ĐÔI ĐIỀU VỀ NGƯỜI ĐỆM ĐÀN
An-tôn Tiến Linh 19-9-2019.
1. Cách đây không lâu, người viết có trò chuyện với vài người bạn là ca trưởng của một số ca đoàn trong một buổi cà-phê sáng. Anh này than với anh kia, người đệm đàn của ca đoàn tôi không những làm khổ ca viên mà còn làm khổ cho cả cộng đoàn, tất cả dường như phải bị chia trí trong thánh lễ vì anh luôn mở tiếng đàn quá lớn, chẳng còn nghe được tiếng hát! Một anh khác thì than rằng người đệm đàn của ca đoàn tôi chẳng bao giờ đi học hát và chẳng bao giờ tập dượt trước, cứ đến giờ lễ là vô đàn thôi, nhiều khi muốn dàn xếp cách này cách nọ mà không thể được… làm cho ca trưởng và ca đoàn rất nhiều khi bị lúng túng lo ra, lúc tập dượt thì hát mạnh- nhẹ- nhanh- chậm như thế nào, mà khi anh ấy ngồi vô đàn lên đệm cho ca đoàn hát thì bao nhiêu công phu tập dượt mất hết!... Dường như đây là những hiện tượng khá phổ biến trong các ca đoàn hiện nay.
2. Rồi một hôm, tình cờ nói chuyện với một cha xứ, ngài là một linh mục thánh thiện tốt lành, dễ gần với con chiên bổn đạo... Ngài kể rằng trong các ca đoàn của Giáo xứ, thì chỉ có mỗi ca đoàn của “Dì Tư” (một nữ tu) là có vấn đề, vấn đề mà ngài đã vài lần góp ý mà chưa sửa được, đó là chính Dì Tư khi đệm đàn hay mở âm lượng lớn quá, đặc biệt ở chỗ là tất cả các bài hát vừa kết thúc thì Dì Tư lại nhấn pedal cho âm lượng lớn hơn nữa một cách đột ngột, và cùng lúc tay phải vuốt phím đàn lên trên một quãng tám. Mà bài nào cũng làm với động tác như thế, nếu ai không quen thì có thể phải giật mình! Có người còn cho rằng Dì Tư bị lãng tai!... Vào một buổi chiều, ngay sau thánh lễ có một cụ ông vào gặp cha xứ trong phòng thánh để nói rằng cụ đã phải chịu đựng tiếng đàn như thế này quá lâu rồi: “… xin cha lo liệu dàn xếp cách nào chứ, nếu cứ như thế này mãi thì con chết mất!”. Và ngay đêm hôm đó cha xứ được tin ông qua đời! Rồi từ đó cho đến một thời gian lâu sau, Dì Tư vẫn mang tiếng là “đệm đàn chết người”.
3. Một lần khác, người viết cũng được dịp tiếp xúc với một cha xứ ở vùng ven Sài-gòn, ngài cũng than về người đệm đàn của ca đoàn chính trong nhà thờ. Trước đây anh ấy chơi đàn mở trống phách xập xình rất lớn, chẳng qua anh ta là nhạc công chuyên chơi đàn cho các tụ điểm giải trí cũng như ở các phòng trà tiệc cưới… ngài không dám nói, không dám có ý kiến vì sợ rằng anh ấy buồn rồi không đi đàn nữa thì ca đoàn chẳng có ai đàn và nhà thờ cũng sẽ không được nghe tiếng đàn… “Sau này, anh ấy đã sửa đổi cách đệm đàn nghe cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều, nhờ những thông tin hay những lần gặp gỡ hội thảo thánh nhạc, nhất là nhờ cuốn “Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc” mà anh ấy đã không còn mở trống điệu của đàn organ điện tử nữa, rồi cũng không còn mở những sắc tiếng chói tai như trước đây anh thường dùng… Tuy nhiên, vẫn còn một số những điều tồn tại chưa được ổn, nhưng được như thế này là tốt lắm rồi!”
4. Bỉ phu gặng hỏi chưa ổn chỗ nào thì ngài cũng cố gắng để mô tả như sau. Ngài là người không giỏi âm nhạc, nhưng hồi bé ít nhiều ngài cũng yêu thích nhạc hoà tấu và hợp xướng nên cũng có vài nhận xét cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ! Tuy là anh ấy đã chơi đàn khá hơn nhiều và không còn dùng trống phách nhịp điệu tự động nữa, anh ấy đã dùng những sắc tiếng dễ nghe như tiếng đàn church organ, tiếng strings… “nhưng chưa hiểu sao mà tôi vẫn còn bị chia trí lo ra”, cha xứ nói; dường như anh ta đệm theo nó lại “không hợp” hoặc “không ổn” nhiều chỗ trong một ca khúc! Bỉ phu khẳng định: “Nếu đã dùng tiếng đàn church organ thì lý tưởng quá rồi, hay là anh ấy không đệm đàn theo đúng tinh thần bài hát?”, cha xứ trả lời: “Không phải vậy đâu”. Bỉ phu: “Hay là có thể anh ấy không cầu nguyện trước khi đàn?”. Cha xứ: “chắc chắn cũng không phải thế”. Bỉ phu cũng thêm nghi vấn: “Hay là kỹ thuật ngón đàn?!”. Cha xứ: “Càng không thể như thế, tôi biết anh này đã chơi đàn dương cầm đến hết Classiques favoris du piano cuốn 4 rồi, tôi còn biết anh ta có thể thị tấu dễ dàng nhiều nhạc phẩm trong cuốn Organistes Célèbres như chơi”. Bỉ phu lý giải: “Hay là vì anh ta chơi nhạc ở các tụ điểm phòng trà lâu rồi nên quen cái tinh thần đó, quen với kiểu âm nhạc đời mở âm lượng lớn…; nên bây giờ đem phong cách đó, tinh thần đó để đệm đàn trong nhà thờ thì cha cảm thấy không hợp chăng!”. Cha xứ trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói: “có thể…, nhưng hoàn toàn không phải vậy, anh ấy bây giờ đệm đàn cũng ý tứ lắm, và không bao giờ mở âm lượng lấn át tiếng hát như trước đây nữa”.
5. Như một điều chi bí mật được vén mở, được khám phá, cha xứ tiếp: “Vấn đề hoà âm, chắc chắn là câu chuyện này, những hợp âm anh ấy đệm theo trên đàn có khi hợp và cũng có khi không hợp bởi những hợp âm anh ấy chơi hình như là “không đúng” ở một vài chỗ nên nghe chói tai, hoặc nghe cảm thấy “ngượng”, như bị đối nghịch va chạm giữa tiếng đàn với tiếng hát, chứ không hoà với nhau làm cho tôi chia trí!”
6. Như vậy, vấn đề không hẳn ở chỗ người đệm đàn phải có lòng đạo đức, không hẳn phải có tinh thần như thế nào trước khi đệm đàn, không hẳn phải cầu nguyện trước khi đệm đàn, cũng không hẳn và không riêng gì chuyện phải sử dụng tiếng đàn như thế nào mới phù hợp, và càng không thể đòi hỏi người đệm đàn là phải đệm như thế nào cho có hồn… Xem ra đó cũng là những điều kiện cần thiết nhưng không đủ! Bởi lẽ người đệm đàn (nói chung là organist) cũng chỉ là một người thợ! Thực sự là một người thợ bảo làm sao thì phải làm như vậy, bản đệm đàn được ghi như thế nào thì người đệm đàn phải đàn y như thế đó, nghĩa là trên bản đệm đàn thường đã có sẵn tất cả những gì cần thiết cho một tác phẩm. Vì thế, ngoài vấn đề tinh thần như lòng nhiệt thành phục vụ, sống hoà đồng với ca đoàn, phối hợp và vâng phục ca trưởng… thực chất ta chỉ còn có hai việc cần bàn mà thôi, đó là kỹ thuật ngón đàn và bản đệm đàn mà bạn có.
7. Kỹ thuật ngón đàn người Pháp gọi là doigter, đây là một đòi hỏi chính đáng và tất yếu của một người đệm đàn. Bạn phải có sự rèn luyện trường lớp về kỹ năng ngón đàn, theo kinh nghiệm thì thông thường là mất khoảng hai năm bạn sẽ thuộc loại khá giỏi nếu bạn kiên trì tập luyện đều đặn mỗi ngày chừng 1 đến 2 giờ. Ở mức độ này, bạn có thể thị tấu được hầu hết các bản đệm đàn của các bài thánh ca Việt Nam.
8. Bản đệm đàn (BĐĐ), chúng ta phải có BĐĐ để người đệm đàn có thể nhìn vào đó mà cử lên trên phím đàn. Có những người không hiểu việc này rõ ràng, đối với nhiều anh chị đệm đàn thì thường cho rằng cần gì đến BĐĐ, ta cứ viết tên những hợp âm (Am Dm…) trên dòng nhạc của sách hát ca đoàn là ổn rồi, người đệm đàn nhìn vào đó mà chơi đàn không cần suy nghĩ! “Việc làm này chỉ có ở Việt Nam”, đây là lời phát biểu của Giáo sư Ca Lê Thuần trong cuộc trò chuyện với các nhạc sĩ cách đây đã lâu!
9. Theo cuốn HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC của UBTN trực thuộc HĐ Giám Mục VN ban hành vào tháng 7/2017, từ số 44 đến 47 và từ số 82 đến 85, cùng một số văn kiện của Toà Thánh, đặc biệt là HUẤN THỊ VỀ ÂM NHẠC TRONG PHỤNG VỤ (Instructio de Musica in Sacra Litugia - 05.3.1967), từ khoản 62 đến 67, thì đàn đại quản cầm cùng âm thanh của nó được quan tâm nhiều hơn mọi thứ nhạc cụ khác khi cử hành phụng vụ, tạm gọi chung là organ khi muốn nói đến cây đàn này, vì thực tế khi sử dụng đàn keyboard hay đàn Electon ta cũng có thể mở được sắc tiếng của cây đàn đại quản cầm này... Khi đàn organ được dùng chung với tiếng hát trong việc cử hành phụng vụ, thì Hội Thánh mẹ dạy rằng chức năng của nó chỉ là nâng đỡ tiếng hát, dùng các kỹ thuật hòa âm để làm cho tiếng hát được nổi lên mà không nhuốm màu trần tục, đó là đệm đàn phụng vụ.
10. Theo giáo huấn đó, từ BĐĐ của một bài thánh ca phụng vụ được viết trên giấy, chúng ta cử lên cây đàn organ cùng với tiếng hát của ca đoàn, lúc đó ta gọi là đệm đàn phụng vụ.
11. Tiếng Đức gọi BĐĐ là bekleidung nghĩa là mặc áo, tiếng Pháp, Anh và Ý thì kêu là accompagnement hoặc accompaniment, accompagnare nghĩa là đi theo, là hộ tống. Mục đích của nó là đánh nổi bài ca chứ không gây rối hoặc lấn át bài ca. Có nhiều kỹ thuật khác nhau để đánh nổi bài ca như, bài ca chuyển hành nhanh, BĐĐ đi chậm, bài ca ngân dài ở một dấu nhạc, BĐĐ chạy nhanh hay phỏng diễn ý nhạc trước đó hoặc giới thiệu một nét mới của nhạc đề sẽ xuất hiện sau đó…
12. Xem những BĐĐ của các nhạc sĩ bậc thầy như Bach, Mozart, Beethoven, Verdi … ta thấy BĐĐ là thành phần cốt yếu của bài ca, nó được dùng để đánh nổi, để bổ túc và để nói lên những gì mà dòng ca chưa tỏ ra hết. Điều mà bỉ phu lấy làm thích thú nhất là nó cũng như chiếc áo đẹp, chỉ mặc vừa cho người này mà không vừa cho người khác, và khi BĐĐ được viết cho nhiều nhạc cụ thì ví như chiếc áo thêu dệt công phu nhiều mầu sắc, lại càng thêm giá trị… Hoặc có thể ví BĐĐ như một vườn hoa đầy màu sắc và bài ca như những con ong con bướm bay lượn trên nó. Hơn nữa, một người thì có thể có nhiều chiếc áo để thay đổi, thì bất cứ bài ca nào cũng vậy, có thể có nhiều kiểu viết hòa âm cho BĐĐ hoặc những bản đàn độc tấu dựa trên nhạc đề đó, và từ đây phát sinh lối viết khai triển nhạc đề theo nhiều kiểu khác nhau và ta thường gọi là các khúc biến tấu trên một nhạc đề (variations), và cái khó còn lại là chọn những kiểu nào cho thích hợp nhất, xứng đáng nhất với bài ca.
13. Như vậy, viết BĐĐ thuộc lĩnh vực hòa âm và sáng tác, có thể coi đó là sáng tác lần thứ hai, mục đích tạo nên cái mới để bổ túc để trang điểm để nâng đỡ… cho một dòng ca đã được sáng tác (vì nhạc đề là baì ca đã có sẵn nên nó phải là thành phần chính của BĐĐ và không thể sửa chữa), và như thế nó rất bao la mênh mông với nhiều đòi hỏi cho người đệm đàn, trong đó trình độ, lương tri và sự kiên nhẫn là ba yếu tố cần thiết nhất. Nếu người đệm đàn không viết được BĐĐ thì phải nhờ nhạc sĩ viết cho, chứ không nên tự ứng tác với những hợp âm ghi trên bài hát. Nói đến đây, người viết cũng rất mong những nhạc sĩ sáng tác thánh ca thánh nhạc hiện nay cố gắng viết được BĐĐ để cho tác phẩm của mình được hoàn chỉnh, và hơn nữa, các anh chị đệm đàn sẽ khỏi phải lúng túng hay lo lắng về việc làm sao phải có BĐĐ.
14. Ta cũng nên hiểu rằng, khi hòa âm một dòng ca cho nhiều giọng nhiều bè hát khác nhau thì ta gọi là hòa âm cho ca đoàn, và khi hòa âm một dòng ca cho một hay nhiều thứ nhạc cụ ta gọi là hòa âm cho bản đệm đàn. Và ngay từ đầu môn học hòa âm, nhà trường thường bắt buộc học viên phải biết chơi đàn phím, dương cầm (piano) hoặc đại quản cầm (organ), là hai thứ đàn có thể chơi được nhiều bè cùng một lúc, biết để có thể chơi được những bản hòa âm mà bạn viết ra, như thế mới có kết qủa, bởi lẽ học hòa âm không phải là viết các công thức móc nối thế này thế kia, nhưng phải biết nghe, biết phân biệt các cơ cấu, liên kết hòa hợp hay tương phản giữa các âm thanh… Nói đến đây ta sẽ thấy thêm một lợi ích khác, nếu bạn biết chơi dương cầm hay đại quản cầm thì mới có khả năng để viết một BĐĐ ít nhất là thích ứng với khả năng đa dạng của hai cây đàn này, dĩ nhiên bạn phải học xong môn hòa âm, một môn học hao tổn khá nhiều công sức và đã khiến cho bao người bỏ cuộc, nhưng nó lại là nền tảng của mọi vấn đề trong ngành nghệ thuật này.
15. Xem ra có một số người đệm đàn ở các xứ đạo chưa hiểu rõ chức năng của nó cũng như sự kiên trì học hỏi cần thiết cho việc làm này, vì thế mới có những hiện tượng đáng tiếc như chúng ta đã thường gặp. Phải kiên trì học hỏi một cách bài bản, nếu không có thể xẩy ra những hệ luỵ đáng tiếc. Giả như bạn chưa học xong hoà âm, hoặc học xong nhưng chưa “tiêu hoá” được hết, hoặc bạn thông hiểu hoà âm và các quy luật của nó nhưng bạn lại không thông thạo kỹ năng của đàn phím… Bạn vẫn có thể viết được một bài hoà âm cho BĐĐ trên một ca khúc nào đó, mà khi cử lên BĐĐ cùng với tiếng hát của ca đoàn thì lại có thể trở nên rối rắm, BĐĐ có thể sẽ có nhiều chỗ mà ngón tay không thể sắp xếp được trên phím đàn, BĐĐ có thể làm cho bè hát không được đánh nổi, BĐĐ có thể làm cho người nghe cảm thấy “không đúng” hoặc “không ổn” như sự mô tả của cha xứ nọ… vô tình trở thành sai chức năng của BĐĐ.
16. Hoặc cũng có khi người đệm đàn cần phải cử những bài đàn riêng biệt như có thể đàn trước khi linh mục tới bàn thờ bằng những bài Entrée, hoặc lúc dâng lễ vật thì có những bài Offertoire, trong khi rước lễ thì có những bài Communion… được in trong cuốn Organistes Célèbres (xem Huấn Thị về Thánh nhạc và Phụng vụ, Khoản 4B - Huấn Thị về Âm nhạc trong Phụng vụ 1967, số 65).
17. Như vậy, rõ ràng là muốn trở thành người đệm đàn chân chính, trở thành một người đệm đàn theo đúng nghĩa thì bạn cần phải được trang bị về chuyên môn, trước hết phải học biết hoà âm và kế đến là thông thạo kỹ năng đàn phím, kỹ năng về ngón đàn của bạn càng thông thạo thì việc viết BĐĐ sẽ càng thuận lợi và càng tinh tế! Và một điều chắc chắn rằng, nếu bạn giỏi về kỹ năng đàn phím thì khi viết hoà âm BĐĐ, thì bản hoà âm này sẽ sắc bén và uyển chuyển hơn nhiều, sẽ có giá trị hơn so với người không biết chơi đàn phím… Vào những năm 80, tôi có xem một bản nhạc của người bạn thân, tôi xin góp ý sửa lại bè bass chỉ một nốt nhạc thôi, để làm cho móc nối hoà âm chỗ đó trở nên nhẹ nhàng hơn và tự nhiên hơn, người bạn tôi hết sức khiêm tốn đã sửa chữa ngay sau khi tôi nhận xét góp ý, và anh đã nói với tôi rằng do anh ấy bị ảnh hưởng bởi việc chơi đàn contrebass lâu năm mà không biết gì về đàn phím, nên mới viết hoà âm với bè bass chuyển hành như vậy…
18. Sau đây chúng tôi xin nêu ví dụ một số kiểu viết BĐĐ trên một nét nhạc mà qua đó, chúng ta có thể phân biệt được ít nhiều các giá trị khác nhau của bài hoà âm cho bản đệm đàn (xem trong hình)