Saolô, từ kẻ bắt bớ đến người rao giảng Tin mừng.



Tiếp tục bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ sáng thứ tư ngày 9/10/2019, ĐTC Phanxicô phân tích về một trong những thay đổi lớn trong lịch sử đó là : sự biến đổi của Saolô, từ kẻ bách hại các Kitô hữu trở nên người rao giảng Tin mừng cho dân ngoại.



11. "Lợi khí mà Ta đã chọn cho Ta" (Cv 9, 15). Saulô, từ kẻ bắt bớ đến người rao giảng Tin mừng.

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Bắt đầu từ sự kiện ném đá Stêphanô, một nhân vật khác xuất hiện cạnh thánh Phêrô, người có mặt và sắc bén nhất trong Công vụ Tông đồ đó là “chàng thanh niên, được gọi là Saolô” (Cv 7,58). Ngay từ đầu, Saolô được xem là người đã tán thành cái chết của Stêphanô và muốn phá hủy Giáo hội (x. Cv 8,3); nhưng sau đó Saolô được Thiên Chúa chọn để trở nên khí cụ rao giảng Tin mừng cho dân ngoại (x. Cv 9,15; 22,21; 26,17).

Với sự cho phép của thầy thượng tế, Saolô đã ra tay săn lùng các Kitô hữu và bắt giữ họ. Anh chị em là những người đến từ các dân tộc bị bách hại bởi các chế độ độc tài, ắt sẽ hiểu rõ ý nghĩa của việc săn lùng và bắt giữ người dân. Saolô cũng đã làm như thế. Khi làm việc này, Saolô nghĩ rằng ông đang phục vụ cho Lề luật của Thiên Chúa. Thánh Luca nói rằng : Saolô “hắt ra” “những lời đe dọa và những cuộc tàn sát chống lại các môn đệ của Chúa” (Cv 9,1) : nơi ông hơi thở mang mùi tử khí chứ không phải sự sống.

Chàng trai trẻ Saolô được mô tả như một người không khoan nhượng, là người thể hiện sự bất khoan dung với những ai có suy nghĩ khác biệt với mình. Saolô tuyệt đối hóa bản sắc chính trị hay tôn giáo của mình và biến người khác thành kẻ thù tiềm năng để chiến đấu. Một loại ý thức hệ. Nơi con người Saolô tôn giáo đã bị biến thành ý thức hệ : ý thức hệ tôn giáo, xã hội, chính trị. Chỉ sau khi được Chúa Kitô biến đổi, lúc đó Saolô mới nhận ra rằng cuộc chiến thực sự “không phải là chống lại xác thịt và máu huyết, nhưng chống lại […] những kẻ thống trị thế gian tăm tối này, chống lại thần dữ” (Eph 6,12). Saolô nhận ra rằng người ta không cần phải chiến đấu chống lại con người, nhưng là chống lại sự dữ đang gợi hứng cho những hành động của họ.

Saolô đã tức giận. Tình trạng tức giận và xung đột của Saolô mời mọi người tự vấn : Tôi có thể sống niềm tin của mình như thế nào? Tôi đến gặp gỡ tha nhân hay tôi chống lại họ? Tôi thuộc về Giáo hội hoàn vũ (người tốt và người xấu, tất cả) hay tôi có một ý thức hệ được chọn lọc? Tôi thờ phượng Thiên Chúa hay mê thích những công thức thuộc giáo điều? Cuộc sống tôn giáo của tôi thế nào? Có phải niềm tin vào Thiên Chúa mà tôi tuyên xưng làm cho tôi thân thiện hay thù địch với những người khác với tôi?

Thánh Luca kể rằng, trong khi Saolô đang có ý nhổ bật rễ cộng đoàn Kitô giáo, thì Thiên Chúa, theo dấu vết của ông, chạm vào con tim và biến đổi bản thân ông. Đó là cách thức của Chúa : Ngài chạm vào con tim. Đấng Phục sinh đã chủ động và tự tỏ bày cho Saolô trên đường Đamát, một sự kiện được kể lại ba lần trong sách Công vụ (x. Cv 9, 3-19; 22,3-21; 26,4-23). Qua sự kết hợp “ánh sáng” và “giọng nói”, một kiểu đặc trưng của thần hiện, Đấng Phục sinh hiện ra với Saolô và đòi ông giải thích về cơn giận giết hại các anh em của ông : “Saolô, Saolô, sao ngươi lại bắt bớ ta?” (Cv 9,4). Ở đây, Đấng Phục sinh cho biết Ngài với Đấng mà mọi người đang tin tưởng là một : tấn công một chi thể của Giáo hội là tấn công chính Chúa Kitô? Ngay cả những người thuộc ý thức hệ bởi vì họ muốn sự “trong sạch” – trong ngoặc kép – cho Giáo hội, họ tấn công Chúa Kitô.

Tiếng Chúa Giêsu nói với Saolô : “Anh hãy chỗi dậy và đi vào thành và ta sẽ nói cho anh biết điều anh phải làm” (Cv 9,6). Tuy nhiên, khi đứng dậy, Saolô không còn thấy gì nữa, ông đã trở nên mù lòa. Từ một con người mạnh mẽ, có uy thế và độc lập ông trở nên yếu nhược, túng thiếu và phụ thuộc vào người khác, bởi vì ông không thấy. Ánh sáng của Chúa Kitô đã làm cho ông lóa mắt và khiến ông bị mù : do đó “những gì xuất hiện bên ngoài cũng là cái thực tại bên trong của ông, sự đui mù của ông đối với chân lý, đối với ánh sáng đó là Chúa Kitô (Bênêđictô XVI, tiếp kiến chung, 3/9/2008).
Từ cuộc gặp gỡ "thân xác với thân xác" giữa Saolô và Đấng Phục sinh, bắt đầu một sự biến đổi cho thấy "cuộc vượt qua cá nhân" của Saolô, thấy được hành trình đi từ sự chết đến sự sống của ông : những gì trước kia là vinh quang nay trở thành "rác rưởi" bị vất bỏ để thu lượm những lợi ích thật sự là Chúa Kitô và sự sống nơi Người” (x. Phil 3,7-8).

Thánh Phaolô đã nhận phép rửa. Và vì thế Phép rửa đánh dấu cuộc đời của Saolô, giống như đánh dấu cho mỗi người chúng ta, bắt đầu một cuộc sống mới, đi kèm với cái nhìn mới về Thiên Chúa, về bản thân và về tha nhân, từ kẻ thù trở thành anh chị em trong Chúa Kitô.

Chúng ta cầu xin Chúa Cha ban cho chúng ta, cũng như Saolô cảm nghiệm được tác động yêu thương của Thiên Chúa mà chỉ có như vậy mới có thể làm cho con tim bằng đá trở thành con tìm bằng thịt (Ed 11,15), có khả năng đón nhận nơi mình “những tâm tình như chính Chúa Giêsu Kitô” (Phil 2,5).

Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn