Bất nhân: Y tá Vũ Hán có thai 9 tháng chăm sóc bệnh nhân coronavirus để quay phim tuyên truyền

Trong bài “Coronavirus: Pregnant nurse 'propaganda' sparks backlash”, nghĩa là “Coronavirus: Trò tuyên truyền nữ y tá mang bầu khơi lên phản ứng dữ dội”, đài BBC cho biết một đoạn video chiếu cảnh một y tá đang mang thai nhưng được cho là vẫn xung phong điều trị cho các bệnh nhân trong một bệnh viện ở Vũ Hán, tâm chấn của trận dịch coronavirus kinh hoàng, đang gây ra phản ứng dữ dội trên khắp Trung Quốc.



Đoạn video do đài truyền hình CCTV của truyền thông nhà nước đưa ra là nhằm miêu tả y tá Triệu Ngọc (Zhao Yu - 赵玉) mang thai 9 tháng như một anh hùng.

Nhưng thay vào đó, đoạn video này đã làm dấy lên trên các mạng xã hội những chỉ trích nặng nề vì bệnh viện đã để một y tá đang mang thai, bước đi một cách nặng nề chậm chạp như thế, làm việc trong một môi trường rất dễ lây lan.

Nhiều người không ngại tố cáo rằng người phụ nữ này đang bị lợi dụng như một công cụ tuyên truyền của bọn cầm quyền Trung Quốc.

Hơn 2,345 người đã chết vì coronavirus ở Trung Quốc, trong đó phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc.

Chỉ riêng tại Trung Quốc, đã có hơn 76,288 người nhiễm bệnh. Virus này cũng đã lan rộng trên toàn cầu với hơn 1,000 trường hợp nhiễm bệnh và hàng chục trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

Đài truyền hình CCTV của nhà nước Trung Quốc tuần trước đã đưa ra một đoạn video có cảnh Triệu Ngọc, đang làm việc trong một phòng cấp cứu tại một bệnh viện hiện do quân đội đảm trách ở Vũ Hán.

Đoạn video cho thấy cô đi quanh bệnh viện trong bộ đồ hazmat khi đang mang thai nặng nề. Cô đang kiểm tra một bệnh nhân, là người sau đó được gửi đến khoa sốt cao. Bệnh nhân này nói với cô rằng cô không nên làm việc ở đây vì rất nguy hiểm. Nếu cô chết thì đó là một xác hai mạng.

Triệu Ngọc, thừa nhận trong video rằng gia đình cô phản đối việc cô tiếp tục làm việc, nhưng nói thêm rằng cô hy vọng sẽ góp phần vào việc chống lại virus.

Nhưng đoạn video – nhằm gây xúc động nơi khán giả vì sự hy sinh bản thân của cô - đã chẳng gây được xúc động nào, trái lại, nó làm bùng nổ sự tức giận, trong đó nhiều người buộc tội đài truyền hình đã sử dụng câu chuyện của cô như một “hình thức tuyên truyền” quá rẻ tiền, và đây là một trò cực kỳ bất nhân khi bắt một phụ nữ mang thai 9 tháng đứng trên tuyến đầu như vậy.

Một người viết: “Liệu chúng ta có thể ngưng ngay tất cả các trò tuyên truyền nhảm nhí này không? Ai đã đưa ra quyết định cho rằng video này là OK? Phụ nữ mang thai không nên ở tuyến đầu của trận chiến kinh hoàng này, dứt khoát là như thế”.

Một người khác viết: “Đây là cái trò gì thế này? Phải chăng là một chương trình cho mục đích chính trị? Đừng bắt một người phụ nữ đang mang thai chín tháng làm điều này.”

Một người khác nữa viết: “Tôi thực sự nghĩ rằng cái thông điệp này đang xúi giục một cách mù quáng các phụ nữ chiến đấu trên tiền tuyến bất kể sức khỏe của họ. Đây thực sự là một ý tưởng bệnh hoạn.”

Và đó không phải là video duy nhất khiến cư dân mạng tức giận.

Một video khác được đăng tải trong tuần này bởi các cơ quan truyền thông nhà nước ở Cam Túc (Gansu - 甘肃) cho thấy một số nữ y tá bật khóc khi họ bị buộc phải cạo đầu.

Người thuyết minh trong video giải thích rằng cạo đầu sẽ làm cho phụ nữ dễ dàng hơn, khi mặc quần áo bảo vệ trùm kín đầu, để điều trị cho bệnh nhân.

Nhưng nhiều người nghi ngờ logic của điều này, và đặt câu hỏi tại sao phụ nữ không thể đơn giản là có mái tóc ngắn thay vì cạo đầu hoàn toàn. Những người khác hỏi tại sao không có video những người đàn ông cạo đầu.

Hashtag #SeeingFemaleWorkers trên mạng Vi Bác (Weibo - 微博), một mạng xã hội giống như Twitter của Trung Quốc nhằm kêu gọi mọi người nhận ra sự đóng góp của các phụ nữ trên tuyến đầu cho thấy nhiều người ủng hộ lập luận rằng:

“Tính chuyên nghiệp, niềm tin, lòng yêu người, can đảm là tất cả những phẩm chất đáng để tự hào. Phụ nữ không thể trở nên cao cả chỉ vì họ cạo đi mái tóc dài của mình.”

Đó là cái tweet được re-tweet nhiều nhất chứng tỏ nhiều người đồng ý như thế.

Một bài bình luận khác trên WeChat đặt câu hỏi: “Tại sao các phương tiện truyền thông luôn sử dụng sự hy sinh của phụ nữ như một công cụ để tuyên truyền? Những người phụ nữ này có thể đứng trên tuyến đầu với mái tóc dài của họ không?”

Đặng Tự Do
VietcatholicNews


Mới hơn Cũ hơn