Cha Eugène Mugnier Lý (1880-1922), Bề trên Đại chủng viện Đại An


CHA EUGÈNE MUGNIER LÝ
(1880-1922)
Bề trên Đại chủng viện Đại An

  
Eugène MUGNIER (tên Việt Nam là Lý) sinh ngày 13 tháng 7 năm 1880, tại Avressieux, địa phận Chambéry, vùng Savoie. Ngài học Tiểu Chủng Viện Pont-de-Beauvoisin, ở Savoie.

Ngày 15 Tháng 9 năm 1897, ngài nhập Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Chịu chức cắt tóc ngày 19 tháng 10 năm 1898, lãnh nhận các chức nhỏ ngày 23 tháng 9 năm 1899, và sau đó phục vụ quân ngũ trong vòng 1 năm. Ngài chịu chức linh mục ngày 07 tháng 3 năm 1903, và được sai đi nhận nhiệm vụ tại Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) ngày 30 tháng 4 năm 1903.

Việc đầu tiên là ngài học tiếng Việt tại Trà Kiệu với cha Bruyère. Vào tháng 4 năm 1904, ngài được cử làm giáo sư Triết ở Đại-An và ở đấy cho đến lúc mất. Ngài vẫn thường hay nói câu “In nidulo meo moriar” (Tôi sẽ chết trong tổ ấm của tôi – Gióp 29,18)

Tháng 10 năm 1911, ngài được cử làm bề trên Đại Chủng Viện thay thế cha Jeanningros vừa được đề cử làm giám mục phó. Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất xảy ra (1914-1918), ngài được ở lại, do đó trách nhiệm đè nặng trên đôi vai ngài bởi vì các giáo sư khác đều bị động viên vào quân ngũ hết. Tuy nhiên, ngài vẫn giữ cho chương trình học được ổn định và các môn học đều đặn nhờ vào nỗ lực, sự nhiệt tâm và khả năng làm việc của ngài. Thông minh và rất rõ ràng, ngài luôn đi thẳng vào nút thắt của vấn đề và đưa ra quyết định. Tính tình vui vẻ, biết cách gần gũi với mọi người, ngài được các học trò kính nể. Ngài thường chong đèn thức khuya làm việc.

Tuy nhiên có lẽ vì phải gánh vác quá nhiều việc nên gặp phải vấn đề về sức khoẻ. Ngày 15 tháng 5 năm 1920, ngài xuống Qui Nhơn để các bác sĩ tận tình cứu chữa. Tháng 9 ngài lại trở về Đại-An. Cái chết của giám mục Jeanningros ngày 21 tháng 3 năm 1921 đã ảnh hưởng đến ngài không ít. Đến kỳ nghỉ tháng 7, ngài đi đổi khí ở Sàigòn nhưng thay vì nghỉ mát ngài lại phải nhập viện và được giải phẫu ngày 12 tháng 8 tại bệnh viện Angier ở Sàigòn. Trong nhật ký ngày 2 tháng 8, ngài viết: “Tôi vui mừng vì Bác sĩ đã chọn ngày thứ Sáu để giải phẫu, vì như vậy tôi có thể bắt đầu bước lên đồi Canvê sau giờ thánh ngày thứ Năm. Tôi kết hợp những đau đớn và ưu phiền, nhất là sự mệt mỏi vì phải nằm bất động, với sự đau khổ của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta trên Thập giá. Tôi đau lắm nhưng có là gì so với những đau khổ của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào Thánh Tâm, tôi mong ước được ngài ban cho sức mạnh cần thiết để chịu đựng vì tình yêu Ngài và để sửa chữa bao tội lỗi của tôi. Nếu ngài muốn tôi phải chịu giải phẫu chính là vì ngài muốn điều thiện ích, ngay cả cho linh hồn tôi và để vinh danh ngài”.

Đại chủng viện Đại An


Ngày 27 tháng 9, thay vì đi về Pháp như mọi người mong muốn, cha Mugnier trở về Đại-An để dạy môn Luân Lý và giảng tĩnh tâm cho các thầy sắp chịu chức. Ngày 19 tháng 10, ngài phải đi Qui Nhơn và các bác sĩ thấy rằng vết mổ đã bị nhiễm trùng. Ngày 2 tháng 1 năm 1922, người ta chuyển ngài vào Sàigòn. Tình trạng sức khoẻ đã trở nên nghiêm trọng, ngài bị chứng mãn tính về ống tiêu hoá, táo bón. Hai tháng rưởi sau, vào ngày 18 tháng 3, Chúa đã gọi người tôi tớ tốt lành và trung tín của ngài về vào lúc 14 giờ 30.

Đức Cha Quinton đã viết: “Cha Mugnier đã an nghỉ trong Chúa vào chiều thứ Bảy. Ngài đã chịu đựng những cơn đau khốc liệt trong khoảng 10 ngày cuối cùng với một sự kiên nhẫn và cam chịu đáng thán phục. Tất cả nhân viên của bệnh viện Angier ca ngợi sự bình tĩnh và dịu dàng của ngài trong suốt cơn bệnh dai dẵng. Sau khi hát Kinh Chiều lễ Cầu Hồn, chúng tôi đưa ngài ra nghĩa trang Adran vào chiều Chúa Nhật. Tôi đã chủ sự Kinh Chiều, sau đó tôi xin cha Perreaux đi cùng tôi để làm phép huyệt và đọc những lời cầu kinh cuối cùng”

Một trong những đồng sự của ngài đã viết trong tập “Petit chronique du Grand-Séminaire de la Cochinchine orientale” rằng: “Chúng tôi hay tin buồn về cái chết của cha Mugnier, Requiescat in pace! Đại Chủng Viện Đại-An rất đau buồn vì mất đi vị bề trên chuyên tâm đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ, là giáo sư năm 1904 và bề trên từ năm 1911. Sự thông minh và tính nhân hậu, khôn ngoan và nhiệt tình đã làm cho các đồng sự và người Annam kính phục – xin thiên Chúa ân ban cho ngài lời hứa dành cho người tôi tớ tốt lành và trung tín”.

Một cộng tác viên cũng đã viết cho tập “Mémorial” của địa phận rằng: “Mới nghe tin cố Bề trên Lý qua đời, ai ai cũng lấy làm thương tiếc. Xưa rày cũng trông hoặc là Chúa còn để cho địa phận được nhờ lâu năm nữa, không dè cất sớm làm vậy! Chưa đầy một năm mà đã mất hết hai đứng cần trong địa phận!

“Cố Bề trên Lý đã thông thái, nhơn đức, lại nết ở dịu dàng, ai ai cũng lấy làm bằng bụng; ở trường Đại-An các thầy đều mến phục, mà các cha ở ngoài đó về gặp Cố thì cũng lấy làm vui … Thật là đáng thương tiếc!”

Trong bản di chúc viết bằng bút chì gởi cho giám mục để trên gường hấp hối, cha Mugnier để lại cho Nhà Chung một ít tiền, sách vở và đồ dùng cho để lại cho Đại Chủng Viện. “Tôi để lại chén thánh cho Chủng Viện, nếu sau này thấy cần cho ai đó trong các học trò của tôi như là chén thánh của Nhà Chung thì mặc ý”. Thật là một cuộc sống từ bỏ hoàn toàn!

Ngày 21 tháng 3, Đại Chủng Viện Đại-An làm lễ cầu hồn trọng thể do cha Lalanne chủ sự với sự hiện diện của Đức Cha, các cha Labiausse, Solvignon, Sudre, cha Sanh, Thầy Alarin, tất cả nhân sự của Chủng Viện và Nhà Thương. Tiểu Chủng Viện Làng Sông cũng dâng thánh lễ vào các ngày 21 và 22. Điều cảm động là Các Thầy và các Chú đã đóng góp được 18 đồng để xin 2 lễ mồ và 8 lễ missa cho cha vị bề trên của mình.

Cái chết của cha Mugnier (cố Lý) đã để lại bao tiếc thương cho các học trò của ngài. Xin giới thiệu bài văn tế cha Mugnier do các thầy của Đại Chủng Viện Đại-An viết, trích trong báo “Lời Thăm” của Địa phận Qui Nhơn, ngày 18 tháng Ba năm 1922. Đây là một áng văn hay thuộc thể loại văn chương mà ngày nay gần như đã biến mất …

VĂN AI THÁN
LINH MỤC EUGÈNE MUGNIER TẠ THẾ


Hỡi ôi!
Biển bắc sao dời;
Non đoài bóng xế.

Máy âm dương quay dường gió thổi,
chưa bao lăm đã mãn kiếp phù sanh;
Thoi nhựt nguyệt đưa tợ tên bay,
chẳng mấy khi đã xong đời sự thế.

Cuộc sanh ly nhớ đến thêm sầu,
tình phụ tử nghĩ bao xiết kể.

Nhớ Cha xưa:
tánh khí ôn hoà,
nết na diệm dẽ.

Tuổi bé thơ Chúa phú tánh lành, nhờ cha mẹ
 tập rèn đạo lý, chí lăm bồi cội đức nền nhơn.
Tác vừa lớn Bà thêm trí tuệ, nương sư bạn
 chỉ vẽ bút nghiên, lòng quyết tấn trường văn khuôn lễ.

Rèn lòng tìm kiếm thương thiên;
Dốc chí khinh chê phước thế.
Cuộc công danh sung sướng chi màng;
Việc phước đức gian nan chẳng nệ.

Thấy dân ngoại kính thờ thần phật, bèn định nhập Phari,
hầu lên vì Thầy cả, mới dạ phỉ tâm an;
Suy Viễn Đông tùng phục dị đoan, liền xin vào Hội giảng,
Vì lòng mến Chúa đành bỏ nhà quê;
Bởi đức yêu người giã từ cha mẹ.

Đặng vào trường dường ngư phùng thuỷ,
cuộc văn chương luyện tập rất tinh thông;
Vừa nhập hội như cẩm tú ba,
khoa đức hạnh trau dồi nên vẹn vẽ.

Vừa lên qườn tế lễ, lòng nao nức đi giảng Evang;
Mới lãnh vị thừa sai, dạ ước mong đem tin Cứu Thế.

Quê yêu dấu một phen từ giã,
xác hồn giao tay Chúa lòng Bà;
Xứ lạ lùng ngàn dặm xuất hành,
sống thác phú chơn trời mặt bể.

Đến Annam lòng mầng khấp khởi,
ra Quảng-Nam học tiếng quốc âm;
vào địa phận dạ khoái hoang mang,
ở Trà-Kiệu tập tành thói lệ.

Rất mầng thay, bạn với cố Nhơn;
May phước bấy, ở cùng cố Lý.
Bởi tài mẫn thiệp, chẳng mấy tháng mà thạo quốc âm;
Vì tánh ôn hoà, không bao lâu đã quen ý chỉ.

Những tưởng được ở luôn trong địa phận,
mà dạy dỗ con chiên;
Nào hay phải đi về tại nhà trường,
đặng tập tành học sĩ.

Khoa cách vật đến khoa lý đoán,
trót mấy năm dạy dỗ răn khuyên;
làm thầy giáo kế tiếp bề trên,
hằng ra sức tập tành chỉ vẽ.
Các khoa học giảng giải tinh thông;
Việc khúc mắc tỏ bày suôn sẻ.

Đã mấy năm đèn chong tỏ rạng,
gương sáng vặc tợ ngọc Côn-Cang;
Trót cả đời đức hạnh bay thơm,
tiết rạng ngời dường kim Giang-lệ.

Phước đức gồm tám mối vẹn tuyền;
Trí tài chất đôi xe hữu phỉ.
Việc Tôn Trái Tim trong địa phận, nọ ai bày?
Việc làm Giờ thánh ngoài giáo nhơn kìa ai chỉ?
Cách cư xử lịch lãm khiêm từ;
Bề tiếp rước đãi đằng vui vẻ.

Ngoài các cha bổn quốc, thảy đều trọng kính,
xem tày tiền bối, dường đấng phụ huynh;
Trong thầy chú nhà trường rất đỗi tríu trăn,
mến tợ thân sanh, thật tình sư đệ.

Không hề nghe dức lác quở la;
Chưa hề thấy quau quo hứ hé,
Khi chúng con an lành, cha ân cần dạy dỗ,
nơi văn phòng lòng trải lời thông;
Lúc chúng con đau đớn, cha chẳng nệ giúp đỡ,
bên gường liệt ngồi kề ghế để.

Việc linh hồn chăm chút âu lo;
Bề phần xác cũng không để phế.
Những ước trăm năm qui hạc,
cội bá tòng cây cả bóng che;
Nào hay bốn mốt xuân thu,
trong ngọc thể đã vương bịnh hệ.

Bịnh cha một ngày một nặng,
nên phải đi vào Gia-định tìm thuốc linh đơn;
Lòng con hằng bữa hằng cầu,
trông mau trở lại Đại-An hiệp vầy sư đệ.
Cũng tưởng ít lâu cha sẽ phản hồi;
nào hay một thuở tin ra tạ thế.

Ôi!

Ngọc trở Cang non;
vàng về Lệ Thuỷ.
Mới nghe tin kìa các chú nọ các thầy,
đều sững đứng thở than;
Vừa nghe nói ngoài mồ côi trong nhà phước,
thảy xúm ngồi khóc kể.

Ôi!

Cha ôi! Đứt khúc đoạn trường!
Hỡi cha hỡi! tả tơi can phế!

Vào nhà thánh thấy chỗ cha ngồi, ai chẳng nhớ thương?
Ra vườn hoa ngó phòng cha ở, ai không rơi lụy?
Ảnh Trái Tim đó, sách nguyện đó, cha đi đâu
chẳng thấy nơi bàn!

Tập Giờ Thánh đây, bàn in đây, cha đi đâu
không ngồi nơi ghế!

Rất thảm thay! Khi đau liệt mà cha bắc con nam,
chẳng đặng giúp đỡ một chút cho đành tất dạ,
tình cha con mà hoá chẳng cha con;

Ôi thương bấy, lúc lâm chung mà cha Hồ con Việt,
không đặng từ giã đôi lời cho thoả tấm lòng,
nghĩa sư đệ mà hoá không sư đệ!

Tuy sanh tử Chúa trời đã định,
ai ngờ đức nghiệp dường ấy, phước nhơn dường ấy,
mới mấy tuần thoát lánh cõi trần;
Dầu hiệp ly lời tục đã thường,
ai hay số rủi là đâu, phận bạc là đâu,
chưa một kỷ bổng đà phân rẽ.

Sau nầy, cơn bối rối con biết ai đặng tỏ bày?
Lúc phiền muộn con biết ai mà thỏ thẻ?
Hay là bởi chúng con xấu nết hư thân,
tập tành cam khổ, nên phải lánh cho xong?

Hay là thấy chúng con tối tăm mê muội
dạy dỗ gian nan, nên bỏ đi cho khoẻ?
Nhìn cỏ cây mấy đoạn sầu giăng;
Nầy lớn nhỏ hai hàng châu luỵ.

Công ơn cha như sông như núi,
lòng nghĩ tới chi xiết thở than;
Sầu thảm con dường biển dường ao,
dạ xét sau dâu cùng khóc kể?

Biết lấy chi tỏ lòng con thảo
mấy lễ mồ hiệp ý dâng lên.
Chẳng vật gì cám đức cha lành,
một bức hình ngàn thu xin để.

Đôi hàng vụng quê xin tỏ lòng đơn;
Một bài văn thán đặng làm dấu khí.
Hỡi ôi thương thay!

Chư học sĩ Đại-An trường đồng thán.
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Mới hơn Cũ hơn