Sáng hôm nay, thứ tư 15/01/2020, Đức Thánh cha Phanxicô tiếp tục bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ, đây cũng là bài cuối cùng trong loạt bài về sách này. Trong bài giáo lý hôm nay ĐTC tập trung vào hình ảnh của thánh Phaolô, con người can đảm, bất chấp bị xiềng xích, Phaolô vẫn làm cho Lời Chúa được triển nở.
20. “Phaolô tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô cách mạnh dạn và không gặp ngăn trở nào” (Cv 28,30-31). Phaolô bị cầm tù ở Roma và thành quả của việc loan truyền.
Anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta kết thúc bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ, với chặng truyền giáo cuối cùng của Thánh Phaolô: cụ thể là ở Rôma (x. Cv 28,14).
Hành trình của Phaolô là một trong những hành trình của Tin mừng, là bằng chứng cho thấy rằng những gãy đổ của nhân loại, nếu được sống trong đức tin, có thể trở thành nơi trung chuyển ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, qua Lời đức tin là chất men kích hoạt trong lịch sử, có khả năng biến đổi mọi hoàn cảnh và luôn mở ra những con đường mới.
Tường thuật của sách Công vụ Tông đồ, kết thúc với sự xuất hiện của Phaolô tại trung tâm của Đế quốc, nhưng không kết thúc bằng cuộc tử đạo của Phaolô mà với việc gieo vãi hạt mầm Lời Chúa. Đoạn cuối trình thuật của Luca, xoay quanh hành trình của Tin mừng trên thế giới, chứa đựng và tóm lược tất cả mọi năng động của Lời Chúa, Lời không thể cản được, khẩn trương thông truyền ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người.
Tại Rôma, trước hết Phaolô đã gặp các anh em của mình trong Chúa Kitô, là những người đã đón tiếp và khơi gợi lòng can đảm cho Phaolô (x. Cv 28,15) và lòng hiếu khách nồng hậu của họ cho phép nghĩ rằng họ đã chờ đợi và mong ngài đến biết dường nào. Sau nữa, Phaolô được phép sống một mình dưới đội quân canh gác, cụ thể là với một người lính canh chừng, vì ngài đang bị quản thúc tại gia. Bất chấp thân phận tù đày của mình, Phaolô có thể gặp gỡ những nhà lãnh đạo Do thái để giải thích tại sao ngài buộc phải kháng cáo lên hoàng đế Cesare và nói với họ về nước Thiên Chúa. Ngài cố gắng thuyết phục họ những gì liên quan đến Chúa Giêsu, bắt đầu từ Kinh thánh và trình bày tính liên tục giữa cái mới mẻ của Chúa Kitô và “niềm hy vọng của Israel” (Cv 28,20). Phaolô hoàn toàn thừa nhận mình là người Do thái và nhìn thấy trong Tin mừng mà Ngài rao giảng, cụ thể trong việc loan báo Chúa Kitô chết và sống lại, ứng nghiệm lời hứa được thực hiện cho dân được chọn.
Sau lần gặp gỡ đầu tiên không chính thức ngài thấy những người Do thái thật sẵn sàng, theo đó một cuộc gặp gỡ chính thức hơn diễn ra suốt ngày, Phaolô loan báo Nước Thiên Chúa và cố gắng mở ra cho những người đối thoại của mình về đức tin vào Chúa Giêsu, bắt đầu “từ luật của Môsê và các tiên tri” (Cv 28,23). Tuy nhiên không phải ai cũng bị thuyết phục, ngài tố giác sự cứng lòng của dân Thiên Chúa, là nguyên cớ cho sự kết án của ngài (x. Is 6,9-10), và say sưa tôn vinh ơn cứu độ cho các dân tộc tỏ ra nhạy cảm với Thiên Chúa và có khả năng lắng nghe Lời Tin mừng trong cuộc sống (x. Cv 28,28).
Tại thời điểm này của trình thuật, Luca kết thúc hoạt động của mình bằng cách cho chúng ta thấy không phải cái chết của Phaolô mà về sự năng động của ngài trong việc rao giảng, năng động của Lời “không thể bị xiềng xích” (2Tm 2,9) – Phaolô không có tự do đi lại nhưng có tự do để nói vì Lời Chúa không bị xiềng xích – là Lời sẵn sàng để mình được gieo trồng bởi đôi tay của vị Tông đồ. Phaolô thực hiện điều đó “với tất cả sự thẳng thắn mà không bị ngăn trở” (Cv 28,31), trong ngôi nhà nơi ngài đón tiếp những người muốn lãnh nhận lời rao giảng về Nước Chúa và muốn nhận biết Chúa Kitô. Căn nhà này, mở ra cho mọi con tim đang tìm kiếm, là hình ảnh của Giáo hội, dù bị bắt bớ, hiểu lầm và bị xiềng xích, nhưng không mệt mỏi đón nhận mỗi một người bằng con tim từ mẫu để rao giảng tình yêu của Chúa Cha, Đấng đã trở nên hữu hình trong Chúa Giêsu.
Anh chị em thân mến, chúng ta đã cùng nhau sống hành trình của Tin mừng trên thế gian, vào cuối chặng đường này, xin Chúa Thánh Thần làm sống lại nơi mỗi người chúng ta lời kêu gọi trở thành những nhà truyền giáo can đảm và vui tươi. Xin Ngài ban cho chúng ta khả năng, như thánh Phaolô, làm thấm nhuần căn nhà của chúng ta bằng Tin mừng và biến chúng thành bữa tiệc huynh đệ, nơi đón tiếp Chúa Kitô hằng sống, Đấng “đến để gặp gỡ chúng ta nơi mỗi người và trong mọi thời đại (Kinh tiền tụng Mùa Vọng)
G. Võ Tá Hoàng