Nội dung phần hai thư thứ I gửi giáo đoàn Thêxalônica

NỘI DUNG PHẦN HAI THƯ THỨ I GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA



Đọc thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thêxalônica chúng ta nhận ra ngay hai phần trong kết cấu và nội dung của thư. Phần thứ nhất gồm ba chương đầu gợi lại các kỷ niệm, mà thánh Phaolô đã có với tín hữu cộng đoàn và kể ra các lý do khiến thánh Phaolô vô vàn cảm tạ Thiên Chúa. Phần hai gồm hai chương 4-5 chứa đựng các lời khuyên nhủ, khuyến khích, cảnh cáo và răn bảo tín hữu. Có thể chia phần hai thành bốn đoạn. Đoạn nhất bao gồm các lời khuyên tín hữu sống thánh thiện và yêu thương nhau (4,1-12). Đoạn hai là giáo lý liên quan tới số phận của những người đã chết và lời khuyến khích của thánh Phaolô (4,13-18). Đoạn ba lại đề cập tới ngày sau hết và lời thánh Phaolô khuyên tín hữu tỉnh thức sẵn sàng đón chờ ngày Chúa Kitô quang lâm (5,1-11) Đoạn bốn gồm các lời khuyên nhủ tổng quát (5,12-22). Sau cùng trước lời kết (5,25-28) có lời nguyện xin Thiên Chúa giữ gìn tín hữu Thêxalônica được toàn vẹn trong ngày cánh chung (5,23-24).

Sau khi bầy tỏ nỗi vui mừng khôn tả, vì biết tín hữu Thêxalônica dù gặp biết bao gian lao thử thách, đã không suy giảm lòng tin mà còn kiên trì sốt sắng vững mạnh hơn nữa, đến nổi tiếng trong cả nước Hy Lạp, thánh Phaolô khuyến khích họ cứ tiếp tục lớn mạnh trong lòng Tin, lòng Cậy và lòng Mến. Ngài viết trong đầu chương 4: “Còn lại, thưa anh chị em, đây là các yêu cầu và khuyến khích của chúng tôi trong Chúa Giêsu: Anh chị em đã học biết từ chúng tôi phải hành xử thế nào để đẹp lòng Chúa, và anh chị em đang sống như vậy. Hãy tiến tới hơn nữa! Thật thế, anh chị em biết các huấn thị, mà chúng tôi đã đưa ra cho anh chị em nhân danh Chúa Giêsu. Ý Thiên Chúa muốn: đó là anh chị em hãy sống trong sự thánh thiện và xa lánh dâm ô. Mỗi người hãy làm chủ bản thân mình để sống trong thánh thiện và danh dự, mà không để cho mình sống buông thả theo sự thèm khát như người ngoại giáo không biết Chúa thường làm. Đừng có ai gây thiệt hại cho tha nhân và lường gạt người khác về điều này”.

Nếu dịch sát nghĩa câu 4 của chương 4 sẽ là: “Ước chi mỗi người trong anh chị em hãy biết sắm cho mình một cái bình trong sự thánh thiện và trong danh dự”. Từ “skeuos” trong tiếng hy lạp có nghĩa là đồ dùng, hay cái bình. Đó là một hình ảnh người hy lạp thường dùng để diễn tả “thân xác” con người. Thân xác là cái bình chứa đựng linh hồn. Trong chương 4,7 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô khẳng định với mọi người rằng Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng cứu độ của Chúa là một kho tàng mà các vị truyền giáo chứa đựng trong các bình bằng đất sét. Nhưng như thế là để Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng vô song của Ngài trong hoạt động thừa tác của các vị, chứ không do sức lực hay tài cán của các vị. “Bình băng đất sét” là hình ảnh có thể ám chỉ sự giòn mỏng yếu hèn của chính thánh Phaolô (2 Cr 12,7-10; Gl 4,14) và của các cộng sự viên. Nhưng cũng có thể ám chỉ thân xác bằng đất sét của con người như tả trong sách Sáng Thế chương 2,7, và được thánh Phaolô nhắc tới trong thư gửi tín hữu Roma chương 9,21-23, thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chương 15,47 và ở đây. Thân xác như cái bình bằng đất sét vừa diễn tả sự giòn mỏng dễ vỡ, vừa ám chỉ bản tính yếu đuối bất toàn của con người trong mọi bình diện cuộc sống của nó: cuộc sống tâm sinh vật thể lý cũng như cuộc sống tinh thần. Vì là cái bình bằng đất sét, nên con người đau yếu, vỡ nát, sứt mẻ, tan rữa đi. Như thế nếu hiểu cái bình ở trong câu 4 chương 4 thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica là thân xác, thì dịch là “mỗi người hãy chiếm đoạt thân xác của chính mình, nghĩa là hãy chế ngự, hãy làm chủ được thân xác mình”, đừng để cho nó sống lăng loàn trác táng, ăn chơi buông thả dâm dật.

Tuy nhiên cũng có thể dịch câu trên theo một nghĩa khác. Trong môi trường xã hội sêmít, người vợ được nam giới coi như là thịt xác hay thân xác của chính mình, như viết trong sách Sáng Thế chương 2,23. Khi thấy người nữ, người nam nói: “Lần này, nàng là thịt từ thịt tôi, xương từ xương tôi. Người ta sẽ gọi nàng là đàn bà, vì nàng được lấy ra từ đàn ông”. Như thế kiểu nói “mỗi người hãy sắm cho mình một cái bình” có nghĩa là mỗi người hãy lấy vợ (1 Cr 7,2), hãy lập gia đình, để sống trong sự thánh thiện và danh dự của cuộc sống hôn nhân và tính dục, chứ đừng buông thả dâm ô theo lòng ham muốn của mình (1 Cr 7). Hôn nhân giúp kitô hữu sống niềm tin thánh thiện và sự tùy thuộc của mình vào Thiên Chúa. Giữa một môi trường ngoại giáo, đối với nam giới theo kitô giáo, việc chọn lựa cho mình một người vợ là vấn đề quan trọng thánh Phaolô không thể bỏ qua không nhắc tới. Nó thuộc bổn phận khuyên bảo và dạy dỗ tín hữu của ngài.

Và thực vậy, trong phần hai thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica thánh Phaolô không ngừng nhắc họ đừng quên các giáo huấn mà ngài và các cộng sự viên đã giảng giải cho họ, khi còn ở bên họ. Phaolô khuyến khích tín hữu sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa. Vì ai từ bỏ các huấn thị này thì không phải họ chối bỏ con người, mà chối bỏ Thiên Chúa, là Đấng trao ban Thánh Thần cho họ (4,8). Liên quan tới tình yêu thương huynh đệ như lệnh Chúa truyền dạy, thánh Phaolô nói ngài không cần phải viết cho họ nữa, vì chính họ đã học biết từ Thiên Chúa, và thực sự là họ đang thực thi giáo huấn yêu thương đó đối với mọi tín hữu trong toàn vùng Maceđonia. Và thánh Phaolô thôi thúc họ hãy cố gắng có các tiến bộ mới trong lãnh vực này: “Anh chị em, chúng tôi khuyến khích anh chị em hãy có các tiến bộ mới”(4,10). Tiếp đến thánh nhân khuyên ai nấy hãy biết sống bình tĩnh không nôn nóng chờ đợi ngày Chúa quang lâm tới độ khoanh tay ngồi đó, không muốn làm việc và sinh hoạt gì nữa. Trái lại mỗi người phải biết chăm lo làm ăn sinh sống và chu toàn bổn phận của mình, cũng như sống đoan chính trước mặt mọi người và đừng trở thành gánh nặng cho người khác. Hết khuyên nhủ khuyến khích, thánh Phaolô nài xin các tín hữu hãy sống đúng tinh thần Tin Mừng. Do đó thánh nhân lập đi lập lại: “Rồi chúng tôi xin anh chị em... ”(4,13), “Anh chị em, lần nữa chúng tôi khuyến khích anh chị em... ”

Qua các lời lẽ này, thánh Phaolô cho thấy ngài hướng dẫn cuộc sống của các tín hữu trong hoàn cảnh tế nhị này, bởi vì họ đang phải đối phó với các khó khăn, nghi hoặc, lo lắng, hiểm nguy và lơ là, có thể khiến cho họ giảm sút trong ucộc sống lòng tin. Chính vì vậy Phaolô nhắc lại các huấn thị cụ thể mà ngài đã dạy họ trước đây liên quan tới cung cách sống. Phaolô nêu bật trở lại, và đưa thêm các lý do, hay giải nghĩa các điểm còn chưa rõ hay chưa khai triển đủ. Nghĩa là thánh nhân muốn bổ túc các giáo huấn của ngài. Tuy nhiên Phaolô không trình bầy các nguyên tắc luân lý kitô một cách trừu tượng. Ngài muốn chinh phục các tín hữu, và nhất là muốn đánh động con tim của họ và khơi dậy nơi họ ý chí dấn thân sống vững mạnh lòng tin.

Nói chung các huấn thị Phaolô đưa ra ở đây có tính cách tổng quát. Chúng là các yếu tố thuộc các công thức truyền thống, phần đông phát xuất từ gia tài do thái giáo. Có mới mẻ chăng đó là viễn tượng rộng rãi mà Phaolô mở ra trước mắt tín hữu. Trước tiên là nỗ lực sống xứng đáng với ơn gọi kitô. Vì khi tin vào Thiên Chúa là Đấng thánh, các tín hữu không được mời gọi sống trong ô uế, mà sống trong sự thánh thiện (4,7). Do đó họ phải tránh tất cả mọi kiểu sống không phù hợp với ơn gọi trở nên thánh thiện như Thiên Chúa. Ngoài ra chính cung cách sống hiện nay trên trần gian này sẽ định đoạt cho cuộc sống mai sau, mà Chúa Giêsu Kitô quang lâm sẽ ban cho mỗi người. Vì họ tin rằng Chúa Kitô chẳng bao lâu nữa sẽ trở lại, nên các tín hữu Thêxalônica lại càng có lý do mạnh để cố gắng sống thánh thiện hơn nữa. Thánh nhân cũng cầu xin chính Thiên Chúa thánh hóa họ hoàn toàn. Xin Ngài giữ gìn tinh thần, linh hồn, thân xác và toàn cuộc sống của họ vẹn toàn để họ không thể bị chê trách vào đâu được, trong ngày Chúa Giêsu Kitô trở lại (5,23).

Một trong các nét đặc biệt thánh Phaolô không ngừng nhắn nhủ các tín hửu Thêxalônica: đó là cố gắng tấn tới trong cuộc sống Tin-Cậy-Mến. Tình yêu thương Thiên Chúa và tha nhân phải ngày càng tràn đầy tâm lòng và cung cách hành xử của họ (3,12; 4,1.10; 5,23). Kinh nghiệm lòng tin kitô là một con đường trưởng thành, ngày càng dẫn đưa người tín hữu tới đỉnh trọn lành, tới chỗ trở nên giống Thiên Chúa hoàn toàn. Kitô hữu được mời gọi tiến tới luôn mãi, và ngày càng đào sâu các lựa chọn lòng tin của mình. Là tín hữu không có nghĩa là đã dứt điểm, đã thành toàn và đạt đích hay chiếm hữu được ơn cứu độ. Không, là tín hữu có nghĩa là giờ đây chúng ta mới khởi sự tiến bước trong đời dưới ánh sáng lòng tin.

Càng vào cuối thư lời lẽ của thánh Phaolô càng cương quyết và chắc chắn. Phaolo đang giảng dạy tín hữu với tất cả uy tín của một bậc thầy khai sáng ra giáo đoàn Thêxalônica. Thể sai khiến nối tiếp nhau trong các lời khuyên nhủ. Mấy câu cuối cùng của thư gồm một chuỗi các huấn thị ngắn gọn, rõ ràng và cụ thể: “Hỡi anh chị em, chúng tôi khuyên anh chị em hãy sửa bảo những người vô trật tự; hãy khích lệ những người nhát đảm; hãy gây phấn chấn cho những người yếu đuối; hãy sống đại lựơng với mọi người! Hãy coi chừng, đừng ai lấy oán báo oán. Trái lại, hãy luôn luôn tìm theo đuổi sự thiện giữa anh chị em với nhau và đối với mọi người. Hãy tươi vui luôn và hãy cầu nguyện không ngừng! Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa có đối với anh hcị em trong Đức Kitô Giêsu! Anh chị em đừng dập tắt Thần Linh, và chớ khinh rẻ các ơn ngôn sứ. Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự. Điều gì lành hãy giữ lấy. Hãy xa lánh sự dữ dưới bất cứ hình thức nào!”. Nói cách khác, thánh Phaolô luôn luôn nhắc nhớ tín hữu đừng quên thánh ý Thiên Chúa (4,3; 5,18) giáo huấn của Chúa (4,9), lời Chúa Giêsu (4,15), quyền của Thiên Chúa (4,1-2), được thánh nhân và các cộng sự viên của Ngài loan báo và thi hành theo lệnh Chúa truyền (2,4.7.13). Mọi lời rao giảng và hoạt động của các vị chỉ có mục đích làm trung gian lịch sử giữa Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô và tín hữu Thêxalônica .

HÌNH THỨC CŨ, TINH THẦN VÀ NỘI DUNG MỚI.

Khi đọc câu mở đầu thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thêxalônica , chúng ta nhận ra hai nhân tố. Thứ nhất, hình thức khai mào bức thư là hình thức cổ điển của thư tín trong thế giới roma-hy lạp bấy giờ. Nó luôn bắt đầu với một câu ngắn gọn, nêu tên người gửi, người nhận và kết thúc với lời chào. Thánh Phaolô cũng lấy lại hình thức cũ này, nhưng thêm vào một yếu tố mới khác khiến cho lời chào mang đậm sắc thái kitô giáo: “Phaolô, Silvanô và Timôtêô gửi cho giáo hội của anh chị em Thêxalônica, giáo hội trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Ơn thánh và bình an ở cùng anh chị em” (1 Ts 1,1). Nghĩa là thánh Phaolô khai triển và trao ban cho hình thức cổ điển kiểu mở đầu thư tín của thế giới thời đó các ý nghĩa thâm trầm diễn tả kinh nghiệm của lòng tin kitô.

Người gửi ở đây là Phaolô và các cộng sự viên truyền giáo, tức Silvanô và Timôtêô. Tên của ba người gửi khiến cho chúng ta có thể nghĩ rằng đây là lá thư chung. Nhưng kiểu hành văn riêng tư và cách xưng hô ở ngôi thứ nhất (2,18; 3,5) chứng minh cho thấy nó là bức thư riêng do Phaolo viết, hay đọc cho người khác viết. Đây là một chi tiết quan trọng chứng minh cho thấy Phaolô không phải là người có khuynh hướng tôn thờ cá nhân, tự suy tôn mình. Trái lại thánh nhân rất ý thức được sự hiện diện và cộng tác hữu hiệu của các bạn đồng hành trên đường truyền giáo. Nó chứng minh cho tinh thần đoàn thể của Phaolô và các thừa sai. Các vị đã áp dụng nguyên tắc “hợp quần gây sức mạnh”, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Silvanô và Timôtêô cũng đã đồng công, cộng khổ trong công tác rao giảng Tin Mừng với Phaolô và thành lập giáo đoàn Thêxalônica. Do đó, thật là điều tự nhiên, khi giờ đây Phaolô cùng với các cộng sự viên gửi lời chào tới tín hữu toàn cộng đoàn. Riêng trên phương diện tâm lý mà nói, chi tiết này rất quan trọng. Tinh thần đồng trách nhiệm và sự hiệp nhất giữa hàng lãnh đạo là một yếu tố quan trọng định đoạt cho sự thành công của việc rao truyền Tin Mừng. Đây là lý do giải thích tại sao trong thư Phaolô cũng thường dùng kiểu nói “chúng tôi” ở số nhiều, mặc dầu chính ngài là người gửi thư cho các tín hữu.

Silvanô hay Sila là một nhân vật vị vọng tên tuổi trong lịch sử Kitô giáo thời khai sinh, được gọi là ngôn sứ đã nói nhiều lời khuyên bảo và khich lệ tín hữu, như viết trong sách Công Vụ chương 15,22-32. Sau này Sila trở thành bạn đồng hành với thánh Phaolô trên đường truyền giáo tại Tiểu Á, Maceđonia và Acaia (Cv 15,40; 16,19 tt.; 17,4 tt.; 18,5). Tiếp đến Sila cũng trợ giúp thánh Phêrô (1 Pr 5,12).

Timôtêô đã cùng rao giảng Tin Mừng với Phaolô và Sila tại Astri (Cv 16,1-3), và cộng tác với hai vị trong việc truyền giáo như viết trong sách Công Vụ (Cv 17,14 tt.; 18,5; 19,22; 20,4). Timôtêô đã là môn đệ rất trung thành của Phaolô và được thánh nhân giao cho nhiều sứ mệnh tế nhị, đặc biệt là nhiệm vụ giảng hòa giữa Phaolô và các tín hữu cộng đoàn Côrintô trong những lúc căng thẳng sau này (1 Ts 3,2-6; 1 Cr 4,17; 16,10; Pl 2,19-20). Truyền thống cũng duy trì được hai lá thư Phaolô viết riêng cho Timôtêô.

Ở đây Phaolô chỉ nêu tên người gửi mà không đề cập tới chức vụ là “tông đồ”, như thánh nhân làm sau này trong các thư quan trọng khác. Lý do là vì đây là bức thư có tính cách riêng tư và bầu khí thân tình, chứ không phải trong khung cảnh tranh luận với các chống đối và vu khống như trong các thư gửi giáo đoàn Côrintô. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta có thể loại bỏ ý thức là tông đồ của thánh Phaolô. Bức thư được Phaolô gửi tới mọi tín hữu Thêxalônica. Do đó thánh Phaolô dùng từ “ekklesia”, giáo hội, để gọi giáo đoàn này. Đây là một từ có nội dung thần học súc tích. Trong lịch sử Kitô giáo thời khai sinh thuộc môi trường hy lạp, từ này được dùng để gọi giáo đoàn Giêrusalem và có ý khẳng định rằng trong lịch sử cứu độ, Giáo Hội là dân riêng mới của Thiên Chúa, tiếp nối Israel là dân riêng cũ. Nhưng thánh Phaolô đã không ngần ngại dùng từ “ekklesia” để gọi tín hữu giáo đoàn Thêxalônica, là những người không phải gốc do thái. Nghĩa là cả những anh chị em ngoại giáo theo Kitô giáo cũng là Giáo Hội, dân riêng mới của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ có các kitô hữu gốc do thái mà thôi, bởi vì Thiên Chúa cống hiến ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Điều kiện duy nhất để được ơn cứu độ là biết rộng mở tâm lòng tiếp nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu, chứ ơn cứu độ không tùy thuộc chủng tộc, ngôn ngữ hay mầu da. Đây là mấu điểm thần học được thánh Phaolô luôn luôn nêu bật trong các thư của mình. Sự kiện tín hữu Thêxalônica tin nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng khiến cho họ được vào hàng những người được Thiên Chúa lựa chọn và yêu thương ngang hàng với các tín hữu kitô gốc do thái. Ở đây Phaolô nhấn mạnh trên sự kiện tín hữu Thêxalônica là giáo hội, chứ không phải chỉ là thành phần của giáo hội. Lý do là vì dân riêng mới của Thiên Chúa hiện diện ở tất cả những nơi nào Tin Mừng được loan báo và có người tin nhận sống lòng tin, lòng cậy, lòng mến. Lịch sử Thiên Chúa gặp gỡ loài người giờ đây đi qua và hiện diện nơi các nhóm tín hữu bé nhỏ sống rải rác trong các thành phố của đế quốc Roma.

Tuy nhiên thánh nhân còn xác định thêm để phân biệt cộng đoàn kitô Thêxalônica với các cộng đoàn dân sự trong thành phố này. Các cộng đoàn dân sự này tụ họp nhau một cách dân chủ để thảo luận và giải quyết các vấn đề công cộng cũng được gọi là “ekklesia”. Nhưng chúng không giống cộng đoàn “ekklesia” kitô. Vì cộng đoàn kitô Thêxalônica thuộc về Thiên Chúa và Chúa Giêsu, và sống kinh nghiệm đặc thù là tham dự vào chính sự sống mới của Chúa Giêsu phục sinh, trong các liên hệ mới nối kết nó với Thiên Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô là Chúa. Nghĩa là nó là một cộng đoàn vô cùng đặc biệt. Để diễn tả tất cả các khía cạnh thần học kể trên, thánh Phaolô chỉ dùng một tiền trí từ “trong” và hiểu ngầm cả động từ “là” hay “ở” hoặc “hiện diện” nữa. Phaolô chỉ viết trống không và ngắn gọn rằng: “giáo hội trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô”. Tiền trí từ “trong” ở đây diễn tả sự hiệp nhất, sự tùy thuộc và hiệp thông sự sống. Nó gói ghém mọi kinh nghiệm sâu thẳm, hoàn toàn riêng tư, liên kết các tín hữu với Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô.

Phaolô cũng xác định hai điểm quy chiếu nòng cốt của cộng đoàn kitô. Đó là Thiên Chúa là Cha, và Chúa Giêsu Kitô là Chúa. Sự thật Thiên Chúa là Cha phát xuất từ chính lời giảng dạy và kinh nghiệm nồng ấm của Đức Giêsu thành Nagiarét. Ngài thích gọi Thiên Chúa là “Cha trên trời”, là “Cha của Ta và Cha của các con”. Đức Giêsu không ngần ngại dùng từ “Abba”, có nghĩa là “ba” mà trẻ em thường dùng để âu yếm gọi Thiên Chúa (Cf. Mt 14,36). Trong Kitô giáo thời khai sinh gương sống của Chúa Giêsu trở thành luật lệ (Cf. Gl 4,6; Rm 8,15). Và thánh Phaolô cũng không chuẩn chước cho nguyên tắc này. Thánh nhân muốn nêu bật rằng Thiên Chúa của tín hữu kitô không giống bất cứ vị thần nào khác, mà là Đấng tỏ hiện gương mặt đích thực của Ngài trong lịch sử cuộc đời Đức Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại. Tước hiệu “Chúa” “Kyrios” trong tiếng hy lạp cũng phát xuất từ Kitô giáo thời khai sinh, hay đúng hơn từ các tín hữu kitô nói tiếng hy lạp. Tuy nhiên trong các thư của thánh Phaolô tước hiệu “Kyrios” rất hay được dùng để gói ghém nhiều đặc thái thần học sâu sắc. Đặc biệt nó ám chỉ sự hiện diện linh động và trao ban sự sống của Chúa Kitô phục sinh giữa lòng cộng đoàn kitô tuyên xưng Ngài là Chúa duy nhất tuyệt đối của mình (Rm 10,9; 1 Cr 8,6).

“Ân sủng và bình an cho anh chị em” là công thức mang sắc thái phụng vụ, do đó cũng phát xuất từ cộng đoàn kitô tiên khởi. Hơn là một lời chào thường tình, có thể định nghĩa nó là một phúc lành thực sự. Công thức này trộn lẫn hai hiểu chào vì dùng hai từ mà người do thái và hy lạp thường dùng để chào nhau: “Shalom” nghĩa là bình an trong tiếng do thái, và “Khaire” nghĩa là “chào”. Nhưng nếu dịch sát thì “Khaire” trước hết có nghĩa là “Hãy vui lên”!. Thật ra công thức này đã có trong phúc lành như ghi trong sách Dân Số chương 6,25-26: “Xin Giavê dãi sáng gương mặt Ngài trên ngươi và ban ân sủng cho ngươi. Ước chi Giavê hướng mặt về ngươi và ban an bình cho ngươi”. Dầu sao đi nữa có điều chắc chắn đó là danh từ “Kharis” ân sủng, ơn thánh, trong bối cảnh và bầu khí của Kitô giáo không chỉ có nghĩa là một lời chào theo quy ước thường tình. Trái lại nó diễn tả tình yêu thương nhưng không của Thiên Chúa như là suối nguồn trao ban ơn thứ tha và cứu độ. Từ “hòa bình” ở đây gói ghém tất cả nội dung súc tích của từ do thái “Shalom”. Nghĩa là ám chỉ mọi ơn lành Thiên Chúa ban cho con người, nhất là ơn cứu độ của thời cứu thế và ơn hòa giải của loài người mà Thiên Chúa Cha hiện thực qua Đức Giêsu Kitô, Con Ngài (Rm 5,1). Tắt một lời, qua công thức trên đây, với cử chỉ của một thầy cả, thánh Phaolô ban phép lành cho cộng đoàn tín hữu tụ họp nhau để lắng nghe bức tông thư của thánh nhân. Qua đó Phaolô cho thấy ngài là trung gian có nhiệm vụ chuyển đạt ơn cứu độ nhưng không của Chúa tới cho cộng đoàn tín hữu.

Tóm lại, các lời chào ngắn gọn trong các thư của thánh Phaolô tuy có hình thức cũ theo thói quen cổ điển thời bấy giờ, nhưng bao hàm tinh thần và nội dung hoàn toàn mới mẻ, vì chất chứa giáo huấn thần học nòng cốt diễn tả niềm tin của Kitô giáo.

Lm. Giuse Linh Tiến Khải
Mới hơn Cũ hơn