Bài chia sẻ, Tin mừng Lc 16,1-13, của ĐTC Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, sáng Chúa nhật 22/09/2019.
Anh chị em thân mến
Nhân vật chính trong dụ ngôn của Tin mừng Chúa nhật hôm nay (Lc 16, 1-3) là một quản lý nhanh trí và bất lương, anh bị buộc tội vì đã lãng phí tài sản của chủ, và sắp bị sa thải. Đứng trước hoàn cảnh khó khăn này, anh ta không phàn nàn, không tìm cách phân bua, cũng không để mình bị nản lòng, nhưng anh ta đi tìm một lối thoát an toàn và chắc chắn cho tương lai. Phản ứng trước hết của anh ta đầy sắc bén, bằng cách nhận ra những giới hạn của mình : “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” (c 3); rồi sau đó với hành động xảo quyệt, anh ta lấy cắp của ông chủ lần cuối cùng. Thực thế, anh gọi các con nợ đến và giảm các khoản nợ mà họ đang nợ ông chủ, để biến họ thành những người bạn để sau này anh được họ thưởng công. Anh tự biến mình trở thành những người bạn với tham nhũng và đón nhận lòng biết ơn bằng hối lộ, thật không may vì nó giống như thói lệ hôm nay.
Chúa Giêsu đưa ra ví dụ này tất nhiên không phải để cổ võ cho sự bất lương, nhưng cho sự khôn ngoan. Ngài nhấn mạnh : “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo” (c8), tức là bằng sự pha trộn giữa thông minh và xảo quyệt đó, cho phép anh vượt qua được những hoàn cảnh khó khăn. Chìa khóa của bài đọc này chính là lời mời của Chúa Giêsu trong đoạn cuối dụ ngôn : “Thầy bảo cho anh em biết, hãy dùng Tiền Của bất chính mà mua lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (c9). Điều này có vẻ hơi mơ hồ, ở đây : “sự giàu có bất chính” là tiền bạc – còn được gọi là “phân của ma quỷ” – và nói chung là những của cải vật chất.
Sang giàu có thể thúc đẩy người ta dựng lên những bức tường, tạo ra những mối chia rẽ và kỳ thị. Trái lại, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài đảo ngược con đường : “anh em hãy tạo lấy bạn hữu bằng sự giàu có”. Đó là lời mời biết biến của cải và giàu có thành các mối quan hệ, bởi vì con người có giá trị hơn mọi thứ và có giá trị hơn sự giàu có mình nắm giữ. Thực vậy, trong cuộc sống, người mang lại kết quả không phải là người giàu có, nhưng là người biết tạo nên và duy trì được nhiều liên kết, nhiều mối quan hệ, nhiều bạn bè qua sự giàu có khác nhau, tức là những món quà khác nhau mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Chúa Giêsu cũng chỉ ra mục đích cuối của lời khuyên của Ngài : “Các con hãy tạo nên bạn hữu bằng sự giàu có, bởi vì họ sẽ đón rước các con vào nơi ở vĩnh cửu”. Để được đón rước vào Thiên đàng, một khi chúng ta biết biến đổi sự giàu có thành công cụ của tình huynh đệ và liên đới, không chỉ có Thiên Chúa, mà còn cả những người chúng ta đã chia sẻ, bằng cách quản lý tốt những gì Thiên Chúa đã trao vào tay chúng ta.
Anh chị em thân mến, trang Tin mừng hôm nay làm vang lên trong chúng ta câu hỏi của người quản lý bất lương, bị ông chủ đuổi đi: “Bây giờ tôi phải làm gì” (c3). Đứng trước những thiếu thốn và thất bại của chúng ta, Chúa Giêsu bảo đảm rằng chúng ta luôn có thời gian để sửa lại điều xấu bằng cách thực hiện điều tốt. Ai đã từng gây ra nước mắt, hãy đem lại hạnh phúc cho người ta; ai đã chiếm đoạt bất chính, hãy ban phát cho những ai đang túng thiếu. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ ca ngợi Thiên Chúa “bởi vì chúng ta đã hành động bằng sự khôn khéo”, nghĩa là bằng sự khôn ngoan của những người nhận biết Con Thiên Chúa và dám đánh liều đời mình vì Nước Trời.
Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta biết sống khôn ngoan trong cuộc sống bảo đảm cho mình bằng sự sống đời đời, chứ không phải bằng những thành công trần thế, để trong giờ sau hết, những người túng thiếu được chúng ta giúp đỡ, có thể làm chứng rằng qua họ, chúng ta đã sống và đã phục vụ Thiên Chúa.
________________________________________
Sau kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật tới, ngày 29 tháng 9, sẽ là Ngày Thế Giới Người Tị Nạn. Nhân dịp này, tôi sẽ cử hành thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Tôi mời anh chị em tham dự buổi cử hành này để bày tỏ sự gần gũi của chúng ta dành cho người tị nạn và bị chối từ trên toàn thế giới bằng lời cầu nguyện.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ