CÁC MẤU ĐIỂM THẦN HỌC NỔI BẬT
TRONG THƯ THỨ I GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA
1. TÂM TÌNH CẢM TẠ
Khi đọc thứ thứ nhất thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônica, chúng ta nhận ra ngay tâm tình cảm tạ biết ơn của thánh nhân đối với Thiên Chúa. Thật ra nó là mấu điểm thần học nổi bật được khai triển trong suốt ba chương đầu của thư. Sau lời chào, thánh nhân viết trong chương 1,2: “Chúng tôi liên lỉ cảm tạ Thiên Chúa cho anh chị em tất cả, và không ngừng nhớ tới anh chị em trong các lời cầu nguyện của chúng tôi”. Tiếp theo đó cho tới câu 10 thánh nhân kể ra các lý do khiến cho ngài và các thừa sai cộng sự viên không ngừng cảm tạ đội ơn Thiên Chúa. Có ba lý do sẽ được thánh Phaolô nhắc lại trong hai chương tiếp theo. Đó là kỷ niệm cuộc gặp gỡ phong phú của các thừa sai với tín hữu Thêxalônica (2,1-16), các biến cố khiến các vị phải xa rời họ và khổ đau lo lắng cho số phận của họ (2,17-3,5), và niềm vui tràn bờ khi được Timôtêô cho biết các tin tức phấn khởi về tình hình sống đạo trong cộng đoàn (3,6-13).
Trên bình diện hình thái từ chìa khóa làm nòng cho chương 1,2-10 là động từ “eukharistoúmen” “chúng tôi cám ơn”. Vị thế mở đầu của nó đủ nói lên nội dung của toàn chương. Gắn liền với động từ “eukharistoúmen” là hai phân từ hiện tại “mnêmonéuontes” “nhớ lại” và “eidótes” “nhận biết” dẫn lối cho hai lý do. Thánh Phaolô và các thừa sai không ngừng cám ơn Thiên Chúa liên quan tới các tín hữu Thêxalônica trong khi cầu nguyện, vì nhớ tới lòng tin sống động, lòng mến lao nhọc và lòng cậy kiên nhẫn của họ, và vì biết rằng Thiên Chúa đã tuyển chọn họ. Sự kiện tín hữu Thêxalônica sốt sắng thực hành lòng tin, chịu khó sống lòng mến và kiên trì trong hy vọng là lý do rõ ràng không cần phải giải thích. Nhưng vì đâu họ lại được Thiên Chúa chọn lựa? Câu trả lời nằm trong phần tiếp theo, qua đó Phaolô nhắc lại công tác truyền giáo tại Thêxalônica và thái độ hăng say của tín hữu rộng mở tâm lòng tin nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng đến độ họ trở thành mẫu gương cho người khác. Hai câu sau cùng của chương 1 nhắc lại cuộc gặp gỡ tích cực của các thừa sai với kitô hữu của thành phố này và biến cố họ theo Kitô giáo.
Lời cám tạ được dâng lên Thiên Chúa Cha. Đây là một đặc thái thường hằng trong các thư của thánh Phaolô. Lòng biết ơn luôn hướng về Thiên Chúa Cha là nguồn mạch của lịch sử ơn thánh và lịch sử cứu độ. Cám ơn có nghĩa là nhận biết sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa Cha và hoạt động hữu hiệu của Ngài, mặc dù hoạt động đó xem ra dấu ẩn trong các nét gấp sâu thẳm của lịch sử loài người. Trợ động từ “pantote” “liên lỉ” muốn nói lên rằng thánh Phaolô và các cộng sự viên không chỉ cám ơn Thiên Chúa Cha trong những lúc cầu nguyện thôi, mà trong mọi lúc. Cám tạ là tâm tình thường hằng của các vị. Lòng nhớ thương các tín hữu ở xa luôn hiện diện trong lời cầu nguyện lại càng là cớ làm nảy sinh ra trong tâm hồn Phaolô lời cảm ơn Chúa. Tưởng nhớ và cảm ơn đi sóng đôi với nhau, vì cuộc sống lòng tin lòng cậy lòng mến tươi mát, hăng say và tinh tuyền của các tín hữu.
Ở đây thánh Phaolô lấy lại từ truyền thống của Kitô giáo thời khai sinh công thức bộ ba tin-cậy-mến như nét đặc thù trong cuộc sống của các tín hữu từ bỏ tà thần để tin nhận Kitô giáo. Sắc thái kitô ấy không phải là một triết lý về thế giới, cũng không phải là một thứ đạo đức luân lý đặc biệt, lại càng không phải là một kinh nghiệm thần bí, Nó là một cuộc sống đức tin, nghĩa là hoàn toàn chấp nhận Tin Mừng ơn thánh cứu độ của Chúa được Đức Giêsu tử nạn và phục sinh mạc khải; một cuộc sống của yêu thương, nghĩa là quảng đại cụ thể và liên đới với tha nhân; một viễn tượng toàn diện của niềm hy vọng tin tưởng vào tương lai sẽ đem ơn cứu độ tới cho con người. Tuy nhiên, thánh Phaolô thêm vào công thức truyền thống tin-cậy-mến các phẩm chất chứng minh cho thấy kiểu sống lòng tin cậy mến của các tín hữu Thêxalônica rất đặc biệt. Lòng tin của họ là thứ lòng tin có các việc làm sinh động, lòng mến của họ là thứ lòng mến dấn thân, không nề quản gian khổ, lòng cậy của họ là thứ lòng cậy kiên trì không lay chuyển trong nguy khốn. Chính đó là lý do để thánh Phaolô nâng lời cảm tạ Thiên Chúa Cha. Thật vậy, lòng tin của tín hữu Thêxalônica không phải là thái độ chiêm niệm, cũng không phải là thái độ trí thức và lý thuyết, mà là lòng tin nhập thể và nhập thế trong đời như một động năng sản xuất và biến đổi. Lòng mến của họ không chỉ giới hạn trong lãnh vực cảm xúc, cũng không đồng hóa với các tâm tình thiện cảm, lại càng không phải là thái độ nhân ái chung chung. Trái lại nó thể hiện ra ngoài bằng những hy sinh trợ giúp và phục vụ cụ thể, chia sẻ gánh nặng của nhau, chung vai sát cánh liên đới, “đồng lao cộng khổ” với nhau. Sau cùng lòng cậy của họ không phải là kiểu chạy trốn đời để lẩn mình trong mầu hồng của tiện nghi tha hóa, mà là sự kiên trì trong gian lao thử thách, và đương đầu với các khó khăn ngăn chặn đường tiến về tương lai. Ai hy vọng thì đứng vững hứng chịu sức nạng của lịch sử, chứ không gối mỏi chân chồn và qụy ngã. Họ can đảm chiến đấu, mà không giơ cờ trắng đầu hàng trước các lực lượng sự dữ đánh phá và cản ngăn bước tiến của nhân loại. Tuy nhiên không được lẫn lộn sự kiên trì trong hy vọng của hitô hữu với chủ trương anh hùng kiêu căng vĩ đại, hay đồng hóa nó với “andréia” trong tiếng hy lạp có nghĩa là sức mạnh của nam giới, rất được thế giới ngoại giáo đề cao và ca tụng. Vì các kitô hữu không kín múc sự kiên trì can đảm và tin tưởng đó nơi chính mình, mà họ đặt tin tưởng “nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” như thánh Phaolô viết. Cụ thể kiểu nói này ám chỉ biến cố Chúa Giêsu quang lâm, nghĩa là ngày Ngài tới gặp gỡ các tín hữu và vĩnh viễn giải thoát họ. Niềm hy vọng kitô chỉ có lý trong tương quan với Chúa Kitô, Đấng thống trị và tiêu diệt các lực lượng của cái chết và sự dữ.
Nếu lý do thứ nhất của lời cảm tạ là sức sinh động của kinh nghiệm kitô trong cộng đoàn Thêxalônica, thì lý do thứ hai là sự tuyển chọn của Thiên Chúa (c. 4). Từ thực tại có thể nắm bắt được giờ đây thánh Phaolô lần lên cho tới thực tại chỉ có thể nắm bắt được với cái nhìn trực giác của lòng tin và sự bén nhọn của đôi mắt mới, giúp tín hữu đi vào trong sự sâu thẳm không thể dò thấu được của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha đã lựa chọn tín hữu Thêxalônica một cách nhưng không và nhiệm mầu. Chính Ngài đã có sáng kiến trao ban cho cộng đoàn một cuộc sống mới. Dĩ nhiên, chính các tín hữu đã lựa chọn sống theo các viễn tượng Tin Mừng, vị họ đã được tuyển chọn, nhưng đàng sau sự lựa chọn của lòng tin cụ thể, tình yêu thương dấn thân, và niềm hy vọng vững vàng của các tín hữu Thêxalônica, là hoạt động nhiệm lạ của Thiên Chúa Cha. Chính vì thế không phải tình cờ mà thánh Phaolô gọi các thành phần giáo đoàn Thêxalônica với từ hoán cách “Hỡi những người được Thiên Chúa yêu thương”. Mọi tính từ khác đều biến mất trước tước hiệu mới này, tước hiệu sẽ diễn tả luôn mãi đặc tính cuộc sống của họ. Các tín hữu Thêxalônica không chỉ là những người được hưởng nhờ cử chỉ tình yêu thương hay được tưởng thưởng bởi bằng chứng tình yêu thương, mà là những người được bước vào trong liên hệ yêu thương một lần cho tất cả, và được bao bọc luôn mãi bởi tình yêu thương của Thiên Chúa Cha.
Như là những người được Thiên Chúa yêu thương họ trở thành anh chị em của tất cả những ai đã được đưa vào trong cùng một vòng tròn yêu thương, là nền tảng các tương quan hàng ngang mới giữa các tín hữu. Trong Kinh Thánh Cựu Ước bất cứ ai là thành phần dân Thiên Chúa đều được gọi là người anh em. Trong Tân Ước thói quen này được lấy lại, nhưng với lý do mới mẻ: đó là việc cùng tiếp nhận Tin Mừng, theo đó Thiên Chúa Cha đã trao ban Đức Giêsu Kitô Con Ngài như Đấng Cứu Thế. Một tương quan mới với Thiên Chúa tạo ra một liên hệ mới với con người: tình huynh đệ giữa con người với nhau dựa trên tình phụ tử của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Kitô. Nhưng làm sao thánh Phaolô đã có thể trực giác được rằng các tín hữu Thêxalônica là những người được Thiên Chúa tuyển chọn? Thánh nhân đã chỉ dựa trên những gì ngài trông thấy khi đến thành phố này (c. 5). Tin Mừng mà thánh nhân và các cộng sự viên loan báo cho họ không chỉ là việc thông truyền lời nói mà diễn tả quyền năng của Thiên Chúa, nghĩa là Chúa Thánh Thần, mà tín hữu có thể sờ mó được. Có nhiều học giả cho rằng văn bản có ý đề cập tới các phép lạ và các tỏ hiện đặc sủng lạ thường. Nhưng đúng hơn nó ám chỉ sức mạnh thuyết phục trong lời rao giảng của các thừa sai. Chúa Thánh Thần hiện diện và tác động trong lời nói của các vị. Xa hơn thánh Phaolô đề cập tới lời tin mừng như lời của Thiên Chúa đầy tràn năng lực tác động nơi những người nghe (2,13). Việc loan báo Tin Mừng không thể bị giản lược vào tiếng nói của con người thông truyền cho người khác một nội dung trí tuệ; nhưng đúng hơn nó là một lời tạo dựng, chất chứa quyền năng của Thiên Chúa. Bên ngoài là các lời nói của những người rao giảng Tin Mừng, nhưng ảnh hưởng định đoạt của Thần Khí tác động trên ý chí và con tim của người nghe, thúc đẩy, thuyết phục và lôi kéo họ tới lòng tin. Dựa trên đự kiên này các thần học gia thời Trung Cổ đã tạo ra một công thức rất hay: đó là tương xứng với việc lắng nghe bên ngoai là việc lắng nghe bên trong như kết quả của ơn thánh Chúa. Tin Mừng là lời đề nghị, nhưng đồng thời cũng là sức mạnh đáp trả hữu hiệu.
2. SỰ TUYỂN CHỌN NHƯNG KHÔNG
Phân tích chương đầu thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, chúng ta nhận thấy lòng biết ơn sâu xa của thánh Phaolô đối với Thiên Chúa. Thánh nhân không ngừng cám tạ Thiên Chúa vì cuộc sống lòng tin, lòng cậy, lòng mến tươi mát, hăng say và tinh tuyền của các tín hữu giáo đoàn này. Nhưng ngài cũng biết ơn Thiên Chúa vì sự tuyển chọn nhưng không đối với các tín hữu. Chính Thiên Chúa đã có sáng kiến trao ban ơn cứu độ cho họ, nên các tín hữu thật là “những người được Chúa yêu thương”. Chính liên hệ yêu thương chiều dọc đó với Thiên Chúa xây nền cho liên hệ yêu thương chiều ngang với tha nhân và đặc biệt giữa các tín hữu là anh chị em với nhau trong gia đình dân riêng mới của Thiên Chúa là giáo hội.
Tuy sự cứu độ là ơn nhưng không Thiên Chúa ban, nhưng con người cần mở rộng tâm lòng đón nhận hạt giống Tin Mừng và dấn thân cộng tác để hạt giống Lời Chúa nẩy mầm và đơm bông hạt. Là những người từng chứng kiến cảnh Phaolô và các thừa sai phải vội vã rời Thêxalônica vì bị chống đối và truy nã, các tín hữu giáo đoàn này cảm nhận thấm thía giá cả mắc mỏ phải trả cho lòng tin. Sống Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu trong một môi trường thù nghịch như thế không phải là điều dễ dàng. Thánh Phaolô dùng từ hy lạp “thlípsis” để nói tới các khó khăn gian khổ mà tín hữu Thêxalônica gặp phải. Đây là từ diễn tả cuộc khủng hoảng của thời tận thế, do các lực lượng đối nghịch với Tin Mừng của Chúa Kitô gây ra. Qua đó thánh Phaolô có ý khẳng định rằng những lao đao lận đận mà tín hữu Thêxalônica phải gánh chịu không giống như các khổ đau thứ thách thường tình, mà là hậu quả sự hiện diện của các quyền lực của ma qủy khuấy động tung hoành tại bất cứ nơi nào Tin Mừng được loan báo cho con người. Tuy phải sống trong cơn bão khủng hoảng ấy, tín hữu Thêxalônica đã không chỉ mở rộng tâm lòng tiếp nhận lời rao giảng với tất cả xác tín tự do, mà còn vui sướng nữa. Niềm vui trộn lẫn với khốn khó khổ đau: thực tại mâu thuẫn này được thánh Phaolô đề cập tới trong nhiều thư khác (Rm 5,3; 8,9; 12,12; 2 Cr 5,10; 7,4; 8,2; 13,9). Đây không phải là thái độ sống bệnh hoạn của hiện tượng khổ dâm, nghĩa là tìm và cảm thấy khoái lạc trong đau đớn (do người khác hay do chính mình gây ra cho mình hoặc cho người khác). Nó cũng không phải là thái độ huyền bí tán tụng khổ đau. Lý do giải thích không nằm trong các cơ cấu tâm lý ít nhiều bất bình thương, nhưng do sự hiện diện của Thần Linh Chúa, là suối nguồn của sự ủi an, an bình và tươi vui. Nếu tín hữu vẫn tươi vui trong gian lao thử thách và khốn khó, chính là nhờ sức trợ lực của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần trợ lực Phaolô và các thừa sai trong công tác rao giảng Tin Mừng, cũng như ban cho tín hữu tươi vui đón nhận lời rao giảng ấy.
Như thế cộng đoàn bé nhỏ Thêxalônica đã đi lại con đường và đã sống cùng kinh nghiệm của Chúa Giêsu chịu đóng đanh cũng như của các thừa sai. Ở đây thánh Phaolô nói tới việc noi gương bắt chước. Noi gương bắt chước ở đây không chỉ có nghĩa thuần túy luân lý, tức là lập lại các thái độ sống của người khác, nhưng chia sẻ sâu đậm thực tại và các kinh nghiệm của người khác. Trên bình diện từ vựng, thánh Phaolô đã du nhập vào ngôn ngữ kitô giáo một từ hoàn toàn hy lạp. Từ “mimetês, miméomai” tương đương với từ “akoluthêô, ôpisô mou”, tức “theo Chúa Giêsu” như viết trong các Phúc Âm. Chấp nhận trở thành tín hữu kitô có nghĩa là chấp nhận sống kinh nghiệm và thực tại bị chống đối, thù ghét, khai trừ và kết án xử tử như Chúa Giêsu. Chúa Kitô, các tông đồ và các tín hữu đều chia sẻ cùng một số phận như nhau. Nghĩa là Giáo hội tiếp nối con đường của Chúa Giêsu. Sống đời tín hữu kitô có nghĩa là chia sẻ thập giá của Chúa Giêsu. Đây là lý do giải thích tại sao thánh Phaolô luôn luôn lấy Chúa Kitô làm điểm quy chiếu cho mọi tâm tình và cung cách hành xử của ngài và của các kitô hữu. Sau này khi viết bức thư thứ nhất cho tín hữu giáo đoàn Côrtintô, ngài khuyến khích họ rõ ràng như sau: “Anh chị em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Chúa Kitô” (1 Cr 11,1).
Nhưng giây chuyền bắt chước đó không chỉ dừng lại nơi các tín hữu Thêxalônica, mà còn lan rộng và lan xa hơn nữa. Tới lượt họ các kitô hữu Thêxalônica lại trở thành mẫu gương cho tín hữu thuộc các giáo đoàn khác rải rác trên đất nước Hy Lạp. Thật thế gương sống lòng tin của họ được tín hữu các giáo đoàn khác biết tới và ca ngợi khâm phục khắp nơi và trở thành Tin Mừng. Như thế Lời Chúa không bị đóng khung trong ranh giới của cộng đoàn gồm một nhóm tín hữu bí truyền, mà trái lại lan rộng ra khắp nơi như các làn sóng đồng tâm ngày càng trải rộng ra. Các người đón nhận Tin Mừng giờ đây trở thành các kẻ loan báo Tin Mừng. Kẻ được truyền đạo trở thành người truyền giáo không phải qua việc giảng dạy, mà qua chính cuộc sống và cung cách hành xử gương mẫu của mình. Họ là Tin Mừng sống động. Lòng tin kitô lan rộng không phải nhờ các dịch vụ quảng cáo như các ý thức hệ thường làm, nhưng là qua việc cống hiến và chia sẻ cho người khác các kinh nghiệm khổ đau sống thực đáng tin cậy. Dân chúng và tín hữu các cộng đoàn khác kể lại cho nhau nghe biến cố các thừa sai tới rao giảng Tin Mừng tại Thêxalônica như thế nào, và tín hữu tại đây đã đón nhận Lời Chúa và kiên trì sống Tin Mừng của Chúa ra sao. Hai câu 9-10 của chương một tả lại biến cố Lời Chúa đụng chạm và đánh động tâm lòng tín hữu tại đây như đã trình thuật trong các câu 5-8 trước đó. Phaolô dùng lại các yếu tố của giáo lý trong cộng đoàn kitô tiên khởi để tả lại tiến trình theo Kitô giáo của tín hữu Thêxalônica. Trước hết họ từ bỏ các tà thần, và quy hướng về Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Nghĩa là họ quay lưng cho các thần linh bất lực không trao ban sự sống cho họ, để chọn lựa vâng phục Thiên Chúa và phụng sự Ngài. Chúng ta có thể nói tới việc hoán cải độc thần, nghĩa là các tín hữu gốc ngoại giáo từ bỏ đa thần để theo độc thần. Nhưng niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất ấy còn có một khía cạnh khác nữa: đó là thái độ trông chờ biến cố Chúa Kitô quang lâm vào ngày sau hết để giải thoát tín hữu.
Ở đây cần ghi nhận sắc thái cánh chung trong quan niệm kitô học của Phaolô. Thánh nhân chỉ nêu bật biến cố Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang, mà không nhấn mạnh tới cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thật vậy, lòng tin kitô ở đây được hiểu như là niềm hy vọng hướng về ngày cánh chung, ngày Chúa Kitô quang lâm để giải phóng tín hữu một cách vĩnh viễn và thành toàn lịch sử cứu độ. Quan niệm về lòng tin kitô như thái độ sống hướng về tương lai và cuộc sống mai sau này đã được thánh Phaolô lấy lại từ giáo huấn của Kitô giáo thời khai sinh. Nó tập trung vào gương mặt của nhân vật cựu ước gọi là Con Người như được chương 7 sách Đaniel nói tới lần đầu tiên. Trong trào lưu khải huyền của Do thái giáo tín hữu trông đợi biến cố một vị quan án sẽ tới trong tương lai, tức Con Người, để giải phóng tín hữu khỏi mọi lực lượng sự dữ và cái chết. Gương mặt vinh quang đó của Con Người đựơc Chúa Giêsu áp dụng cho chính mình, và Kitô giáo thời khai sinh đồng hóa Con Người của sách Đaniel với Đức Giêsu thành Nagiarét. Đức Giêsu Kitô Con Người sẽ từ trời, nghĩa là từ thế giới thiên linh của Thiên Chúa, ngự xuống, để chủ tọa vụ phán xử sau hết trong ngày thế mạt. Đối với các tín hữu, ngày phán xử kinh hoàng đó sẽ là ngày vui của ơn giải phóng và cứu độ, ngày họ được bước vào Nước của Thiên Chúa. Chúng ta có thể coi đây là giáo lý kitô học cổ xưa nhất của Kitô giáo thời khai sinh.
Chắc hẳn trước thời thánh Phaolô theo Kitô giáo và rao giảng Tin Mừng, tín hữu cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi nói tiếng hy lạp đã thay kiểu nói “Con Người”, là kiểu diển tả rất xa lạ với thế giới và tâm thức hy lạp, bằng kiểu nói “Con Thiên Chúa”. Dầu sao đi nữa, trong văn bản của chúng ta tước hiệu kitô học “Con Thhiên Chúa”, tuy vẫn được diễn tả với sắc thái khải huyền, nghĩa là “từ trời xuống”, nhưng đi liền với động từ “ryómenon” giải thoát, cho được tự do, thay vì đi liền với động từ phán xử, là từ mang qúa nhiều đặc tính do thái. Thánh Phaolô đã tiếp nhận quan điểm kitô học này, mà chính ngài cũng tiếp thu được từ các tín hữu hy lạp và chia sẻ với tín hữu Thêxalônica. Sự kiện các tín hữu Thêxalônica tin nhận Chúa Kitô có nghĩa nòng cốt là họ trông chờ trong tương lai Chúa Kitô can thiệp để giải thoát họ khỏi án phạt. Và sự trông chờ đó có tính chất khẩn trương, như sắp sửa xảy ra trong ngày hôm nay, chứ không phải là sẽ tới trong một tương lai xa vời. Dĩ nhiên thánh Phaolô không quên sự phục sinh của Chúa Kitô, cũng được thánh nhân tuyên xưng với một công thức cổ xưa của Giáo hội thời khai sinh. Nhưng ở đây sự phục sinh xem ra không phải là biến cố ý nghĩa và trao ban ơn cứu độ. Nó chỉ đảm bảo cho biến cố Chúa Kitô sẽ quang lâm mà thôi. Lòng tin vào Chúa Kitô phục sinh liên hệ tới niềm hy vọng vào biến cố Ngài sẽ quang lâm để giải thoát và cứu độ tín hữu.
Đây hẳn là một kiểu diễn tả cổ xưa của lòng tin kitô. Rất mau sau đó các tín hữu cũng nhận ra các hạn hẹp của nó và bổ túc bằng các suy tư chín mùi và trưởng thành hơn. Theo đó cuộc tử nạn, cái chết và sự phuc sinh của Chúa Kitô làm thành nhịp cầu toàn vẹn của lịch sử cứu độ. Nghĩa là lòng tin của chúng ta không chỉ hướng về biến cố Chúa Kitô quang lâm trong tương lai, mà còn gắn liền với việc chia sẻ sự sống mới của Chúa phục sinh trong hiện tại và việc tham dự vào cái chết mà Ngài đã phải chịu vì chúng ta và vì tội lỗi chúng ta trong qúa khứ nữa. Trong chương 4,14 và 5,10 thánh Phaolô cũng dùng lại các công thức lòng tin của cộng đoàn kitô tiên khởi nêu bật tầm quan trọng cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.
Còn nữa...
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Linh Tiến Khải