Vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục người đời

Tiếp tục bài Giáo lý về sách Công vụ Tông đồ, sáng nay 28/8/2019, tại quảng trường thánh Phêrô, ĐTC đã chia sẻ với các tín hữu về chủ đề : Thánh Phêrô, nhân chứng chính của Đấng sống lại (Cv 5,15).



7. "Khi Phêrô đi ngang qua ..." (Cv 5,15). Thánh Phêrô, nhân chứng chính của Đấng sống lại.

Anh chị em thân mến

Cộng đoàn Giáo hội được mô tả trong sách Công vụ Tông đồ sống rất dư dật điều mà Thiên Chúa ban cho họ - Thiên Chúa rất ư quảng đại - đó là cảm nhận được sự gia tăng về số lượng và dậy men tuyệt vời bất chấp những cuộc tấn công từ bên ngoài. Để cho chúng ta thấy được sức sống này, trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca đã chỉ ra những điểm đáng chú ý, ví dụ hành lang Salomon (x. CV 5,12), nơi các tín hữu gặp gỡ. Hành lang này là một khu vực mở, như là một nơi trú ẩn và cũng là nơi gặp gỡ và làm chứng. Thật vậy, thánh Luca nhấn mạnh đến những dấu chỉ và những điều kỳ diệu đi kèm với lời của các Tông đồ và việc chăm sóc đặc biệt cho các bệnh nhân, những người mà các ngài lưu tâm.

Trong chương 5 của Công vụ Tông đồ, Giáo hội non trẻ được trình bày như “bệnh viện dã chiến”, nơi đón nhận những người yếu đuối nhất, tức các bệnh nhân. Sự đau khổ của họ thu hút các Tông đồ, là những người “không có vàng bạc” (Cv 3,6) – Thánh Phêrô nói với người què như vậy – nhưng họ mạnh mẽ nhờ danh Chúa Giêsu. Trong mắt các Tông đồ, cũng như trong mắt các Kitô hữu mọi thời, những người đau yếu là những đối tượng ưu tiên trong việc loan báo niềm vui Nước Trời, họ là anh chị em trong Chúa Kitô đang hiện diện theo cách đặc biệt, qua đó họ được tất cả chúng ta tìm gặp (x Mt 25, 36.40). Các bệnh nhân là những đối tượng ưu tiên đối với Giáo hội, đối với con tim linh mục, và đối với tất cả các tín hữu. Họ không bị loại bỏ, nhưng trái lại họ được chữa trị, chăm sóc : họ là đối tượng của mối bận tâm kitô giáo.

Thánh Phêrô là người nổi trội trong số các tông đồ, người có thế giá bởi quyền tối thượng và bởi sứ mạng ngài đã nhận từ Chúa Sống lại (Ga 21, 15-17). Chính Phêrô là người mở đường rao giảng kerygma trong ngày lễ Hiện xuống (Cv 2,14-41) và là người sẽ thi hành chức năng lãnh đạo tại công đồng Giêrusalem (Cv 15 và Gal 2, 10-10).

Thánh Phêrô tiến gần đến cáng và ngài đi qua các bệnh nhân, ngài đã làm giống như Chúa Giêsu vậy, tự mang trên mình mọi tật nguyền và đau yếu (x. Mt 8,17; Is 53.4). Và Phêrô, người ngư phủ của Galilê, đi ngang qua, nhưng ông để cho một Đấng khác được tỏ hiện : đó là Chúa Kitô hằng sống và đang hoạt động ! Thật vậy, chứng nhân là người trình bày Chúa Kitô, bằng lời và bằng sự hiện diện thể xác, cho phép họ xây dựng mối tương quan và kéo dài sự hiện diện của Ngôi Lời nhập thể trong lịch sử.

Phêrô là người thực hiện công trình của Thầy mình (Ga 14,12) : khi nhìn vào thánh nhân bằng cái nhìn đức tin, ta thấy được chính Chúa Kitô. Được tràn đầy Thánh Thần của Thiên Chúa, Phêrô đi ngang qua, ông không làm gì cả, chỉ cái bóng của ông trở thành một sự “âu yếm”, trở thành người chữa lành, truyền sức khỏe, trở thành một sự tuôn đổ sự hiền dịu của Đấng sống lại, Đấng đã cúi xuống trên những bệnh nhân và phục hồi cuộc sống, cứu độ, phục hồi nhân phẩm. Theo cách này, Thiên Chúa tỏ bày sự gần gũi của Ngài và làm cho những vết thương của con cái Ngài “thành địa điểm thần học về sự hiền dịu của Ngài (bài suy niệm sáng 14.12.2017 tại nhà nguyện Marta). Nơi các vết thương của các bệnh nhân, nơi những người bị cản trở khi tiến bước trong cuộc sống, luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu, vết thương của Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu, Đấng luôn luôn mời gọi mỗi người chúng ta chăm sóc họ, nâng đỡ và chữa lành họ.

Hành động chữa lành của thánh Phêrô làm tăng thêm sự ghen ghét và đố kỵ của những người biệt phái, muốn bỏ tù các tông đồ và sửng sốt vì sự giải phóng đầy bí ẩn của các ngài, họ cấm các ngài giảng dạy. Dân chúng nhìn thấy các phép lạ mà các tông đồ thực hiện không phải do ma thuật, nhưng nhờ danh Chúa Giêsu; thế nhưng các người biệt phái không muốn đón nhận nó và họ bắt các ông vào tù, đánh đập các ông. Sau đó các tông đồ được giải thoát cách kỳ diệu, nhưng tâm hồn những người biệt phái vẫn trơ cứng, không muốn tin vào điều mình đã thấy. Lúc bấy giờ, Phêrô trả lời bằng cách đưa ra chìa khóa dành cho đời sống Kitô hữu : “vâng phục Chúa hơn là vâng phục người đời” (Cv 5,29), bởi vì những người biệt phái nói : “Các ông không được làm những điều này nữa, không được chữa lành” – “tôi vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục người đời” : Đó là câu trả lời tuyệt vời nhất của kitô giáo. Điều này có nghĩa là lắng nghe Thiên Chúa cách vô điều kiện, không trì hoãn, không tính toán; Kết hợp với Ngài để có thể kết ước với Ngài và với những người chúng ta gặp thấy trên đường.

Chúng ta cũng cầu xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh để chúng ta không khiếp sợ trước những người bắt chúng ta câm nín, nói xấu chúng ta và thậm chí muốn mưu hại cuộc đời chúng ta. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần củng cố tâm hồn chúng ta để có thể tin chắc vào sự hiện diện đầy yêu thương và an ủi của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta.

Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn