Tại sao mừng lễ Giáng Sinh ngày 25 tháng 12 ?

Các học giả không đồng ý với giả thuyết cho rằng ngày tháng được chọn là cách thay cho ngày lễ hội ngoại giáo của Rôma, như lời bài hát cổ giáng sinh: “Ngày hai mươi lăm tháng Mười Hai, tình tính tang…” Nhưng đó chỉ là khoảng thời gian mua sắm trước Lễ Giáng Sinh mà thôi.

Ngày 25 tháng 12 đã ăn sâu vào khái niệm của chúng ta về Lễ Giáng Sinh đến nỗi khó có thể nghĩ tới ngày đó mà không kèm theo hình ảnh Ông Già Noël và những loại cây trang trí. Nhưng Chúa Giêsu có thực sự sinh vào ngày đó? Nếu chúng ta không biết, tại sao Giáo Hội mừng cố gắng vào ngày đó?

Chứng cớ từ Phúc Âm không nhiều: Chẳng hạn, theo Thánh Luca, các thiên thần báo tin Chúa giáng sinh cho một nhóm mục đồng. Nhưng các mục đồng có ra ngay giữa đêm Đông? Tác giả Andrew McGowan, hiệu trưởng trường Berkeley Divinity tại ĐH Yale, cho biết: “Có thể Lc 2:8 nói tới mùa sinh sản của cừu. Mặt khác, vào tháng 12 lạnh giá, có thể cừu đã được nhốt lại.”

Vậy có phải ngày 25 tháng 12 được chọn để thay thế lễ hội ngoại giáo như Saturnalia, Sol Invictus hoặc Mithras chăng? McGowan cho biết: “Mặc dù phổ biến ngày nay, giả thuyết về nguồn gốc Lễ Giáng Sinh vẫn là một vấn đề. Điều đó không thấy có trong các bản văn cổ của Kitô giáo. Các tác giả Kitô giáo thời đó không cho biết mối liên kết giữa điểm chí (solstice) và sự giáng sinh của Chúa Giêsu: Thánh giáo phụ Ambrôsiô (khoảng năm 339–397) mô tả Đức Kitô là Mặt Trời Thật, Đấng chiếu sáng hơn các thần khác. Nhưng các tác giả thời kỳ đầu của Kitô giáo không nghĩ ngày tháng đó được Giáo Hội chọn. Vả lại, họ thấy sự trùng hợp là dấu chỉ của trời cao, là chứng cớ tự nhiên mà Thiên Chúa đã chọn Chúa Giêsu hơn các thần ngoại giáo sai lạc.”

Năm 200, Clement ở Alexandria công nhận rằng người ta đã đề nghị vài ngày tháng khác nhau, chẳng hạn ngày 20 hoặc 21 tháng 4, hoặc 20 tháng 5. Ông không nói tới ngày 25 tháng 12.

Theo Jon Sorenson, trên trang Catholic Answers, Hippolytus ở Rôma giải thích trong cuốn “Commentary on the book of Daniel” (khoảng năm 204) rằng sự giáng sinh của Chúa Giêsu được người ta tin đã xảy ra vào ngày 25 tháng 12.

Hippolytus viết: “Mùa Vọng đầu tiên mong chờ Chúa giáng thế làm người, khi Ngài sinh ra tại Belem là thứ Tư ngày 25 tháng 12, khi đó Augustus cai trị năm thứ 42, nhưng từ Adam là 5.500 năm. Ngài chịu khổ nạn trong năm thứ 33, thứ Sáu ngày 25 tháng 3, năm thứ 8 triều đại Tiberius Caesar, khi đó Rufus và Roubellion là quan chấp chính.”

Trong cuốn Chronicon của Hippolytus, Chúa Giêsu sinh ra 9 tháng sau lễ kỷ niệm Cuộc Sáng Tạo. Sorenson cho biết: “Theo tính toán, thế gian được tạo thành vào thời điểm xuân phân (vernal equinox), ngày 25 tháng 3, nghĩa là Chúa Giêsu sinh ra 9 tháng sau, ngày 25 tháng 12.”

McGowan nói: “Hồi thế kỷ thứ 4, chúng ta thấy đề cập hai ngày mà người ta biết nhiều – và ngày nay cũng được cử hành – ngày Chúa Giêsu giáng sinh: ngày 25 tháng 12 theo Đế quốc Rôma Tây phương và ngày 6 tháng 1 theo Đông phương – đặc biệt ở Ai Cập và Tiểu Á.”

Hippolytus đặt vấn đề: “Đức Kitô có chịu khổ nạn trong năm thứ 33, vào ngày 25 tháng 3?” Nếu vậy thì chúng ta có biết chính xác ngày tháng của Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Chúa Giêsu chịu đóng đinh?

McGowan cho biết: “Có vẻ lạ, ngày Chúa Giêsu giáng sinh có thể liên quan ngày Chúa Giêsu chịu chết trong dịp Lễ Vượt Qua. Quan điểm này lần đầu tiên được đề nghị theo thế giới hiện đại của học giả người Pháp Louis Duchesne hồi đầu thế kỷ 20 và được học giả người Mỹ Thomas Talley phát triển đầy đủ vào những năm sau đó. Nhưng họ không chắc ngày đầu tiên có mối liên kết giữa ngày Chúa Giêsu giáng sinh và ngày Ngài chịu chết hay không.”

McGowan giải thích: “Theo Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh khi Chiên Vượt Qua bị hiến tế. Điều đó xảy ra vào ngày 14 tháng Nisan, ngay trước ngày lễ của người Do Thái bắt đầu lúc mặt trời lặn (được coi là bắt đầu ngày 15, vì theo lịch Do Thái, ngày bắt đầu lúc mặt trời lặn.) Tuy nhiên, trong các Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, Máccô và Luca, Bữa Tiệc Ly được tổ chức sau khi mặt trời lặn, lúc bắt đầu ngày 15. Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào sáng hôm sau – tức là vẫn thuộc ngày 15.”

Tertullian ở Carthage, khoảng năm 200, nói rằng cách tính cho rằng ngày 14 tháng Nisan tương đương với ngày 25 tháng 3 theo lịch Rôma. Về sau, ngày đó được coi là Lễ Truyền Tin – 9 tháng trước ngày 25 tháng 12.

Trong cuốn “The Spirit of the Liturgy” (năm 2000), ĐGH Biển Đức XVI đã xác định mối liên kết này: “Yếu tố quyết định [về ngày Lễ Giáng Sinh] là sự liên kết của sự sáng tạo và Thập Giá, của sự sáng tạo và sự nhập thể của Đức Kitô.”

McGowan nói rằng theo Kitô giáo Đông phương, ngày thụ thai và ngày chết của Chúa Giêsu có liên quan với nhau: “Thay vì từ ngày 14 tháng Nisan theo lịch Do Thái, Đông phương dùng ngày 14 tháng đầu tiên của Mùa Xuân (Artemisios) theo lịch Hy Lạp – ngày 6 tháng 4 đối với chúng ta. Dĩ nhiên, ngày 6 tháng 4 tới ngày 6 tháng 1 là đúng 9 tháng, thế nên ngày 6 tháng 1 là ngày Lễ Giáng Sinh của Giáo Hội Đông phương.”

Tại Đông phương, chúng ta có chứng cớ rằng tháng 4 liên quan cuộc đóng đinh của Chúa Giêsu. ĐGM Epiphanius ở Salamis viết: “Vào ngày 6 tháng 4, Chiên Thiên Chúa ở trong cung lòng của Đức Nữ Trinh, Ngài hy sinh vì tội lỗi của thế gian.” Ngay cả ngày nay, Giáo Hội Armenia vẫn cử hành Lễ Truyền Tin vào đầu tháng 4 (ngày 7 chứ không ngày 6) và Lễ Giáng Sinh là ngày 6 tháng 1.

JOHN BURGER

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)
Mới hơn Cũ hơn