổ với Ngài, kiên trì trông chờ và hy vọng vào ngày cứu độ, ngày họ sẽ được tái sinh vẹn toàn vào cuộc sống mới trường sinh. Khi vững tin như thế sẽ không có gì có thể phân tách họ khỏi tình yêu thương của Thiên Chúa đối với họ và tình yêu thương của họ đối với Thiên Chúa, cho dù có phải chịu hoạn nạn, đau khổ, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm đi nữa. Sẽ không có gì, dù sự sống hay sự chết, hiện tại hay tương lai, và sẽ không có các cường lực nào có thể tách rời tín hữu kitô khỏi tình yêu thương của Thiên Chúa, được tỏ hiện nơi Đức Giêsu Kitô.
Sự thật và xác tín trên đây đã khiến cho Phaolô không ngần ngại đi ngược dòng đời, không rao giảng sự khôn ngoan của thế gian, nhưng loan báo Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đanh trên thập gía. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chương 1,17-4,21 Phaolô đã đem cái luận lý của thập giá ra đối chọi với những gì, mà tâm thức loài người cho là khoa học, thông thái, khôn ngoan, tài giỏi. Nghĩa là Phaolô hoàn toàn sống theo kiểu cách của Chúa Kitô, lấy ”nhu thắng cang” lấy ”nhược thắng cường”. Bởi vì thánh nhân xác tín rằng ”Sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt qúa sự khôn ngoan của loài người và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì trổi vượt hơn sức mạnh loài người ... Thiên Chúa chọn những người dại dột ở thế gian này để làm cho các kẻ khôn ngoan phải xấu hổ. Và Ngài cũng đã chọn những người yếu hèn ở thế gian này để khiến cho các kẻ hùng mạnh phải điêu đứng.” (1 Cr 1,25.27). Cũng chính vì theo cái luận lý của mầu nhiệm nhập thể và dốc đổ chính mình ấy của Chúa Giêsu, Phaolô đã chọn kiểu cách trình bầy đơn sơ, không dùng lời lẽ cao xa hay khôn ngoan để rao giảng mầu nhiệm của Thiên Chúa. Phaolô để cho ơn Chúa Thánh Thần và sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động trong mọi tâm lòng. Vì Chúa Kitô phải là nền tảng duy nhất của căn nhà cuộc sống lòng tin và Chúa Thánh Thần phải là động lực duy nhất hướng dẫn toàn cuộc sống tín hữu. Chỉ như thế mới tránh được cảnh phân rẽ phò người này chống kẻ nọ trong cộng đoàn. Các người rao giảng Tin Mừng của Chúa chỉ là dụng cụ chứ không phải đích tới. Đích tới là chính Chúa Giêsu Kitô, và mọi tín hữu trong cộng đoàn đều được mời gọi xây dựng, vun trồng cuộc sống lòng tin của mình thế nào để đừng đánh mất ơn cứu độ mai sau.
Muốn như vậy tín hữu cần phải ý thức rằng mình là đền thờ của Thiên Chúa, và biết sống khiêm hạ, không khoe khoang cậy mình. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica chương 5,1-10 và trong thư gửi giáo đoàn Roma chương 13,11-14 thánh Phaolô khuyên tín hữu hãy sống xứng đáng với ơn gọi là con cái sự sáng, tỉnh thức và tiết độ đoan chính như ban ngày, không mê ăn uống say sưa, tránh chơi bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tuông. Trái lại hãy biết lấy đức tin đức mến làm áo giáp, đức cậy và ơn cứu độ làm mũ chiến. Nói cách khác thánh nhân khuyên tín hữu hãy đoạn tuyệt với nếp sống cũ, nếp sống dưới ách thống trị của tội lỗi và tối tăm, để mặc lấy con người mới và sống một cuộc sống mới, cuộc sống phát xuất từ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô, như viết trong chư gửi tín hữu Roma chương 7,6. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô chương 5,7-8 thánh Phaolô khuyên tín hữu loại bỏ men cũ tức lòng gian tham ác độc, để trở nên bột mới và bánh không men, tức có lòng trong sạch và chân thành. Còn trong chương 5,17 thư thứ hai gửi cho họ thánh nhân khẳng định rằng ”Ai ở trong Chúa Kitô, nghĩa là ai sống kết hiệp với Ngài, thì kẻ ấy là con người mới. Bởi những gì cũ đã biến mất và mọi sự đã được đổi mới rồi”.
Ngoài kiểu trình bầy tư tưởng thần học bằng cách dùng cặp ý niệm đối nghịch kể trên, thỉnh thoảng Phaolô còn dùng tới kỹ thuật hành văn châm biếm của trường phái khuyển nho khắc kỷ. Học giả Bultmann đã có công nghiên cứu kiểu hành văn này trong các thư của thánh Phaolô. Chẳng hạn trong chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma, sau khi chứng minh cho tín hữu thấy chính nhờ lòng tin vào Chúa Kitô và vì chết đi cho tội lỗi mà tín hữu được ơn cứu độ, chứ không phải nhờ Luật Lệ, Phaolô hỏi chẳng lẽ bây giờ họ lại cứ tiếp tục phạm tội và sống trong tội lỗi mà hy vọng được ơn cứu độ sao (Rm 6,1tt. 15). Sau khi trình bầy trong chương 8 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, lý do tại sao tín hữu tuy được tự do nhưng không nên ăn của cúng để đừng trở thành cớ vấp phạm cho các người yếu lòng tin, trong chương 9 Phaolô đưa ra một chuỗi câu hỏi để chứng minh cho thấy ngài và các cộng sự viên cũng có quyền tự do như các tông đồ khác, nhưng Phaolô và các cộng sự viên đã không dùng chúng để không là cớ khiến cho người muốn đón nhận Tin Mừng lại vì thế mà từ chối Tin Mừng (1 Cr 9,1 tt; Rm 2,1 tt; 6,1.15; 7,1; 11,1 tt.).
Sau cùng là kiểu chuyển cú thình lình. Đang đề cập tới một đề tài, Phaolô ngắt quãng để chêm vào một tư tưởng khác, rồi sau đó lại tiếp tục khai triển đề tài. Mục đích là để giải thích, xác định hay hạn chế đề tài đang khai triển. Học giả Borkamm đã nghiên cứu kiểu hành văn này trong thư gửi tín hữu Roma (Rm 2,17-24; 5,6-8; 5, 12-21; 9,22-24). Chẳng hạn trong chương 5 đang nói tới việc tín hữu nhờ lòng tin mà được công chính hóa, thì tới câu 6 Phaolô chuyển qua tư tưởng Chúa Kitô chịu chết để cứu họ đang trong lúc họ còn sống trong tội lỗi, chỉ vì yêu thương họ qúa đỗi. Đến câu 12 Phaolô lại ngắt quãng để nói về tội của Adam và hậu qủa của nó và so sánh với ơn cứu độ mà Chúa Kitô ban cho tín hữu.
6. TÍNH CHẤT XÁC THỰC VÀ SỰ THỐNG NHẤT TRONG CÁC THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ
Theo một truyền thống rất cổ xưa thánh Phaolô là tác giả của 14 bức thư như hiện có trong Tân Ước: đó là các thư 1-2 Thêxalônica, 1-2 Côrintô, Galát, Roma, Philiphê, Philêmôn, Côlôxê, và các thư mục vụ, tức các thư 1-2 Timôthê và Titô, và sau cùng là thư gửi tín hữu Do thái. Tuy nhiên, trong hai thế kỷ qua giới học gỉa Kinh Thánh Tân Ước đã dùng khoa phê bình lịch sử để nghiên cứu và kiểm chứng các thư nói trên. Theo các kết qủa thu lượm được cho tới nay chúng ta có thể đưa ra một vài niên hiệu chắc chắn được mọi học giả công nhận. Còn các niên hiệu khác vẫn tiếp tục là đề tài của các cuộc thảo luận.
Trước hết không có một lý chứng nào cho phép chúng ta kết luận rằng thư gửi tín hữu Do thái đã do thánh Phaolô viết ra. Nó không phải là một bức thư cho bằng một khảo luận về chức Linh Mục của Chúa Giêsu, do một tác giả vô danh biên soạn. Nếu hiện nay Giáo Hội có gọi nó là thư gửi tín hữu Do thái, thì chỉ vì Giáo Hội tiếp tục truyền thống đã có ngay từ thời Giáo Hội khai sinh, chứ thực ra không đúng. Vẫn theo kết qủa các nghiên cứu phê bình lịch sử của các học giả Kinh Thánh Tân Ước, các thư mục vụ, tức hai thư gửi Timôthê và thư gửi Titô không phải của thánh Phaolô, mà do trường phái các môn đệ của thánh nhân biên soạn ra sau này. Tính chất trung thực của thư gửi tín hữu Êphêxô cũng đã được thảo luận rất nhiều. Một số học giả tên tuổi đã cho rằng thánh Phaolô cũng không phải là tác giả thư gửi giáo đoàn Côlôxê và thư thứ hai gửi tín hữu Thêxalônica. Nhưng nhiều học giả khác công nhận thánh Phaolô đã biên soạn ra chúng. Liên quan tới thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, hai thư gửi giáo đoàn Côrintô và các thư gửi tín hữu Galát, Roma, Philiphê và Philêmôn, mọi học giả đều công nhận là do chính thánh Phaolô viết ra (W. G. Kuemmel, Il Nuovo Testamento. Storia della indagine scientifica sul problema neotestamentario, Bologna 1976).
Trên đây là các vấn nạn và lập trường của giới học giả tân ước liên quan tới tính chất xác thực trong các thư của thánh Phaolô. Tuy nhiên có lẽ nên phân biệt rõ ràng giữa tính chất xác thực trong các thư của thánh Phaolô và các tác phẩm thuộc trường phái của thánh nhân. Trong nghĩa này thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, hai thư gửi giáo đoàn Côrintô, các thư gửi tín hữu Galát, Roma, Philiphê và Philêmôn là do thánh Phalô viết ra. Còn các thư khác là kết qủa của một thói quen trong lãnh vực sáng tác văn chương gọi là ”giả tên”, rất thịnh hành vào thời đó. Để cho tác phẩm có uy tín, được nhiều người đọc và phổ biến rộng rãi, các môn đệ thuộc một trường phái thường lấy tên thầy mình gán cho các tác phẩm do họ biên soạn ra. Rất thường khi các tư tưởng nòng cốt của tác phẩm phản ánh tư tưởng của vị thầy đó, hay trình bầy lập trường của trường phái, do vị đó thành lập. Vì thế tuy không thể coi các tác phẩm đó là do chính vị sáng lập trường phái viết ra, nhưng có thể coi chúng như những đứa con tinh thần của ông. Bởi vì chúng phát xuất từ trường phái do ông sáng lập và mang cùng các tâm tình cũng như tư tưởng của ông. Đôi khi các tác phẩm này cũng không phải là do các môn đệ của trường phái biên soạn, mà do một tác giả thuộc một trường phái có cùng chí hướng, hoặc do một người nào đó yêu thích hay chia sẻ tư tưởng của vị thầy và trường phái, viết ra. Trong nghĩa này, các tác phẩm cũng được coi như diễn tả tư tưởng và tâm tình của vị tổ sáng lập trường phái. Đây là điều tối kỵ, nếu không nói là nguy hiểm trong xã hội ngày nay, bởi vì tại các nước Tây Âu chẳng hạn, có các luật rất ngặt bảo vệ quyền của tác giả. Nếu không được phép của tác giả hay soạn giả mà dám trích dịch, hay sao chép hoặc chụp lại các tác phẩm, khi bị kiện ra tòa thường phải bồi thường từ vài chục cho tới vài trăm hay hàng triệu mỹ kim. Do đó khi in sách và tài liệu các tác giả hay nhà xuất bản thường ghi chứng cầu tòa để có giấy phép của bộ văn hóa, chính là để chống lại kiểu làm ăn trộm cắp của các tay thương mại văn chương và tư tưởng nhan nhản khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia kém mở mang. Nhưng thời xưa trong thế giới hy lạp và vùng Trung Đông Cổ hồi thế kỷ thứ I không có các luật lệ như bây gìơ.
Ở đây tưởng cũng nên xác định một điều. Đó là kiểu phân biệt trên đây chỉ liên quan tới lãnh vực phê bình lịch sử hình thành của các tác phẩm, nghĩa là dựa trên các lý chứng của khoa phê bình lịch sử và phê bình văn chương, chứ không liên hệ tới gía trị lòng tin trình bầy trong các thư không do thánh Phaolô viết ra. Dù không do chính tay thánh Phaolô biên soạn ra, các thư này vẫn là tiếng nói quan trọng và ý nghĩa của Kitô giáo thời khai sinh hồi thế kỷ thứ I, và đối với các tín hữu chúng vẫn diễn tả lời của Chúa.
Ngoài tính chất xác thực trong các thư thánh Phaolô còn một vấn đề khác từng được giới học giả Kinh Thánh Tân Ước thảo luận không kém phần sôi nổi: đó là vấn đề thống nhất trong các thư. Đặc biệt đây là vấn nạn liên quan tới thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, thư gửi tín hữu Roma và thư gửi tín hữu Philiphê. Các học giả Tân Ước cho rằng khi phân tích nội dung và kết cấu của ba bức thư nói trên, người ta có thể nhận ra là chúng bao gồm nhiều thư khác nhau, mà thánh Phaolô đã viết cho tín hữu các cộng đoàn này trong nhiều dịp khác nhau.
Cụ thể trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô chúng ta có thể nhận ra bốn tài liệu khác nhau sau đây. Thứ nhất là một bức thư hòa giải, gồm các chương từ 1,1-2,13 cộng thêm chương 7,5-16. Các liên hệ giữa thánh Phaolô và tín hữu cộng đoàn Côrintô trở nên căng thẳng, vì tín hữu đã nghe lời dụ dỗ của một số thừa sai kitô gốc do thái tới gieo hoang mang, vu khống nói xấu nhằm giảm uy tín thánh nhân, chia rẽ họ với thánh nhân, khiến cho lòng mến và sự tin tưởng của họ suy giảm, và gây chia rẽ trong cộng đoàn, khiến cho tín hữu kẻ theo người chống thánh nhân. Sau khi phân trần phải trái, thánh Phaolô xin tín hữu cộng đoàn hãy hòa giải và tha thứ cho những kẻ ấy. Tài liệu thứ hai gồm chương 2,14-7,4 là lời thánh Phaolô biện hộ cho sứ mệnh tông đồ và cung cách sống của mình, đã bị nhóm các thừa sai kitô gốc do thái nói trên xuyên tạc và bôi nhọ. Tài liệu thứ ba có tính cách tranh luận gồm các chương 10-13. Thánh Phaolô so sánh cung cách sống và công việc rao truyền Tin Mừng của mình với cung cách sống của nhóm người nói trên, và lột mặt nạ của họ trước tín hữu cộng đoàn. Tài liệu thứ tư trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô gồm hai chương 8-9, là hai điệp văn ngắn liên quan tới việc quyên góp để trợ giúp giáo đoàn mẹ Giêrusalem đang phải sống trong cảnh thiếu thốn.
Liên quan tới thư gửi tín hữu Philiphê cũng thế. Chúng ta có thể nhận ra nội dung của ba bức thư hay ba tài liệu khác nhau. Tài liệu thứ nhất gồm các chương 1,1-3,1a và chương 4,2-7.21-24, là bức thư chứa đựng các lời khuyên nhủ của thánh Phaolô. Sau khi bày tỏ sự vui mừng và biết ơn Thiên Chúa đã cho Tin Mừng được phát triển mạnh mẽ, thánh Phaolô khuyên tín hữu biết sống lòng tin vững vàng, hiên ngang bênh vực Tin Mừng, không nao núng sợ hãi trước các thù địch, luôn biết noi gương sống khiêm tốn của Chúa Kitô, và trong mọi hoàn cảnh luôn có các tâm tình nhập thể và nhập thế của Chúa Kitô, cố gắng nên trọn lành. Ngoài ra thánh Phaolô còn khuyên tín hữu tin tưởng nơi Chúa, luôn tươi vui, không lo lắng gì, cầu xin Chúa ban cho mọi ơn cần thiết và sống kết hiệp với Chúa. Tài liệu thứ hai gồm chương 3,1b-4,1.8-9, trong đó thánh Phaolô nhắc nhớ tín hữu biết đề phòng và xa lánh các tông đồ giả dối gian ác. Họ là loài chó cắn xé tín hữu. Sau khi nhắc lại cuộc sống qúa khứ là người biệt phái chuyên chăm tuân giữ Luật lệ Do thái, nhưng được gặp Chúa nên từ bỏ và hy sinh mọi sự vì Chúa Kitô, thánh Phaolô khuyên tín hữu hãy biết noi gương sống của Ngài, dứt khoát với qúa khứ tội lỗi, và luôn hướng nhìn về quê hương vĩnh cửu trên trời để định hướng cho cuộc đời mình. Phaolô cũng đau đớn ghi nhận rằng trong cộng đoàn vẫn có những người sống như thù địch của thập gía Chúa Kitô, chỉ tôn thờ cái bụng và ăn chơi hưởng lạc buông thả. Thánh nhân khuyên tín hữu hãy biết suy tưởng tới tất cả những gì là Chân, Thiện, Mỹ và thực hành mọi sự đã học được nơi ngài. Tài liệu thứ ba trong thư gửi tín hữu Philiphê gồm chương 4,10-20, là lời cảm tạ thánh Phaolô dâng lên Chúa, vì thấy tín hữu cộng đoàn có lòng tốt và thực hành đức bác ái đối với thánh nhân. Mặc dầu thánh nhân đã tập sống thích nghi với mọi hoàn cảnh lúc thiếu thốn nghèo đói cũng như khi no đủ sung túc, tín hữu Philiphê vẫn thương nhớ đến ngài và gửi các tặng phẩm trợ giúp ngài.
Sau cùng trong thư gửi giáo đoàn Roma lời chúc tụng vinh danh cuối thư trong chương 16,25-27 được thêm vào sau này, chứ không thuộc văn bản chính của thư thánh Phaolô. Trong khi các lời chào và nhắn nhủ nhiều nhân vật khác nhau ghi ở chương 16,1-23 là do thánh Phaolô viết, nhưng không phải cho tín hữu Roma, mà là cho tín hữu giáo đoàn Êphêxô.
7. VIỆC THU GÓP CÁC THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ
Cho tới nay chúng ta đã tìm hiểu một số đặc thái trong các thư của thánh Phaolô, các kiểu hành văn cũng như việc biên soạn chúng. Nhưng lịch sử hình thành của chúng không kết thúc với việc biên soạn và gửi tới các giáo đoàn liên hệ. Sau khi Phaolô qua đời, các cộng đoàn đã cẩn trọng giữ gìn các bức thư ấy như một kỷ niệm và như là một kho tàng tinh thần qúy báu. Một số thư bị mất đi, nhưng chúng ta không biết trong các hoàn cảnh nào và tại sao. Các thư khác được thu thập lại, và trong thời gian thu thập này xảy ra sự kiện các thư xác thực được sắp xếp chung với các thư không do thánh nhân viết ra. Tập thu tích thư của thánh Phaolô phát sinh từng bước từ đó. Nó có uy tín mau chóng đến độ được tín hữu coi như là các tác phẩm của Kinh Thánh. Thật thế, ngay trong thời gian thư thứ hai thánh Phêrô được phổ biến - đây lại là một trường hợp gỉa tên khác - các thư của thánh Phaolo đã được nhắc tới như là một tài liệu, mà mọi kitô hữu thuộc Giáo hội tiên khởi đều hay biết: ”Anh chị em hãy coi lòng khoan dung (sự kiên nhẫn lâu dài) của Thiên Chúa chúng ta như là ơn cứu độ, cũng như người anh em thương mến của tôi là Phaolô đã viết cho anh chị em theo sự khôn ngoan được ban cho ông. Ông cũng đã làm như vậy trong mọi thư đề cập tới vấn đề này. Trong các thư đó có vài điều khó hiểu và những kẻ dốt nát cũng như những người hay thay đổi thường xuyên tạc các điều này cũng như họ xuyên tạc các tác phẩm khác trong Kinh Thánh, làm nguy hại cho phần rỗi của chính họ” (2 Pr 3,15-16). Chắc hẳn là vào cuối thế kỷ thứ I hay đầu thế kỷ thứ II tại Hy Lạp, Italia và Tiểu Á các cộng đoàn Kitô đã có được tập thu góp 13 thư của thánh Phaolô, trừ thư gửi tín hữu Do thái (A. Wickenhauser, Introduzione al Nuovo Testamento, Brescia 1963,34).
Chúng ta có được văn bản tiếng hy lạp các thư là nhờ nhiều thủ bản rất cổ xưa và uy tín. Chẳng hạn như thủ bản viết trên giấy làm bằng sậy papyrus số 46 thuộc khoảng năm 200, các văn bản viết chữ hoa như văn bản Sinaitico thuộc thế kỷ thứ IV (văn bản này thuộc thư viện của tu viện thánh nữ Catarina trong bán đảo Sinai, do đó gọi là văn bản Sinaitico, viết tắt là Aleph, theo mẫu tự Do thái. Hiện nó được lưu giữ trong viện bảo tàng Luân Đôn), văn bản Vaticăng cũng thuộc thế kỷ thứ IV (văn bản này được lưu giữ trong thư viện thuộc bảo tàng viện Vaticăng, viết tắt là chữ B hoa theo mẫu tự latinh), văn bản Claromontano thuộc thế kỷ thứ VI (văn bản này thuộc quyền sở hữu của ông Claromontano, viết tắt là chữ D hoa theo mẫu tự latinh. Hiện nó được lưu giữ tại Paris). Trên đây chỉ là một vài thủ bản cổ xưa, quan trọng và đầy đủ đáng tin cậy nhất. Thực ra khi dùng các tiêu chuẩn khoa học thuộc nhiều ngành khác nhau như ngữ học, khảo cổ, thuật đọc và phân tích các văn bản cổ vv... để biên soạn ra văn bản Tân Ước hy lạp như chúng ta hiện có, các học giả tân ước và giới chuyên viên tân ước đã nghiên cứu, so sánh và dùng hàng ngàn tài liệu và thủ bản khác nhau. Các tài liệu và thủ bản này hiện được lưu giữ trong các bảo tàng viện đó đây tại các nước châu Âu như Italia, Pháp, Anh Ai len, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, hay bên Hoa Kỳ, hoặc bên Nga và Ai Cập.
Trừ các thủ bản viết trên da thuộc, hay các chất liệu bền, đa số được viết trên các chất liệu rất dòn mỏng như giấy làm bằng sậy papyrus, do đó rất dễ hư hại. Vì sợ chúng hư hại hay bị đánh cắp nên các thủ bản chính thường được chụp lại rồi được cất giữ rất kỹ. Các thủ bản trưng bày cho công chúng trong các viện bảo tàng thường là bản chụp facsimile, chứ không phải là thủ bản chính.
Văn bản Tân Ước hy lạp thường được dùng hiện nay để dịch ra các thứ tiếng khác nhau trên thế giới là The Greek New Testament, do các học giả Kurt Aland, Matthew Black, Carlo Maria Martini, Bruce M. Metzger và Allen Wikgren xuất bản vơi sự cộng tác của Học viện nghiên cứu văn bản Kinh Thánh Tân Ước Muenster bên Đức.
Tưởng cũng nên biết, để dựng lại văn bản các sách hay các thư của toàn Tân Ước tiếng hy lạp, các học giả đã phải nghiên cứu và đối chiếu hàng ngàn tài liệu và thủ bản lớn nhỏ khác nhau. Các tài liệu và thủ bản đó là các bản sao chép được lưu giữ đó đây trên thế giới. Dựa vào các thủ bản này và các bản dịch cổ, giới học giả có thể dựng lại văn bản chính một cách chắc chắn đối với các yếu tố nòng cốt, nghĩa là các yếu tố bảo đảm cho sự xác thực của nội dung, và gần chắc chắn đối với các yếu tố riêng tư nhỏ nhặt khác của văn bản.
Có thể chia các tài liệu và thủ bản này thành hai nhóm chính: nhóm trực tiếp và nhóm gián tiếp. Nhóm trực tiếp bao gồm bốn loại thủ bản. Loại thứ nhất gọi là ”Codici”, tức các thủ bản được viết trên các mảnh da thuộc. Loại thứ hai gọi là “Papiri”, tức các văn bản được viết trên giấy làm bằng loại sậy papyrus, là chất liệu thông thường, rẻ dễ mua và dễ tìm, vì được Ai Cập xuất khẩu trong toàn vùng Trung Đông Cổ ngày xưa. Loại thứ ba gọi là ”Lezionari”, tức các thủ bản được biên chép và sắp xếp thứ tự để dùng trong các lễ nghi phụng vụ. Loại thứ tư gọi là ”Ostraca”, tức các câu Kinh Thánh Tân Ước được viết trên các mảnh vại, mảnh sành bằng đất sét nung. Nhóm tài liệu và thủ bản giản tiếp là các câu trích nguyên văn mà các soạn giả đem vào trong các tác phẩm của mình, hay các bản dịch.
Các thủ bản ”Codici” còn được chia thành hai loại. Một loại gọi là ”Codici unciali”, tức các thủ bản viết bằng chữ hoa lớn đều như nhau từ đầu tới cuối. Loại thứ hai goi là ”Codici minuscoli” hay ”corsivi”, viết theo kiểu chữ thảo thông thường, liền nhau và lớn nhỏ khác nhau. Cho tới thế kỷ thứ VII-VIII các thủ bản Codici thường là các thủ bản unciali, tức viết chữ hoa lớn đều nhau từ đầu tới cuối. Sau thế kỷ thứ X thì kiểu viết chữ thảo thông dụng hơn. Có tất cả là 266 thủ bản ”Codici unciali”, hơn 2.750 thủ bản ”Codici corsivi” hay ”minuscoli”, 81 thủ bản Papiri, 2.100 thủ bản Lezionari. Thủ bản Ostraca rất ít. Tổng cộng như thế chúng ta có tất cả khoảng 5.000 tài liệu và thủ bản liên quan tới Kinh Thánh Tân Ước. Trong số đó chỉ có 53 Codici, tức các thủ bản viết trên da thuộc là có đầy đủ mọi tác phẩm Tân Ước. Các thủ bản Codici khác chỉ chứa đựng một phần các tác phẩm Tân Ước, như bốn Phúc Âm, sách Khải Huyền vv... Các thủ bản Papiri hầu hết đều ngắn. Các thủ bản Lezionari chứa đựng các văn bản Kinh Thánh Tân Ước khác nhau. Còn các câu viết trên Ostraca tức các mảnh đất sét nung thì rất ngắn.
Để có thể nhận diện các tài liệu và các thủ bản kể trên, giới học gỉa và chuyên viên phê bình văn bản đã đặt ra các hệ thống viết tắt và ghi số thứ tự. 51 thủ bản ”Codici unciali” đầu tiên được gọi thứ tự theo một mẫu tự hy lạp hay latinh viết hoa. Nhưng cũng xảy ra là thường khi một mẫu tự cũng ám chỉ ba thủ bản khác nhau. Chẳng hạn chữ ”F” ám chỉ nhiều thủ bản chữ hoa khác nhau: một thủ bản lưu giữ trong bảo tàng viện Utrecht bên Hòa Lan chỉ gồm 4 Phúc Âm, một thủ bản lưu giữ trong bảo tàng viện Cambridge bên Anh quốc chỉ gồm các thư của thánh Phaolô, và một thủ bản thứ ba lưu giữ trong tu viện của các thầy dòng chính thống trên núi Athos bên Hy Lạp, chỉ gồm sách Khải Huyền. Tất cả các thủ bản ”Codici unciali” khác thì đước ghi số thứ tự, bắt đầu với số 0 đứng trước. Các thủ bản ”Codici minuscoli”, tức loại thủ bản viết chữ nhỏ thường không phải là chữ hoa, thì được ghi thứ tự theo số A rập. Các ”Papiri” thì được đánh dấu bằng chữ ”P” hoa, và tiếp theo ở trên cao là số thứ tự của thủ bản. Các ”Lezionari” thì được ghi dấu bằng chữ ”l” thường và theo sau là số thứ tự.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Linh Tiên Khải