Bài thánh ca O Sapientia: bắt đầu tuần cuối cùng của Mùa Vọng

Bài thánh ca O Sapientia: bắt đầu tuần cuối cùng của Mùa Vọng

Cha Jacob Bertrand Janchot, OP



Việc nhân cách hóa sự Khôn ngoan đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển sự nhận biết của chúng ta về Chúa Kitô.

OSapientia, quae ex ore Altissimi prodiisti,
attingens a fine usque ad finem,
fortiter suaviterque disponens omnia:
veni ad docendum nos viam prudentiae.

Lạy Ngôi Lời khôn ngoan thượng trí,
phát xuất từ miệng Đấng Tối Cao, 
Ngài điều khiển mọi nơi và an bài mọi sự, mạnh mẽ nhưng dịu dàng.
Xin đến mà chỉ dạy đường cứu độ chúng con.

Lạy Đấng Khôn ngoan, đó là từ đầu tiên trong bài thánh ca, mở đầu cho tuần cuối cùng của Mùa vọng. Giáo hội kêu cầu “Sự Ngôn ngoan – Thượng trí” hãy đến để dạy chúng con biết thấu triệt lẽ khôn ngoan. Khôn ngoan chắc chắn có liên hệ đến hiểu biết hoặc kinh nghiệm, có thể là có phán đoán tốt, nhưng trong Kinh thánh, Khôn ngoan đóng vai trò quan trọng và lớn lao hơn. Trong toàn bộ Cựu ước Khôn ngoan được nhân cách hóa, có vai trò sáng tạo (Kn 9,1-6), bảo ban lề luật (Bar 4,1-4), bảo vệ và cứu vớt kẻ công chính (Kn 10,1-9).

Việc nhân cách hóa Khôn ngoan đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Kitô. Lấy ví dụ như thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (1,18-4,21), qua đó Chúa của chúng ta được hiểu như là Khôn ngoan được báo trước từ xưa. “Chúa Kitô là sức mạnh của Thiên Chúa và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cor 1,24).

Chính Chúa Kitô là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài chính là sự khôn ngoan, là Ngôi lời (Ga 1,1), và chính Chúa Kitô là Đấng mà tiên tri Isaia gọi là “người tuyệt vời trong lời khuyên bảo, và xuất sắc về sự khôn ngoan” (Is 28,29), và là Đấng tiếp nhận tinh thần khôn ngoan của Thiên Chúa (x. Is 11,2). Có lẽ có gì đó hơi nhạt khi chúng ta kêu cầu Khôn ngoan giống như Giáng sinh ơi hãy đến mau. Tại sao lại là “Khôn ngoan” mà không phải là “Đấng Tối Cao” hay “Hoàng tử Hòa bình”? Trong một bài giảng năm 450, thánh Leo cả đã nói : 

Vì yêu thương Thiên Chúa tái hiện cho chúng ta hình ảnh của mình. Để Ngài có thể tìm thấy nơi chúng ta hình ảnh tốt lành của mình, Ngài ban cho chúng ta phương tiện để qua đó chúng ta có thể thực hiện những công việc mà chúng ta làm – bằng cách thắp lên ngọn lửa trong lòng và truyền ngọn lửa ấy bằng ngọn lửa tình yêu của Ngài, để chúng ta có thể không chỉ yêu Ngài mà con yêu bất cứ những gì Ngài yêu thương.

Một câu châm ngôn nói rằng: “bạn không thể yêu điều mà bạn chưa hề thấy”. Các tiên của Israel, thánh Phaolô, thánh Leo Cả, trong bài thánh ca hôm nay tất cả đều mạc khải cho chúng ta sự thật này. Chúng ta trung thành lặp lại những lời của tiên tri Isaia và kêu cầu Chúa Kitô dưới danh hiệu “Khôn ngoan”, bởi vì Ngài là ánh sáng xua tan bóng tối trong tâm trí chúng ta để chúng ta nhận biết Ngài, yêu thương Ngài và cuối cùng là để được cứu độ bởi con trẻ được vấn bọc trong khăn. Lạy Đấng Khôn ngoan, xin dạy chúng con nẻo đường của Ngài. 

Vẻ đẹp tuyệt vời của Nhập thể và Giáng sinh là việc Chúa Kitô hoàn thành mọi điều đã được các tiên tri loan báo về mình. Ngài đáp ứng mọi ước vọng và mọi khát khao của tâm hồn chúng ta, không trừu tượng hay xa vời, nhưng trong sự gần gũi và theo cách dễ tiếp cận nhất: qua một hài nhi. Lạy Đấng Khôn ngoan, xin hãy đến. 

Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn