Cuộc hoán cải của thánh Phaolô

Mỗi cuộc gặp gỡ Thiên Chúa là một câu chuyện riêng tư.

Ngày 25 tháng 1, Giáo hội cử hành lễ kính Thánh Phaolô trở lại, một trong những cột trụ xây nên Giáo hội qua nhiều thế kỷ.

“Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh” (Êph 1,17-18)

Saolô là một người có học thức và nhiệt thành. Ông lớn lên giữa giới quý tộc Do thái thời đế quốc Rôma, nổi bật với quyết tâm chống lại bất cứ ai theo Chúa Giêsu. Vì vậy trên đường đi Damasco để truy sát các kitô hữu, ông bị một luồng sáng đập vào khiến ông ngã ngựa. Tia chớp và ánh sáng chói loà chất vấn ông: Saolô, Saolô sao ngươi bắt bớ ta? […] Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Hãy chỗi dậy và đi vào thành: Ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì (Cv 9,4-6).

Saolô bị mất thị lực. Thật là hỗn độn cho một con người thông minh và quyết đoán này. Ông ngoan ngoãn vâng phục và tin tưởng, để mình được dẫn đến Damasco: thời gian mù loà này, đối với Saolô, là một cơ hội để thinh lặng và suy ngắm – đó cũng là thông điệp hy vọng vì Thiên Chúa có sức mạnh phi thường để khôi phục chân lý nơi tâm hồn Saolô, và đưa ông đi trên con đường chính trực. Sau ba ngày, Chúa sai Anania, đồ đệ của Damas, đến chữa cho Saolô: “vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel” (Cv 9,15).

Vì đó, Giáo hội có vai trò quan trọng trong việc hoán cải của thánh Phaolô. Ở đây Giáo hội có vai trò như người điều đình và kiến tạo: Chúa Kitô muốn qua Giáo hội của mình để dạy dỗ Saolô. Cuối cùng ông cũng đã được nhìn thấy và đón nhận Chúa Thánh Thần qua Bí tích Rửa tội. Được Thiên Chúa chọn từ lòng mẹ dành cho sứ mạng đặc biệt, thánh Phaolô đã hiểu được mọi thứ khi nhìn thấy Ánh sáng: Chúa Thánh Thần đã mạc khải cho ngài chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa. Và rồi Saolô lấy tên là Phaolô, nghĩa là “nhỏ bé”, trở thành môn đệ của Chúa, đi khắp thế gian để loan báo Chúa Kitô Phục sinh.

Nếu như việc hoán cải này thật ấn tượng và dứt khoát, thì nó cũng không chỉ dành cho những vị thánh lớn và các Tông đồ của Tin mừng: bởi vì mỗi cuộc gặp gỡ với Chúa đều riêng tư, mỗi lời kêu gọi đều duy nhất, mỗi câu chuyện đều riêng biệt. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta hoán cải, nghĩa là mở rộng tâm hồn cho lời mời gọi của Chúa để ra đi gặp gỡ Ngài cách riêng tư. Thật vậy, mọi cuộc hoán cải đều bao hàm sự biến đổi, một bước từ trạng thái này sang trạng thái khác, một sự sửa đổi theo cái nhìn tái sinh sang cuộc sống mới. Với một hành động của ý chí, chúng ta quyết định cách tự do để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để tâm hồn mình hướng lên Chúa Kitô Phục sinh và tiến tới trên con đường nên thánh. Thánh Phaolô chỉ rõ cho chúng ta con đường này: bị mù mắt và đảo lộn, ngài chấp nhận với tâm tình tín thác và phó dâng cuộc đời trong tay Thiên Chúa. Ngài đã đón nhận Ơn sủng tuôn đổ trên mình và để Chúa biến đổi mình. Sống thinh lặng 3 ngày, để lắng nghe tiếng Chúa và đáp trả lời mời gọi của Chúa hầu biến đổi cuộc đời.

Qua hình ảnh của thánh Phaolô và các thánh, những người đi trước chúng ta, chúng ta cầu xin Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời của mình và làm cho đức tin của chúng ta lớn lên. Chấp nhận buông bỏ tất cả và tin tưởng vào Thiên Chúa, đi theo con đường Chúa chỉ cho chúng ta. Chỉ có Chúa mới có thể làm cho chúng ta thoả mãn và ban cho cho chúng ta hạnh phúc mà chúng ta mong muốn.

Hãy biết thinh lặng và lắng nghe từng hơi thở của Thánh Thần, để đáp lại lời kêu gọi biến đổi tâm hồn và đặt Chúa vào vị trí trung tâm của đời sống chúng ta.

Tranh của Caravaggio, 1600-1604, tại nhà thờ thánh Maria del Popolo, Rome


Tranh của Bertholet I Flemalle, 16126-1650, bảo tàng Augustins, Toulouse (Pháp)


 
Tranh của Karel Dujardin, 1662, tại phòng triển lãm Quốc gia, London



Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng
Nguồn tin: it.aleteia.org
Mới hơn Cũ hơn